“Di Linh - Bản sắc và hội nhập” là chủ đề chuỗi các hoạt động của huyện Di Linh nhằm hưởng ứng Festival Hoa Đà Lạt lần thứ X - năm 2024. Đến thời điểm hiện tại, địa phương này đang tập trung thực hiện tốt nhất công tác chuẩn bị để sẵn sàng hoà vào “bản giao hưởng sắc màu” Festival Hoa Đà Lạt.
Nằm giữa giao lộ Quốc lộ 20 nối TP Hồ Chí Minh với Đà Lạt và Quốc lộ 28 nối thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông) với thành phố biển Phan Thiết (Bình Thuận), Di Linh là nơi du khách chọn làm điểm dừng chân trên đường đến với thành phố Đà Lạt. Đây cũng là nơi sinh sống của 20 dân tộc anh em như K’Ho, Châu Mạ, Hoa, Nùng, Churu, Sán Dìu, Ra Glai, Tày, Mường... Tỉ lệ bà con người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 42% dân số toàn huyện với nhiều sắc thái văn hóa phong phú, đa dạng. Đó là những điều kiện thuận lợi để huyện Di Linh phát triển du lịch địa phương cũng như thực hiện chuỗi các hoạt động đặc trưng nhằm hưởng ứng Festival Hoa Đà Lạt lần thứ X - năm 2024.
Theo ông Vũ Thành Công, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Di Linh trao đổi, K’Ho là dân tộc bản địa sinh sống lâu đời trên cao nguyên Di Linh. Nhiều năm qua, địa phương đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm phục dựng gần như nguyên vẹn những nét đẹp văn hóa trong lễ Mừng lúa mới của dân tộc K’Ho trên địa bàn huyện. Bởi vậy lần này, lễ Mừng lúa mới của dân tộc K’Ho sẽ tiếp tục được các nghệ nhân đến từ buôn K’Rọt Dờng xã Bảo Thuận tái hiện với đầy đủ cây nêu, cồng chiêng, rượu cần, bếp lửa… để phục vụ du khách đến với địa phương. Tại đây những người con của dân tộc K’Ho trên địa bàn huyện Di Linh sẽ cùng thử tài đánh chiêng, hát đồng giao, thổi khèn, múa xoang… Và giờ đây, Lễ hội Mừng lúa mới đã không chỉ là một nét đẹp riêng trong văn hoá cộng đồng của bà con dân tộc K’Ho mà còn là dịp để anh em các dân tộc cùng giao lưu để xây dựng cuộc sống đoàn kết, hạnh phúc, ấm no.
Và trong dịp này, huyện Di Linh cũng triển khai tổ chức các hoạt động gồm: Triển lãm hiện vật truyền thống, thực hành nghề truyền thống, món ăn truyền thống, các trò chơi dân gian… tại Làng truyền thống dân tộc K’Ho - thôn Klong Trao 1, xã Gung Ré. Làng là Dự án Hỗ trợ đầu tư bảo tồn giá trị truyền thống tiêu biểu của dân tộc thiểu số và miền núi gắn với phát triển du lịch từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 đã được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt và triển khai xây dựng. Thông qua hoạt động này cũng là dịp để huyện Di Linh quảng bá sâu rộng sản phẩm du lịch văn hoá đặc sắc này.
Tiếng cồng chiêng là niềm tự hào, nét đặc trưng của người K’Ho. Đó không chỉ là sự kết nối tâm linh con người với thần linh mà còn là sợi dây gắn kết lòng người. Tiếng chiêng là món quà mà bà con dân tộc K’Ho nói riêng và người dân Di Linh nói chung dùng để chào đón, chung vui với bè bạn. Với ý nghĩa đặc biệt đó, huyện Di Linh đã chọn tổ chức đêm hội cồng chiêng “Di Linh - Bản sắc và Hội nhập” để giã bạn. Đó là lời chia tay ấn tượng và đầy lưu luyến của Di Linh nói riêng và Festival Hoa Đà Lạt với bè bạn bốn phương.
Ngoài ra, huyện Di Linh cũng tổ chức các hoạt động nhằm quảng bá tiềm năng, lợi thế và tiềm năng đầu tư của huyện Di Linh như: giới thiệu, trưng bày sản phẩm đặc trưng của địa phương với chủ đề “Hương sắc Cà phê, Lan và Gỗ” với 30-34 gian hàng gồm: Sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, hoa lan, sản phẩm đồ gỗ, hàng thủ công mỹ nghệ, cà phê, rau, hoa, đan lát, hàng dệt may thổ cẩm, hàng nông sản… đặc trưng của địa phương. Đồng thời tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư trên địa bàn huyện Di Linh, kết hợp thông tin về Quy hoạch xây dựng vùng huyện Di Linh đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 với sự tham gia của các doanh nghiệp và các cơ quan báo chí truyền thông nhằm giới thiệu, quảng bá những tiềm năng, lợi thế của huyện để thu hút các nhà đầu tư.
Lãnh đạo huyện Di Linh cho biết, hiện địa phương đang tập trung hoàn tất công tác chuẩn bị để các hoạt động diễn ra thuận lợi, đạt các mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, huyện Di Linh cũng tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành trong huyện thực hiện các nhiệm vụ nhằm đảm bảo vấn đề an toàn thực phẩm không để xảy ra các trường hợp ngộ độc thực phẩm cho khách du lịch và người dân đến tham gia Festival Hoa Đà Lạt lần thứ X - năm 2024, các hoạt động hưởng ứng Festival Hoa Đà Lạt “Di Linh - Bản sắc và Hội nhập” và Tết Dương lịch năm 2025. Các đoàn kiểm tra liên ngành từ huyện đến xã/thị trấn đã được thành lập và tiến hành kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm dọc Quốc lộ 20 là nơi thu hút nhiều du khách, người dân tham gia ăn uống, nghỉ ngơi trên đường lên tham gia các hoạt động phục vụ Festival Hoa Đà Lạt lần thứ X - năm 2024 và các hoạt động hưởng ứng Festival Hoa Đà Lạt “Di Linh - Bản sắc và Hội nhập”.
Với sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị và sự chuẩn bị kỹ lưỡng, “Di Linh - Bản sắc và Hội nhập” hy vọng sẽ là một thanh âm ấn tượng trong “Bản giao hưởng sắc màu” của Festival Hoa Đà Lạt lần thứ X-2024.