Gia tăng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công - giải pháp quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

20/04/2024 13:38

Phân tích thực trạng kinh tế Việt Nam gần đây, chuyên gia nghiên cứu tổng hợp của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho rằng, nhu cầu toàn cầu suy giảm và lãi suất quốc tế tăng cao đã tác động mạnh mẽ đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023. Việc chuyển hướng nhanh chóng sang chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng và đầu tư công quy mô lớn là những biện pháp then chốt được thực hiện để duy trì phục hồi tăng trưởng.

Đầu tư công là một đầu tàu quan trọng của tăng trưởng kinh tế, song cần được hiện thực hóa các kế hoạch để đầu tàu để phát huy được sức mạnh. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mức tăng 1% trong giải ngân vốn đầu tư công, tương ứng với tăng 0,058% GDP. Ngoài ra, cứ 1 đồng vốn đầu tư công được giải ngân sẽ kích thích 1,61 đồng vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước. Tuy nhiên, ở Việt Nam tỷ lệ thực hiện so với kế hoạch luôn ở mức thấp, dao động quanh 80% trong năm. Chính phủ đã nỗ lực giải quyết vấn đề này, nhưng tiến triển đạt được là chưa đủ.

dautu-16632465636042110339589-16680641633471789048688-1711167137-1713595048.jpeg

Nghiên cứu dữ kiệu thống kê của Tổng cục Thống kê Việt Nam và ước tính của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), giới phân tích và các nhà quản lý đã nhận thấy những nguyên nhân hạn chế cơ bản là do:

Thứ nhất, các dự án được phê duyệt với ngân sách được phân bổ chưa sẵn sàng để triển khai, gây ra tình trạng chậm trễ kéo dài. Tiếp cận hệ thống vấn đề nhằm cải thiện tính sẵn sàng của dự án đầu tư có thể gia tăng đáng kể hiệu quả thực hiện. Nhiều dự án đòi hỏi hoạt động chuẩn bị cơ bản, như nghiên cứu khả thi, thu xếp giải phóng mặt bằng và chuẩn bị mua sắm đấu thầu song song với thủ tục phê duyệt dự án là sự cần thiết để có những dự án mang tính sẵn sàng cao có thể đẩy nhanh tiến độ triển khai sẽ giúp giảm thiểu tình trạng đội vốn.

Thứ hai là, các dự án cần bổ sung thay đổi thiết kế hoặc ngân sách ngay cả khi đã được phê duyệt và phân bổ ngân sách thường bị kéo dài có thể gây gián đoạn, trở thành trở ngại chính trong thực thi. Việc chuẩn bị dự án thiếu kịp thời với chất lượng thấp so với yêu cầu phức tạp của các quy định, đặc biệt là quy hoạch sử dụng, thu hồi đất và giải phóng mặt bằng. Sự cứng nhắc của các quy định là thách thức lớn trong bối cảnh thị trường luôn biến động với giá cả tăng do thiếu nguyên liệu và đầu vào cho sản xuất hoặc do những hạn chế pháp lý, dẫn đến chi phí cao buộc phải đàm phán lại hợp đồng hoặc cần thêm kinh phí và phê duyệt bổ sung.

Những hạn chế nêu ra đòi hỏi phải sửa đổi các quy định cho phép sự linh hoạt dựa trên nguyên tắc và điều chỉnh phù hợp với mục đích cải thiện các thủ tục trong chu trình dự án. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho việc phê duyệt và quản lý dự án hiệu quả, có thể điều chỉnh phù hợp với nhiều tình huống khác nhau mà không lặp lại quy trình phê duyệt. Tăng cường năng lực của cán bộ phụ trách đầu tư công ở cấp tỉnh và địa phương là nội dung quan trọng để cải thiện chất lượng chuẩn bị dự án đầu tư.

Thứ ba là, sự phối hợp yếu kém giữa đầu tư công và quy trình ngân sách dẫn tới phân bổ ngân sách chậm và không đủ. Thực tế những năm gần đây cho thấy, các cơ quan trung ương nhận được nguồn vốn phân bổ cao hơn so với mức đề xuất, trong khi các tỉnh nhận được quá ít so với nhu cầu. Thách thức cấp bách từ sự chênh lệch giữa ngân sách được phân bổ và nhiệm vụ đầu tư thường dẫn tới việc thiếu hụt ngân sách và chậm trễ trong triển khai thực hiện. Từ đây, đầu tư từ nguồn ngân sách cần được phân bổ một cách tối ưu cho những lĩnh vực ưu tiên đã xác định, nhằm tận dụng tối đa hiệu quả nguồn lực, hạn chế tiến độ dự án chậm và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.

Chính phủ đã áp dụng các biện pháp nhằm nâng cao tính minh bạch, hiệu quả và trách nhiệm giải trình trong phân bổ và giải ngân ngân sách. Điều này thúc đẩy sự phối hợp tốt hơn giữa chính quyền trung ương và địa phương, xác định ưu tiên cho dự án dựa trên tác động và tính sẵn sàng, đồng thời thực hiện các cơ chế giám sát nghiêm ngặt để bảo đảm sử dụng vốn hiệu quả với hiệu suất cao. Tuy nhiên, hiệu quả của các biện pháp này dường như đang bị hạn chế bởi sự chênh lệch giữa năng lực thực thi ở các cấp chính quyền khác nhau. Điều này cho thấy, sự cần thiết phải tăng cường hơn nữa việc phân bổ vốn và xây dựng năng lực của các chính quyền địa phương. Việc phân cấp nhiệm vụ đầu tư công và trách nhiệm tài khóa đang diễn ra đã bộc lộ những điểm yếu trong việc giải quyết các thách thức liên tỉnh hoặc liên vùng. Quy trình ngân sách nên được điều chỉnh cho phép sự linh hoạt, nhằm đạt hiệu quả hơn ở bất kỳ cấp nào nhằm đóng góp nguồn lực hợp lý cho một dự án được điều phối (trung ương hoặc tỉnh).

Năm 2024, đầu tư công tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ phát triển nền kinh tế. Sau khi Quốc hội phê duyệt ngân sách, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch phân bổ 688,5 nghìn tỷ đồng để tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng và thúc đẩy phát triển kinh tế. Chính phủ đã thực hiện những chính sách khác nhau nhằm đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công và nâng cao hiệu quả thực hiện. Những biện pháp này bao gồm một loạt các nghị quyết và chỉ thị tập trung vào các khía cạnh khác nhau của giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, để duy trì tiến độ, cần có các biện pháp mang tính hệ thống nhằm cải thiện các quy trình pháp lý và các quy định để thực hiện thành công. Bằng cách chủ động khắc phục những trở ngại một cách toàn diện trong suốt chu trình dự án, Việt Nam có thể phát huy tối đa tiềm năng của các sáng kiến đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.

Đức Linh