Ngồi trên chiếc xe du lịch hạng sang 50 chỗ ngồi thuê của một công ty du lịch đưa chúng tôi trở lại thăm chiến trường xưa, một đồng nghiệp trong lớp phóng viên GP10 TTXVN đã bộc bệch nhẫm tính như vậy.
Bài 4: Trở lại R
Chúng tôi trở lại R vào dịp kỷ niệm giải phóng miền Nam, là cao điểm của mùa khô, là thời điểm nóng nhất trong năm, đã nhiều tháng miền Đông Nam Bộ không có mưa, trời nắng trang trang mấy tháng nay, đất đai khô ran. Ai nấy đều bồi hồi, xúc động tưởng nhớ hai liệt sĩ của lớp phóng viên GP 10 hy sinh trên đường hành quân tại ngã 3 Đông Dương ở nước bạn Lào.
Phóng viên GP10 viếng mộ các liệt sĩ Trần Viết Thuyên, Phạm Thị Kim Oanh hy sinh lúc 10 giờ 10 phút ngày 2/4/1973 tại rừng săng lẻ Atôpơ (Lào) trước khi lên đường hành quân tiếp vào R ở Tây Ninh. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Một số phóng viên GP10 chụp ảnh kỷ niệm khi mới hành quân từ Bắc vào căn cứ TTXGP tại R (Tây Ninh) giữa năm 1973. Trong số này có 3 vị đã về với tổ tiên do tuổi cao, bị bệnh hiểm nghèo gồm: Đứng ngoài cùng bên phải là Hoàng Đức Quỳnh, tiếp đó là Nguyễn Đình Na, tiếp người đứng thư 4 từ phải sang là Phạm Cao Phong. Ảnh Tư liệu TTXVN.
Dọc hai bên Quốc lộ 22, và 22B, rừng cao su bạt ngàn chuẩn bị thay lá. Các cánh rừng khộp dọc biên giới Campuchia vào cuối mùa khô này rụng hết lá chỉ còn trơ lại thân cành khẳng khiu tua tủa lên trời như chết đứng đang đợi những trận mưa đầu mùa để đâm chồi, nẩy lộc. Con đường đi về R đã bị phủ bởi lớp đất mùn mịn như cám, dày cả gang tay, mỗi lần có xe máy, ô tô đi qua là bụi đỏ bay lên mù mịt.

Trở lại căn cứ địa năm xưa, đúng dịp kỷ niệm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, anh chị em cựu phóng viên GP10 từ khắp trong Nam ngoài Bắc, ai nấy đều bồi hồi xúc động. Rất nhiều anh chị em do hoàn cảnh công tác, xa nhau nhiều năm, giờ mới gặp lại. Những mái đầu pha sương lẫn bạc trắng, những người đều đã "lên chức" ông, bà gặp lại nhau môi cười mà mắt rưng lệ, cầu chúc cho nhau những điều tốt lành, sống vui sống khỏe, sống có ích trong những năm tháng còn lại của cuộc đời.
Đây rồi! Bia kỷ niệm Thông tấn xã Giải Phóng nằm ngay ven đường tuần tra biên giới ở khu rừng Vườn Quốc gia Lò Gò-Xa Mát (xã Tân Bình, huyện Tân Biên, Tây Ninh). Trên Bia này có ghi:
“Nơi đây là căn cứ chống Mỹ, cứu nước của Thông tấn xã Giải Phóng (TTXGP) từ 12/10/1960 đến ngày 30/4/1975. TTXGP được Trung ương cục Miền Nam tặng 16 chữ vàng:
Cần cù dũng cảm
Tự lực cánh sinh
Khắc phục khó khăn
Hoàn thành nhiệm vụ
Từ năm 1976, TTXGP hợp nhất với Việt Nam Thông tấn xã thành TTXVN”.
Chúng tôi đã thắp hương tại Bia kỷ niệm này để tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì sự nghiệp Thông tấn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Rừng ở đây từng bị Mỹ rải chất độc hóa học, tiến hành trận càn Gian-xơn Xi-ty vào đầu năm 1967. Khi đó, Mỹ ngụy đã huy động 3 sư đoàn bộ binh với 45.000 quân cùng hàng nghìn xe, pháo, 500 máy bay, trong đó có cả máy bay B-52 rải thảm nhằm hủy diệt Trung ương Cục, trong đó có TTXGP và chủ lực ta nhưng đã bị thảm bại.
Sau 50 năm, những hố bom đạn đã bị khỏa lấp, rừng đã khép tán, lối mòn đi về B7/1 (Tổ chức cán bộ), B7/2 (Văn phòng), B7/3 (Ban biên tập tin), B8/1 (Kỹ thuật), B8/2 (Đài thu phát tin), B22 (Ban biên tập ảnh)... của TTXGP đều rất khó nhận ra dấu tích của căn cứ địa năm xưa.
Kỷ niệm tại Nhà đón tiếp khách đến thăm Di tích căn cứ Trung ương cục miền Nam.
Một số cựu PV GP10 chụp ảnh kỷ niệm tại Bia đá Nhà truyền thống Văn phòng Trung ương cục miền Nam thời kỳ chống Mỹ cứu nước 1961-1975
Thật đáng suy nghĩ khi các đơn vị khác từng có căn cứ ở R, họ không những xây dựng bia kỷ niệm còn phục dựng những nhà lợp lá trung quân, xây văn phòng đón tiếp khách đến thăm quan, trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cho các thế hệ tiếp nối thì TTXVN chỉ dựng được tấm bia trơ trọi bên đường tuần tra biên giới mỗi khi đi vào phải xin phép Đồn biên phòng.
Nhiều ý kiến lớp phóng viên GP 10 cho rằng TTXVN không đủ lực phục dựng, tôn tạo di tích, xây dựng nhà tiếp khách tại R như các cơ quan Công an, Quân đội, Tài chính, Ngân hàng, Dân vận, Y tế, Đoàn thanh niên... Nhưng bên cạnh Bia kỷ niệm hiện có làm dấu mốc, TTXVN nên xây thêm Bảng vẽ sơ đồ địa điểm các đơn vị của TTXGP từng sống, chiến đấu, làm việc ở nơi đây ngay cạnh Bia kỷ niệm để cho thế hệ mai sau có thể hình dung ra được thế hệ cán bộ, phóng viên TTXGP đã có thời công tác ở trong rừng với bộ máy, quy mô như thế đó.
Hiện chỉ còn một số rất ít cán bộ tiền bối am tường về những vị trí của các đơn vị trước đây của TTXGP ở khu rừng chiến khu thuộc Vườn Quốc gia Lò Gò-Xa Mát. Nếu không nhanh chóng tranh thủ sức lực, sự am hiểu của các vị tiền bối này giúp sức để lập bảng vẽ chính xác sơ đồ địa điểm các đơn vị của TTXGP từng sống, chiến đấu, công tác ở khu rừng này mà các vị lão thành tuổi ngày càng cao, sức càng yếu, đến khi qua đời thì thế hệ sau không biết đâu mà lần. Khi đó, có bỏ tiền tỷ cũng không làm được. Đề xuất nêu trên tưởng nhỏ nhưng có ý nghĩa rất lớn và nếu thực hiện được cũng không đơn giản vì rất phức tạp. Nếu lãnh đạo đương nhiệm của TTXVN không quan tâm, quyết tâm vào cuộc thì rất khó thành hiện thực?
50 năm không phải là ngắn. Đó là một đoạn lớn của Đời Người gắn liền với nhiều thăng trầm, đổi mới và Phát triển của đất nước. Đây cũng là dịp để chúng ta ôn lại kỷ niệm xưa, nhớ lại một chặng đường lịch sử gian khổ, hào hùng, của thế hệ thanh niên Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc..." Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", đã gắn bó trọn đời với Thông tấn xã Việt Nam.
(Còn nữa)
Đón đọc Bài 5: Gặp lại em giao liên xưa nay thành "đại gia"