Khai thác thế mạnh đất bãi
Trên diện tích hơn 2.500 m2 đất bãi ven sông Lam (thuộc xã Hưng Thành) là những luống nho giống Mẫu đơn và Hạ đen trĩu quả, bước vào kỳ khai thác. Theo anh Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Phú Thịnh cho biết: Trước đây, trên diện tích này, hợp tác xã trồng 2 vụ dưa lưới và 1 vụ dâu tây/năm, kết hợp trồng dưa chuột gai, rau màu theo tiêu chuẩn VietGAP. Thu nhập từ mô hình đem lại khá tốt, khoảng hơn 500 triệu đồng/năm.
Tuy nhiên, với định hướng lâu dài làm mô hình nông nghiệp kết hợp với du lịch trải nghiệm canh nông để tăng giá trị khai thác nông sản, nên tháng 3/2023, hợp tác xã chuyển sang trồng nho và bước đầu đánh giá cây trồng rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng và chất lượng quả rất tốt.
Mô hình sản xuất nho tại Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Phú Thịnh cho hiệu quả kinh tế cao.
Anh Nguyễn Văn Sơn cũng cho biết, ưu thế của cây nho, vừa lạ, vừa đẹp và sạch, phù hợp cho hoạt động trải nghiệm. Đồng thời, thời gian sinh trưởng và thu hoạch kéo dài 15 - 20 năm, mỗi năm cho vài ba lứa quả; thời gian thu hoạch cũng kéo dài hơn, đồng nghĩa thời gian trải nghiệm lâu hơn so với các cây trồng khác.
Cũng trên vùng đất bãi, tại xã Hưng Lĩnh, mô hình nông nghiệp công nghệ cao của Hợp tác xã Dịch vụ nông sản hữu cơ công nghệ cao Vfresh Garden chính là sản xuất rau, củ, quả, hoa trong nhà màng, nhà lưới.
Anh Nguyễn Văn Đạt - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông sản hữu cơ công nghệ cao Vfresh Garden cho biết: Hiện tại, tổng diện tích 1 ha có 4 nhà màng, nhà lưới; phân chia thành 4 khu sản xuất, gồm 2 khu sản xuất các loại rau màu bằng công nghệ Israel, như dưa chuột baby, cà chua, beef, cherry, ớt chuông, súp lơ xanh; khu nuôi cá và trồng rau thủy canh theo mô hình Aquaponics; khu trồng ổi lê Đài Loan hơn 300 gốc.
Hợp tác xã đã ứng dụng công nghệ kiểm soát lượng nước tưới, phân bón... thông qua điện thoại thông minh. Và hướng đi trong tương lai sẽ tập trung sản xuất theo mô hình Aquaponics, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ mà xu thế tiêu dùng hiện đang ngày càng nhiều.
Ở xã Long Xá, vùng đất bãi hơn 6 ha từ cây ngô, lạc, đậu, nay chuyển sang trồng sâm Ngưu Bàng và bí xanh, dưa chuột gai, trồng ổi…; áp dụng công nghệ tưới phun mưa của chi nhánh Hợp tác xã sản xuất, cung ứng và tiêu thụ nông sản sạch Thành Vinh. Riêng sâm Ngưu Bàng mỗi vụ trồng khoảng 2- 3 ha, thu nhập từ 150 - 180 triệu đồng/ha.
Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bá Thị Dung cho biết: Toàn huyện có khoảng gần 1.000 ha đất bãi ven sông Lam phù hợp với nhiều loại cây trồng, đặc biệt là phát triển mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Bởi vậy, mấy năm gần đây, huyện đã tăng cường chỉ đạo thu hút, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân triển khai các dự án, mô hình nông nghiệp công nghệ cao và hiện đã có 3 mô hình khẳng định hiệu quả tại các xã Hưng Thành, Hưng Lĩnh, Long Xá; vừa đem lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp, vừa góp phần thay đổi tư duy, nhận thức của người dân trong sản xuất nông nghiệp.
Sản xuất rau an toàn trên đất bãi của Hợp tác xã Dịch vụ nông sản hữu cơ công nghệ cao Vfresh Garden, tại xã Hưng Lĩnh.
Cùng với đó, huyện tập trung chỉ đạo các địa phương có đất bãi đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân đưa các ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; đồng thời, đầu tư hạ tầng, gồm đường giao thông, đường điện và hệ thống.
Hiện tại, ở một số địa phương như Châu Nhân, Hưng Thành, Long Xá đã hình thành được vùng sản xuất rau an toàn, sản xuất theo hướng VietGAP, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Gắn với lợi thế vùng đất bãi sông Lam, sản xuất nông nghiệp đang tiếp tục được huyện định hướng xây dựng các mô hình nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp trải nghiệm canh nông để phát triển du lịch.
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Địa bàn nằm cạnh thành phố Vinh, có Khu Công nghiệp VSIP đứng chân trên địa bàn và quỹ đất nông nghiệp lớn, với hơn 10.000 ha; đây là những điều kiện thuận lợi để huyện Hưng Nguyên phát triển nông nghiệp hàng hóa.
Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm nông nghiệp thì bài toán đặt ra là cần phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao. Bởi vậy, bước vào nhiệm kỳ 2020 - 2025, UBND huyện đã ban hành Đề án ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện, giai đoạn 2021 - 2025.
Việc ban hành đề án, theo ông Lê Phạm Hùng - Chủ tịch UBND huyện cho biết: Việc ban hành Đề án ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, nhằm tạo thống nhất, quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống chính trị để tạo bước đột phá về sản xuất nông nghiệp, tạo tiền đề để xây dựng nền sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ bền vững trên địa bàn huyện Hưng Nguyên.
Đồng thời, đây cũng là cơ sở để huyện có cơ chế hỗ trợ đưa giống mới có giá trị cao vào sản xuất; xây dựng nhà lưới, nhà màng, hệ thống tưới phun sương, nhỏ giọt, tưới thấm, hệ thống làm lạnh, làm mát bảo quản sản phẩm; kể cả đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi, hệ thống điện… với tổng kinh phí đã hỗ trợ trong một năm rưỡi triển khai là hơn 1,2 tỷ đồng cho các địa phương, hỗ trợ 50% giống, vật tư để xây dựng mô hình sản xuất giống mới có giá trị cao.
Trên 1ha đất bãi bồi, anh Đạt làm 4 nhà màng, nhà lưới để trồng rau, nuôi cá theo mô hình Aquaponics.
Kết quả sau hơn một năm rưỡi triển khai đề án, các địa phương đã tập trung quy hoạch gắn với triển khai, hình thành một số vùng sản xuất ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trên tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, vùng sản xuất hàng hóa trọng điểm.
Cụ thể, trên địa bàn huyện đã xây dựng một số vùng sản xuất rau, củ, quả theo hướng VietGAP, áp dụng hệ thống tưới phun mưa tại các xã Hưng Thành, Long Xá, Xuân Lam, Hưng Tân. Trên địa bàn xây dựng được 4 khu nhà màng, nhà lưới tại 4 xã Hưng Lĩnh, Hưng Thành, Hưng Mỹ, Hưng Thông.
Huyện cũng đã chỉ đạo xây dựng thành công mô hình liên kết sản xuất khoai tây Atlantic gắn với tiêu thụ sản phẩm, với hơn 10 ha tại xã Xuân Lam và đang tiếp tục mở rộng diện tích ở vụ sản xuất tiếp theo. Trên địa bàn huyện đã hình thành vùng sản xuất dược liệu đem lại hiệu quả ở vùng bãi bồi sông Lam; mô hình nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái, trải nghiệm canh nông tại xã Hưng Thành.
Đối với cây lúa, huyện tiếp tục chỉ đạo đưa các giống lúa mới chất lượng cao vào sản xuất, với các giống chủ lực như Bắc Thịnh, VNR20, CNC11, Hương Thanh 8, HD11, ĐH12, chiếm 60-70% cơ cấu giống lúa được sản xuất trong toàn huyện; gắn xây dựng 25 cánh đồng lớn sản xuất lúa gạo hàng hóa/vụ. Trong lĩnh vực chăn nuôi, xu hướng chăn nuôi nhỏ lẻ giảm và gia tăng mô hình chăn nuôi trang trại ứng dụng công nghệ cao.
Như trang trại của gia đình ông Lê Quốc Tân ở xã Hưng Nghĩa, với hệ thống chuồng trại khép kín, có hệ thống làm mát, điều khiển nhiệt độ chuồng nuôi, máng ăn và nước uống tự động; quy mô 200 lợn nái, 400 lợn thịt/lứa và 5 ha ao nuôi cá, mỗi năm doanh thu hơn 4 tỷ đồng.
Hay mô hình ứng dụng công nghệ nuôi vịt trên cạn của gia đình ông Hoàng Xuân Nam ở xã Hưng Đạo, với quy mô 3.500 con/lứa, mỗi năm thu lãi 150-180 triệu đồng.
Ứng dụng công nghệ phối tinh nhân tạo thực hiện chương trình Zêbu hóa đàn bò, phối các loại tinh bò cao sản; đến nay, tỷ lệ sind hóa đàn bò chiếm trên 70% tổng đàn. Lĩnh vực sản xuất thủy sản, đã xây dựng được một vùng thủy sản thâm canh gắn áp dụng công nghệ mới tại các xã Hưng Lợi, Hưng Nghĩa, Hưng Tân, Hưng Đạo và thị trấn Hưng Nguyên.
Dù thời gian qua huyện đã tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, song nhiều công nghệ tiên tiến cũng như quy trình canh tác mới chưa được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất; chưa hình thành được các vùng sản xuất ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao với quy mô lớn; chưa có sự liên kết giữa các hợp tác xã, các trang trại với các doanh nghiệp lớn; chưa hình thành được chuỗi liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm có tính bền vững cho nông dân.
Đây những vấn đề hạn chế, khó khăn đang được cấp ủy, chính quyền huyện Hưng Nguyên thẳng thắn nhìn nhận để tiếp tục trăn trở đưa ra các giải pháp quyết liệt hơn nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trên địa bàn có hiệu quả cao trong thời gian tới.
Nhiều cơ chế hỗ trợ
Ngoài các mô hình nông nghiệp công nghệ cao trên vùng đất bãi, hiện các xã Hưng Thông, Hưng Phúc cũng đã xây dựng được mô hình nhà màng, nhà lưới. Huyện Hưng Nguyên đã phục tráng và nhân rộng diện tích cam Xã Đoài lên 17ha tại xã Hưng Trung; đưa giống bò 3B vào chăn nuôi dọc các xã ven sông Lam: Hưng Lĩnh, Long Xá, Xuân Lam, Châu Nhân; quy hoạch vùng trồng rau hàng hóa tại một số xã như Hưng Tân, Châu Nhân, Hưng Thành, Long Xá, Hưng Lĩnh…; triển khai mô hình liên kết doanh nghiệp trồng khoai tây tại xã Xuân Lam, trồng tỏi tại xã Hưng Tân.
Mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại Huyện Hưng nguyên nhận được sự quan tâm của nhiều người.
Các xã vùng ngoài của huyện, gồm Hưng Trung, Hưng Yên Nam, Hưng Yên Bắc tập trung cải tạo vườn đồi tạp sang trồng đào cảnh phục vụ Tết và các loại cây ăn quả: mít, táo, ổi, na, chanh các loại (hiện chanh sạch Hưng Yên Nam đã có mã truy xuất nguồn gốc), gắn với chăn nuôi gà thả đồi.
Để khuyến khích ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, Hưng Nguyên có cơ chế hỗ trợ 30% giá trị hệ thống nhà lưới, nhà màng, hệ thống tưới phun sương, nhỏ giọt, tưới thấm, hệ thống làm lạnh, làm mát bảo quản sản phẩm; hỗ trợ 50% xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi, điện; hỗ trợ 50% chi phí giống, vật tư. Bên cạnh đó, tỉnh có chính sách hỗ trợ 50.000 đồng/m2 nhà lưới, nhà màng sản xuất rau, củ quả theo Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh.
Được biết, tính đến nay, tổng số kinh phí hỗ trợ cho việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đối với các hạng mục là 1,754 tỷ đồng, trong đó huyện hỗ trợ 1,350 tỷ đồng, tỉnh hỗ trợ 404 triệu đồng.
Trong đó, Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Phú Thịnh tại được hỗ trợ 250 triệu đồng, nhà màng của Công ty TNHH Xứ Nghệ Farm ở xã Hưng Thông được hỗ trợ 300 triệu đồng; hệ thống tưới của Chi nhánh Hợp tác xã Sản xuất, Cung ứng và Tiêu thụ nông sản sạch Thành Vinh 200 triệu đồng… Chi phí hỗ trợ tập trung vào nhà màng, nhà lưới, ngoài ra còn các chi phí hỗ trợ các mô hình chăn nuôi, chi phí thành lập hợp tác xã...
Bà Bá Thị Dung - Phụ trách Phòng Nông nghiệp huyện Hưng Nguyên cho biết: “Ngoài hỗ trợ cơ sở hạ tầng, huyện còn có chính sách hỗ trợ lập các gian hàng giới thiệu đặc sản của địa phương, kết nối với các Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm, thuỷ sản để đưa vào các siêu thị; kết nối với các trường học trên địa bàn để các cơ sở có cơ hội cung cấp”.
Huyện Hưng Nguyên có nhiều cơ chế hỗ trợ mô hình nông nghiệp công nghệ cao.
Còn theo ông Lê Phạm Hùng - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Hưng Nguyên, việc thu hút, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân xây dựng các mô hình công nghệ cao trên vùng đất bãi bồi sông Lam là một trong những hướng trọng tâm trong phát triển nông nghiệp của huyện, nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế đất bãi bồi mà lâu nay chỉ trồng một số cây trồng truyền thống ngô, khoai, lạc hiệu quả thấp hoặc để hoang hóa.
Thông qua các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị này nhằm lan tỏa, thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp cho người dân tại các mô hình được xây dựng, như mô hình công nghệ cao tại các xã Hưng Thành, Long Xá đã làm tốt vai trò này; đồng thời, từ các mô hình để hỗ trợ xây dựng các sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương đạt tiêu chuẩn OCOP.
Cùng với chỉ đạo chuyển đổi, xây dựng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao vùng đất bãi, huyện Hưng Nguyên vẫn đang kiên trì chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong nông nghiệp, tạo sản phẩm nông nghiệp sạch, nâng cao giá trị kinh tế.