Theo bà Huỳnh Thu Thảo - chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Thảo cầm viên Sài Gòn, hiện nay tượng ông Jean Baptiste Louis Pierre được đặt ngay lối đi vào cổng chính.
Trước đây, tượng ông được khắc thông tin bằng tiếng Pháp nên nhiều người dân và du khách cũng không biết ông là ai.
"Để ghi nhớ công ơn của ông, Thảo cầm viên Sài Gòn đã cho khắc thông tin bằng tiếng Việt dưới chân tượng ông. Hôm nay đúng ngày sinh của vị giám đốc đầu tiên, chúng tôi dâng hoa để tưởng nhớ ông. Đây cũng là hành động nhắc nhở những người kế nhiệm phát huy di sản mà ông để lại", bà Thảo chia sẻ.
Ông Jean Baptiste Louis Pierre sinh ngày 23-10-1833, là một nhà thực vật học người Pháp. Đầu những năm 1850, ông đảm nhận vị trí giám đốc Vườn bách thảo Calcutta (nước Anh).
Năm 1865, ông được bổ nhiệm làm giám đốc đầu tiên của Vườn bách thảo (tiền thân là Thảo cầm viên Sài Gòn).
Là một nhà thực vật học, ông đã có nhiều giải pháp phát triển cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó ông sưu tập nhiều loài động vật, thực vật quý hiếm từ các nơi trên thế giới đem về đây.
Ông Louis Pierre cho ươm trồng thành công nhiều loài cây rừng tự nhiên của nước ta và đưa các loại cây du nhập từ châu Phi, châu Mỹ về.
Từ đó, một vườn thực vật ra đời và tồn tại đến ngày nay. Năm 1865, ông bắt đầu xây dựng chuồng nuôi chim muông, hươu nai và kêu gọi mọi người đóng góp các loài chim thú bắt được về đây nuôi dưỡng.
Cho đến hiện nay, Thảo cầm viên có trên 2.500 cây xanh thuộc 360 loài, trong đó có trên 700 cây cổ thụ.
Tại đây cũng nuôi dưỡng hơn 2.000 cá thể động vật thuộc 135 loài. Trong đó có nhiều loài thuộc loại quý hiếm như trĩ sao, chà vá, vượn má vàng, hươu vàng, báo lửa, báo gấm...
Ngoài ra, ông Louis Pierre cũng là "cha đẻ" của hàng ngàn cổ thụ trên đường phố trung tâm TP.HCM và các công viên lớn.
Thảo cầm viên là 1 trong 8 vườn thú cổ nhất thế giới Thảo cầm viên Sài Gòn được xây dựng vào năm 1864 (đến nay đã 159 năm), đây là 1 trong 8 vườn thú cổ nhất trên thế giới. Năm 2024, Thảo cầm viên Sài Gòn sẽ kỷ niệm 160 năm thành lập. |
Nguồn: Tuổi trẻ