Vượt lên những khó khăn đó, thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, ngành du lịch Việt Nam nỗ lực chủ động thích ứng và khôi phục hoạt động ngay trong tình hình mới. Cùng với việc đẩy nhanh tiêm chủng vaccine, các doanh nghiệp du lịch đã quyết tâm hành động và thích ứng linh hoạt, bước đầu toàn ngành đang nỗ lực chớp lấy cơ hội, không để lỡ nhịp làm mất tính cạnh tranh với các nước xung quanh...
Bức tranh của ngành du lịch đã phát lộ những điểm sáng ngay từ đầu năm Nhâm Dần khi khách nội địa và quốc tế đang dần trở lại, thích ứng với bình thường mới. Thay vì đón Tết ở nhà, nhiều người xách vali cùng cả gia đình vui Xuân tại các điểm du lịch. Và thế là từ Mộc Châu (Sơn La), Sa Pa (Lào Cai) và Hà Giang đến Phú Quốc, Đà Lạt, Vũng Tàu… trong những ngày qua liên tục kín phòng. Những tín hiệu vui ngày đầu năm thực sự xua tan bầu không khí “giá lạnh” sau gần 2 năm gần như tê liệt do dịch bệnh.
Có được kết quả đó, theo Tổng cục Du lịch, thời tiết thuận lợi trong những ngày đầu năm mới Nhâm Dần 2022 cùng với đợt nghỉ Tết âm lịch kéo dài và tâm lý an tâm của người dân khi dịch bệnh dần được kiểm soát và được tiêm vaccin đã tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động du lịch bước đầu khởi sắc khắp ba miền. Mặt khác, các địa phương cũng đề ra nhiều giải pháp để vừa tiếp tục mở cửa đón khách vừa đảm bảo an toàn, thích ứng linh hoạt đã phần nào giảm các lo ngại bùng phát dịch sau kỳ du lịch Tết.
Từ sự khởi sắc trong những ngày đầu năm, ngành Du lịch đang kỳ vọng năm 2022 sẽ đón 5 triệu khách quốc tế từ “hộ chiếu vaccine”. Kỳ vọng đó hoàn toàn có cơ sở bởi thuận lợi từ chiến dịch tiêm chủng khi Việt Nam hiện nằm trong top 6 thế giới có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất. Mặt khác, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa đề xuất Chính phủ mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch quốc tế từ 31/3 và đặc biệt là nỗ lực vượt khó của ngành này đang hứa hẹn sẽ mở ra cánh cửa để du lịch sớm cất cánh trở lại.
Đáng chú ý, thời điểm mở cửa hoàn toàn đón khách quốc tế dự kiến trước dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 và vào dịp nước ta chuẩn bị tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) - giữa tháng 5-2022. Cơ hội đang ở rất gần để ngành Du lịch Việt Nam “chuyển mình” để phục hồi...
Để việc mở cửa đón khách du lịch đạt hiệu quả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đề xuất các phương án mở cửa đón khách du lịch quốc tế an toàn, hiệu quả như: Ban hành hướng dẫn thủ tục xuất nhập cảnh, bảo đảm an toàn y tế tại các cửa khẩu quốc tế và triển khai thống nhất trên toàn quốc, phù hợp với việc mở cửa đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam; khôi phục lại các chính sách miễn thị thực nhập cảnh (visa) đã áp dụng đối với các thị trường khách du lịch quốc tế trước năm 2020 và xem xét bổ sung một số thị trường khách du lịch tiềm năng để nâng cao khả năng cạnh tranh điểm đến của Việt Nam đối với các quốc gia, điểm đến trong khu vực và quốc tế.
Định hướng đã khá rõ, song mở cửa với kịch bản thế nào để bảo đảm thật sự thích ứng an toàn, hiệu quả, linh hoạt là việc các cấp, các ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp du lịch cần bàn thảo kỹ để đưa ra kế hoạch phù hợp nhất với tình hình thực tiễn ở cả trong và ngoài nước.
Nhưng thiết nghĩ, để làm được điều đó thì cần xác định mở cửa phải cởi mở các chính sách. Trong đó, cần đánh giá khách quan việc thí điểm đón du khách quốc tế thời gian qua, nhìn nhận những mặt được, chưa được, rút kinh nghiệm, bổ sung và hoàn chỉnh chính sách về mở cửa du lịch. Cùng với đó là nghiên cứu, tạo chính sách thị thực thuận lợi; đẩy mạnh hoạt động quảng bá, truyền thông để khách nước ngoài hiểu cặn kẽ về công tác phòng, chống dịch và việc kiểm soát dịch bệnh tại Việt Nam...
Đồng thời, các địa phương cũng cần chủ động, thống nhất mặt bằng chung về điều kiện, thủ tục... trong đón du khách, không để mỗi địa phương làm một kiểu theo cách của riêng mình. Các doanh nghiệp cần chủ động điều chỉnh, xây dựng sản phẩm mới và làm mới sản phẩm cũ để đáp ứng nhu cầu của du khách…
Đặc biệt, trong quá trình đó phải có giải pháp khắc phục ngay những bất cập do chính sách phòng, chống dịch cũ không còn phù hợp, trên quan điểm bảo đảm an toàn dịch bệnh cho du khách trên hết, trước hết. Và dù tình hình dịch bệnh tại nước ta đã được kiểm soát, nhưng không vì thế mà chủ quan, ngược lại, càng phải sát sao, tuân thủ quy định về phòng, chống dịch... để thích ứng an toàn, linh hoạt…/
Theo Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, trong giai đoạn đầu thí điểm, từ tháng 11/2021 đến nay, Việt Nam đã đón được khoảng 9.000 khách quốc tế theo hình thức “hộ chiếu vắc xin”. Chưa hết, chỉ riêng 9 ngày nghỉ Tết có hơn 6 triệu lượt khách nội địa, trong khi cả tháng 12/2021, chỉ có hơn 5 triệu lượt. Đây được xem là tín hiệu khả quan, mang đến nhiều hy vọng cho việc sớm phục hồi ngành công nghiệp "không khói" sau 2 năm thăng trầm do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Có thể nói, đại dịch COVID-19 như cơn cuồng phong chưa từng có trong lịch sử, khiến ngành du lịch cả thế giới, trong đó có Việt Nam bị thiệt hại nặng nề. Bước vào năm 2020, du lịch Việt Nam đã đón lượng khách quốc tế kỷ lục trong tháng 1, đạt 2 triệu lượt, tăng 32,8% so với cùng kỳ 2019. Tuy nhiên, vì đại dịch COVID-19, tháng 3/2020 Việt Nam đã phải ngừng đón khách quốc tế. Du lịch Việt Nam - một ngành đang tăng trưởng bốn năm liên tục ở mức 2 con số, đóng góp trực tiếp gần 10% GDP, đóng góp lan tỏa trên 18% GDP, nay suy thoái nghiêm trọng. Hàng chục nghìn doanh nghiệp bị phá sản hoặc ngừng kinh doanh, hàng triệu lao động phải nghỉ việc toàn bộ hay từng phần. |