Chùa Vạn Phúc, huyện Sóc Sơn nằm ở thôn Đoài, xã Phủ Lỗ, huyện Sóc Sơn, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 25km về phía Bắc.
Chùa được xây dựng cuối thời nhà Lý, đầu thời nhà Trần. Trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, chùa từng bị phá hủy hoàn toàn. Năm 1997, Chùa được xây dựng lại trên nền ngôi chùa cũ và vẫn lưu giữ nhiều nét kiến trúc truyền thống, vừa uy nghi tráng lệ, vừa hài hòa, xanh mát bên bờ dòng sông Cà Lồ.
Trụ trì ngôi chùa là Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ, Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phậtgiáo Việt Nam, Phó Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương, Trưởng ban Hoằng pháp Phật giáo thành phố Hà Nội, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Phật học Hà Nội. Thượng tọa luôn dành sự quan tâm cho công tác kiến thiết để ngôi chùa vừa đáp ứng nhu cầu tu học của chư tăng, Phật tử, vừa đóng góp vào việc lan tỏa các giá trị của Phật giáo trong đời sống xã hội.
Nơi đây còn được biết đến là địa chỉ gieo duyên lành cho nhiều thiện nam tín nữ lựa chọn tổ chức lễ Hằng Thuận, một nghi thức cưới đặc biệt trong không gian tâm linh tín ngưỡng của Phật pháp. “Hằng” là mãi mãi, “Thuận” là hòa hợp, yêu thương cảm thông. Lễ Hằng Thuận là buổi lễ được tiến hành dưới sự chứng minh của các Chư Tôn Đức Tăng Ni, chúc phúc cho đôi Uyên ương an vui, hạnh phúc trọn đời.
Theo đó, trước khi cử hành nghi lễ hằng thuận, chư tôn đức chứng minh cùng toàn thể đại chúng đã đối trước Phật đài niêm hương bạch Phật, cầu nguyện chúc phúc cho đôi bạn trẻ.
Sau đó, đôi bạn trẻ đã được Hòa thượng và chư Tăng Ni tác pháp quy y Tam Bảo và trao truyền Ngũ Giới để làm kim chỉ nam cho cuộc sống hiện tại (nếu chưa Quy y Tam Bảo).
Nhân dịp này, đôi tân lang tân nương đã được lắng nghe Hòa thượng giảng giải về đạo nghĩa vợ chồng và ý nghĩa của việc kết hôn. Hòa thượng khuyến tấn đôi tân lang, tân nương phải sống trọn vẹn bổn phận làm vợ và làm chồng, làm dâu hiền, rể thảo cùng xây dựng hạnh phúc gia đình.
Sau những lời sách tấn đầy ý nghĩa, hai bạn trẻ đã phát nguyện trước Tam Bảo và hiện tiền chư Tôn đức Tăng Ni sẽ cố gắng tinh tấn thực hành những lời dạy đó để có thể sống đúng nghĩa là một người Phật tử tại gia, một người con hiếu thảo, một người vợ – người chồng đúng mực.