Đón mùa nước nổi

TH
Mùa nước lên trở thành mùa vui đánh bắt “của trời cho”, đã và đang về đến đồng bằng. Cuộc sống nhờ vậy thêm phần nhộn nhịp, rôm rả, nhất là trên những cánh đồng. Mọi người rủ nhau tìm con cá, con cua. Có người kiếm thêm thu nhập, cũng có người tham gia cho vui, ôn lại một phần tuổi thơ lớn lên ở vùng sông nước.

Trên những cánh đồng xả lũ, có nơi nước chỉ mới vào xâm xấp mặt ruộng. Mùi của bùn, của gốc rạ trơ lại sau đợt thu hoạch… được nhiều người gọi là mùi của đồng quê, mùi của quê hương. Cá vào ruộng chưa nhiều, nhưng nước “dồn đuổi” chuột, ếch tập trung vào bờ nhiều hơn, không khí săn bắt trên đồng bắt đầu sôi động.

Thu hoạch lúa hè thu xong, nước bắt đầu tràn đồng, chuột không có nơi trú ngụ, buộc phải di trú từ đồng ruộng lên bờ đê, thân cây. Những khu vực dốc gò cao được xác định là nơi có hang chuột. Người có kinh nghiệm, chỉ cần nhìn miệng hang là biết có chuột hay không. Mỗi cách “săn” chuột có “đồ nghề” khác nhau, như: Leng, xà di, thùng nước, máy bơm nước…

 

Thú vị xem cảnh săn chuột đồng

Để bắt được chuột, có thể đào hang, dỡ chà, đặt bẫy. Ngoài ra, bắt chuột bằng cách đào hang bơm nước cũng độc đáo không kém. Trước hết, phải rào lưới xung quanh để chuột không chạy mất, sau đó dọn cỏ cho trống, đào lần theo miệng hang rồi bơm nước vào. Chuột bị ngộp nước, chạy ra ngoài, người săn chuột tha hồ chụp bắt. Có người chẳng cần rào lưới. Kinh nghiệm và bàn tay nhanh nhẹn của họ không để thoát con nào vụt lên mặt đất.

Dẫn đầu nhóm 4 người đi săn chuột, anh Nguyễn Văn Tân (ngụ xã Phú Thạnh, huyện Phú Tân) cho biết, chuột đồng mùa này thường là chuột cơm, chủ yếu ăn lúa trên đồng. Là một trong những đặc sản của miền Tây, giá chuột đồng được bán khá cao, từ 70.000 đồng (chuột còn sống) đến 100.000 đồng (đã sơ chế). Bằng kinh nghiệm, họ nhanh chóng tìm ra hang chuột. Chỉ nửa buổi sáng, lồng sắt đã chứa đầy chuột. “Săn chuột” đem lại nguồn thu nhập đáng kể trong những ngày nông nhàn, hạn chế chuột sinh sôi phá hoại mùa vụ tới.

Ngoài chuột đồng, thì ếch, cá, lươn… được rất nhiều người săn bắt. Những người muốn kiếm tiền từ sản vật tự nhiên phải “chạy đồng” nhiều nơi, từ đồng nhà (trong địa phương) tới đồng lạ (ngoài địa phương). Khác với việc bắt chuột cần có nhiều người phối hợp, “nghề” câu ếch ưu tiên hoạt động riêng lẻ. Cần câu dài 3-4m, một cái lồng và hộp mồi ốc bươu vàng là đủ đồ nghề ra đồng câu ếch. Ngay cả những nơi nước chưa tràn đồng, vẫn xuất hiện rất nhiều “thợ câu” hoạt động. Đầu mùa nước, ếch chưa lớn và mập mạp, nhưng cũng được săn đón vì thịt chắc, ngon, giá bán khá cao so với ếch nuôi.

Anh Nguyễn Văn Tài (ngụ xã Phú Xuân, huyện Phú Tân) chia sẻ: “Câu ếch phải chọn những nơi có lùm cây gần nhánh sông, kênh, luồng nước chảy nhẹ để thả cần, vì đây là địa điểm có thức ăn nhiều, ếch dễ hoạt động. Kinh nghiệm vẫn là yếu tố quyết định buổi đi câu thành công hay không”. Bù lại cho những phút kiên trì, mỗi ngày, dân câu ếch kiếm được 1-2kg ngoài đồng là chuyện thường, ai chuyên nghiệp hơn có thể “săn” số lượng khá để đem bán.

Hái cà na

Trên đồng quê, sẽ thiếu sót nếu không tham gia hái cà na vui nhộn. Ở đó, không có câu chuyện về “cây kinh tế”, thu nhập, mà từ những lát cắt tuổi thơ của từng người, lớp trẻ hình dung rõ nét về mùa nước nổi. Vài cây cà na mọc hoang, hay chỉ 1 cây trồng trước nhà cũng đủ gom không khí gần gũi, mọi người cùng chia sẻ bên nhau.

Anh Xuân Thu (ngụ huyện Thoại Sơn) hồi tưởng: “Thuở nhỏ, con nít ở quê có vô số trò để vui. Mùa nước lên thì cà na vừa kết trái. Mỗi ngày đi học về, đám trẻ tụm năm tụm bảy gọi nhau bơi xuồng đi thả lưới ngoài đồng. Trong lúc đợi cá cắn câu, xuồng neo vào những gốc cây cà na. Trái xanh no tròn, chấm với muối ớt là món ăn chơi hấp dẫn. Ăn không hết, đứa nào cũng dằn túi mang về...”.

Giờ lớn lên, có dịp rủ bạn bè về quê chơi, trải nghiệm bắt cá, bơi xuồng hái cà na, điên điển, bông súng… giản dị thôi, nhưng chúng tôi vô cùng tự hào. Đó là một phần cuộc sống, có cơ cực, có niềm vui đặc biệt mà chỉ trẻ con miệt vườn mới được tận hưởng miễn phí.

Con nước tháng 7, 8 (âm lịch) “lắm tôm, nhiều cá”, mang âm thanh của sung túc, ấm no khi dựa vào mẹ thiên nhiên đã lùi xa vào quá khứ. Nhưng mỗi độ mùa nước lên, người dân vẫn thưởng thức được nhiều loại thủy sản, rau trái đặc trưng mang đậm chất miền Tây.

Những người sống dựa vào mùa nước nổi đại đa số chuyển nghề, chỉ còn tập trung vùng đầu nguồn. Mùa nước nổi vẫn được đón đợi như một món quà quen thuộc hàng năm. Gác chuyện mưu sinh sang một bên, thì đây là khoảnh khắc đón đợi quà quê “thơm mùi ký ức”, sẽ được tiếp tục kể cho lớp con cháu về sau.