Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ VI năm 2023 do tỉnh Hậu Giang đăng cai tổ chức. Sự kiện dự kiến diễn ra trong 3 ngày (13,14,15/12/2023). Đây cũng là dịp tỉnh Hậu Giang kỷ niệm 20 năm thành lập (1/1/2004 – 1/1/2024).
Festival lần này dự kiến có các hoạt động (hội chợ trưng bày triển lãm thành tựu công nghiệp, nông nghiệp và thương mại vùng ĐBSCL; hội thảo Sản xuất lúa gạo gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL; hội nghị Kết nối cung - cầu thị trường gạo; tọa đàm Lúa gạo Hậu Giang 20 năm hình thành và phát triển; con đường lúa gạo; tổ chức xác lập kỷ lục Việt Nam về các sản phẩm làm từ gạo…).
Một trong những điểm nhấn của festival là con đường lúa gạo Việt Nam được sắp đặt với những mô hình được dự kiến bố trí trải dài kênh xáng Xà No. Mỗi mô hình được bố trí, sắp đặt mang mang những thông điệp ý nghĩa riêng, phản ánh trí tuệ Việt, bản sắc văn hóa của người Việt trên con đường phát triển ngành lúa gạo nói riêng và ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung.
Con đường lúa gạo cũng thể hiện quá trình phát triển trồng lúa Việt Nam từ khi thiếu đói đến đất nước xuất khẩu lúa đứng nhất, nhì thế giới; thể hiện chuyển từ tư duy sản xuất lúa gạo sang tư duy kinh tế ngành hàng lúa gạo; giới thiệu những mô hình tích hợp “lúa - tôm”, “lúa - cá”, “lúa - màu”, đã đạt được mục tiêu tối thiểu chi phí, tối đa hóa lợi nhuận và cải thiện thu nhập, nâng cao năng lực, vị thế cho người nông dân trồng lúa ở Hậu Giang và các địa phương trong vùng.
Đồng thời đây cũng là dịp tiếp tục tôn vinh những giá trị của nền văn minh lúa nước, của cây lúa và người trồng lúa Việt Nam, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh lúa gạo, đẩy mạnh xuất khẩu gạo gắn với xây dựng và quảng bá thương hiệu gạo Việt Nam. giới thiệu tiềm năng, thế mạnh sản xuất lúa gạo của Việt Nam, xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam ngày càng vững mạnh trên thị trường thế giới.
Dự kiến hơn 700 đơn vị gian hàng giới thiệu, trưng bày sản phẩm OCOP; ẩm thực các món ngon từ gạo; giới thiệu các loại máy, thiết bị bay phục vụ sản xuất lúa, cùng với các hội nghị, hội thảo, tọa đàm được tổ chức.
Hoạt động này góp phần thúc đẩy xúc tiến thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và phát triển nông thôn. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp, nông dân hoạt động hiệu quả và giúp ngành hàng lúa gạo Việt Nam, cũng như các thương hiệu nông sản có chỉ dẫn địa lý tăng sức cạnh tranh trên thương trường quốc tế.
Festival Lúa gạo Việt Nam là cơ hội định vị hạt gạo Việt Nam. Sản xuất lúa gạo theo chuỗi ngành hàng và gắn với tăng trưởng xanh. Festival chính là để định hướng cho bà con nông dân, để bà con nông dân tiếp cận được những tư duy mới về sản xuất lúa gạo, những công nghệ tối ưu nhất để nâng cao giá trị ngành hàng. Đây cũng là dịp các viện, trường trưng bày những thành tựu mới nhất về công nghệ giống lúa.
Festival Lúa gạo Việt Nam lần đầu tiên tổ chức vào cuối năm 2009 tại Hậu Giang với chủ đề vì sự phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Năm 2022, Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ V do tỉnh Vĩnh Long đăng cai tổ chức với nhiều hoạt động ý nghĩa. Nổi bật là hội chợ triển lãm thu hút gần 400 gian hàng tham gia với nhiều sản phẩm của ngành nông nghiệp. Ngoài ra, nhiều hoạt động khác, như: Hội chợ triển lãm hội nông dân, doanh nghiệp, xúc tiến thương mại các tỉnh. Các hội thảo, hội thi như: hội thảo: “Sản phẩm OCOP & Phát triển ngành hàng lúa gạo: Động lực quan trọng để phát triển nông thôn mới”; hội thi: “Gạo ngon thương hiệu Việt”, “Món ngon chế biến từ gạo - nếp Việt Nam”.
Festival sẽ là cơ hội cấu trúc lại ngành hàng theo hướng xanh, phát thải thấp, tiếp cận khoa học công nghệ mới nhất của ngành lúa gạo thế giới.
Một số ý kiến cho rằng, nông nghiệp đang là một trong những ngành có phát thải rất lớn. Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực triển khai thực hiện lộ trình cắt giảm phát thải ròng về “0” vào năm 2050 như đã cam kết với quốc tế. Do đó, ngoài những mục đích như đã nêu trên, Festival Lúa gạo cần quan tâm nhiều hơn nữa đối với công tác tuyên truyền chuyển đổi mô hình sản xuất xanh nhằm tăng năng suất, chất lượng, thích ứng biến đổi khí hậu và hạn chế tối đa phát thải bằng những hành động cụ thể, thiết thực.
Năm 2022 xuất khẩu gạo đạt 7,13 triệu tấn, mang lại kim ngạch 3,45 tỷ USD; tăng 13,8% về số lượng và tăng 5,1% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2023 đạt 4,27 triệu tấn với 2,3 tỷ USD, tăng 22,2% về khối lượng và tăng 34,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Giá gạo xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 539 USD/tấn, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2022. Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất lúa trọng điểm của quốc gia, với diện tích gieo trồng lúa khoảng 3,9 - 4 triệu ha/năm, chiếm hơn 50% diện tích gieo trồng của cả nước và sản lượng lúa xấp xỉ khoảng 23,8 triệu - 24 triệu tấn lúa/năm, chiếm hơn 50% sản lượng lúa của cả nước sản xuất hàng năm.