Huy động nhiều nguồn vốn lồng ghép đầu tư, xây dựng hộ gia đình nông thôn mới làm hạt nhân, huyện Lạc Dương chọn những tiêu chí dễ, ít vốn đầu tư để thực hiện trước, tiêu chí khó thực hiện sau, qua đó phát huy hiệu quả những mô hình mới trên địa bàn.
Theo đó, Chương trình xây dựng Nông thôn mới huyện Lạc Dương giai đoạn 2023 - 2024 được giao tổng kinh phí thực hiện gần 27 tỷ đồng, kết quả giải ngân năm 2023 từ 83,4% đến 100%; ước năm 2024 từ 67,7% đến 100%. Kết quả đầu tư hệ thống giao thông đường huyện, xã, đường xã, liên xã được thảm nhựa bê tông 100%, các xã, thị trấn trong huyện xây dựng tuyến đường điện chiếu sáng ban đêm; hệ thống hồ, đập thủy lợi, hệ thống ao, hồ nhỏ được cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới; vườn tạp được quy hoạch, cải tạo để phát triển sản xuất.
Đồng thời, huyện Lạc Dương phát triển vùng nguyên liệu tập trung chuyên canh cây cà phê Arabica với tổng diện tích 5.000 ha, tổng sản lượng năm 2013 khoảng 13.000 tấn. Trong đó ban hành Đề án hình thành vùng sản xuất chuyên canh 300 ha diện tích cà phê ứng dụng công nghệ cao tại thị trấn Lạc Dương.
Bên cạnh đó, huyện Lạc Dương đang triển khai quy hoạch 3 vùng nông nghiệp công nghệ cao 346 ha Khu Ấp Lát và 172 ha Khu Đa Đeum II (xã Đạ Sar); 181 ha Khu K’Long K’Lanh (xã Đạ Chais). Trên địa bàn huyện Lạc Dương có 12 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chủ lực địa phương, thu hút 270 nông hộ tham gia. Thông qua các mô hình liên kết đã mang lại lợi ích thiết thực như: Chi phí sản xuất đầu vào giảm so với bên ngoài, người nông dân chủ động hơn trong khâu canh tác, sản xuất đồng loạt, dễ kiểm soát dịch bệnh, đáp ứng đầy đủ tiêu chí, tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, hạn chế sự bấp bênh của giá bán các sản phẩm nông sản sau thu hoạch…
Để thuận lợi cho việc theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, đồng thời đảm bảo nông sản đưa vào quá trình lưu thông trên thị trường đúng nguồn gốc vùng trồng, huyện Lạc Dương hỗ trợ các xã, hợp tác xã đăng ký cấp mã số vùng trồng truy xuất nguồn gốc, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với mặt hàng nông sản chủ lực như atiso, cà phê, rau ăn lá…Đến nay, toàn huyện có gần 184,4 ha Chứng nhận VietGAP; gần 58 ha Chứng nhận hữu cơ; 11 ha Chứng nhận GlobalGAP. Có 9 mã với hơn 58,2 ha cà phê, rau ăn lá, atiso, mận được cấp mã số vùng trồng nội địa. Hiện các xã nông thôn mới đều có 1 sản phẩm chủ lực trở lên ứng dụng chuyển đổi số trong truy xuất nguồn gốc, giúp nông dân tiếp cận công nghệ trong ghi chép, quản lý sổ nhật ký sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhanh chóng, chính xác.
Theo đánh giá chung, Chương trình xây dựng Nông thôn mới huyện Lạc Dương đã và đang chuyển dịch đúng hướng, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Trong đó sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, nông nghiệp bền vững, nông nghiệp thông minh ngày càng phát triển. Hầu hết các chỉ tiêu kinh tế xã hội đều đạt và vượt kế hoạch; các chương trình trọng tâm, công trình trọng điểm đạt mục tiêu đề ra. Đến nay, toàn huyện Lạc Dương có 5/5 xã đạt chuẩn nông thôn mới, thị trấn Lạc Dương đạt chuẩn đô thị văn minh.
Ngoài ra, mục tiêu phấn đấu hết năm 2024, huyện Lạc Dương hoàn thành các tiêu chí huyện nông thôn mới; xã Lát, xã Đạ Sar và xã Đạ Nhim đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; xã Đạ Chais và xã Đưng K’nớ đạt tiêu chí nông thôn mới; thu nhập bình quân khoảng 61 triệu đồng/người/năm. Trong thời gian tới, những giải pháp trọng tâm xây dựng nông thôn mới của huyện Lạc Dương tập trung tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, nhất là khâu bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản; chuẩn hóa sản phẩm và quảng bá, xúc tiến thương mại để nâng cao giá trị sản phẩm. Ngoài ra, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế du lịch gắn với phát triển sản xuất nông nghiệp tại địa phương; thực hiện có hiệu quả Chương trình OCOP theo hướng nâng cao chất lượng gắn với xây dựng thương hiệu, tăng khả năng cạnh tranh và hướng đến xuất khẩu…