
Do ảnh hưởng của cơn bão số 2, từ ngày 22/7 đến 25/7, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đã liên tục hứng chịu những trận mưa lớn, gây ra tình trạng ngập lụt nghiêm trọng. Mưa lũ đã khiến hơn 5,5 km đê thuộc địa bàn 11 xã (Hồng Phong, Quảng Bị, Phú Nghĩa, Tốt Động, Thanh Bình, Thủy Xuân Tiên, Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ, Hữu Văn, Trần Phú) bị ngập, trong đó 37m đê bị sạt lở.
Đến sáng 29/7, nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn đã gặp sự cố nghiêm trọng: hai vai đập tại xã Nam Phương Tiến và Tân Tiến bị vỡ, 601m kênh tại xã Hồng Phong, Phú Nghĩa, Thủy Xuân Tiên, Tân Tiến bị hư hỏng, và 103 cầu, cống, đập nhỏ bị thiệt hại.
Toàn huyện Chương Mỹ có 24 thôn, xóm bị ngập, trong đó 1.343 hộ bị ngập từ 0,5-2m và 1.501 hộ bị ngập lối đi. Hiện còn hơn 1.000 hộ dân đang ở trong vùng ngập sâu và chưa thể sơ tán. Trước tình hình này, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đã chỉ đạo huyện Chương Mỹ phải tính toán kỹ và tiếp tục sơ tán để đảm bảo an toàn cho người dân. Bà nhấn mạnh: “Nếu không vận động được phải báo cáo các sở, ban, ngành để tiến hành cưỡng chế. Phải đặt tính mạng của người dân lên hàng đầu”.
Nam Phương Tiến là một trong những xã bị ngập nặng nhất, với khoảng 300/320 hộ dân bị nước ngập vào nhà, có những nơi ngập sâu tới 2m. Tại thôn Nhân Lý, người dân phải dùng thuyền để di chuyển do đường sá bị ngập nặng. Nhiều người già và trẻ nhỏ trong thôn đã được sơ tán đến các khu vực an toàn khác.
Trước mắt, các lực lượng chức năng tập trung cung cấp nước sạch và lương thực cho các hộ dân nằm trong vùng ngập lụt. Hơn 1.500 bình nước uống (loại 20L) và 50 thùng mì tôm đã được cấp phát tại các vùng ngập nặng, téc nước và cung cấp nước sạch tập trung tại 10 điểm, cùng với một trạm y tế lưu động được bố trí tại xã Nam Phương Tiến.
Dự đoán tình hình mưa lũ, ngập lụt còn kéo dài, Bí thư Thành ủy Hà Nội lưu ý các phương án cứu trợ và hỗ trợ dài hạn, nhằm đảm bảo an sinh xã hội và ổn định chỗ ở cho người dân. Các biện pháp phải đảm bảo rằng người dân di tản có cuộc sống tương đối, sinh hoạt tối thiểu, không ai bị đói, rét, đặc biệt quan tâm đến người già, cô đơn, yếu thế và người tàn tật.

Trong những ngày tới, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục kiểm tra, rà soát các phương án ứng phó phù hợp; kiểm tra, rà soát nhà ở an toàn và sẵn sàng sơ tán người dân đến nơi an toàn khi có tình huống xảy ra. Huyện Chương Mỹ cũng tổ chức lực lượng tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều để kịp thời phát hiện và xử lý ngay từ giờ đầu các sự cố đê điều, thủy lợi.
Mưa lũ còn gây thiệt hại nặng nề cho ngành sản xuất nông nghiệp của huyện Chương Mỹ. Khoảng 715 ha lúa bị thiệt hại trên 70%, 444 ha bị thiệt hại từ 30%-70%. 242 ha trồng ngô và rau màu các loại bị thiệt hại trên 70%. 1.540 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại trên 70%. Tổng thiệt hại do bão số 2 gây ra ước tính đến ngày 29/7/2024 vào khoảng 92 tỷ đồng.