Mỹ nhân hào kiệt - Anh hùng (Tiểu thuyết lịch sử) - Kỳ 40

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tác phẩm “Mỹ nhân  hào kiệt - Anh hùng” là Tập XII trong Bộ tiểu thuyết lịch sử Việt Nam Diễn Nghĩa của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2024.   

Kỳ 40.

Tướng Mai Lan nói:

  -Trưng Vương nói phải, nên về Cửu Chân. Thần quyết đi tiên phong phá vây đưa Trưng Vương và Trưng Nhị Vương về đến nơi.

  Trung Dũng Đại Tướng Quân Nàng Nước nói:

 -Đúng vậy, chúng thần sẽ hết mình bảo vệ an toàn cho hai Trưng Vương. Thần cho rằng phải phá vòng vây vào ban đêm để giặc khó đối phó.

  Trưng Vương nói:

  -Hôm nay là ngày 17 tháng 10, đến canh ba đêm nay khi thời khắc chuyển sang ngày 18, chúng ta phá vây, rút khỏi Cấm Khê, về rừng núi Cửu Chân, xây dựng căn cứ, lấy lại sức tấn công, quét sạch giặc thù để trả thù nhà nợ nước.

   Trưng Trắc nói thêm:

  -Dù khó khăn đến mấy chúng ta vẫn không thể bỏ những chiến sĩ bị thương. Phải cáng họ đi hết không để sót một người.

  Một nữ tướng thưa:

  -Như vậy sẽ rất khó khăn khi rút lui, thưa Trưng Vương.

  - Dù khó khăn chúng ta vẫn phải mang theo những đồng đội của mình. Chúng ta là quân đội đại nghĩa, không thể bỏ đồng đội của mình trong giờ phút nguy nan.

  Các tướng dạ ran trở ra chuẩn bị.

  Canh ba đêm đó, Trưng Vương và Trưng Nhị Vương cưỡi lên hai con voi quen thuộc, chiến bào màu đỏ, áo giáp đồng vàng óng, đội mũ đâu mâu có gắn khăn tang, để tang cho Hoàng thái hậu Thiện Man. Hai  Trưng  Vương đi giữa gần một vạn quân vũ khí tua tủa. Tiền quân đi trước mở đường, hậu quân đi sau. Hàng trăm quân còn khênh những chiếc cáng cáng đồng đội bị thương đi giữa để được bảo vệ. Tiền quân mở đường đi về hướng Cửu Chân. Tiền quân của quân Việt đã chạm trán và giao chiến với quân Hán ở cửa  ngõ phía Nam khi quân Việt tràn ra ngoài. Phía quân Hán bắn vút lên trời mấy phát tên châm lửa. Quân Hán các nơi thấy tín hiệu, biết quân Việt đã phá vòng vây ở phía Nam. Hàng vạn quân Hán kể cả Mã Viện đều chạy tới cửa Nam, nơi quân Hán và quân Việt đang giao chiến dữ dội. Tiếng reo hò vang dậy, tiếng trống đồng và thanh la của quân Việt, tiếng trống thùng thùng của quân Hán, tiếng binh khí chạm nhau vang động trời đất trong đêm khuya. Trên từng bước chân voi của Trưng Vương và Trưng Nhị Vương đều phải bước qua hàng trăm xác giặc mà tiến. Trời đã bắt đầu sáng nhưng vẫn là buổi sáng u ám. Hai con voi của Trưng Vương và Trưng Nhị Vương vẫn sải những bước dài. Hai vạn quân Hán đã chết nhưng gần một vạn quân Việt và các nữ tướng cũng đã hy sinh gần hết. Phía sau lưng hai Trưng Vương vẫn vang lên tiếng bước chân chạy, tiếng reo hò của quân Hán truy sát. Bỗng nhiên, không gian tối sầm, trên không trung sấm sét nổ ran, gió thổi ào ào như giông bão. Thốt nhiên, bầu trời sáng lóa đến mức 1.000 quân Việt và một vài tướng lĩnh phải nhắm mắt, không nhìn thấy gì được nữa. Trong tiếng gió gào chớp giật sấm ran, có tiếng nói hùng tráng xa xăm vang vọng khắp bầu trời:

  -Ta là Sơn Tinh và Thủy Tinh, được lệnh của các vua Hùng đón hai đứa cháu  anh hùng về cùng tiên tổ.

  Sau tiếng nói là một trận gió cuốn theo với sấm vang chớp giật. Đột nhiên không gian và bầu trời im lặng. Mọi người mở mắt ra thì không thấy hai Trưng Nữ Vương trên mình voi nữa. Trên mình voi chỉ còn hai người quản tượng và hai chiếc lọng vàng. Hôm ấy là ngày 18 tháng 10 năm 43 âm lịch. Nơi mà hai Trưng Nữ Vương đi về cõi bất diệt với tiên tổ, thần thánh nay là xã Hát Môn (Phúc Thọ - Hà Nội), bên bờ Hát Giang (sông Đáy). Hai con voi được đưa về núi Nghĩa Lĩnh nhưng không chịu ăn uống và chỉ hai ngày sau nước mắt của chúng chảy ròng ròng mà chết theo chủ. Những nghĩa quân của Hai Bà Trưng đã mai táng hai con voi như hai chiến sĩ đồng đội của mình.

                                            VI

 

   Phần lớn các tướng lĩnh của Trưng Vương đã hy sinh tại Lãng Bạc và Cấm Khê. Sau khi Mê Linh và Cấm Khê thất thủ, số còn lại không nhiều nhưng vẫn bất khuất kháng chiến khắp nơi trên đất Hùng Lạc và hy sinh cho đến người cuối cùng. Đó là các tướng :

1. Hùng Bàn, Quê Quán Dư Xá, huyện Gia Bình (Bắc Ninh), quận Giao Chỉ, vợ là Trần Nang. Đại tướng Hùng Bàn cùng 5.000 quân đánh giặc ở Lãng Bạc, chém hơn 109 đầu tướng giặc. Chức Hộ Quốc Công, hi sinh tháng  12-43, đền thờ ở Dư Xá, Gia Bình, Bắc Ninh.

2.Tống Vĩnh Huy (Vĩnh Hoa công chúa) quê quán Tiên Nha, Vĩnh Phúc. Vĩnh Hoa lập căn cứ chống Hán ở trang Tiên Nha, Yên Lạc, Vĩnh Phúc, hy sinh 14-10 năm 43, bà có đền thờ ở làng Trung Hà, còn có đền thờ ở đình Nghênh Tiến, xã Nguyệt Đức, Yên Lạc, Vĩnh Phúc.

3.Trần Thị Phương Châu, có đền thờ ở Khúc Giang.

4.Trịnh Thị Cực, Tham gia trận Luy Lâu, được phong Hoàng Tư Cực Nương công chúa, về quê đánh quân Hán, hy sinh năm 43, có đền thờ ở thôn Quy Phú, xã Nam Hồng, huyện Nam Trực, Nam Định

5. Đề Nương Công chúa Hồ Đề, chức phó Nguyên Soái, Trấn Viễn Đại tướng quân. Năm 43 khi quân mã Viện tràn qua biên giới, đội quân cung nỏ của nữ tướng Hồ Đề công chúa đã đánh cho quân Hán lui về biên giới. Sau trận quân ta thua ở Lãng Bạc, Hồ Đề đã chặn đánh Mã Viện và Lưu Long ở sông Cầu để đại quân rút lui. Sau trận Cấm Khê, Hồ Đề dựa vào rừng núi Thái Nguyên chống cự 100 ngày nữa mới quyên sinh. Đền thờ ở Đền Đông Cao, xã Tráng Liệt, huyện Mê Linh, Hà Nội.

6. Nga Sơn công chúa Lê Thị Hoa, chức Bình Nam Đại tướng quân, đã tham gia trận phá vây ở Cấm Khê, năm 43 hi sinh tại Nga Sơn, Thanh Hóa. Đền thờ ở Yên Nội, Nga Thiện, Nga Sơn, Thanh Hóa.

7. Nữ tướng Mai Lan cũng có đền thờ ở đây.

8. Quách A Khâu Ni công chúa là nhà sư theo Phật rồi theo Trưng Vương, lập công lớn ở Luy Lâu, bị bệnh qua đời trước 43 ở Vĩnh Phúc, đền thờ ở Nhật Chiêu, Phú Thọ.

9.Nhập Nội Bạch Hạc Thủy công chúa Nàng Nội, năm 43 hi sinh tại Bạch Hạc. Đền thờ bà ở phường Minh Nông, Bạch Hạc, thành phố Việt Trì.

 10. Ông Cai cùng nghĩa quân đã giả nữ để đánh giặc, được phong Đại tướng, tiếp tục chống Mã Viện và hi sinh năm 43. Đền thờ ngài ở Miếu Men ở Nam Nguyễn, Ba Vì.

11 .Thiều Hoa, Đông Cung công chúa, chức Tiên Phong Hữu tướng, lập công trong trận Luy Lâu, tiếp tục kháng chiến ở Bắc Ninh và hi sinh năm 43. Đền thờ bà ở quê hương, xã Hiền Quan, Tam Nông, Phú Thọ.

12 Đô Dương, tiếp tục  kháng chiến chống Mã Viện ở Cửu Chân (Thanh Hóa) và hi sinh năm 43.

13. Hoàng Cống, Hùng Tướng công, được phong thực ấp ở Thùy Trung Châu (Bạch Trữ), lui về Bạch Trữ (xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh), tiếp tục kháng chiến và hy sinh ngày 11 tháng 11 năm 43.

14. Gia Hưng công chúa, Trung Dũng đại tướng quân, Đô đốc trưởng thủy quân trấn Bắc Nam Hải. Bà có trận thủy chiến lừng lẫy ở quận Uất Lâm (Quảng Tây) đánh quân Hán Mã Viện.

15. Sa Giang, Động Đình Công, chức Trung Nghĩa Đại tướng quân, Tổng Trấn Trường Sa, Tiếp tục kháng chiến và hi sinh ở Phong Đô, Tứ Xuyên. Đền thờ bà ở huyện Phong Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc.

16. Ả Tú, Ả Huyền, Ả Cát đã tham gia chiến đấu ở Lãng Bạc. Trong cuộc chiến đấu quyết liệt ở phòng tuyến Cấm Khê, ba nữ tướng đều hi sinh anh dũng vào ngày 2 tháng Chạp năm 43 ở Cấm Khê. Đền thờ ở xã Trung Châu, huyện Đan Phượng (Hà Nội). Xã này có đền thờ 8 tướng của Hai bà Trưng.

17. Sau khi Cấm Khê thất thủ, vợ chồng Đông Cung công chúa Xuân Nương, quê quán Chiêm Hóa, Tuyên Quang, chức Nhập nội trưởng quân Cơ nội các cùng chồng là Thi Bằng (em Thi Sách) lui về phòng tuyến Hương Nha. Thi Bằng hy sinh tại mặt trận, còn Xuân Nương sau đó cũng tuẫn tiết, gieo mình xuống sông Thao. Đền thờ ông, bà ở Hương Nha, Tam Nông, Phú Thọ.

18. Sau trận Cấm Khê, Mã Viện sai phó tướng Lưu Long đến đánh Đàm Luân, Vĩnh Tường, căn cứ của Ngọc Phượng công chúa Lê Ngọc Trinh, chức Chinh Thảo đại tướng quân, Phó Thống lĩnh đạo quân Quế Lâm. Lê Ngọc Trinh chỉ huy đánh kịch liệt. Ngọn cờ thêu chim phượng mang dòng chữ “Quần thoa hào kiệt, dũng lược tuyệt trần” bay tới đâu giặc chết tới đó. Lưu Long phải rút quân chạy qua sông Đáy. Ba tháng sau, giặc do Mã Viện chỉ huy bất ngờ tấn công. Nàng tả xung hữu đột, giết nhiều tướng giặc. Nhưng quân ta hy sinh hết. Ngọc Nương bị thương nhảy xuống hồ sen tuẫn tiết. Bà được thờ ở miếu thờ Lũng Ngòi, đền Lũng Ngòi và đền Hòa Loan thuộc xã Lũng Hòa, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc.

(Còn nữa)

CVL