Đặc sản Miến Làng So: Từ thần tích ngàn năm đến sản phẩm OCOP

Hà Nội là đất trăm nghề với nhiều đặc sản vùng miền nổi tiếng kết tinh những giá trị văn hóa từ những huyền tích gắn với sản phẩm được ông cha trao truyền qua bao thế hệ. Chính những câu chuyện văn hóa, huyền tích trong lịch sử hình thành sản phẩm gắn với một vùng đất không chỉ góp phần làm nên giá trị gia tăng cho sản phẩm mà còn tạo ra sự phát triển bền vững. Tiêu biểu cho dòng sản phẩm như thế phải kể đến đặc sản Miến làng So xã Cộng Hòa và xã Tân Hòa (Quốc Oai, Hà Nội) có quá trình hình thành phát triển "Từ thần tích ngàn năm đến sản phẩm OCOP".

Đặc sản Miến Làng So gắn với sự kiện Lý Công Uẩn giải vây ở Chùa Bối Khê ở bởi quân của Độc Nhĩ Vương - Đỗ Cảnh Thạc. Trước tình thế nguy cấp, ba vị chủ soái họ Cao đã tập hập 300 tráng sĩ của Làng So - Trang Sơn Lộ đi giải vây cho nghĩa quân của Lý Công Uẩn. Tiễn những người con lên đường làm nhiệm vụ, người dân Làng So đã thiết đãi nghĩa quân món bún truyền thống (Đến ngày nay vẫn có câu "Mồng 3 ăn bún, mồng 4 ăn chè, mồng 5 giết sâu bọ". Về sau bún không chỉ được làm từ bột gạo mà được làm từ nhiều chất liệu khác như: ngô, khoai, sắn...Riêng bún được làm từ củ dong riềng là loại thực phẩm phổ biến hơn cả và được gọi là Miến Dong). Năm 968 sau khi bình định xong sứ quân Đỗ Cảnh Thạc ở Đại La, Lý Công Uẩn lên ngôi Hoàng Đế lấy hiệu là Đinh Tiên Hoàng Đế đã ghi nhận công tích của nghĩa quân Làng So và phong cho 3 vị chủ tướng của 300 tráng sĩ Làng So là Tam vị hiện thông Nguyên Soái Đại Vương, đồng thời cho lập ngôi đền thờ phùng đời đời. Đặc biệt, đây là ngôi đền duy nhất ở các cửa ô có hướng chính hướng ra Hoàng Thành Thăng Long. Năm 1673, ngôi đền năm xưa được cải tạo thành ngôi đình đẹp nhất Xứ Đoài để tri ân công đức Tam vị Đại Vương là tướng nhà Đinh có công giúp Đinh Tiên Hoàng - Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân.

Từ thần tích ngàn năm...

Từ hạt gạo con người đã chế biến ra nhiều loại thực phẩm khác nhau để phục vụ đời sống. Bún gạo là một trong những sản phẩm như thế. Hạt gạo trải qua quá trình chế biến thành bún sợi ở hai dạng bún ướt hoặc bún khô. Bún khô còn được gọi với tên gọi khác làm miến gạo với đặc điểm bảo quan được lâu hơn và dễ dàng cho quá trình chế biến. Dần dần miến gạo được người dân làng So phát triển khi pha trộn gạo với những loại ngũ cốc khác để tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng hơn. Trong quá trình đó, người ta phát hiện ra bột củ dong riềng có thể dùng làm miến sẽ tạo ra một loại thực phẩm miến vừa dai vừa dòn và có thể bảo quản được lâu hơn. Sản phẩm miến dong của làng So nổi tiếng khắp các vùng miền với câu “Tiệc yến Miến So” để so sánh vị ngon của loại thực phẩm này không thể thiếu trong các tiệc yến cao lương mỹ vị quan trọng!

Ít ai biết rằng, đặc sản Miến So đã có truyền thống phát triển hơn 1000 năm trước gắn huyền tích người dân làng So khao nghĩa quân của ba vị Thành Hoàng làng So, Tam vị Thông Hiện Nguyên soái Đại Vương họ Cao cùng 300 tráng sĩ của làng đi phò Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân ở Thế kỷ thứ X.

mien-lang-so-1644728100.jpg
Nhiều vị khách Quốc tế khi đến Việt Nam đã tìm về Làng So thăm lại ngôi đình đẹp nhất Xứ Đoài và tìm mua đặc sản Miến Làng So

Thần tích ngọc phả Đình làng So và các nguồn sử liệu chép rằng, vào mùa xuân năm Canh Dần (930), có ông Cao Hiển và bà Lã Thị Ả ở hương Vạn Kỳ, huyện Gia Định, phủ Thuận An, đạo Kinh Bắc nhà vốn rất nghèo, làm nghề đánh cá trên sông. Hai ông bà rất thích làm việc thiện, một việc thiện dù nhỏ cũng làm. Một hôm hai ông bà chài lưới trên sông Như Nguyệt, kéo được 15 dật vàng. Từ đấy hai ông bà làm ăn cứ khấm khá mãi lên nên cuộc sống rất khá giả. Hiềm nỗi hai ông bà đã ngoài 50 tuổi mà vẫn chưa có con trai. Ông vẫn thường nói: Tiền rừng gạo bể mà không có con thì sống không được vui và bàn với bà đi tìm nơi cầu tự. Hai ông bà nghe nói ở đền Hữu Linh, làng So, trang Sơn Lộ là nơi linh ứng cầu gì được nấy, bèn cùng nhau sắm sửa lễ vật đến đó cầu tự. Sớm hôm sau ông bà làm lễ tạ rồi xuống thuyền cùng với hai người vạn chài xuôi dòng sông Đáy. Thuyền đang đi, trời bỗng nhiên tối sầm lại như đêm và một trận gió lớn ập đến. Lúc này thuyền chở ông bà đến địa phận trang Sơn Lộ, hai người ngẩng đầu nhìn lên trời thấy có đám mây vàng hướng vào bà mà hạ xuống. Lã thị hoảng sợ, nằm miên man. Sau đó bà có mang. Tháng 2 năm Quý Tỵ (933), bà sinh được 3 người con trai. Ba chàng trai khoẻ mạnh khỏe lớn khôn rồi theo Đinh Bộ Lĩnh đi dẹp loạn 12 sứ quân.

Chỉ trong vài năm, ba ông cùng Đinh Bộ Lĩnh lần lượt đánh thắng, bình định được 11 sứ quân. Tuy nhiên khi đối mặt với sứ quân hùng mạnh nhất do Đỗ Cảnh Thạc (Độc nhĩ vương) làm chỉ huy ở khu vực Thanh Oai, Quốc Oai, Thạch Thất, quân của Đinh Bộ Lĩnh chịu nhiều tổn thất. Bởi nơi đây không chỉ có thành cao hào sâu mà Độc Nhĩ Vương là người trí dũng mưu lược lại được lòng dân địa phương. Với nhân dân ở xứ này, Đỗ Cảnh Thạc là người có công trong việc mang các nghề Nông, Trang, Canh, Cửi...đem lại cuộc sống cho họ (Đến nay, nhiều nơi ở Thanh Oai, Quốc Oai đã tôn ông là Thành Hoàng làng và được thờ phụng ở một số di tích như đền Tam Xã, đình Sài Khê, đình Thụy Khê, đình Đa Phúc ở xã Sài Sơn, đình Ngô Sài ở thị trấn Quốc Oai, đình Cổ Hiền xã Tuyết Nghĩa thuộc huyện Quốc Oai; đình Bình Xá, xã Bình Phú, huyện Thạch Thất và đền thờ ở làng Bình Đà, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai…).

mien-lang-so-1-1683859002981256435731-1699264655.jpg
Đặc sản Miến Làng So: Từ thần tích ngàn năm đến sản phẩm OCOP gắn với lịch sử ngôi đình được mệnh danh "Đẹp nhất Xứ Đoài"

Để đánh bại được sứ quân của Đỗ Cảnh Thạc, Đinh Bộ Lĩnh phải bàn mưu tính kế để đánh. Hai bên giao tranh ác liệt trong hơn một năm (966 - 967). Chiến công lớn của 3 ba vị chủ soái họ Cao cùng nghĩa quân làng So là trận chiến với sứ quân Đỗ Cảnh Thạc vùng Đỗ Động. Khi vượt sông Thanh Quyết, các ông đánh thành Thường Vệ, vây thành Bảo Đà, đánh thành Quèn (xã Liêm Tuyết, Quốc Oai) rồi đóng đồn doanh ở Sơn Lộ Trang. Khi Đinh Bộ Lĩnh bị vây hãm ở Bối Khê, tình thế vô cùng nguy cấp, lập tức ba ông mang quân đi giải vây. Dân trang Sơn Lộ đã chọn ra 300 tráng đinh khỏe mạnh đi theo các ông làm thần tử. Trước ngày xung trận, dân làng mở tiệc khao quân bằng những đặc sản nổi tiếng của quê hương khi đó là bún gạo, chè kho…trong 3 ngày liền đúng dịp Tết Đoan Ngọ (đến nay, người dân làng So vẫn có câu “Mồng ba ăn bún, mồng bốn ăn chè, mồng năm giết sâu bọ”).

Vào trận, ba anh em họ Cao cùng nghĩa quân làng So tả xung hữu đột chém được chánh tướng Đỗ Thanh Long và hàng ngàn sĩ tốt, giải thoát cho Đinh Bộ Lĩnh. Năm 968, loạn 12 sứ quân được dẹp hoàn toàn, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng Đế, hiệu là Đinh Tiên Hoàng đã sắc phong 3 anh em họ Cao là Tam vị Thông Hiện Nguyên soái Đại Vương. Sau khi ba vị hóa về trời, nhân dân suy tôn là Tam Thánh Thành Hoàng làng So và thờ tự của các ngài là một ngôi miếu được xây dựng vào thời nhà Đinh (968 - 980). Đến năm 1673 thời Lê Trung Hưng (1533-1788), miếu được tu bổ cũng như mở rộng thành đình So hoàn thành vào văn 1674 có hướng chính điện nhìn ra sông Đáy và Hoàng Thành Thăng Long.

Trải qua các triều đại, Tam Thánh Thành Hoàng làng So đều được sắc phong mỹ tự và cho trang Sơn Lộ đời đời thờ phụng. Đình làng So được biết đến là ngôi đình cổ kính có kiến trúc nghệ thuật độc đáo bậc nhất miền Bắc, được mệnh danh "Danh nam đệ nhất Xứ Đoài". Cùng với sự nổi tiếng của thắng tích Đình So, đặc sản Miến So cũng nổi tiếng khắp các vùng miền trong cả nước.

Đến sản phẩm OCOP

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của Hà Nội với mục tiêu phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị; trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ...có lợi thế của từng địa phương. Sau một năm thực hiện, Chương trình OCOP của Hà Nội đến nay đã có thành công bước đầu, dần tạo sức lan tỏa rộng rãi...

hai-xanh1-1644728551.jpg

Hà Nội là đất trăm nghề với hơn 7.200 sản phẩm nông sản, làng nghề tương thích với 6 nhóm ngành hàng theo chương trình OCOP gồm 2.881 sản phẩm thực phẩm (39,9%); 2.417 sản phẩm lưu niệm - nội thất - trang trí (33,5%); 1.396 sản phẩm vải và may mặc (19,3%). Nhiều sản phẩm OCOP của Hà Nội được gắn sao với ba mức là “3 sao”, “4 sao” và “5 sao” không chỉ đủ tiêu chuẩn phục vụ thị trường trong nước; mà còn có khả năng cạnh tranh. Trong những năm qua, bên cạnh những thành tựu xây dựng Nông thôn mới đã góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, huyên Quốc Oai (Hà Nội) đã có nhiều việc làm thiết thực để cùng các hộ sản xuất, các tổ chức cá nhân có liên quan bước đầu đã đưa đặc sản Miến So là sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.

Theo đó, chính quyền địa phương đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng hướng dẫn các hộ sản xuất sản phẩm Miến dong đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm; thường xuyên đổi mới quy trình sản xuất hiện đại an toàn và thân thiện môi trường; quan tâm nhiều hơn đến mẫu mã bao bì sản phẩm; chú trọng xây dựng hình ảnh, uy tín và thương hiệu sản phẩm; tăng cường liên kết, thúc đẩy xúc tiến thương mại; bước đầu hình thành văn hóa tổ chức sản xuất kinh doanh kịp thời theo những yêu cầu ngày càng cao của thị trường…Nhờ đó, đặc sản Miến So ngày càng được người tiêu dùng trong và ngoài nước tin dùng.

Gần đây, đặc sản Miến So đã xuất hiện tại hầu hết các hội chợ, triển lãm, trưng bày giới thiệu sản phẩm lớn của ngành Nông nghiệp và ngành Công thương. Tại các sự kiện trên, sản phẩm Miến So đã được ban tổ chức và người tiêu dùng đánh giá cao. Đặc biệt, Miến Làng So đã được người dân địa phương cải tiến mẫu mã, cải tiến quy trình sản xuất, tăng cường kết nối giao thương, bước đầu đã tiếp cận nhiều thị trường xuất khẩu trong khu vực và trên thế giới.