"Dưới nắng nóng như thế này, thai phụ chúng tôi cảm thấy rất căng thẳng", Sonari, một cô gái ngoài 20 tuổi, cho biết khi làm việc trên cánh đồng dưa ở ngoại ô thành phố Jacobabad, miền nam Pakistan.
Cùng làm việc với Sonari và hàng chục phụ nữ khác còn có Waderi, 17 tuổi, người vừa mới chỉ sinh con vài tuần trước. Dưới nhiệt độ hơn 50°C, cô đặt đứa bé trên một tấm chăn dưới bóng râm và thỉnh thoảng lại gần cho con bú.
Được biết những phụ nữ này bắt đầu ca làm việc từ 6 giờ sáng. Họ chỉ được phép giải lao một chút để về lo việc nhà trước khi trở lại cánh đồng và làm việc đến khi mặt trời lặn, thường xuyên bị đau nhức chân và thậm chí ngất xỉu dưới trời nắng nóng.
"Cảm giác như không ai quan tâm đến họ", nhân viên cứu trợ Liza Khan thuộc tổ chức phi lợi nhuận Community Development Foundation nói.
Theo Reuters, Sonari và Waderi nằm trong số hàng triệu những người dân trên khắp thế giới đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề vì biến đổi khí hậu. Cục Khí tượng Pakistan hôm 14/5 ghi nhận mức nhiệt 51°C tại Jacobabad, qua đó biến nơi đây trở thành một trong những thành phố nóng nhất thế giới.
Sonari và Waderi nằm trong số hàng triệu những người dân trên khắp thế giới đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề vì biến đổi khí hậu
Phụ nữ mang thai là đối tượng chịu tổn thương hơn cả bởi tiếp xúc với nhiệt độ cao trong thời gian dài sẽ khiến họ đối mặt với nguy cơ biến chứng thai kỳ. Ngoài ra, việc thường xuyên phải nhóm lửa nấu nướng trong những căn bếp chật chội không hệ thống thông gió càng khiến phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi, nhất là tại các quốc gia kém phát triển như Pakistan.
"Việc chế biến đồ ăn trên bếp nóng, cộng với nhiệt độ môi trường cao đã khiến mọi thứ trở nên nguy hiểm", ông Cecilia Sorensen, Giám đốc Hiệp hội Toàn cầu về Giáo dục Sức khỏe và Khí hậu (GCCHE) thuộc Đại học Columbia, New York, Mỹ, cho biết.
Câu chuyện về Nazia, một bà mẹ trẻ 5 con là ví dụ điển hình. Thời tiết khắc nghiệt khiến cô bị bị đột quỵ ngay khi đang chuẩn bị bữa trưa cho gia đình, trong một căn bếp chật hẹp không có quạt. Dù được người dân nhanh chóng đưa tới bệnh viện, song Nazia đã không qua khỏi.
Trước đó, theo tờ The Guardian, đợt nắng kỷ lục đang càn quét Ấn Độ và Pakistan đã đẩy nhiệt độ trung bình tại những khu vực này lên tới gần 50 độ C trong suốt nhiều tuần. Tại Jacobabad, nhiệt độ chạm mốc 49 độ C hôm 30/4 - một trong những mức nhiệt cao nhất từng được ghi nhận trong tháng 4. Người dân địa phương không những chỉ có thể làm việc vào ban đêm, khi nhiệt độ giảm xuống, mà còn phải đối mặt với tình trạng thiếu nước và điện trầm trọng.
Nhiệt độ cao tại Jacobabad
Theo bà Sherry Rehman, Bộ trưởng phụ trách biến đổi khí hậu của Pakistan, nước này đang phải đối mặt với một một "cuộc khủng hoảng hiện hữu" khi điều kiện thời tiết cực đoan ở mức báo động. Bà cũng cảnh báo đợt nắng nóng này đang khiến các sông băng phía bắc Pakistan tan chảy với tốc độ chưa từng có và hàng nghìn người có thể phải đối mặt với lũ lụt.
“Các vấn đề khí hậu vẫn đang diễn ra và sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn nếu các nhà lãnh đạo toàn cầu không sớm hành động”, bà nói. "Đây là lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, Pakistan trải qua một năm không có mùa xuân".
Đáng nói hơn cả, nhiều chuyên gia còn lo sợ rằng tình trạng nắng nóng tại Ấn Độ và Pakistan có thể sẽ là viễn cảnh thế giới phải đối mặt trong tương lai khi nhiệt độ Trái Đất tiếp tục tăng lên.
“Những đợt nắng nóng khắc nghiệt, thường xuyên và kéo dài không còn được coi là nguy cơ nữa. Nó đã xảy ra rồi và điều này là khó tránh khỏi ”, Giáo sư Abhiyant Tiwari thuộc Viện Quản lý Thảm họa Gujarat cho biết.