Mỹ nhân hào kiệt - Anh hùng (Tiểu thuyết lịch sử) - Kỳ 34

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tác phẩm “Mỹ nhân  hào kiệt - Anh hùng” là Tập XII trong Bộ tiểu thuyết lịch sử Việt Nam Diễn Nghĩa của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2024.   

Kỳ 34.

Ba hồi trống đồng vang lên hùng tráng, rung chuyển không gian. Trưng Trắc trong bộ võ phục màu vàng, giáp đồng, đầu đội vương miện có cài lông chim hạc bước lên nền cao. Nữ tướng Xuân Nương trao cho Trưng Trắc bó hương đã được châm lửa, khói nghi ngút, lửa đỏ rực. Ở tất cả các lư hương, hương cũng đã được đốt lên, Hàng chục ngọn đèn dầu cũng được thắp sáng trưng. Trưng Trắc cúi lạy và cắm từng nén hương vào các lư hương trên bàn có linh vị của Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, mẹ Âu Cơ và 18 vua Hùng, lên bàn thờ thiên địa trời đất thánh thần hai bên. Sau rồi Trưng Trắc quỳ rạp người trên mảnh chiếu cói trải dưới đất trước bàn thờ lớn mà vái lạy trời đất tổ tiên thánh thần, tiếng trống đồng lại vang lên hòa với tiếng tù và thốc thổi. Phía dưới quân đội và bách tính cũng cúi khom người hướng về lễ đài khấn vái. Trưng Trắc lễ xong, tiếng trống đồng, tiếng tù và thanh la im bặt. Nữ tướng Hồng Nương nói:

-Nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Chủ Soái, nhờ sự chiến đấu anh dũng của ba quân và bách tính, chúng ta đã đánh đổ ách thống trị tàn bào của nhà Hán, giải phóng được đất nước suốt từ Nam Trường Giang đến Hoành Sơn quận Nhật Nam. Chúng ta đã có đất nước độc lập. Đã là nước thì một ngày không thể không có vua. Nay tướng sĩ ba quân và trăm họ bách tính xin mời chủ Soái Trưng Trắc lên ngôi vua trị vì đất nước, thỏa lòng mong đợi của ba quân và bách tính.

  Hồng Nương dứt lời, ba quân và bách tính hô vang:

-Kính mời Chủ Soái lên ngôi!

-Kính mời Chủ Soái lên ngôi!

  Trống đồng và tù và lại vang lên những âm thanh dồn dập. Đội nữ binh 20 người mặc võ phục áo giáp và gươm sáng lòa lên lễ đài và dàn ra hai bên tả hữu. Một nữ binh đưa cho Hồng Nương một chiếc khay trên đặt vương miện màu vàng. Hồng Nương nhận và quỳ gối dâng lên Trưng Trắc. Trưng Trắc nhận vương miện đội lên đầu.

  Hồng Nương nói:

-Kính mời Chủ Soái ngồi lên ngai vàng để tướng sĩ và bách tính chúc mừng.

  Trưng Trắc ngồi lên chiếc ghế màu vàng một nữ binh vừa đem lên. Tiếng trống đồng, tù và lại vang rền. Ba quân và trăm họ hô vang:

-Kính chúc Trưng Vương khỏe mạnh, vạn tuế.

-Kính chúc Trưng Vương khỏe mạnh, vạn tuế.

 Trưng Vương rời khỏi ngai vàng, bước ra trước lễ đài và nói:

-Đúng như các tướng lĩnh đã nói, nước thì phải có vua. Nay thể theo nguyện vọng của tướng lĩnh, của quân đội, của trăm họ ta tạm ngồi lên ngôi báu, đem thân nữ nhi vì đất nước, kế tục sự nghiệp chí lớn của liệt Tổ liệt Tông. Nay ban bố mệnh lệnh sau đây:

-Triều đại của chúng ta là kế tục sự nghiệp của các vua Hùng nên lấy Quốc hiệu là Hùng Lạc.

-Đế hiệu triều đại của ta là Trưng Vương.

-Kinh đô Mê Linh

-Biên giới quốc gia lãnh thổ từ Nam Trường Giang ở phía Bắc đến Hoành Sơn ở phương Nam bao gồm các quận Hợp Phố, Giao chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam.

-Nay khôi phục và phát huy tất cả những phong tục, tập quán, trang phục, lễ nghĩa trong Quốc gia và trong gia đình của dòng giống Lạc Việt, Âu Việt và Bách Việt tại Quốc gia Hùng Lạc.

-Xóa bỏ tất cả những phong tục tập quán, trang phục, lễ nghi, trang phục của Hán mà bọn thống trị Hán buộc ta phải theo suốt 200 năm nay.

-Xóa bỏ tất cả những tô thuế phi lý và nặng nề, những lệ cống vật, những lệ lao dịch mà quân Hán đã thi hành để bóc lột nhân dân ta. Đặc biệt là xóa bỏ thuế sắt, thuế muối mà quân Hán xưa đánh rất nặng để làm nòi giống ta suy nhược do thiếu sắt sản xuất và thiếu muối khi chế biến thực phẩm, lám chúng ta suy nhược nòi giống và diệt vong là chính sách ác độc của quân Hán xâm lược.

-Những người Hán đã di cư và định cư ở nước ta nếu không về Trung Nguyên thì được ở lại làm ăn nhưng không được hành động chống lại nước Hùng Lạc.

-Cho bách tính miễn thuế trong ba năm

-Thiết lập một chính quyền với trung tâm là Mê Linh, dưới trung tâm là các quận, dưới quận là huyện, dưới huyện là các công xã, dưới công xã là làng và bản. Việc bổ nhiệm các quan lại sẽ căn cứ vào học thức và công lao trong cuộc khởi nghĩa giành độc lập nhưng phải có tài, năng lực trình độ, có lòng thương dân, sự trung thành với triều đình Mê Linh, với đất nước Hùng Lạc.

-Căn cứ vào công lao, nay ta-Trưng Vương phong tặng cho các tướng lĩnh và điều động từng người làm nhiệm vụ trấn trị trên khắp các địa phương của giang sơn Hùng Lạc:

1.Nay phong Trưng Nhị làm Bình Khôi công chúa, chức Phó Trưng Vương quốc gia Hùng Lạc.

2. Nay phong Nữ tướng Lê Chân, quê quán An Biên, huyện Khúc Dương, quân Giao Chỉ[1] làm Đông Triều Công chúa (Thánh Chân Công Chúa), giữ chức Trấn Biên Đại Tướng quân, thống lĩnh đạo quân Nam Hải .

3. Nay phong Tạ Vĩnh Gia, quê quán làng Nại Tử châu,  Chu Phan, huyện Mê Linh, quận Giao Chỉ[2] làm Vĩnh Gia Công Chúa.

4.Nay phong Phùng Thị Chính quê quán Tuấn Xuyên, Vạn Thắng, quận Giao Chỉ[3] chức Nội Thị Trưởng Tướng Quân.

5.Nay phong Vũ Thị Thục, quê quán Phù Ninh (Phú Thọ), quân Giao Chỉ làm Trinh Thục Công Chúa, chức Bát Nạn Đại tướng kiêm Uy viễn Đại tướng. 

6.Nay phong Nữ tướng Hàn Quỳnh Nương làm Quân sư, Hàn Sanh được phong Nguyên soái, Hàn Hãn chức Tiên Phong Tiền quân Hãn Địch tướng quân, Hàn Già được phong Tư Thiên Giám quan binh đào điển lai (phụ trách binh lương), Lê Minh Nương được phong Hộ Giá tòng Chinh tướng quân, Lê Đậu Nương được phong Sát đốc thủy tào tướng quân, cùng Tả tướng thủy quân Đinh Phật Nguyệt chỉ huy thủy quân.

7.Nay phong nữ tướng Phạm Nguyệt Nga làm Nguỵêt Nga Công chúa, chức Thống Lĩnh tả hữu nội vệ nữ tốt. Chồng là Ngọ Công được phong là Tham tán quốc chính thượng tướng quân Ngọ phong hầu.

  8. Nay phong Xà Nương làm Xà Nương Công Chúa, (Tả Hữu nội nhập công chúa), chức Đại tướng, đã tham gia trận Luy Lâu, nay về trấn thủ Hải Đông (Hải Dương),

9.Nay phong các nữ tướng Ả Tú, Ả Huyền, Ả Cát, quê quán trại Vân Thủy, huyện Tây Vu, quận Giao Chỉ làm công chúa, chức vụ tướng quân.

10. Nay phong Nguyệt Nga làm Nguyệt Nga công chúa, chức Tướng, phù tá Trưng Nhị, ở lại triều đình tham gia chính sự. 

11.Nay phong Nữ tướng Lê Ngọc Trinh làm Ngọc Phượng công chúa, chức Chinh thảo đại tướng quân, Phó Thống lĩnh đạo quân Quế Lâm. Phong em là Ả Chạ làm công chúa, chức vụ tướng quân.

    12. Nay phong Thiều Hoa ở Tam Thanh, huyện   Tây Vu, quận Giao Chỉ làm Đông Cung Công chúa, giữ chức Tiên phong hữu tướng.

    13.Nay phong Nữ tướng Ả Lã, Rồng Nhị là hai chị em sinh đôi, người làng Do Tràng, huyện Long Uyên, quận Giao Chỉ làm công chúa, chức vụ tướng quân.

 14.Nay phong Tướng Hùng Bàn tước Hùng Quốc công.

15.Nay phong nữ tướng Xuân Nương quê ở Tam Nông, Tây Vu, quận Giao Chỉ làm Đông cung công chúa,  chức Nhập Nội trưởng quản quân cơ nội các.

16.Nay Phong nữ tướng Mai Lan tham gia cuộc khởi nghĩa lớn của chị chồng là Lê Thị Hoa ở huyện Dư Phát, Quận Cửu Chân làm công chúa, chức vụ tướng quân.

17.Nay phong Nữ tướng Thiện Nhân, Thiện Khánh là hai chị em sinh đôi làm Đại Tướng, trấn giữ Hải Đông[4].

18. Nay phong Lê Thị Lan ở Đường Lâm, huyện Tây Vu, quận Giao Chỉ làm Nhu Mẫn Công chúa, chức Trấn Tây tướng quân, Phó Thống lĩnh đạo binh Hán Trung.

   19.Nay phong Quý Lan làm An Bình công chúa,   chức Nội Thị tướng quân.

   20. Đỗ Thị Dung, Đỗ Xuân Quang, Chu Liên, nay phong cả ba là tướng của triều đình. Đỗ Xuân Quang làm quan tại triều đình. Đỗ Thị Dung về trấn thủ Hiển Khánh (Vụ Bản), Chu Liên trấn thủ Đại An[5].

21. Nay phong Quách A ở Bạch Hạc, Huyện Tây Vu, quận Giao Chỉ làm Khâu Ni công chúa, giữ chức Tiên phong tả tướng, Tổng Trấn Luy Lâu .

22.Nay truy phong nữ tướng Chúa Bầu quê quán Lập Thạch, quận Giao Chỉ[6] làm công chúa, bách tính địa phương thờ phụng hương khói quanh năm.

23.Nay phong Trần Thị Phương Châu làm Nam Hải Công chúa.

24.Nay phong Ông Cai chức vụ Đại tướng. .

 25.Nay phong Thánh Thiên, nữ tướng anh hùng, quê ở huyện Bắc Đái, Giao Chỉ, tài kiêm văn võ làm Thánh Thiên Công chúa, thống lĩnh binh mã trấn thủ vùng Nam Hải (Hồ Nam).

(Còn nữa)

CVL