Đồng Nai khuyến khích nhân rộng các mô hình phát triển nông nghiệp hữu cơ

Đến nay, kết quả đạt được trong phát triển nông nghiệp hữu cơ (NNHC) là một trong những điểm sáng của ngành Nông nghiệp Đồng Nai khi diện tích đạt chứng nhận hữu cơ tăng nhanh qua từng năm và dự kiến đạt kế hoạch đề ra.
dong-nai4-1701676233.jpg

Ngành nông nghiệp Đồng Nai tập trung nhân rộng mô hình sản xuất hữu cơ với đa dạng sản phẩm cây trồng. Ảnh Hà Dũng

Sản xuất NNHC tại Việt Nam còn khá non trẻ so với thế giới với nhiều khó khăn, thách thức lớn như: ý thức của cả người sản xuất và người tiêu dùng về mô hình này còn hạn chế; chưa có các cơ chế, chính sách đủ mạnh; hệ thống cấp chứng nhận chưa hoàn chỉnh; quỹ đất để sản xuất hữu cơ không nhiều và cần phải có thời gian dài để cải tạo, chi phí đầu tư cao và thị trường không ổn định.

Riêng với Đồng Nai, phát triển NNHC còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do là tỉnh công nghiệp có nguy cơ ô nhiễm cao; các mô hình sản xuất hữu cơ còn có quy mô nhỏ nên chưa có cơ sở để đánh giá về thị trường tiêu thụ. Đối với sản phẩm hướng hữu cơ, mặc dù đã có các mô hình liên kết nhưng quy mô liên kết nhỏ, các điều kiện liên kết chưa chặt chẽ, nên việc tiêu thụ sản phẩm còn rất khó khăn; đa số người sản xuất phải tự tìm thị trường tiêu thụ với giá không cao hơn nhiều so với sản phẩm thông thường.

Theo Phó giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, thời gian tới, ngành Nông nghiêp Đồng Nai tiếp tục tập trung các giải pháp phát triển vùng sản xuất hữu cơ theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Trong đó, ưu tiên hoàn thiện kết cấu hạ tầng vùng sản xuất hữu cơ tập trung; xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu đối với sản phẩm NNHC của tỉnh; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại; tăng cường chuyển đổi số trong quản lý, truy xuất sản phẩm và thương mại điện tử…

Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển NNHC. Trong đó, tại Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23-6-2020, Thủ tướng Chính phủ giao cho UBND các tỉnh, thành phố xác định sản phẩm lợi thế, lĩnh vực chủ lực, vùng có lợi thế về sản xuất hữu cơ, phối hợp với Bộ NN-PTNT xây dựng đề án phát triển NNHC đáp ứng yêu cầu và phù hợp với tiêu chuẩn ngành Nông nghiệp.

Thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tập trung nhân rộng mô hình sản xuất hữu cơ với đa dạng sản phẩm cây trồng, vật nuôi. Theo đó, diện tích đạt chứng nhận hữu cơ trên địa bàn tỉnh tăng nhanh qua từng năm. Cụ thể, năm 2021, toàn tỉnh có 3,5ha cây trồng đạt chứng nhận hữu cơ; năm 2022, diện tích này tăng lên 7ha và hiện toàn tỉnh có 27,2ha diện tích cây trồng được cấp chứng nhận hữu cơ với nhiều sản phẩm như: tiêu, sầu riêng, rau…

Đặc biệt toàn tỉnh đã xây dựng được 7/8 mô hình sản xuất nông nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ với quy mô 27,2ha, đạt 87,5% chỉ tiêu kế hoạch. Dự kiến thời gian tới, tỉnh có thêm mô hình trồng tiêu với diện tích 2,2ha trên địa bàn H.Cẩm Mỹ được công nhận, như vậy hoàn thành 100% chỉ tiêu kế hoạch đến năm 2025.

Đồng thời, căn cứ định hướng phát triển công - nông nghiệp và khảo sát chất lượng môi trường đất, nước, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã quy hoạch được 8 vùng sản xuất hữu cơ tập trung với tổng diện tích gần 19 ngàn ha. Ngoài vùng tập trung, toàn tỉnh xác định thêm 23 điểm đáp ứng được điều kiện sản xuất hữu cơ tại các địa phương.