Là một người Pháp mê khám phá các vùng đất trên thế giới, ông Jean Michel Gallet đến Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1990. Với vai trò là người làm trong lĩnh vực nông nghiệp, ông đã có nhiều kết nối, hỗ trợ cho Việt Nam trong phát triển ngành chăn nuôi bò sữa, phát triển nông thôn, tiếp cận các khoản tín dụng ưu đãi để phát triển ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Sau này, ông đã có nhiều dịp quay trở lại Việt Nam và có tình cảm dành cho đất nước, con người nơi đây. Kể từ năm 1990 đến nay, ông đã có gần 40 chuyến bay sang mảnh đất hình chữ S để tham gia trao đổi các hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp của hai nước.
Trong những lần ghé thăm Việt Nam, ông Jean Michel Gallet đã có hơn 25.000 bức ảnh ghi lại các bức ảnh về cuộc sống thường ngày của làng quê Việt Nam từ những năm 90. Nhiếp ảnh gia người Pháp khiến cho không ít người bất ngờ bởi tình yêu của ông đối với đất nước và con người trên mảnh đất hình chữ S.
Theo GS.TSKH Trần Duy Quý- Chủ tịch Hội Khoa học phát triển nông thôn Việt Nam, đây là tài sản vô giá đối với các nhà nghiên cứu về chính sách, khoa học cũng như những người bảo tồn các di sản văn hóa, làng nghề,..
"Những bức ảnh của ông Jean Michel Gallet ghi lại tất cả hoạt động ở nhiều thời kỳ ở các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là cảnh canh tác đời sống dân cư miền núi. Điều này đã đem lại những chân dung rất xác thực và là tài sản vô giá về mặt khoa học cho các nhà nghiên cứu về chính sách, những nhà nghiên cứu về khoa học, những người bảo tồn các di sản văn hóa, làng nghề; cũng như là một ngành quan trọng, đó là ngành nông nghiệp", GS Trần Duy Quý chia sẻ.
Từ đầu những năm 90, mặc dù ngành nông nghiệp Việt Nam nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung lúc đó chưa phát triển. Tuy nhiên, phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ cũng như sự cần mẫn, sáng tạo trong lao động, sự thân thiện, mến khách và sự hồn hậu của con người; lịch sử, văn hóa đất nước Việt Nam đã cuốn hút nhiếp ảnh gia người Pháp. Không chỉ mang giá trị về lịch sử và quá trình phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam mà những búc ảnh của ông còn chứa đựng tình cảm của một người Pháp đối với đất nước và con người trên mảnh đất hình chữ S này.
"Khi mà tôi xem ảnh của ông Michel Gallet, tôi cảm thấy đây là một người rất yêu, tâm huyết với Việt Nam, cũng như là nông nghiệp của Việt Nam. Chính vì thế, cho nên mỗi một bức ảnh của ông là một câu chuyện để mà từ đó, chúng ta nhìn nhận được cái sự chuyển biến của nông thôn Việt Nam từ mấy chục năm qua cho đến nay", NSNA. Nguyễn Trường Giang - Ban nghiệp vụ ảnh Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam cho biết.
Có cơ hội được tiếp xúc, làm việc cùng ông Michel Gallet, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đào Minh Xuyên - Ban nghiệp vụ ảnh Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam bày tỏ sự cảm phục trước một nghệ sĩ có tâm với đất nước không phải quê hương mình, sự kiên trì, sáng tạo để sở hữu được bức ảnh quý giá về phong cảnh, cuộc sống và con người Việt Nam.
"Đã 15 năm nay ông Jean Michel Gallet chưa quay lại Việt Nam nhưng ông vẫn rất yêu đất nước Việt Nam. Gắn bó với Việt Nam từ ngày đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh, còn nghèo nàn, lạc hậu; ông ghi lại được những bức ảnh quý giá, để từ đó, chúng ta nhìn lại và nhận ra Việt Nam đang trên đà phát triển không ngừng. Như ông Michel Gallet chia sẻ với tôi, trước đây ông đi đến các vùng quê xa xôi, lạc hậu và để ghi được những bức ảnh về phong cảnh, cuộc sống và con người tại làng quê Việt Nam phải tốn rất nhiều thời gian, thế nhưng ông không hề cảm thấy nản lòng và bỏ cuộc. Tôi rất cảm phục một nghệ sĩ có tâm với đất nước không phải quê hương mình. Qua đó, tôi cũng học tập được ông về sự kiên trì để sáng tạo những bức ảnh về một Việt Nam đang từng ngày thay đổi, phát triển", NSNA Đào Minh Xuyên cho biết.
Được biết, ông Michel Gallet cũng là người đã hỗ trợ Viện sĩ Đào Thế Tuấn xuất bản tờ bản tin Khoa học Phát triển nông thôn (tiền thân là Tạp chí Khoa học Phát triển nông thôn Việt Nam ngày nay). Trở lại Việt Nam khi đã ở cái tuổi ngoài 80, ông mong muốn được trao lại những bức ảnh quý giá đó cho ngành nông nghiệp, để Việt Nam có thêm những tư liệu quý cho quá trình phát triển nông nghiệp Việt Nam. Với những tình cảm và đóng góp của ông, vừa qua, ông đã được Hội Khoa học Phát triển nông thôn Việt Nam trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp phát triển nông thôn Việt Nam.
"Khi xem những bức ảnh của ông Michel Gallet, tôi nhận thấy có 2 vấn đề. Một là vấn đề nghệ thuật, có thể thấy, ông có những góc nhìn rất lạ, đối với người Việt Nam nhiều khi đã bỏ qua và không phát hiện ra.
Điểm thứ hai là về nội dung, phải nói ông rất sâu sắc, am hiểu về nông nghiệp Việt Nam, đó là điều chúng ta cảm ơn bởi ông Michel Gallet đã chịu khó đi sâu vào những vùng nông nghiệp rất khó khăn, đặc biệt là các tỉnh vùng miền núi, vùng cao như Lạng Sơn, Hà Giang hay là Lai Châu,... Những địa điểm này nhiều khi chính nhiếp ảnh của Việt Nam cũng thấy ngại vì sợ vất vả lại không đạt được kết quả như mong muốn. Những bức ảnh có từ sự nhiệt thành và tình yêu đối với Việt Nam của ông Michel Gallet đã mô tả được nền nông nghiệp của những vùng cao còn nhiều khó khăn đó, giúp cho các nhà nghiên cứu của Việt Nam có được nguồn tư liệu rất quý giá", nhiếp ảnh gia Trần Mạnh Cường chia sẻ.
Lý giải về hình ảnh của một Việt Nam rất khác dưới góc nhìn lạ của nhiếp ảnh gia người Pháp, nhà báo Vương Xuân Nguyên cho rằng, với góc nhìn của một người phương Tây có nền công nghiệp phát triển và được đi đến nhiều nơi trên thế giới, các cái hoạt động sản xuất nông nghiệp dưới góc độ văn hóa sẽ mang đến nhiều sự khác biệt. Chính vì vậy mà những góc ảnh, tác phẩm ảnh của ông đã nói lên những cái ấn tượng hết sức là đặc trưng của nông thôn Việt Nam, văn hóa Việt Nam và của con người Việt Nam.
"Trong gần 40 năm qua, chính những bức ảnh của ông cùng với những hoạt động của Hiệp hội Nông dân Pháp đã truyền đi, giới thiệu về những hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam. Dưới góc nhìn của ông Gallet cho chúng ta thấy được những thế hệ hôm nay và mai sau, ngay cả những người Việt Nam biết được những cái bản sắc văn hóa, những cái sản xuất nông nghiệp ở các cái vùng miền của chúng ta có những cái đặc trưng rất là khác biệt.
Những nét văn hóa, các sinh hoạt làng quê thấm đẫm những cái chất liệu của nền sản xuất về nông nghiệp trong các bức ảnh của ông là minh chứng cho khái niệm "ngôn ngữ nhiếp ảnh", mang cho người xem góc nhìn về những dòng thời gian, những câu chuyện đặc trưng văn hóa", nhà báo Vương Xuân Nguyên chia sẻ.
Với ông Michel Gallet, khám phá một đất nước là khám phá một nền văn hóa. Mỗi khoảnh khắc giơ máy ảnh lên chính là lúc thời gian dừng lại và những bức ảnh trở thành nhân chứng để ghi lại các quá trình phát triển từng giai đoạn của một đất nước, đặc biệt là nền nông nghiệp của Việt Nam.
Lý do làng quê, nông nghiệp Việt Nam trở thành nguồn cảm hứng của ông Gallet là vì đối tượng mà ông hướng tới là những người Pháp và những người khác tại các quốc gia khác. Ở đó, nhà máy, các khu công nghiệp phát triển rất nhiều vì vậy, ông chỉ chụp những bức ảnh về nền nông nghiệp, người nông dân, hoạt động thường ngày và phong cảnh.
"Niềm đam mê của tôi khi chụp ảnh ở Việt Nam, đó là những hình ảnh về lao động và những sáng tạo của con người Việt Nam, đặc biệt là những hình ảnh hiếu khách, thân thiện của người Việt Nam và phong cảnh Việt Nam cũng tuyệt đẹp. Tuy nhiên, điều thực sự thu hút tôi chính là nền văn hóa, sự đa dạng nền văn hóa của đất nước các bạn. Những bức ảnh tôi chụp đó chính là những khoảnh khắc, những hình ảnh cho thấy đất nước Việt Nam ngày nay đã có nhiều phát triển, những người xem là bạn bè của tôi, những người nước ngoài chưa có dịp đến Việt Nam có thể hình dung ra đất nước Việt Nam những năm trước đây và sự phát triển ngày nay", nhiếp ảnh gia người Pháp bày tỏ.
Cũng theo ông Gallet, điều đặc biệt của người Việt Nam nói chung và nền nông nghiệp nói riêng đó là người Việt Nam rất ham học hỏi, chịu khó thích ứng nhanh. Người Việt Nam khi mà nhìn ra thế giới thì luôn cảm nhận, phân tích sau đó thì áp dụng điều đó vào trong môi trường của Việt Nam như thế nào cho phù hợp trong lĩnh vực nông nghiệp, bảo tồn và phát triển làng nghề nói riêng và các lĩnh vực kinh tế nói chung.
Khi được hỏi ông có lời khuyên nào cho công tác bảo tồn và phát triển Làng nghề, Nghề truyền thống Việt Nam trong kỷ nguyên số và hội nhập hiện nay, Jean Michel Gallet với gần 40 năm gắn bó với nông thôn Việt Nam đã thẳng thắn chia sẻ: "Tôi nghĩ cũng giống như một con người muốn vững bước tiến về phía trước, thì phải có một chân trụ phía sau vững chắc, một chân sải dài vươn về phía trước. Với Làng nghề, Nghề truyền thống Việt Nam thì chân trụ chính là tinh hoa văn hóa, giá trị lịch sử, sự tài hoa và kinh nghiệm sản xuất của người nghệ nhân kết tinh và được trao truyền qua bao thế hệ. Còn chân trước chính là giá trị thời đại, là công nghệ, quy trình sản xuất khoa học, cải tiến mẫu mã, nắm bắt thị trường, mọi biện pháp tổng thể để có thể nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm làng nghề truyền thống...".