Hành trình gần 40 năm của nhiếp ảnh gia người Pháp - Jean Michel Gallet với Việt Nam

06/02/2023 15:59

Kể từ năm 1990 tới nay, ông đã có gần 40 chuyến bay sang mảnh đất hình chữ S để tham gia trao đổi các hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp của 2 nước. Tuy nhiên, điều khiến tất cả mọi người bất ngờ nhất chính là tình yêu của ông đối với đất nước và con người Việt Nam qua những bức ảnh làng quê nơi đây.

Cấy lúa, chăn trâu, kéo vó đến hình ảnh cuộc sống thường ngày của làng quê Việt Nam từ những năm 90 đã được ông Jean Michel Gallet chụp lại. Đến Việt Nam gần 40 năm trước với vai trò là cán bộ hội nông dân Pháp, ông đã có nhiều kết nối hỗ trợ cho Việt Nam trong ngành chăn nuôi bò sữa, ngành phát triển nông thôn, tiếp cận các khoản tín dụng ưu đãi để phát triển ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Trong suốt gần 40 năm, ông đã có 35 lần trở lại Việt Nam với hơn 25.000 bức ảnh.

ddaf6165af20757e2c311-1675673319.jpg

Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam tặng quà ông Jean Michel Gallet

“Đây là một tài sản rất vô giá, rất quý báu, ghi lại một chặng đường của nông nghiệp Việt Nam từ trước đổi mới và trong thời kỳ đổi mới phát triển đến nay. Những bức ảnh của ông ghi lại tất cả các hoạt động các thời kỳ ở các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là cách canh tác, đời sống của dân cư miền núi. Điều này đem lại những chân dung rất xác thực và nó là tài sản về khoa học rất vô giá cho các nhà nghiên cứu về chính sách, những nhà nghiên cứu về khoa học cũng như những người bảo tồn các di sản văn hóa làng nghề, cũng như một ngành quan trọng đó là ngành nông nghiệp” – GS,TSKH Trần Duy Quý cho biết.

Không chỉ mang giá trị về lịch sử và quá trình phát triển ngành nông nghiệp của Việt Nam mà những bức ảnh của ông còn mang tình cảm của một người Pháp đối với đất nước và con người Việt Nam.

Theo NSNA. Trường Giang, Ban Nghiệp vụ ảnh Tạp chí Khoa học Phát triển nông thôn Việt Nam: “Khi mà mình xem ảnh của ông Jean Michel Gallet thì mình thấy đó là một người rất tâm huyết với Việt Nam và rất yêu Việt Nam và ngành nông nghiệp Việt Nam. Chính vì thế, mỗi bức ảnh của ông là một câu chuyện để mình nhìn nhận được sự chuyển biến của nông thôn Việt Nam từ mấy chục năm qua cho đến nay. Những bức ảnh đó thật sự là rất trân quý”.

“Đã 15 năm nay ông chưa quay lại Việt Nam, nhưng thực sự ông rất yêu đất nước Việt Nam, ông gắn bó với đất nước Việt Nam từ ngày đất nước mình vừa thoát khỏi chiến tranh và đất nước còn nghèo nàn lạc hậu. Ông ghi lại những bức ảnh đó và giờ quay lại thấy đất nước Việt Nam đang trên đà phát triển rất mạnh, ông đã rất ngạc nhiên về sự phát triển kinh tế của đất nước mình. Trước đây ông từng đi những vùng quê rất nghèo nàn, lạc hậu, để ghi lại được những bức ảnh thời đó ông đã tốn rất nhiều thời gian. Có những lúc ông phải di chuyển mấy ngày mới có thể tới được vùng đó. Tôi rất cảm phục một người nghệ sĩ có tâm đối với một đất nước không phải quê hương của ông ấy mà ông ấy đã ghi lại được phong cảnh, cuộc sống, con người của đất nước Việt Nam. Qua đó tôi cũng học được ông ý tính kiên trì để sáng tác được những bức ảnh ý nghĩa”. – NSNA. Đào Minh Xuyên, Ban Nghiệp vụ ảnh Tạp chí Khoa học Phát triển nông thôn Việt Nam chia sẻ.

Đến Việt Nam từ đầu những năm 90, mặc dù ngành nông nghiệp Việt Nam nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung lúc đó chưa phát triển. Tuy nhiên, phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ cũng như sự cần mẫn sáng tạo trong lao động, sự thân thiện mến khách và sự hồn hậu của con người, lịch sử, văn hóa đất nước Việt Nam đã cuốn hút ông, tạo cho ông những tình cảm đặc biệt với mảnh đất hình chữ S này.

Ông cũng là người đã hỗ trợ Viện sĩ Đào Thế Tuấn xuất bản tờ bản tin Khoa học Phát triển Nông thôn, tiền thân của Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam ngày nay.

9514bc167353a90df0426-1675673318.jpg
Hội Khoa học Phát triển nông thôn Việt Nam trao kỷ niệm chương vì sự nghiệp phát triển nông thôn Việt Nam cho ông Jean Michel Gallet

Trở lại Việt Nam lần này khi đã ở tuổi gần 80, ông muốn trao lại những bức ảnh quý giá đó cho ngành nông nghiệp để Việt Nam có thêm những tư liệu quý cho quá trình phát triển. Với những tình cảm và đóng góp của ông, vừa qua ông đã được Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam trao kỷ niệm chương vì sự nghiệp phát triển nông thôn Việt Nam.

NSNA. Trần Mạnh Thường đã rất xúc động khi được xem những tấm ảnh của ông Jean Michel Gallet, ông chia sẻ: “Tôi được xem nhiều bức ảnh của ông thì tôi thấy có 2 vấn đề: Thứ nhất về vấn đề nghệ thuật thì chúng ta thấy ông có những góc độ kỳ lạ, đối với người Việt Nam nhiều khi không phát hiện ra, nhưng ông là người ngoại quốc nên ông có thể nhìn ra những góc độ kỳ lạ đó. Như vậy về góc độ nghệ thuật thì ông đem đến cho công chúng, cho người xem những góc nhìn mới lạ. Điều thứ hai chính là về nội dung, thì chúng ta thấy ông rất sâu sắc, rất hiểu về nông nghiệp Việt Nam. Điều đó chúng ta phải cảm ơn ông Jean Michel Gallet rất nhiều. Ông đã đi sâu vào những vùng nông nghiệp rất khó khăn, vùng miền núi, vùng cao của chúng ta như là Lạng Sơn, Hà Giang, Lai Châu… Điều đó đã giúp chúng ta rất nhiều, bởi vì anh em nhiếp ảnh của Việt Nam nhiều khi cũng thấy ngại di chuyển tới những vùng đó vì việc di chuyển là rất vất vả cho nên là không đi sâu được vào các bản làng. Ngược lại, người ngoại quốc họ rất đam mê về việc này nên họ có thể đi sâu vào và mô tả được nông nghiệp của các vùng khó khăn đó, giúp cho Việt Nam mình có những tư liệu rất là tốt”.

“Ông Jean Michel Gallet đến từ một đất nước phát triển và ông cũng có điều kiện đi rất nhiều nước trên thế giới làm nông nghiệp. Nhưng với góc nhìn của một người phương Tây có nền công nghiệp phát triển cùng với các đại điền về nông nghiệp, ông nhìn ở Việt Nam các hoạt động sản xuất nông nghiệp dưới góc độ văn hóa, dưới góc độ sự khác biệt. Chính vì vậy mà những góc ảnh của ông, những tác phẩm của ông đã nói lên những ấn tượng hết sức đặc trưng của nông thôn Việt Nam, văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam. Trong gần 40 năm qua, chính những bức ảnh của ông cùng với những hoạt động của Hiệp hội Nông dân Pháp đã giới thiệu về những hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam. Có thể nói những tác phẩm về nông thôn Việt Nam dưới góc nhìn của ông Jean Michel Gallet đã cho những thế hệ hôm nay và mai sau thấy được những đặc điểm sản xuất, bản sắc văn hóa rất khác biệt của các vùng miền. Ảnh của ông đã nói lên những ngôn ngữ nhiếp ảnh tư liệu, mang đến cho người ta những dòng thời gian, những câu chuyện đặc trung văn hóa” – Nhà báo Vương Xuân Nguyên cho biết.

Một số hình ảnh của ông Jean Michel Gallet trong hành trình trở lại lần này:

315cbca672e3a8bdf1f210-1675673319.jpg
7485026edb2b0175583a-1675673320.jpg
a300832259678339da76-1675673319.jpg
69ec334fe50a3f54661b-1675673319.jpg
23ba4a9e85db5f8506ca5-1675673318.jpg
d1142fa4f7e12dbf74f0-1675673318.jpg
4ef1721abc5f66013f4e8-1675673318.jpg
8bad3567fb22217c78334-1675673318.jpg

 

Chu Thao