Dự án GIC giúp nông dân tăng thêm thu nhập 15% trong chuỗi giá trị lúa gạo

30/12/2022 03:55

Mục tiêu của GIC phấn đấu là giúp nông dân giảm 40% sử dụng nước, 25% sử dụng hóa chất nông nghiệp, 40% phát thải khí nhà kính và 60% lượng thuốc trừ sâu. Qua đây, giúp nông dân tham gia dự án tăng thêm thu nhập 15% trong chuỗi giá trị lúa gạo và 20% trong chuỗi giá trị xoài...

Về tiến độ thực hiện dự án tại Hậu Giang, Ban Quản lý Dự án GIC tỉnh đã phối hợp với GFA/AGRITERRA và một số địa phương trong tỉnh tổ chức chọn được 12 HTX lúa gạo tham gia dự án, trong đó huyện Vị Thủy và Châu Thành A đều có 3 HTX tham gia; còn huyện Phụng Hiệp, huyện Long Mỹ và thị xã Long Mỹ thì mỗi đơn vị có 2 HTX tham gia. Riêng trên lĩnh vực xoài thì hiện chưa lựa chọn được HTX tham gia do không đảm bảo tiêu chí về diện tích và thành viên. Ngoài ra, Ban Quản lý Dự án GIC tỉnh cũng cử cán bộ tham dự lớp tập huấn giảng viên nguồn (TOT) về “Lớp học kinh doanh cho nông dân (FBS)”, đồng thời mở 6 lớp tập huấn cho 180 nông dân tham gia dự án với nội dung trên. Mặt khác, Ban Quản lý Dự án GIC tỉnh còn phối hợp với nhóm tư vấn GFA/AGRITERRA thương thảo xây dựng và thực hiện ký kết hai gói hợp đồng về “Nâng cao năng lực kinh doanh cho các HTX lúa gạo” và “Lớp học kinh doanh cho nông dân (FBS)”…

xuatkhauxoaicatchusangchauau-1645855321325720800648-1653258084-1672347299.jpg
Dự án GIC giúp nông dân tăng thêm thu nhập 15% trong chuỗi giá trị lúa gạo

Chia sẻ tại hội nghị, ông Đặng Ngọc Giao, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Giám đốc Ban Quản lý Dự án GIC tỉnh, đề nghị ngành chức năng huyện Châu Thành A và Vị Thủy có giải pháp tăng diện tích và thành viên tham gia vào HTX xoài nhằm đủ điều kiện tham gia dự án để mang lại nhiều hiệu quả trong sản xuất cho nông dân. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai dự án, Ban Quản lý Dự án GIC tỉnh cũng mong ngành chức năng các địa phương quan tâm hỗ trợ về địa điểm và chọn học viên tham gia các lớp tập huấn khi đơn vị triển khai; trong đó, lưu ý việc chọn học viên phải đảm bảo đúng đối tượng để những kiến thức được truyền đạt và áp dụng vào thực tiễn sẽ tạo ra hiệu quả thiết thực, từ đó góp phần mang lại thành công theo mục tiêu mà dự án đã đề ra...

Dự án khu vực “Các Trung tâm đổi mới sáng tạo xanh” được sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Đức (dự án GIC). Thời gian thực hiện dự án từ năm 2021-2025 và Hậu Giang là 1 trong 6 tỉnh của vùng ĐBSCL được chọn để thực hiện. Ngành hàng thực hiện dự án là trên lúa gạo và xoài. Mục tiêu lớn mà ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang muốn hướng đến khi triển khai dự án là nâng cao hiệu quả canh tác, chất lượng nông sản của nông dân và từng bước bền vững trong chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo, xoài; đặc biệt là triển khai nhiều mô hình ứng dụng các giải pháp đổi mới sáng tạo trong canh tác nhằm giảm thiểu tác động môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Trong đó, mục tiêu phấn đấu là giúp nông dân giảm 40% sử dụng nước, 25% sử dụng hóa chất nông nghiệp, 40% phát thải khí nhà kính và 60% lượng thuốc trừ sâu. Qua đây, giúp nông dân tham gia dự án tăng thêm thu nhập 15% trong chuỗi giá trị lúa gạo và 20% trong chuỗi giá trị xoài...