Tâm huyết của người kỹ sư nông nghiệp
Xuất phát là người đam mê nông nghiệp, tốt nghiệp ngành Kinh tế nông nghiệp tại Trường Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội, anh Lại Ngọc Thanh - Giám đốc điều hành công ty luôn đau đáu với niềm đam mê và khát vọng tạo được thương hiệu nông sản vươn tầm quốc tế.
Vùng nguyên liệu của Hanuti
Trong quá trình làm việc cho các dự án trong và ngoài nước, anh Thanh nhận ra rằng: “Ngay cả khi người dân được tiếp cận với các nguồn vốn hỗ trợ giống, phân bón để triển khai các mô hình sinh kế nhưng họ vẫn có thể không có được một sinh kế bền vững vì không có đầu ra ổn định. Nhận được sự hỗ trợ về vốn, tư vấn khoa học kỹ thuật trong sản xuất nhưng người dân vẫn cần có sự vào cuộc của các doanh nghiệp để có thể bao tiêu sản phẩm. Vì thế, tôi quyết định thành lập công ty Cổ phần Thế giới Hạt Dưỡng với mục tiêu xây dựng các thương hiệu nông sản, thực phẩm mạnh để có thể liên kết bao tiêu sản phẩm nông sản cho người dân”
Tạo việc làm cho người lao động nhàn rỗi
Bên cạnh mục tiêu xây dựng sinh kế bền vững cho người dân vùng nguyên liệu, Hanuti đã và đang tạo việc làm cho đối tượng lao động nữ làm việc tại xưởng chế biến thực phẩm Hanuti tại thôn Yên Hà - xã Hải Bối – huyện Đông Anh với mức thu nhập ổn định.
Anh Lại Ngọc Thanh - Giám đốc điều hành công ty Cổ phần Thế giới Hạt Dưỡng (HANUTI)
Theo thực tế cho thấy, tại các khu vực ven đô đang diễn ra quá trình đô thị hoá mạnh mẽ, lao động nữ nằm trong độ tuổi từ 40 – 60 tuổi đang rất khó khăn để có được một công việc ổn định do nằm ngoài độ tuổi lao động của các nhà máy, xí nghiệp hoặc không đáp ứng được yêu cầu công việc do chưa được đào tạo nghề.
Mất đất nông nghiệp do quá trình đô thị hoá lại không thể vào làm việc tại các nhà máy, khu công nghiệp, phụ nữ các vùng ven đô gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm và thu nhập ổn định, tạo áp lực lớn trong giải quyết việc làm tại nông thôn.
Chị Phạm Thị Đào - 46 tuổi tại thôn Yên Hà, xã Hải Bối, huyện Đông Anh - là công nhân đang làm việc tại xưởng sản xuất của Hanuti chia sẻ: Hầu hết công nhân làm việc tại xưởng Hanuti đều là người địa phương, với độ tuổi như của mình và các cô tại đây, với thời gian làm 8 tiếng mỗi ngày, khối lượng công việc nhẹ nhàng đang được công ty chi trả mức lương từ 5 triệu đồng/tháng và được hỗ trợ đóng bảo hiểm lao động theo năm. Chúng tôi hài lòng với mức thu nhập và công việc đang làm tại công ty.
Tương tự, anh Bạch Thái Khoa - 38 tuổi - Quản đốc phân xưởng chia sẻ: Đi tỉnh khác hay bỏ quê để lên thành phố làm là điều mà tôi không mong muốn. Với người có gia đình như tôi thì chỉ mong muốn kiếm một công việc có thu nhập ổn định, được công ty chi trả mức lương hợp lý có điều kiện gần gũi con cái, gia đình là điều hạnh phúc nhất. Mặc dù đi làm xa có nhiều tiền, nhưng tính lại không dư được bao nhiêu vì chi phí sinh hoạt, tiền thuê nhà… cảnh xa gia đình thực sự rất buồn. Vì vậy, được nhận vào làm việc tại Hanuti, tôi rất vui vì không chỉ có thu nhập ổn định lại được gần gia đình và được chăm lo các chế độ khác như bảo hiểm, du lịch…
Anh Bạch Thái Khoa - Quản đốc phân xưởng luôn cố gắng trau dồi những kỹ năng của mình, miệt mài với công việc.
Theo anh Lại Ngọc Thanh: Từ khi thành lập, chúng tôi xây dựng xưởng sản xuất tại địa bàn huyện Đông Anh và đã thu hút nhiều lực lượng lao động địa phương đa phần là nữ giới, với mức lương từ 4 đến 6 triệu đồng/người/tháng. Chúng tôi luôn mong muốn phát triển hoạt động kinh doanh để Hanuti có thể có thêm được nhiều việc làm, tăng thu nhập và ổn định đời sống cho lao động địa phương, đặc biệt là lao động nữ.
Tạo chuỗi liên kết có tính bền vững
Hanuti ra đời với sứ mệnh “Tiên phong xây dựng thế giới hạt và hệ sinh thái hạt dưỡng. Lan tỏa lối sống: sống chất, sống khỏe, sống đẹp, sống vui, sống văn minh và sống an nhiên”. Công ty đã xây dựng chuỗi liên kết bắt đầu từ việc hợp tác với các hộ dân người dân tộc thiểu số ở vùng Lục Khu của huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, kiểm soát vùng nguyên liệu hạt hữu cơ gồm các cây trồng như lạc, đỗ tương, đỗ đen, đỗ xanh, ngô nếp, vừng trắng, vừng đen.
Đồng thời, phát triển các vùng nguyên liệu theo định hướng hữu cơ tại một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, Thái Bình, Điện Biên. Sản phẩm của Hanuti đều được sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm từ nguồn nguyên liệu hữu cơ hoặc nguồn nguyên liệu an toàn, không sử dụng thuốc trừ cỏ, thuốc trừ sâu và phân bón hoá học trong quá trình canh tác.
Một trong những dòng sản phẩm của công ty cổ phần thế giới hạt dưỡng Hanuti
Bên cạnh việc sản xuất các sản phẩm siro trái cây tự nhiên mang thương hiệu Giọt Lành không sử dụng chất bảo quản, chất tạo màu hay chất điều vị, Hanuti đang chú trọng phát triển các sản phẩm dinh dưỡng từ hạt mang thương hiệu Hạt Dưỡng từ nguồn hạt bản địa, không biến đổi gen đã được cấp chứng nhận hữu cơ của châu Âu (EU), Mỹ (NOP/USDA) và Nhật Bản (JAS) kết hợp với các nguồn hạt nhập khẩu chất lượng cao. Với sản phẩm được tạo ra bằng sự tử tế kết hợp với bí quyết sản xuất, công nghệ sản xuất tiên tiến, Hanuti đang tự tin phát triển sản phẩm ở thị trường trong nước và cùng với các đối tác chuẩn bị những bước đi cẩn trọng để có thể đưa sản phẩm đi xuất khẩu tại các thị trường cao cấp như Châu Âu, Nhật Bản, Mỹ.
Chuyển đổi từ nông nghiệp sử dụng nhiều hoá chất sang nông nghiệp hữu cơ là một hành trình dài, đầy gian nan thử thách. Tuy nhiên, bằng sự tử tế với tâm huyết và tình yêu nông nghiệp, sự trân trọng đối với sức khoẻ của người dân, công nhân và khách hàng, Hanuti đã và đang có những bước đi đầu tiên vững chắc, tạo tiền đề cho những chuyển biến, tăng tốc trong tương lai.
Bài viết có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới thành phố Hà Nội