Khoa học công nghệ - Chìa khóa đưa nông nghiệp Việt Nam lên tầm cao mới

Ngày 20/5/2024, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức hội nghị "Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050".

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN và ĐMST) ngày càng có vai trò quan trọng và đóng góp tích cực vào tăng trưởng nông nghiệp.

Các nghiên cứu và kết quả tính toán theo các cách khác nhau đều cho thấy đóng góp của KHCN và ĐMST cho ngành nông, lâm, thủy sản là rất lớn, đạt mục tiêu trên 50%. Điều này phản ánh nông nghiệp Việt Nam đang chuyển đổi từ mô hình theo chiều rộng sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu dựa vào KHCN và ĐMST.

KHCN và ĐMST đã giúp cải thiện cơ cấu giống và tăng năng suất cây trồng vật nuôi, giai đoạn 10 năm qua, cộng đồng các nhà khoa học đã công nhận 529 giống mới (393 giống cây trồng, 12 giống thủy sản; 82 giống cây lâm nghiệp và 42 giống vật nuôi).

qc20240520145135-1716288785.jpg
Toàn cảnh hội nghị

GS.TS Phạm Văn Cường, Phó Giám đốc Học viên Nông nghiệp Việt Nam, cho biết việc áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường (như VietGAP, Global GAP...) ngày càng được phổ biến nhân rộng và hiệu quả mang lại là sản xuất ra được các sản phẩm an toàn, chất lượng cao phục vụ nhu cầu của thị trường.

PGS.TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, chia sẻ những kinh nghiệm từ việc vận hành Câu lạc bộ Đổi mới sáng tạo rau, hoa, quả. Theo đó, câu lạc bộ đã giúp hỗ trợ, kết nối người sản xuất và người tiêu thụ, giữa nhà khoa học và nông dân; hỗ trợ các đơn vị kết nối sản xuất – tiêu thụ theo chuỗi, thương mại hóa các công nghệ về nhân giống và chế biến sản phẩm. Điển hình như thương mại hóa công nghệ giống và sản phẩm sen tại Đồng Tháp; công nghệ làm mát coolbot cho rau củ quả, công nghệ sơ chế rau củ; mô hình sản xuất VietGAP và công nghệ blockchain.

KHCN đã thúc đẩy cơ giới hóa trong nông nghiệp, năng suất lao động nông, lâm, thủy sản bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 6,8%/năm. Nhiều nhóm sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, cấp tỉnh có hàm lượng ứng dụng KHCN rất cao được áp dụng từ khâu sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến như: Tôm, cá tra… Nhiều doanh nghiệp lớn ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến ngang tầm khu vực và thế giới như: TH (sữa), Dabaco (chăn nuôi), Nafoods (trồng, chế biến trái cây), Masan (giết mổ, chế biến), Nam miền Trung (tôm)...

can-giuoc-nong-dan-tap-trung-phat-trien-nncnc-nang-cao-thu-nhap-768x576-1716288989.jpg
Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp cho hiệu quả cao

Tuy nhiên, lĩnh vực KHCN cũng bộc lộ hàng loạt những hạn chế, bất cập. Việc thương mại hóa -chuyển giao kết quả nghiên cứu sản phẩm, công trình KHCN vẫn còn chậm. Một số công trình, đề tài nghiên cứu hàm lượng sáng tạo, tính mới chưa cao, vẫn còn thiếu đội ngũ nhà khoa học đầu ngành, nhân lực làm nghiên cứu đông nhưng chưa mạnh. Việc sử dụng trang thiết bị cơ sở vật chất có lúc, có nơi còn chưa hiệu quả...

Tại hội nghị các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về các chuyên đề “Tư duy đổi mới, các chính sách, định hướng phát triển KH&CN và ĐMST ngành NN-PTNT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”; “Đào tạo nguồn nhân lực khoa học và công nghệ ngành NN-PTNT”; “Chuyển giao KHCN trong công tác khuyến nông phục vụ phát triển ngành NN-PTNT”…

Nhờ những đóng góp của KHCN, tốc độ tăng trưởng ngành Nông nghiệp khá cao, bình quân 3 năm giai đoạn 2021-2023 đạt 3,35%/năm (giai đoạn 2016-2020 đạt 2,62%/năm), tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2021-2023 đạt 154,8 tỷ USD, bình quân đạt trên 51,61 USD/năm, cao hơn so với mức 36,63/năm giai đoạn 2016-2020. Năm 2023 tuy có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng ngành nông nghiệp vẫn duy trì đà tăng trưởng cao, phát triển toàn diện, giá trị gia tăng toàn ngành tăng cao, đạt 3,83%.