Tập thơ là khúc đàn da diết mang âm hưởng của mọi thứ tình cảm trên đời, từ bền chặt keo sơn như tình cha nghĩa mẹ, đến mong manh mập mờ như cố nhân, tình đầu. Không chọn mở đầu bằng một bài thơ mang tình yêu lứa đôi nồng cháy để lôi cuốn độc giả, cho thỏa lòng những con người cơ cực đi tìm tình yêu trong thời đại mới, tác giả chọn thổi hồn vần thơ vào hình ảnh Nội, Má Mười, Má Hà, Ba, hay Cô Thứ. Để ta thấy được, vốn dĩ, trong cõi nhân gian, tình gia đình là nghĩa thiêng liêng nhất.
Mở đầu tập thơ là bài “Sinh - Dưỡng đạo đồng”, cũng chính là bức tranh tình cảm đầu đời của tác giả, bức tranh này có lẽ phải đi được một phần ba cuộc đời, con người ta mới nhận ra. Nhà thơ đã đan xen từng mảnh kỷ niệm, từng nhân vật trong chính câu chuyện cuộc đời của mình dệt thành hoài niệm, dệt thành niềm biết ơn.
“Sinh thành - dưỡng - dục đời này khắc ghi
Công ơn trời - biển sao bì
Tuổi thơ bỏng nhọt, diệu vi phúc hồng
Dưỡng - sinh nhân ngãi đạo đồng
Con làm người thiện ấm lòng mẹ, cha!”
(Sinh – Dưỡng đạo đồng)
Rõ ràng thơ là phần hồn của người viết, thơ cũng chính là tình yêu thương với những người thân mà tác giả khắc ghi cả cuộc đời này. Cứ thế, hình ảnh “Bóng cha” và “Sàn bánh hỏi của má” lại dấy lên dáng vẻ nghẹn ngào, nhớ nhà da diết của người con xa quê biền biệt. Xa cha nhớ mẹ, nước mắt lăn dài, lại chỉ có thể lụi hụi thủ thỉ với trang giấy mà trách móc mình đánh đổi quá nhiều thời gian của ba má. Đã qua rồi, giờ ta về lại nơi chốn xưa.
“Tết này con về thăm má
Bánh hỏi má làm con ăn phải một dây.”
(Sàn bánh hỏi của má)
Dẫu đã trải qua nhiều thăng trầm cuộc sống, cũng đâu thể né tránh được tình yêu. Bá Nha đã khéo léo che đi nỗi lòng yêu của chàng trai phong trần trong cánh hoa cỏ may sắc nhọn, nhức nhối một nỗi niềm đau của tình yêu trong xa cách.
“Dẫu ngày mai chân anh phong trần nơi quán lạ
Ngẫm một thời hai đứa cỏ may xanh…” (Hoa cỏ may)
Từng dòng thơ là từng nhịp ký ức cũng là từng nhịp tim của tác giả, có lúc vội vàng, có lúc đằm thắm, có lúc thổn thức, lại có lúc như hẫng đi một nhịp.
“Vậy mà tôi tưởng em tôi nhỏ
Ai biết người ta sang ngỏ cau
Nép đường hai họ đi qua ngõ
Tôi ngẫn ngơ nhìn em giữa ngâu.”
(Bỏ ngõ)
Cũng không quên vẽ nên thủ pháp thơ đặc sắc cho riêng mình. Trong bài thơ “ Bất chợt mưa hạ” tác giả đã gợi nên giai điệu trầm lắng với hình ảnh chiều hạ chợt mưa, cùng với môi xa, men tình hay giọt đắng cuốn trôi đi kỷ niệm xưa cũ. Nhịp thời gian dài đằng đẵng từ hè đến thu:
“Thu chờ trong heo hắt
Hạ về mưa bay bay…”
(Bất chợt mưa hạ)
Không thể phủ nhận rằng, thơ Bá Nha rất giàu hình ảnh, cảm xúc, nhưng có lúc những từ ngữ nhà thơ chọn lựa thật giản dị, mộc mạc, gần gũi với chúng ta. Dường như mỗi nơi đặt chân đến đều để lại trong tiềm thức tác giả một bức tranh sinh động có người, có cảnh, có vật, có cả sự lãng mạn của văn thơ.
“Trêu lữ khách
Giọt mồi hôi rơi
Khóe mắt mặn mồi
Nhớ biển.” (Cảm tác Kon Tum)
Thơ Bá Nha có những nét mới lạ trong từng chặng đường, từng nơi anh dừng chân. Nhưng lại không quên gắn bó, gần gũi với quê hương, với hình ảnh những cánh đồng mùa rơm. Anh đã lượm lặt những hạt thơ trên cánh đồng rơm rạ những năm thập niên chín mươi. Phải chăng thơ của anh đã bén rễ từ mùi rơm từ thuở hàn vi, trong những cơn mưa dưới mái nhà xưa xập xệ.
“Ngẫm ngày xưa mũ rơm chống đạn
Che mưa
Từ mái nhà xưa
Vách đất quyện sét trộn rơm
Cha gánh, mẹ nhồi, con khóc…
Ông nội trát mầm trỉ ban trưa.”
(Rơm)
Tôi thấu hiểu cảm xúc trong từng bài thơ của tập thơ này, đó chính là tâm hồn, là nội tâm nhà thơ. Là tình yêu thương cha mẹ, tình yêu đôi lứa, là tình cảm với những nơi anh từng dừng chân ghé lại và tình quê đậm đà chan chứa trong từng ý thơ.
TP. Hồ Chí Minh, 20/01/2022