Du lịch sinh thái - Vấn đề không hề đơn giản

Một trong những loại hình du lịch thời gian gần đây được nói đến nhiều là du lịch sinh thái. Tuy nhiên, để hiểu đúng về du lịch sinh thái, và làm thế nào để phát triển loại hình du lịch có hiệu quả thì không phải là vấn đề đơn giản.

anh-chup-man-hinh-2024-06-12-luc-084457-1718156732.png

Sapa - Nơi có nhiều điểm du lịch sinh thái hấp dẫn nhất ở Việt Nam.

Theo giáo sư, viện sĩ Đào Thế Tuấn, Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam, nguyên tắc của du lịch sinh thái bền vững dựa trên 4 trụ cột là: Kinh tế, sinh thái, văn hoá và cộng đồng, trong đó bền vững về kinh tế là mục tiêu trước mắt và lâu dài; Bền vững sinh thái phải phù hợp với việc giữ vững các quá trình sinh thái chủ yếu, đa dạng sinh học và nguồn lợi sinh học; Bền vững văn hoá nghĩa là phải tăng sự tôn trọng cách sống phù hợp với văn hoá địa phương, củng cố bản sắc văn hoá của cộng đồng; Bền vững địa phương (cộng đồng) nghĩa là phải mang lại nguồn lợi cho cộng đồng địa phương (tăng thu nhập, giải quyết công ăn, việc làm…), đồng thời tạo ra và giữ lại thu nhập cho cộng đồng. Du lịch sinh thái, văn hoá và du lịch nông thôn gộp chung lại trong một khái niệm chung gọi là du lịch bền vững, cũng là một hướng để đa dạng hoá nông thôn…

anh-chup-man-hinh-2024-06-12-luc-084503-1718156732.png

Nhiều phong tục tập quán của dân tộc Mèo thu hút được sự chú ý của khách du lịch.

Ở một số Quốc gia phát triển du lịch sinh thái rất được coi trọng cả về quy hoạch lẫn đầu tư phát triển. Khách du lịch sẽ rất ấn tượng và thoải mái khi đến một vùng rộng lớn, đẹp được quy hoạch cho nông dân Nhật Bản chuyên trồng nho, hoặc chuyên phát triển chăn nuôi gia súc. Tại địa phương khách sẽ được ăn, ở cùng với nông dân bản xứ (home stay) vài ngày để tìm hiểu cuộc sống, văn hoá, phong tục tập quán của cộng đồng dân cư địa phương. Ở Anh, Scotlen, Austraylia có những làng sinh thái rộng lớn được quy hoạch có mục đích rõ ràng cho du lịch sinh thái nên đã hấp dẫn được không ít lượng khách nước ngoài tới thăm quan, và đương nhiên kèm theo họ là tiền tiêu, tạo ra nguồn lợi không nhỏ cho cộng đồng dân cư địa phương.

5 hình thức du lịch nông thôn:

- Du lịch tự nhiên, mang tính giải trí

-Du lịch văn hoá, quan tâm tới văn hoá, lịch sử và khảo cổ của địa phương

-Du lịch sinh thái quan tâm tới việc bảo vệ nguồn lợi tự nhiên, cũng như phúc lợi, giá trị văn hoá của người dân địa phương

- Du lịch làng xã, trong đó du khách chia sẻ với cuộc sống làng xã và dân làng được hưởng các lợi ích kinh tế do các hoạt động du lịch mang lại.

- Du lịch nông nghiệp trong đó khách du lịch tham quan và tham gia vào các hoạt động nông nghiệp truyền thống, không phá hoại, hay làm giảm năng suất của địa phương

Bên cạnh các loại hình du lịch sinh thái khác mang tính chất khám phá thiên nhiên (như Hồ Ba Bể, Rừng Cúc Phương, rừng Quốc gia Cát tiên, Vịnh Hạ Long, Chùa Huowng, Yên Tử…) ở nước ta những năm gần đây đã bắt đầu xuất hiện loại hình du lịch nông thôn (một dạng của du lịch sinh thái). Tuy nhiên, khách du lịch nước ngoài thường tìm đi du lịch xa như Bản Hồ, Cát Cát (Sa Pa), hoặc những vùng dân tộc miền núi Tây Nguyên, trong khi rất nhiều bản, làng của miền Bắc có truyền thống văn hoá lâu đời, có nhiều phong tục tập quán hay, tiềm năng phát triển loại hình du lịch này lại không phát huy được thế mạnh của mình. Nguyên nhân thì nhiều, nhưng chủ yếu là chưa có những hoạch định mang tính chiến lược cụ thể cho việc phát triển du lịch nông thôn. Nhiều địa phương không hiểu đúng về loại hình du lịch này nên chưa xác định được mục tiêu rõ ràng cho việc đầu tư phát triển nó. Ngoài ra, việc tuyên truyền, nâng cao ý thức cộng đồng cho nông dân còn kém hiệu quả. Chính vì vậy, hầu hết người dân địa phương đều chưa sẵn sàng cho việc tiếp nhận và phát triển loại hình du lịch nông thôn tại cộng đồng địa phương mình. Trên thực tế ở một số tỉnh, thành (có cả Hà Nội) đã thử triển khai loại hình du lịch sinh thái nông thôn, nhưng kém hiệu quả, không thu hút được khách du lịch.

Một số chuyên gia có kinh nghiệm về du lịch cho rằng: Làng sinh thái là một cộng đồng làng, xã nhỏ, có sự thống nhất một mục đích chung, dựa trên các giá trị về sinh thái, văn hoá, có sự tự trị về kinh tế, chung một ý thức hệ với một tinh thần chia xẻ và tương trợ. Các cư dân ở đây xác định mục tiêu tôn trọng con người, chăm lo cho xã hội, dân chủ và nhân văn. Để phát triển những làng sinh thái như vậy trước hết phải có những chiến lược quy hoạch rõ ràng, đầu tư đúng mục đích và phải tạo được một mạng lưới du lịch được chuẩn bị tốt từ nhà tiếp khách, nhà đón tiếp trẻ em, trại hè, trạm dưng chân… tới nhà nghỉ, hiệu ăn nông thôn, cũng như những hoạt động văn hoá, phong tục tập quán truyền thống hấp dẫn. Nếu tổ chức tốt được như vậy thì ngay ở các địa phương như Đông Anh, Sóc Sơn (Hà Nội) cũng có thể trở thành những làng sinh thái hấp dẫn để phát triển du lịch nông thôn.