Động đất tại Kon Tum gây lo lắng cho người dân

Ngày 29/7/2024, một loạt các trận động đất đã xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, làm dấy lên sự lo lắng trong cộng đồng dân cư địa phương. Theo thông tin từ Viện Vật lý địa cầu, trận động đất lớn nhất trong ngày này đạt độ lớn 3.3.

Trưa 29/7, Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý Địa cầu) tiếp tục phát tin động đất thứ 18 trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Trước tình hình này, lãnh đạo Viện Vật lý địa cầu đã đưa ra nhận định ban đầu về nguyên nhân xảy ra các trận động đất này.

Theo đó, trận động đất thứ 18, lúc 11 giờ 34 phút 4 giây (giờ Hà Nội) ngày 29/7/2024 có độ lớn 3.3 xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.924 độ vĩ Bắc, 108.158 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.

Trước đó, 17 trận động đất đã diễn ra, trong đó trận động đất số 17 xảy ra lúc 10 giờ 46 phút 56 giây (giờ Hà Nội) ngày 29/7/2024 có độ lớn 3.0 xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.891 độ vĩ Bắc, 108.187 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0. Tất cả các trận động đất diễn ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Qua trao qua đổi điện thoại, anh A Kiểu (làng Vi Rơ Ngheo, xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông) cho hay: Đêm qua, khi nằm ngủ có cảm nhận được sự rung lắc nhẹ. Lâu lâu, bà con nghe những tiếng nổ phát ra từ trong lòng đất. Dù vùng đất này liên tiếp chịu ảnh hưởng của động đất nhưng lần này tần suất, rung lắc và số lượng nhiều khiến người dân lo lắng.

dong-dat-3.jpg

Viện Vật lý địa cầu đã lắp đặt 11 trạm quan trắc tại Kon Tum. Ảnh CTV.

Trao đổi với báo chí về việc liên tiếp xảy ra động đất tại tỉnh Kon Tum, ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết, những trận động đất xảy ra ở Kon Tum là trận động đất kích thích, gây ra bởi hồ chứa thủy điện. Dự báo động đất ở Kon Tum vẫn sẽ tiếp diễn trong thời gian tới.

Theo ông Nguyễn Xuân Anh, động đất kích thích là do hoạt động của con người gây ra, trong đó có việc tích nước hồ chứa, đập thủy điện… Sau trận động đất có độ lớn 5.0, dự báo động đất vẫn xảy ra nhưng khó có khả năng lớn đến khoảng 5.5 độ. Chính quyền địa phương, cơ quan chức năng cần tiến hành đánh giá thiệt hại, rà soát các công trình thiết yếu có nguy cơ bị ảnh hưởng từ động đất và đưa ra giải pháp đảm bảo an toàn. UBND các xã, thị trấn vùng tâm chấn cần tuyên truyền nâng cao kỹ năng phòng chống động đất cho người dân.

dong-dat-1(1).jpg

Vị trí tâm chấn động đất lần thứ 18. Ảnh Viện vật lý địa cầu.

“Viện Vật lý địa cầu đã triển khai lắp 11 trạm quan trắc tại Kon Tum để nghiên cứu và kịp thời đưa ra mức độ hoạt động của động đất. Động đất ở Kon Tum sẽ còn tiếp diễn và gây ảnh hưởng đến khu vực đông dân cư và công trình trọng điểm, nhất là vùng tâm chấn. Cơ quan chức năng cần cập nhật thường xuyên để đưa ra phương án thiết kế kháng chấn cho các loại công trình trọng điểm, khu dân cư”, ông Nguyễn Xuân Anh chia sẻ.

Trước đó, ngày 28/7, Báo Đại Đoàn Kết đưa tin, “Động đất 5.0 độ richter ở Kon Tum gây rung lắc nhiều tỉnh thành miền trung” phản ánh về việc, Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý Địa cầu) phát đi thông báo về trận động đất xảy ra lúc 11 giờ 35 phút cùng ngày, độ lớn 5 độ xảy ra tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, vị trí toạ độ (14.827 độ vĩ Bắc, 108.245 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1 km.