Phú Thọ: Đảng bộ xã Vĩnh Thành đổi mới phương thức lãnh đạo, phát huy dân chủ, tạo nền tảng phát triển nhanh và bền vững

Xã Vĩnh Thành được thành lập trên cơ sở sáp nhập ba xã Lũng Hòa, Sao Đại Việt và Tân Phú (trước thuộc huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc), nay trực thuộc tỉnh Phú Thọ và vận hành theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp – tỉnh và xã. Bước vào nhiệm kỳ 2025–2030, Đảng bộ xã Vĩnh Thành tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực quản trị, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, huy động hiệu quả các nguồn lực, xây dựng địa phương phát triển nhanh và bền vững trong điều kiện không còn cấp huyện trung gian.
img-9025-1752978857.jpeg

Quang cảnh Hội nghị triển khai công tác xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị tại xã Vĩnh Thành. Việc đổi mới phương thức lãnh đạo, phát huy dân chủ ở cơ sở đang góp phần nâng cao hiệu quả quản trị và thúc đẩy phát triển bền vững trên địa bàn

Phát triển toàn diện kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, thúc đẩy chuyển đổi số

Nhiệm kỳ 2025–2030, xã Vĩnh Thành đặt mục tiêu phát triển kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp sẽ được chuyển dịch theo hướng tập trung, ứng dụng công nghệ cao, khuyến khích sản phẩm OCOP, hình thành các chuỗi giá trị bền vững và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chế biến, tiêu thụ.

Xã cũng chủ động lập quy hoạch sử dụng đất hiệu quả, giải quyết dứt điểm tồn đọng vi phạm đất đai từ trước sáp nhập, tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư. Việc quản lý môi trường, xử lý rác thải và ô nhiễm trong chăn nuôi được đưa vào chương trình trọng điểm.

Vĩnh Thành coi chuyển đổi số là động lực đột phá. Trong giai đoạn tới, xã sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, từng bước hướng tới xây dựng chính quyền số và xã thông minh.

Lĩnh vực văn hóa – xã hội tiếp tục được chăm lo toàn diện. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo sẽ được kéo giảm bằng các chính sách hỗ trợ hiệu quả. Giáo dục, y tế, chính sách an sinh xã hội được đầu tư có trọng điểm. Phong trào văn hóa – thể thao được phát triển sâu rộng, từng bước nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cho nhân dân.

Quốc phòng – an ninh tiếp tục là nhiệm vụ xuyên suốt. Xã tăng cường củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, giữ vững an ninh trật tự, xử lý kịp thời các vấn đề nảy sinh từ cơ sở. Lực lượng công an chính quy, dân quân tự vệ, tổ an ninh nhân dân sẽ được kiện toàn, hoạt động hiệu quả, đảm bảo ổn định chính trị – xã hội trong mọi tình huống.

Trên nền tảng kết quả đã đạt được, cùng tinh thần đoàn kết, đổi mới và chủ động thích ứng, xã Vĩnh Thành quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển giai đoạn 2025–2030, xứng đáng là một trong những địa phương đi đầu trong vận hành mô hình chính quyền hai cấp của tỉnh Phú Thọ.

Đổi mới lãnh đạo, nâng cao hiệu quả quản trị xã trong bối cảnh không còn cấp huyện

Sau khi sáp nhập và vận hành theo mô hình chính quyền hai cấp, xã Vĩnh Thành đứng trước nhiều thách thức về tổ chức bộ máy, chất lượng cán bộ và áp lực điều hành. Tuy nhiên, đây cũng là thời cơ để địa phương tái cấu trúc bộ máy, tinh gọn đầu mối, đổi mới phương thức lãnh đạo theo hướng gần dân, sát cơ sở, linh hoạt và hiệu quả hơn.

Đảng bộ xã xác định nhiệm vụ then chốt là tiếp tục xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường; nguyên tắc nêu gương và kỷ luật Đảng được siết chặt, tạo chuyển biến rõ nét trong kỷ cương hành chính, hiệu lực điều hành và tính chiến đấu của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Bên cạnh đó, xã tiếp tục triển khai nghiêm túc các nghị quyết của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị và các quy định nêu gương. Vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong nắm bắt cơ sở, chủ động tháo gỡ khó khăn và vận hành bộ máy hiệu quả ngày càng được khẳng định.

Tập trung thực hiện ba khâu đột phá chiến lược: cải cách hành chính; phát triển nguồn nhân lực; hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội

Đột phá mạnh mẽ về cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hoàn thiện cơ chế, chính sách để tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản; khơi thông và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực (theo tinh thần Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 và Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 04/5/2025 của Bộ Chính trị), đặc biệt trong các lĩnh vực phát triển thương mại, dịch vụ, làng nghề truyền thống, logistics và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thúc đẩy phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và công tác cán bộ, gắn với khuyến khích, thu hút, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có năng lực thực thi công vụ theo tinh thần “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung”.

Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, trọng tâm là: hạ tầng các cụm công nghiệp, làng nghề truyền thống, hạ tầng giao thông; tập trung đầu tư vào các công trình, dự án cơ sở hạ tầng thiết yếu như cấp thoát nước, y tế, giáo dục và các công trình công cộng khác… có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế và nâng cao đời sống xã hội.