Đề tài luận án tiến sĩ của ông Thích Chân Quang nhận nhiều ý kiến trái chiều

TH
Trong khi Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đánh giá đề tài luận án tiến sĩ của ông Thích Chân Quang rất bất hợp lý, thì trước đó Giáo sư Hoàng Chí Bảo và nhiều Giáo sư của Đại học Luật Hà Nội lại đánh giá cao.

Trao đổi với báo chí, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng thẳng thắn bày tỏ, chưa đánh giá về việc học hành và bảo vệ luận án của nghiên cứu sinh Thích Chân Quang (Vương Tấn Việt) nhưng đề tài luận văn “Nghĩa vụ con người trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam” là rất bất hợp lý.

TS Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng đề tài luận văn của ông Thích Chân Quang thiếu cơ sở lý thuyết và thực tiễn. Pháp luật quốc tế chỉ tập trung quy định về quyền con người, không trực tiếp quy định về nghĩa vụ con người.

thich-chan-quang-1719623588.jpg

Thượng tọa Thích Chân Quang

"Thứ hai, phạm vi hạn chế của nghĩa vụ con người trong pháp luật quốc tế. Trong pháp luật quốc tế, nghĩa vụ con người không được quy định rõ ràng, chi tiết. Các quy định của pháp luật quốc tế chỉ nhấn mạnh đến trách nhiệm của các quốc gia phải bảo đảm và bảo vệ quyền con người, hơn là quy định các nghĩa vụ cụ thể của cá nhân.

Thứ ba, khó khăn trong việc thu thập dữ liệu và nghiên cứu thực tiễn. 50% nội dung đề tài là không có dự liệu để thu thập, và tất nhiên là cũng không có thực tiễn để nghiên cứu.

Thứ tư, tính mới mẻ và đóng góp hạn chế. Một luận án tiến sĩ cần có tính mới mẻ và đóng góp thực tiễn hoặc lý thuyết quan trọng cho lĩnh vực nghiên cứu. Với đề tài này, tính mới mẻ và đóng góp sẽ bị hạn chế do thiếu các tiền lệ và nghiên cứu trước đó, cũng như phạm vi áp dụng thực tế của đề tài", TS Nguyễn Sĩ Dũng phân tích.

Làm rõ hơn quá trình đào tạo, chiều qua trường Đại học Luật Hà Nội thông tin chi tiết quá trình tuyển sinh, đào tạo, cấp bằng tiến sĩ luật học cho ông Thích Chân Quang chỉ trong 2 năm. Trong đó trường khẳng định việc ông Thích Chân Quang tốt nghiệp sớm bậc tiến sĩ hoàn toàn đúng quy định và đảm bảo các điều kiện của Bộ GD&ĐT.

Tuy nhiên, các chuyên gia đều không đồng thuận với cách lý giải của trường Đại học Luật Hà Nội. PGS Nguyễn Tiến Trung, giảng viên một trường đại học ở TP.HCM cho rằng việc một cử nhân hệ vừa học vừa làm (hệ tại chức) học thẳng lên bậc tiến sĩ không nhiều, "có thể coi là hiếm". Bởi người học hệ vừa học vừa làm đa số đã lớn tuổi hoặc chỉ nhu cầu có bằng đại học để đáp ứng chuẩn yêu cầu nghề nghiệp, không theo hướng nghiên cứu học thuật.

Trước đó, sau lễ bảo vệ luận án của Thượng tọa Thích Chân Quang năm 2021, trả lời báo chí, GT.ST Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, cho rằng luận án này là sự đột phá, có những sự phá cách trong quá trình bảo vệ Luận án.

Theo GS.TS Hoàng Thị Kim Quế - nguyên Phó Chủ nhiệm khoa Luật, Đai học Quốc gia Hà Nội, thành viên Hội đồng chấm luận án - đánh giá luận án có rất nhiều điểm mới, nhiều đột phá. Đó là sự trăn trở của nghiên cứu sinh khi đi tìm sự cân đối giữa quyền và nghĩa vụ của con người, lý luận chặt chẽ và các giải pháp đề xuất cũng rất phù hợp.

PGS.TS Tường Duy Kiên - Viện trưởng Viện Quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (thành viên Hội đồng) chia sẻ: Đây là lần đầu tiên có một nghiên cứu sinh tiếp cận đề tài về nghĩa vụ con người. Đồng quan điểm, GS. TS Nguyễn Minh Đoan (Đại học Luật Hà Nội), cho biết: “Hiện nay đã có nhiều nghiên cứu về quyền con người nhưng về nghĩa vụ thì đây là lần đầu tiên có công trình nghiên cứu thấu đáo”.