Hai cựu sinh viên trong tấm ảnh quý

Tình cờ, trong một lần nhóm CCB Đại học KTQD dự lễ đón nhận hài cốt của liệt sỹ Đặng Tố Tý về quê hương Anh Sơn Nghệ An. CCB Trịnh Duy Luân đã nhận ra người đồng môn, người đồng đội sau 54 năm biệt tin. Đó là ông Đặng Duy Hòa nguyên sinh viên Khóa 10 Khoa Kinh tế Vật tư Đại học Kinh tế Kế hoạch nay là Đại học Kinh tế Quốc dân. Ông Hòa hiện đang sinh sống tại TP Vinh (Nghệ An).

dt1thq1-1722391920.jpg

Tấm ảnh quý: Hai CCB Trịnh Duy Luân và Đặng Duy Hòa trong buổi tiễn Nhà trường tiễn sinh viên lên đường ra mặt trận ngày 24/8/1970 tại sân trường ĐH.KTQD

 

Hai cựu sinh viên, cựu lính 24/8/1970 nhào vào ôm lấy nhau, mừng mà cay sống mũi. Họ đã ngoài 70 suýt soát 80 tuổi.

Những kỷ niệm về những ngày cùng tập luyện tại thao trường để vào B chiến đấu hiện về trong câu chuyện. Họ hẹn gặp lại nhau.

dt2thq2-1722392106.jpg
 

Chiều muộn tháng 5/2024, khi tiếng ve râm ran trên những cây phượng già quanh Hồ Tây - Hà Nội. Vợ chồng ông Luân tiếp vợ chồng ông Hòa tại nhà hàng nổi tiếng ở Hà Nội" BÁNH TÔM HỒ TÂY".

Ông Hòa vô cùng cảm động khi ông Luân tặng ông Hòa cuốn nhật ký của mình, trong đó có lưu bút của ông Hòa và tấm hình ông Hòa tặng ông Luân khi họ chia tay nhau.

dt3thq3-1722392206.jpg

CCB  Trịnh Duy Luân tháng 12/1970.

 

Hai ông bồi hồi xem tấm hình đăng trên tờ báo hay tạp chí nào đó về ngày nhập ngũ 24/8/1970 của sinh viên trường ĐH.KTKH. Ông Luân, ông Hòa nhận ra mình( đứng cạnh nhau trong khoanh đỏ hình 4). Ba bạn đứng trước Luân là Nguyễn Quốc Lập - Toán Kinh tế khóa 10. Nguyễn Thái Bảo - Toán Kinh tế Khóa 11 đã hy sinh tại mặt trận Quảng Trị. Nguyễn Doãn Dũng -Toán Kinh tế Khóa 11 đã mất năm 1987.

dt4-thq4-1722392306.jpg

CCB Đặng Duy Hòa tháng 12/1970.

 

Câu chuyện của 54 năm về trước như bộ phim quay chậm.

Ngày 24/8/1970 theo lệnh tổng động viên của Chủ tịch nước hàng vạn sinh viên " Xếp bút nghiên lên đường chiến đấu ". Trịnh Duy Luân sinh viên khoa Toán Kinh tế, Đặng Duy Hòa sinh viên khoa Kinh tế Vật tư cùng hàng trăm giáo viên, sinh viên trường Đại học Kinh tế Kế hoạch làm lễ chia tay lên đường chiến đấu tại sân giảng đường A của trường. Họ được đưa về Như Quỳnh Hưng Yên huấn luyện bộ binh 3 tháng. Tổ 3 người hay còn gọi là tổ tam tam gồm Luân Thanh Hóa - Hòa Nghệ An và Mão Vĩnh Phú. Họ cùng ở một nhà, cùng ăn, ngủ, tập luyện chờ ngày lên đường chiến đấu. Đời lính, nhất là lính sắp vào chiến trường chẳng dấu nhau điều gì. Họ kể chuyện về gia đình, bè bạn và người yêu. Hòa có người yêu tên là Nguyễn Thị Năm, người cùng làng, học cùng từ khi chưa đi đại học. Anh chị đều là tình yêu đầu tiên và duy nhất của nhau. Anh cho đồng đội xem thư, xem ảnh người yêu. Đó chính là người vợ bây giờ của ông. Họ hẹn ước trăm năm, mong ngày chiến thắng.

dt5thq5-1722392429.jpg

Họ tình cờ gặp nhau tại buổi đón hài cốt Đặng Tố Tý về quê Nghệ An.

Tại đây tình bạn giữa hai người trở nên thắm thiết. Thời đó để được vào Nam chiến đấu phải kiểm tra sức khỏe rất gắt gao. Sau đợt huấn luyện khi kiểm tra sức khỏe, cả hai anh đều bị loại và trả về trường.

Tối ngày chia tay Hòa đã viết vào nhật ký của Luân dòng lưu niệm và tặng Luân tấm ảnh nhỏ. Luân cũng tặng lại bạn ảnh của mình. Sáng hôm sau Luân lên đường trở về trường học tiếp.

Còn Hòa, anh không chịu về, anh cứ ỳ ra tại đơn vị. Hàng ngày lên đại đội xin ở lại để được đi chiến đấu. Nhờ lòng kiên trì và ước nguyện cháy bỏng của anh. Đơn vị đã đồng ý cho anh ở lại đi chiến đấu.

dt6thq6-1722392699.jpg

Hai cặp vợ chồng nhận vật trong Chuyện.

 

Chiến tranh ngày càng ác liệt. Mỹ điên cuồng đánh phá miền Bắc bằng bom và tên lửa. Một lần nữa, tháng 5 năm 1972, sinh viên Trịnh Duy Luân lại " Xếp bút nghiên lên đường đánh Mỹ" lần hai. Hơn một tháng tập bộ binh ở Hà Long Hà Trung Thanh Hóa anh được điều động về C24 pháo cao xạ Hải quân - Đơn vị anh hùng có nhiệm vụ bảo vệ cảng đoàn 171, đoàn 172 và vùng trời Quảng Ninh. C24 đã từng chiến đấu với máy bay Mỹ ở Hàm Rồng Thanh Hóa. Đã bắn rơi nhiều máy bay và được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất. Thật may mắn hòn tên mũi đạn đã bỏ sót anh. Anh và các sinh viên lần lượt trở về trường. Trải qua quá trình phấn đấu, rèn luyện anh đã đạt được nhiều thành tích trong công tác và dành nhiều học hàm học vị cao. Năm 2010 Anh về nghỉ hưu và dành nhiều thời gian đi tìm thân nhân gia đình đồng đội đã hy sinh.

Hết năm 2023 Nhóm Tìm thân nhân Liệt sỹ đã tìm và kết nối được 54/61 thân nhân liệt sỹ là giáo viên, sinh viên trường ĐHKTQD trong kháng chiến chống Mỹ.

Còn chiến sỹ Đặng Duy Hòa, được ở lại đi chiến đấu. Anh được biên chế vào tiểu đoàn 11( D11 thuộc f325 trinh sát). Đây là tiểu đoàn rất khác biệt vì 100% là giáo viên, sinh viên các trường Đại học. Anh đã chiến đấu ở mặt trận Quảng Trị năm 1972. Khoảng cuối tháng 5/1972 đang trên đường di chuyển từ Quảng Trị vào sông Mỹ Chánh để đánh địch nống ra.Tiểu đội của anh đã bắn rơi 1 máy bay trực thăng của địch. Anh được tặng huân chương chiến công hạng ba. Đến ngày toàn thắng anh trở về với bốn vết thương trong người. Hiện tại anh là thương binh hạng hai.

Ngày 27/7/2024 trường ĐH.KTQD và Công ty Cơ điện Trần Phú đã phối hợp làm Lễ PHỤNG NGHĨA, tri ân các liệt sỹ. Hơn hai chục thân nhân liệt sỹ đại diện cho 61 gia đình Liệt sỹ của nhà trường đã đến dự. Lễ tri ân Phụng Nghĩa thật trang nghiêm, cảm động chan chứa tình người.

Cảm ơn Trường ĐH.KTQD! Cảm ơn Công Cổ phần cơ điện Trần Phú đã tổ chức thành công sự kiện này!

Cảm ơn đoàn đại biểu thân nhân các gia đình Liệt sỹ ở khắp mọi nơi trên cả nước đã về dự.

Hà Nội, đêm 27/7/2024

T.H.Q