Palay của tộc người Raglai ở Khánh Thượng, Khánh Vĩnh. Ảnh: Bảo tàng Khánh Hòa.
Tổng quan khoa học đời sống về kinh tế, xã hội của người Raglai
Dân tộc Raglai là một trong 54 dân tộc anh em sinh sống từ lâu đời trên lãnh thổ Việt Nam. Đồng thời là một trong 5 tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ ngữ hệ Mã Lai - Đa Đảo (Chăm, Raglai, Chu Ru, Êđê, Giarai) cộng cư trên duyên hải và miền núi Nam Trung Bộ. Tỉnh Khánh Hòa có 31 dân tộc anh em sinh sống gắn bó hàng thế kỷ, người Raglai với dân số là 122.245 người (theo Tổng điều tra Dân tộc và Nhà ở năm 2009) chiếm 3,4 % dân số toàn tỉnh, sống tập trung chủ yếu ở các huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Cam Ranh. Còn lại sống rải rác ở Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng…
Cùng với sự xuất hiện và vận động, phát triển của tộc người này song hành với dân tộc Chăm trên đất Khánh Hòa, người Raglai sớm hình thành từ khoảng trước thế kỷ XV. Tập quán du canh, du cư, sống đoàn kết và quây quần thành từng palây (làng), chhom (xóm). Người đứng đầu làng là các pô pa-lây (già làng). Thường người có công lập làng, có uy tín nhất trong vùng. Pô pa-lây thường được người già có kinh nghiệm (acoq ravuãh tuha) tham mưu, cố vấn. Một pa -lây được tổ chức cấu thành từ các họ hàng (pitẽq), gia đình (sàc). Mỗi gia đình gồm các thế hệ ông bà, cha mẹ, con cháu tuân theo chế độ mẫu hệ (boh sang). Người chủ nhà là người phụ nữ lớn tuổi nhất trong gia đình, thường thì đại gia đình.
Sau năm 1975, nhờ chính sách định canh định cư, đời sống cư dân đã định cư tập trung nhưng vẫn còn tập quán du canh rải rác ở những nương rẫy xa. Ngày nay, hầu hết các đại gia đình tách ra thành các tiểu gia đình. Đời sống kinh tế của họ chủ yếu tập trung làm nương rấy, cây trồng chủ lực là ngô, sắn… Con vật nuôi chính là bò, heo, gà, vịt... Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, họ còn biết làm gốm, đan lát, may trang phục cổ truyền, làm giấy… Thói quen tự cung tự cấp, hơi cách biệt nên cuộc sống họ còn nhiều khó khăn, chất lượng sống chưa cao. Thiết nghĩ cần có những nghiên cứu, minh định về tuổi thọ của người Raglai. Từ đó định hướng về phát triển đời sống, văn hóa cộng đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống cho họ.
Chúng tôi tìm về tận palay Hòn Dù, (xã Khánh Nam, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa) để tìm hiểu tường tận. Tìm đến làng, thì phải đi theo đường quốc lộ hướng Đà Lạt, khi nhìn thấy cổng chào của huyện Khánh Vinh, cửa ngõ Trung tâm huyện thì rẽ phải vào thị trấn, rồi đi qua cầu Thác Ngựa - Cầu Treo để vào làng. Nơi đây thì đời sống người dân hiện nay đã được nâng lên đáng kể, nhà cửa kiên cố do Nhà nước hỗ trợ nước sạch theo các con đường về tận nhà, Nhà văn hóa sinh hoạt công đồng khang trang. Phần lớn nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, trồng cây hoa màu, cây lấy gỗ như keo lai, chăn nuôi chiếm tỷ lệ ít hơn các vùng khác.
Đến thăm nhà bà Cao Thị Viên (sinh năm 1966) trong lúc bà ở thôn Hòn Dù, xã Khánh Nam đang làm lại nhà bằng tre. Qua cuộc trò chuyện mới thấy bà con Raglai rất mến khách, vui vẻ, có nghĩa tình. Bà Cao Thị Viên tỉ tê: Nhà trồng được 5000 m vuông keo lai đang đợi thu hoạch, còn 9000 m vuông trồng cây bắp, mảnh vườn nhà trồng xen canh cây ăn quả. Riêng chuối thương lái đến tận vườn thu mua. Nhờ mưa gió thuận hòa, thu được một năm là năm mươi triệu đồng, có cái ăn, cái mặt cho ấm cho no như người ta.
Bên cạnh thu nhập chính từ bàn tay chăm bón cây trồng, vật nuôi người Raglai còn có thói quen lên rừng hái lượm nhu yếu phẩm từ thiên nhiên như hái rau tàu bay, nút áo, măng rừng, bông đu đủ đực, lá sắn, nấm, tổ ong… để làm nguồn lương thực phụ nhưng giàu chất dinh dưỡng và sạch tự nhiên.
Gặp người Raglai ở xã Sông Cầu đang đi hái lượm để cải thiện cuộc sống như một thói quen. Ảnh: Bá Nha chụp trên đường tác nghiệp năm 2017.
Đậm đà bản sắc văn hóa:
Đó là một nét văn hóa mang tính đặc thù riêng biệt chứ không dị biệt. Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, tri thức của một dân tộc luôn thể hiện qua những hoạt động sinh hoạt cộng đồng, thì ở tộc người Raglai còn thể hiện hơn ở làn điệu dân ca, sử thi hát kể, tiếng đàn Chapi réo rắt hay câu ca ngọt ngào lúc trầm bổng lúc du dương, hay điệu hát kể, hát khan khi lâm nhâm, khi kể lể, hành văn theo lối tự sự qua nghe lời kể của những nghệ nhân hát, cao niên tiền lão.
Vốn văn hóa nghệ thuật dân gian Raglai khá phong phú và độc đáo, mang bản sắc riêng của mình. Trong đó, truyện kể (bao gồm truyện thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện loài vật, sử thi…) truyện thơ (akhar jukar), tục ngữ, ca dao, câu đố… thể hiện tâm tư, tình cảm và những khác vọng cao đẹp cần vươn tới của người Raglai.
Người Raglai vẫn còn gìn giữ những làn điệu dân ca như siri, manhi, alơu, sangơi, tah rugỡm… mượt mà và da diết, làm cho lay động lòng người. Những nghệ nhân Raglai ru hồn bằng những nhạc cụ truyền thống: bộ mã la (sar), chiêng (chieq), trống (sagơr), kèn bầu (saraken), kèn môi, đàn ống tre (chapiq), sáo cò (tale)… Độc đáo nhất là bộ đàn đá từ thời tiền sử để biễu diễn cùng với các nhạc cụ khác mà người Raglai luôn coi đây là tài sản quý báu.
Là bộ phận người bản địa, cộng đồng Raglai có bề dày về bản sắc văn hóa xuyên suốt trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước, cho đến giai đoạn cận đại và hiện đại. Đặc biệt là lễ bỏ mả được Bộ Văn hóa, du lịch và thể thao công nhận “Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia”.
Ngày nay, trong công cuộc đổi mới, phát triển hội nhập, sự giao thoa giữa các nền văn hóa khác nhau, ảnh hưởng tích cực từ lao động sản xuất đến việc trao đổi hàng hóa với dân tộc Kinh, Chăm, Jrai, Ê đê… đã tạo mối tương quan, biến đổi xã hội. Trước đây, theo phong tục và Luật tục truyền thống thì Người Raglai phải tuân thủ các lễ nghi trong mọi hoạt động sinh hoạt và tín ngưỡng đa thần. Ngày nay, thế hệ trẻ đã xã hội hóa các hoạt động như đám cưới, cũng làm tiệc, mời khách bằng thiệp như người Kinh, không nhất thiết là bắt rể mà tùy gia đình hai bên mà có thể cưới dâu, chọn rể. Các nghi lễ khác cũng làm nhưng tùy điều kiện mà tổ chứcc gói gọn, để tiết kiệm, đảm bảo kinh tế cho gia đình.
Lễ ăn đầu lúa mới và tết kakìq (Pơl bơc padai vahrơu su kakìq) Ảnh: Trần Kiêm Hoàng
Luật tục (lệ làng) có nhiều góp phần thuận lợi và có quan hệ với Pháp luật Nhà nước trong các quy định về giữ gìn và bảo vệ tài nguyên: rừng, đất và nước, môi trường cảnh quang, hành vi ứng xử trong quan hệ giữ con người với con người (đánh người, trộm cắp, hiếp dâm) thì luật tục cũng xử lý nghiêm từ cơ sở… Đồng thời luật tục tạo thuận lợi cho việc tuyên truyền,giáo dục, vận động toàn dân xây dựng sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, các cuộc vận động: “ Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, thực hiện “Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng Nông thôn mới”, “Chăm sóc Người cao tuổi”… tạo thuận lợi và sức đồng thuận lớn trong nhân dân về công tác: An ninh trật tự, an toàn xã hội, an ninh quốc phòng…
Trung tâm huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa): Ảnh Bá Nha chụp năm 2018
Tuy nhiên, trong những tiêu chí của luật tục cũng tồn tại một số định chế khắt khe, làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý Nhà nước, pháp chế như: về đất đai, người thừa kế, người thụ hưởng, mà người Raglai thì vẫn giữ tục mẫu hệ.
Trao đổi với chúng tôi về những giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc Raglai cũng như manh nha hoạt động nghiên cứu toàn diện, Chuyên gia - ThS Trần Kiêm Hoàng cho rằng cần xây dựng tiêu chí xác định các yếu tố tích cực và hạn chế trong truyền thống hôn nhân và gia đình người Raglai ở Khánh Hòa. Ông cũng khẳng định : “Cũng như các dân tộc Tây Nguyên khác, tín ngưỡng của người Raglai ở Khánh Hòa là tín ngưỡng vạn vật hữu linh (Animism), mọi sự vật, hiện tượng chung quanh đều có thần linh cai quản. Trong quá trình giao lưu với người Việt và các tộc người cận cư: Chăm, Churu, Ê đê… các nghi lễ có thể thay đổi một số nghi thức nhưng vẫn chi phối bởi cơ tầng văn hóa Đông Nam Á…”
Huyện Khánh Vĩnh có rất nhiều cầu treo bắt qua sông, nối các làng với nhau. Ảnh: Bá Nha
Theo suốt tiến trình lịch sử, người Raglai luôn trung thành tuyệt đối Họ đã đứng lên, xây dựng khối đại đoàn kết từ những pa - lây, hợp sức lại thành lực lượng cốt yếu cho cách mạng, góp sức bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Trong công tác vận động các phong trào lớn như: “Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở dân cư”, phong trào xây dựng “ Cá nhân, gia đình học tập, dòng học học tập, cộng đồng học tập… và xã hội học tập thì vai trò của luật tục đã đóng góp không nhỏ.
Tác giả nói chuyện với ông Cao Chiến ở làng Hòn Dù (Khánh Nam, Khánh Vĩnh, Khánh Hòa). Ảnh: CTV
Trải qua chiều dài lịch sử, sự thăng trầm, biến cố của hiện thực lịch sử, con người phải đấu tranh các thế lực ngoại xâm, thiên tai, và nhiều tác nhân khắc nghiệt khác. Song, hàng vạn thế hệ người Raglai luôn gìn giữ các lễ hội truyền thống, các cung bậc nghi lễ trong đời sống sinh hoạt tiểu gia đình, đại gia đình, rộng hơn là palay. Ngày nay, nói theo góc độ khoa học, những hình thái, sắc thái văn hóa của cộng đồng dân tộc Raglai mang đậm mùa sắc sử thi, có ý nghĩa về mặt giáo dục, định hướng xã hội. Qua tìm hiểu về luật tục và nếp sống, ta thấy được giá trị nhân bản, nhân sinh của một tộc người luôn trường tồn và phục hưng trong mái nhà chung của dân tộc Việt Nam.
PGS.TS. Nguyễn Duy Bính. Trưởng Bộ môn Lịch sử Việt Nam, Khoa Lịch sử Đại học Sư phạm Hà Nội: “Trong tiến trình thâm nhập, khảo sát, khảo tả nghiên cứu về văn hóa các dân tộc, trong đó có dân tộc Raglai, tôi cho rằng nên tập trung đi sâu nghiên cứu những nét độc đáo, đặc sắc về văn hóa tinh thần của người Raglai qua nghiên cứu: Tín ngưỡng truyền thống, Tôn giáo, Lễ hội, Những biến đổi của tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội của họ. Từ đó chỉ ra những nét độc đáo, đặc sắc so với các dân tộc khác cùng cộng cư trên địa bàn, để rồi phát huy, phục hưng những giá trị đó. Đồng thời tiếp tục tìm kiếm và nghiên cứu chuyên sâu các vấn đề về đời sống, sức khỏe, tuổi thọ và giải pháp tối ưu chăm lo phát triển của một tộc người là quan trọng.