Khuyến khích nông nghiệp thông minh trong phát triển đô thị

PGS.TS Đào Thế Anh- Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam khuyến nghị, nông nghiệp thông minh cần được khuyến khích trong phát triển đô thị, dựa trên nghiên cứu về thị trường và các nhu cầu của cư dân.
164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
 
“Hội thảo Định hướng và Giải pháp phát triển Nông nghiệp thông minh trên địa bàn TP Hà Nội” được tổ chức ngày 3/11 nhằm đề xuất các giải pháp xây dựng nền nông nghiệp thông minh trong đô thị Hà Nội phù hợp với điều kiện đất đai, thị trường và yêu cầu Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
 
Tại Hội thảo, các đại biểu, nhà khoa học, chuyên gia đã tập trung thảo luận một số nội dung chính như: Phân tích những cơ sở lý luận và giới thiệu những mô hình thực tiễn về phát triển nông nghiệp đô thị nông nghiệp công nghệ cao; Nông nghiệp thông minh phù hợp với điều kiện thực tiễn của Hà Nội; Thực trạng phát triển nông nghiệp thông minh ở Việt Nam và Hà Nội.
 
Đồng thời, thảo luận một số vấn đề có liên quan đến tái cơ cấu lại nền nông nghiệp, quy hoạch vùng để phù hợp với loại cây trồng và điều kiện tự nhiên, đào tạo nguồn nhân lực tiếp cận công nghệ cao, hiểu biết và vận hành mở rộng hợp tác quốc tế cập nhật đổi mới công nghệ từ nước ngoài; xây dựng và quảng bá thương hiệu có sự cạnh tranh trên thế giới.
 
Theo Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, cho dù dịch bệnh còn diễn biến hết sức phức tạp nhưng ngành nông nghiệp Thủ đô đã nỗ lực đạt được mức tăng trưởng đáng khích lệ.
 
 
 
Hà Nội có 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
 
Quý I ngành nông nghiệp Thủ đô đạt tăng trưởng 2,51%, quý II tăng lên 3,09%, quý III tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước và phấn đấu đạt 4,2% trong cả năm 2021. Kết quả này đã đóng góp tích cực trong tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản cả nước 9 tháng đầu năm (đạt trên 67,7 tỷ USD, tăng 27,9% so với cùng kỳ năm trước).
 
Trên địa bàn Thành phố hiện nay có 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (105 mô hình trong lĩnh vực trồng trọt, 39 mô hình về chăn nuôi, 15 mô hình về thủy sản và 1 mô hình kết hợp trọt và chăn nuôi). Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao hiện nay chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố.
 
Trong đó, công nghệ, thiết bị lựa chọn ứng dụng chủ yếu là thông minh trong việc quản lý, điều khiển môi trường nuôi trồng giúp giảm nhân công lao động, tăng chất lượng và sản lượng nông sản.
 
Ngành trồng trọt đã ứng dụng xây dựng nhà màng, nhà lưới có hệ thống tự động hóa trong điều khiển hệ thống tưới, bón phân, điều chỉnh độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng. Trong đó, hệ thống giám sát có thể phân tích đất đai, dự báo năng suất, phát hiện sâu bệnh, dịch hại. Ứng dụng công nghệ kết nối vạn vật IoT, công nghệ canh tác không sử dụng đất, công nghệ Blockchain truy xuất nguồn gốc, công nghệ nhân nuôi tế bào thực vật quy mô công nghiệp. Sử dụng máy bay điều khiển từ xa trong bón phân và phòng trừ dịch bệnh trên lúa.
 
Ngành chăn nuôi đã áp dụng hình thức chăn nuôi trong chuồng kín, có hệ thống làm mát giúp ổn định nhiệt độ, độ ẩm, dây chuyền cho ăn tự động, uống nước tự động, công nghệ thụ tinh nhân tạo, tinh phân ly giới tính. Nhiều đơn vị chăn nuôi còn áp dụng xử lý môi trường bằng công nghệ tiên tiến (CDM, Biogas, đệm lót sinh học, chế phẩm sinh học…).
 
Đối với ngành thủy sản, các công nghệ cao đã được áp dụng trong hoạt dộng nuôi trồng như sử dụng chế phẩm sinh học và máy tạo oxy tự động, công nghệ biofloc. Hà Nội đã đẩy mạnh triển khai các mô hình ứng dụng công nghệ cao, công nghệ và thiết bị thông minh, tập trung nhiều tại các huyện (Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng…).
 
Một số doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) tiêu biểu đã ứng dụng công nghệ, thiết bị thông minh trong sản xuất nông nghiệp, như: Công ty Đại Thành, Công ty TNHH Thực phẩm sạch Ba Vì, HTX Rau quả sạch Chúc Sơn và HTX Hữu cơ Đồng Phú huyện Chương Mỹ; HTX Hoàng Long huyện Thanh Oai, HTX sản xuất kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết; đặc biệt là các trang trại, gia trại hoa cây cảnh, nuôi trồng hoa lan, nuôi cấy mô và lan VAR…
 
Thiếu cơ chế chính sách hỗ trợ
 
Tuy nhiên, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, số lượng mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh của thành phố phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế vốn có. Nhất là mô hình khu công nghiệp (KCN) phục vụ nông nghiệp thông minh, mô hình trang trại, gia trại, HTX, làng nghề “nông nghiệp số” quy mô lớn chưa được ứng dụng đồng bộ các giải pháp công nghệ thông minh theo chuỗi giá trị từ khâu nghiên cứu chọn tạo giống, tổ chức sản xuất, nuôi trồng, chế biên, bảo quản và tiêu thụ.
 
 
Cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp thông minh còn thiếu.
 
Cùng với đó, cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp thông minh còn thiếu, chưa đồng bộ và chưa đủ mạnh, nhất là trong đầu tư hạ tầng phát triển sản xuất nông nghiệp tại các địa phương.
 
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52, 57 và 98 năm 2018 về một số cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
 
“Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa ban hành đủ định mức kinh tế kỹ thuật hỗ trợ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh bởi các Thông tư hướng dẫn còn chưa được đầy đủ và còn nhiều bất cập. Trung ương chưa ban hành các văn bản tháo gỡ vấn đề tích tụ tập trung ruộng đất, việc sửa đổi Luật đất đai để thích ứng yêu cầu của một nền nông nghiệp hàng hóa, tạo tiền đề cho phát triển nông nghiệp thông minh mới ở bước đầu khởi động”, báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội nhấn mạnh.
 
Đưa ra khuyến nghị tại Hội thảo, PGS. TS Đào Thế Anh- Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, nông nghiệp thông minh cần được khuyến khích tại đô thị, dựa trên nghiên cứu về thị trường và các nhu cầu của cư dân đô thị.
 
Cùng với đó, Chính phủ cần tiếp tục ban hành những chính sách phù hợp với thực tiễn sản xuất, có khả thi cao nhằm huy động các nguồn lực để thực hiện cuộc cách mạng nông nghiệp thông minh, từ đó chủ động đầu tư công nghệ phù hợp với đô thị nhằm tạo luồng sinh khí mới với những mô hình nông nghiệp thông minh, sản phẩm nông sản độc đáo, an toàn và có khả năng cạnh tranh cao.
 
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần phối hợp với Bộ Thông tin truyền thông tập trung xây dựng được kiến trúc tổng thể của Chính phủ số và kinh tế số của ngành nông nghiệp.
 
Nghiên cứu xác định rõ nhu cầu dịch vụ chức năng của các hộ nông dân nhỏ, trang trại, HTX, doanh nghiệp nông nghiệp để thiết kế nền tảng số tập trung và khung cơ sở dữ liệu số cho nông nghiệp, đồng bộ giữa các nhóm ngành nghề theo cơ cấu tổ chức từ trung ương đến địa phương.
 
Cần có đầu mối tập trung ở cấp bộ để thiết kế cấu trúc hệ thống công nghệ thông tin, tránh hiện tượng tự phát khi chưa có các tiêu chuẩn kết nối chung, sau này khó tích hợp được thành hệ thống chung, gây lãng phí.
Tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao để chủ động trong quá trình tiếp cận nông nghiệp thông minh. Công tác khuyến nông tập trung vào đào tạo kỹ năng thay đổi mô hình kinh doanh số cho các HTX, doanh nghiệp, xây dựng các mô hình chuyển đổi số thử nghiệm cấp cơ sở dựa trên kiến trúc nền tảng thống nhất chung.
 
“Cần triển khai xây dựng, thu thập cơ sở dữ liệu trực tuyến nông nghiệp, tích hợp, đồng bộ. Khuyến khích thu hút doanh nghiệp công nghệ số đầu tư phục vụ nông nghiệp và nông thôn, đồng hành cùng nông dân vì đây là lực lượng khách hàng rất tiềm năng. Các công nghệ tự động hoá trong sản xuất nông nghiệp phù hợp với hộ nông dân nhỏ, gắn với nền tảng truy xuất nguồn gốc là những lĩnh vực cần ưu tiên nghiên cứu để có thể ứng dụng ngay trong thời gian ngắn.
 
Thúc đẩy nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp thông minh, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế để tiếp thu các công nghệ nông nghiệp thông minh phương thức quản trị số phù hợp của thế giới và nhằm tiết kiệm thời gian, tăng năng suất lao động, mang lại hiệu quả cao”, PGS. TS Đào Thế Anh khuyến nghị.