“Soi bóng” - Mỹ thuật đô thị Thành phố Hồ Chí Minh từ dòng chảy lịch sử đến tương lai

Thông qua khái niệm “soi bóng” – một hình ảnh biểu tượng cho sự phản chiếu, tiếp nối và đối thoại giữa các tầng lớp ký ức không gian và cấu trúc hiện đại, tích hợp giữa bảo tồn di sản, phát triển cảnh quan đương đại và kiến tạo bản sắc đô thị bền vững.

dt4-toa-dam-soi-bong-1-1752850789.jpg

Những thành viên tham gia toạ đàm.

 

Thành phố như một tấm gương phản chiếu thời gian

Đô thị không chỉ là tập hợp của các công trình xây dựng, mà còn là thực thể văn hóa – xã hội phức hợp, nơi phản ánh sự tương tác giữa con người, không gian và thời gian. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và đô thị hóa nhanh chóng, việc nhận diện và soi rọi những giá trị lịch sử, mỹ thuật và cảnh quan trong lòng thành phố trở thành một yêu cầu cấp thiết nhằm định hình tầm nhìn phát triển bền vững.

dt1-kts-nguyen-thu-phong-1752850926.jpg
 

Kiến trúc sư Nguyễn Thu Phong (ảnh trên)– Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam chia sẻ “TP.HCM là trung tâm kinh tế lớn nhất Việt Nam, là đô thị có bề dày biến đổi địa – văn hóa. Hình tượng “soi bóng” mang ý nghĩa phản chiếu và tái hiện ký ức đô thị qua các lớp mỹ thuật – kiến trúc – cảnh quan, từ đó đề xuất quan điểm phát triển mang tính bền vững và giàu bản sắc”.

Soi bóng quá khứ: Di sản kiến trúc và mỹ cảm đô thị tiền hiện đại

Trong tiến trình phát triển, TP.HCM chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của dòng chảy kiến trúc phương Tây, đặc biệt là kiến trúc Pháp cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX. Những công trình biểu tượng như Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Trung tâm, Dinh Thống Nhất, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM… không chỉ đóng vai trò chức năng mà còn trở thành những “mốc thị giác”, nơi lưu giữ mỹ cảm đô thị thời kỳ tiền hiện đại.

Tuy nhiên, các yếu tố kiến trúc bản địa từ đình làng Nam Bộ, nhà phố ba gian, cho đến hệ thống hẻm ngoằn ngoèo, lại là những cấu trúc sống động mang tính cộng đồng cao. Chúng tạo ra “mỹ học tự phát” giàu tính xã hội, nơi mà ranh giới giữa kiến trúc và đời sống bị xóa nhòa, nhấn mạnh vào sự linh hoạt, thích nghi và tiết chế.

Di sản đô thị không chỉ tồn tại ở những công trình được công nhận, mà còn ẩn hiện trong các hình thức cư trú truyền thống, các yếu tố cảnh quan tự nhiên (như kênh rạch, cây xanh đô thị) và trong cả thói quen sinh hoạt không gian của cư dân. Đó là những “bóng ký ức” cần được nhận diện và soi chiếu lại trong quy hoạch đương đại.

Soi bóng hiện tại: Căng kéo giữa phát triển và bản sắc

Bắt đầu từ thập niên 1990, TP.HCM bước vào giai đoạn đô thị hóa nhanh chóng. Hàng loạt cao ốc, khu đô thị mới, trung tâm thương mại, trục giao thông hiện đại… ra đời, thay đổi mạnh mẽ diện mạo thành phố. Trong bối cảnh đó, mỹ thuật đô thị – với vai trò tổ chức ngôn ngữ thị giác, bản sắc không gian và cảm quan cộng đồng – dường như chưa được phát triển đồng bộ với tốc độ tăng trưởng vật chất.

Sự thiếu vắng quy chuẩn mỹ học đô thị nhất quán dẫn đến những biểu hiện lệch pha: kiến trúc nhập khẩu không phù hợp ngữ cảnh, công trình mang tính trình diễn hình thức, cảnh quan bị phá vỡ ranh giới truyền thống – hiện đại. Trong khi đó, các yếu tố “mềm” như ánh sáng đô thị, nghệ thuật công cộng, không gian tương tác cộng đồng, vẫn còn chưa được đầu tư đúng mức.

dt2-kts-ha-thanh-1752851246.jpg
 

Kiến trúc sư Hà Thanh (ảnh trên) KTS trưởng Tập đoàn Hưng Thịnh, nêu ý kiến “TP.HCM đang ở giữa cuộc đối thoại nội tại giữa ký ức và khát vọng, giữa bản địa và toàn cầu, giữa hiện hữu và tương lai. Việc “soi bóng” vào quá khứ không chỉ là nhìn nhận những gì đã mất, mà còn là cơ hội để phản tư về những giá trị đang có nguy cơ bị hòa tan”.

Soi bóng tương lai: Hướng đến đô thị có chiều sâu văn hóa và bản sắc thị giác

Để kiến tạo một TP.HCM phát triển bền vững, giàu bản sắc và có chiều sâu mỹ học, cần tiếp cận cảnh quan đô thị như một không gian tổng hợp giữa kiến trúc, môi trường, con người và nghệ thuật. Trong đó, mỹ thuật đô thị cần được đặt ngang hàng với quy hoạch kỹ thuật trong quá trình thiết kế đô thị – từ hệ thống chiếu sáng, bảng hiệu, đến các không gian công cộng nghệ thuật như: tượng, tường họa, sắp đặt. Kiến trúc bản địa nên được nghiên cứu lại như một nền tảng sinh thái – xã hội hữu ích, không đơn thuần là mô phỏng hình thức, mà là học hỏi cách tổ chức không gian linh hoạt, kết nối cộng đồng và tiết chế năng lượng. Cảnh quan đô thị phải được thiết kế như hệ sinh thái văn hóa – nơi có cây xanh, mặt nước, công viên mở và các không gian đi bộ kết nối đa tầng – tạo điều kiện cho việc “soi bóng” ký ức và hình dung tương lai trong cùng một khung hình.

Quan trọng hơn cả là việc xây dựng một tư duy quy hoạch xuyên thời gian: đô thị không chỉ dành cho thế hệ hiện tại, mà còn cho ký ức của tiền nhân và khát vọng của thế hệ mai sau.

“Soi bóng” như một phương pháp phản tư và kiến tạo

Theo Hoạ sĩ Trần Thanh Nam - Phó chủ tịch Hội mỹ thuật TP.HCM, trưởng khoa Mỹ Thuật Đô thị đại học kiến trúc TP.HCM “Khái niệm “soi bóng” không chỉ mang tính hình ảnh mà còn là một phương pháp luận trong tư duy quy hoạch – kiến trúc đô thị. Đó là cách thành phố tự phản chiếu chính mình qua các lớp lịch sử – hiện tại – tương lai, để từ đó xây dựng một không gian sống không chỉ tiện nghi, hiện đại mà còn sâu sắc về mặt văn hóa và thẩm mỹ”.

dt3-hoa-si-tran-thanh-nam-tai-buoi-toa-dam-soi-bong-1-1752851461.jpg

Hoạ sĩ Trần Thanh Nam tại (ngồi giữa) buổi tọa đàm "Soi Bóng"

 

Trong bối cảnh TP.HCM đang đối mặt với những thách thức to lớn về môi trường, mật độ dân cư, và toàn cầu hóa, việc trở về soi lại chính mình – qua mỹ thuật, kiến trúc và cảnh quan – chính là cách thành phố tìm lại linh hồn của nó. Và cũng là cách để bước tiếp về phía trước với một bản sắc rõ ràng, bền vững và đầy nhân văn.