Đồng Nai: Phát triển nông nghiệp hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm

Vừa qua Đồng Nai đã ban hành nhiều nghị quyết, phê duyệt đề án và các chương trình hành động phát triển nông nghiệp hữu cơ (NNHC) góp phần tăng nhanh diện tích cũng như đa dạng các mô hình sản xuất hữu cơ trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh đã quy hoạch được 8 vùng sản xuất hữu cơ tập trung với tổng diện tích gần 19 ngàn ha. Đây là thuận lợi không nhỏ để xây dựng các vùng chuyên canh theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản hữu cơ.
images2325916-4a-1700019016.jpg
Nông dân tham gia mô hình trồng bưởi hữu cơ. Ảnh Lê Quyên, Báo Đồng Nai

Để thực hiện phát triển NNHC, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 05/2023/NQ-HĐND ngày 14-7-2023, quy định về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất NNHC trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030; UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2327/QĐ-UBND ngày 28-9-2023 về phê duyệt Đề án phát triển sản xuất NNHC trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch 5 năm, kế hoạch hàng năm để triển khai thực hiện. Nghị quyết Đại hội lần thứ XI Đảng bộ tỉnh đã xác định: “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm” là một trong 4 nhiệm vụ đột phá.

Thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tập trung nhân rộng mô hình sản xuất hữu cơ với đa dạng sản phẩm cây trồng, vật nuôi. Theo đó, diện tích đạt chứng nhận hữu cơ trên địa bàn tỉnh tăng nhanh qua từng năm. Cụ thể, năm 2021, toàn tỉnh có 3,5ha cây trồng đạt chứng nhận hữu cơ; năm 2022, diện tích này tăng lên 7ha và toàn tỉnh hiện có 25,3ha diện tích cây trồng được cấp chứng nhận hữu cơ với nhiều sản phẩm như: tiêu, sầu riêng, rau… Trong đó, nhiều địa phương tập trung phát triển sản xuất NNHC và bước đầu đạt được kết quả đáng ghi nhận, tiêu biểu là H.Vĩnh Cửu.

Theo Trưởng phòng NN-PTNT H.Vĩnh Cửu Nguyễn Trần Phước Lộc cho biết, phát triển NNHC không chỉ là chủ trương của chính quyền mà nông dân trên địa bàn huyện ngày càng quan tâm. Đến nay, toàn huyện đã có 1ha rau và 15ha trái cây các loại đạt chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. Ngoài ra, trên địa bàn huyện có hơn 238ha cây trồng sản xuất theo hướng hữu cơ. Đây là điều kiện thuận lợi để tiếp tục phát triển NNHC trên địa bàn huyện trong thời gian tới.

Mặc dù đã có các mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nhưng quy mô liên kết còn nhỏ lẻ, các điều kiện liên kết chưa chặt chẽ nên đầu ra cho sản phẩm hữu cơ còn khó khăn, đa số người sản xuất vẫn phải tự tìm thị trường tiêu thụ với giá cả không cao hơn nhiều so với sản phẩm thông thường. Tỉnh đang tập trung xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ NNHC để khắc phục những hạn chế trên.

Ngoài ra, căn cứ định hướng phát triển công - nông nghiệp, khảo sát chất lượng môi trường đất, nước, tỉnh đã quy hoạch được 8 vùng sản xuất hữu cơ tập trung với tổng diện tích gần 19 ngàn ha. Ngoài vùng tập trung, toàn tỉnh xác định thêm 23 điểm đáp ứng được điều kiện sản xuất hữu cơ tại các địa phương.

Bên cạnh đó, ThS Nguyễn Vinh Hùng, chuyên gia của Phân viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) đánh giá, các vùng NNHC tại H.Tân Phú có thuận lợi về điều kiện tự nhiên vì có rừng làm vùng đệm cách ly vùng sản xuất hữu cơ với các vùng canh tác truyền thống. Vùng sản xuất hữu cơ tại H.Cẩm Mỹ có lợi thế đã là vùng chuyên canh cây hồ tiêu và đa số nông dân đã chuyển đổi canh tác theo hướng hữu cơ… Đây là những thuận lợi để Đồng Nai xây dựng các vùng sản xuất NNHC quy mô lớn, theo chuỗi liên kết.

Đồng thời, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, thời gian tới, ngành Nông nghiệp Đồng Nai tiếp tục tập trung các giải pháp phát triển vùng sản xuất hữu cơ theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Trong đó, ưu tiên hoàn thiện kết cấu hạ tầng vùng sản xuất hữu cơ tập trung; xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu đối với sản phẩm NNHC của tỉnh; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại; tăng cường chuyển đổi số trong quản lý, truy xuất sản phẩm và thương mại điện tử…