Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa tham dự buổi lễ.
Dự buổi lễ có các đại biểu: Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, Chủ nhiệm Câu lạc bộ "Vì Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu"; nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu”; Chuẩn Đô đốc, Chính ủy Vùng 4 Hải quân Ngô Văn Thuân.
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Việt Hà nhấn mạnh, Bát Tràng là một làng nghề truyền thống làm gốm sứ tiêu biểu của huyện Gia Lâm với hơn 700 năm lịch sử, đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Các sản phẩm của Bát Tràng rất đa dạng, phong phú, từ sản xuất vật liệu xây dựng, gạch, ngói đến sản xuất các đồ dùng gia dụng, đồ thờ cúng, gốm mỹ nghệ... với độ tinh xảo cao, kết tinh giá trị nghệ thuật, tinh hoa của dân tộc.
Thủ đô Hà Nội nói chung và huyện Gia Lâm nói riêng luôn chú trọng các hoạt động hướng về Trường Sa thân yêu.
Hiện nay, Bát Tràng có 43 nghệ nhân gốm được Nhà nước công nhận, trong đó có 2 nghệ nhân nhân dân, 6 nghệ nhân ưu tú, 35 nghệ nhân Hà Nội. Mỗi nghệ nhân có những sở trường riêng và tạo nên nét đẹp đa dạng cho sản phẩm gốm Bát Tràng, góp phần lan tỏa sản phẩm đặc sắc của xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm đi khắp nơi trên thế giới.
Những năm qua, Thủ đô Hà Nội nói chung và huyện Gia Lâm nói riêng luôn chú trọng các hoạt động hướng về Trường Sa thân yêu với những việc làm thiết thực. Ngay từ đầu năm 2024, xã Bát Tràng thực hiện vận động, xã hội hóa làm các sản phẩm gốm sứ thiết thực tặng nhân dân và chiến sĩ Trường Sa. Thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy xã, UBND xã Bát Tràng đã xây dựng Kế hoạch số 240/KH-UBND về việc “Xã hội hóa toàn dân và làng nghề để thiết kế sản xuất hơn 15.000 sản phẩm gốm sứ Bát Tràng dành tặng cho nhân dân và chiến sĩ huyện đảo Trường Sa nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10”.
Chung sức vì mục tiêu bảo vệ chủ quyền biển đảo, toàn hệ thống chính trị, doanh nghiệp, các nghệ nhân và nhân dân xã Bát Tràng đã tích cực chung tay, làm ra hơn 15.000 sản phẩm gốm sứ, tổng trị giá hơn 800 triệu đồng để dành tặng nhân dân và chiến sĩ huyện đảo Trường Sa, gồm: 10.000 bát ăn cơm, 3.000 bát tô sứ, 4.000 đĩa các loại, 600 bộ ấm chén, 600 bình nước có nắp và cốc, 3.000 cốc có quai với màu men truyền thống và chất lượng tốt nhất.
Các sản phẩm được thiết kế đa dạng họa tiết hoa văn như: Hoa sen - Quốc hoa của Việt Nam, hình bản đồ đất nước, biểu tượng cột mốc chủ quyền Biển Đảo của quần đảo Trường Sa và dòng chữ “Bát Tràng với Trường Sa”.
Đây là những việc làm ý nghĩa, thiết thực, là tình cảm trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền, hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện Gia Lâm, xã Bát Tràng gửi tới huyện đảo Trường Sa thân yêu.
Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Việt Hà cho biết, đây cũng là mô hình tiêu biểu huyện Gia Lâm đề nghị UBND thành phố công nhận mô hình “Dân vận khéo” cấp thành phố và tặng Bằng khen.