Nghệ nhân có vai trò quan trọng trong phát triển làng nghề truyền thống ở Việt Nam

05/11/2023 07:31

Nghề thủ công truyền thống Việt Nam đã có lịch sử phát triển từ hàng nghìn năm nay. Bàn tay tài hoa của ông cha đã ghi dấu ấn trên tất cả các di tích lịch sử văn hóa, qua các triều đại. Cuộc khai quật khảo cổ Hoàng Thành Thăng Long (Hà Nội) đã phát hiện nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ được làm ra cách đây nghìn năm với công nghệ truyền thống, nghệ thuật tinh xảo tuyệt vời.

Sự phát triển của các ngành nghề truyền thống Việt Nam hiện nay không chỉ có vai trò nâng cao mức sống cho người dân mà còn là dấu ấn truyền thống văn hóa dân tộc qua mỗi thời kỳ. Đó là kho tàng văn hóa quý giá rất cần được gìn giữ và bảo tồn. Những năm đầu của thế kỷ XXI này, đã xuất hiện nhiều nghệ nhân, doanh nhân xuất chúng… những con người quy tụ ở họ gần như toàn bộ vốn liếng và tài năng sáng tạo của cộng đồng về một hay vài lĩnh vực nào đó của văn hóa. Những người này đã tự mình sáng tạo hoặc chắt lọc, sáng tạo của cả cộng đồng, góp phần bổ sung, làm giàu thêm cho bản sắc văn hóa cộng đồng. Tổ chức giáo dục, khoa học, văn hóa của Liên hợp quốc - UNESCO đề nghị tặng họ danh hiệu “Báu vật nhân văn sống” của nhân loại, còn chúng ta phong tặng họ là Nghệ nhân.

57d96d8b-6fd1-4862-bd96-6bebd2be788e-1699143501.jpeg
Nghệ nhân Đặng Văn Hạ tạo ra nhiều sản phẩm tò he hấp dẫn phục vụ du khách

Có những Nghệ nhân xuất chúng lưu danh cho đến ngày nay như Tổ nghề gốm Chu Đậu Bùi Thị Hý vào thế kỷ XV. Bà là chủ của hơn 10 trang phường gốm sứ, nay thuộc làng Quang Tiền, xã Đồng Quang, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. 

Vào thời Lê Hiển Tông, ông tổ nghề khảm trai là Nguyễn Kim, người làng Thuận Nghĩa, tỉnh Thanh Hóa. Ông rất giỏi nghề khảm, vì bị sách nhiễu đã lánh nạn ra làng Chuyên Mỹ, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây (bây giờ thuộc Hà Nội) và truyền dạy nghề cho dân làng tại đây.

Tổ nghề vàng bạc là 3 anh em họ Trần: Trần Hòa, Trần Điện, Trần Điền sống tại làng Định Công vào cuối thế kỷ thứ VI. Ba ông học được nghề này trong một cuộc lưu lạc tại một nước láng giềng sau đó đem về truyền dạy lại cho dân làng. Sau này thợ làng Định Công di chuyển về Thăng Long, cư trú tại phố Hàng Bạc.

Với mỗi người dân, tổ nghề luôn là những bậc thánh nhân mà họ hướng về với tài năng, đức độ mà đời sau không ngừng học hỏi. Người dân tin rằng Tổ nghề sáng chế ra ngành nghề vẫn theo sát họ, quan tâm và phù hộ cho họ phát triển nghề nghiệp, hành nghề phát đạt.

4426bc3c-e5a9-48fb-a194-46a55b23bf84-1699143759.jpeg
Nhiều nghệ nhân trẻ tài hoa luôn sáng tạo nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm làng nghề Việt Nam

Người Việt Nam luôn luôn ghi nhớ và tôn thờ các Tổ nghề. Họ được người dân thờ phụng ở từ đường, đình làng, có khi được tôn là Thành hoàng làng nghề... Hàng năm, tại các nơi làm nghề thường có ngày giỗ Tổ và hội làng với các nghi thức tưởng nhớ công ơn tổ nghề và tôn vinh nghề rất long trọng và tôn kính.

Các vị Tổ nghề đều được dân làng thờ phụng với tất cả lòng thành kính và biết ơn. Các thế hệ nghệ nhân nối tiếp nhau từ đời này sang đời khác giữ nghề truyền thống cho đến ngày nay. 

Hiện nay, đang có một đội ngũ nghệ nhân lâu năm, giàu kinh nghiệm nắm giữ gia tài nghề truyền thống của cha ông để lại. Họ thật sự là nòng cốt nuôi sống làng nghề, tạo dựng thương hiệu cho làng nghề phát triển. Họ rất tâm huyết với nghề, vượt qua mọi khó khăn, vất vả dành cả cuộc đời cho nghề. Với bàn tay tài hoa, óc sáng tạo, họ đã lưu giữ được tất cả những tinh túy của nghề truyền thống, có công lớn trong việc giữ nghề, với bao công sức của nghệ nhân mà trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nghề truyền thống thể hiện rõ nét tinh hoa văn hóa dân tộc vẫn tồn tại đến ngày nay. 

Có thể nói những nghệ nhân lâu năm giàu kinh nghiệm là linh hồn của làng nghề, là “báu vật sống” nắm giữ tinh hoa của nghề truyền thống. Đó là chỗ dựa vững chắc cho làng nghề tồn tại và phát triển. Trong cuộc sống hiện đại, hàng tiêu dùng công nghiệp sản xuất hàng loạt bằng máy móc tràn ngập thị trường đã lấn át thủ công. Nhưng không vì thế mà hàng thủ công mất hẳn chỗ đứng mà ngược lại nó vẫn vươn lên thể hiện bản ngã độc đáo của mình. Khác hẳn với sản phẩm làm bằng máy móc đồng loạt, mỗi sản phẩm thủ công đều in đậm bàn tay tài hoa, sáng tạo, vốn tinh hoa văn hóa truyền thống của nghệ nhân. Mỗi nghệ nhân đã thể hiện tất cả kinh nghiệm cả đời, tài hoa, tình cảm, suy nghĩ, sáng tạo của mình lên mỗi sản phẩm và thổi hồn cho nó. Nghệ nhân giống như nghệ sỹ, làm việc với tâm hồn phong phú của mình khiến cho sản phẩm sống động với những nét riêng độc đáo mà các sản phẩm làm bằng máy móc không thể có được. 

Ở nhiều nước công nghiệp phát triển trên thế giới, các sản phẩm thủ công vẫn tồn tại và phát triển mang đặc trưng văn hóa của mỗi nước. Hàng thủ công muốn tồn tại và phát triển phải dựa vào sức mạnh của mình tức là sức mạnh phải hàm chứa yếu tố văn hóa dân tộc. Thực tế cho thấy hiện nay trong các ngôi nhà hiện đại vẫn xuất hiện những bộ salong mây tuyệt đẹp, những chiếc lọ hoa, bộ ấm chén gốm sứ độc đáo, những bức tranh thêu cầu kỳ sang trọng, đồ thờ cúng gia tiên lộng lẫy,…ghi dấu ấn tài hoa của những người thợ thủ công. Dù cuộc sống có hiện đại đến mấy, mỗi người dân Việt Nam đều mong muốn ngôi nhà của mình có dáng vẻ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Ở các điểm du lịch, du khách trong nước và quốc tế đều mua các sản phẩm độc đáo của địa phương để làm đồ lưu niệm. Nhiều làng nghề dệt thổ cẩm đã thu hút được nhiều du khách và bán được nhiều sản phẩm làm cho đời sống nhân dân được cải thiện. 

61d197b2-0b3f-4edf-b6e5-3deca1c6f11b-1699144030.jpeg
Nhiều nghệ nhân đã gắn kết hoạt động nghề nghiệp của mình với phát triển cộng đồng bền vững

Nghệ nhân giữ vai trò quan trọng như vậy, nhiều năm qua chưa được sự quan tâm đúng mức của các ngành, các cấp chính quyền và cả xã hội. Trước đây các làng nghề đã có lúc xuất khẩu tới hơn 1 tỷ USD, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động ở nông thôn. Trong những năm gần đây sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm gần 10% nhu cầu của thị trường toàn cầu. Kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam giai đoạn 2015-2019 tăng trung bình 9,5%/năm, từ 1,62 tỉ USD (2015) lên đến 2,23 tỉ USD (2019), khả năng có thể đạt gần 4 tỉ USD vào năm 2025.

Nhiều làng nghề truyền thống có mức sống cao từ 3-5 lần mức sống của các làng nghề thuần nông. Chính nơi này đang là bộ mặt xây dựng nông thôn mới. Nhưng bây giờ trong thời buổi kinh tế khó khăn toàn cầu, các làng nghề đang phải giải quyết hoàng loạt khó khăn như thiếu vốn, thiếu mặt bằng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn, chưa có vùng nguyên liệu ổn định, vấn đề ô nhiễm môi trường cũng trở nên nhức nhối…Nhiều nghệ nhân muốn vay vốn nhưng không được ưu đãi, từ đó ảnh hưởng lớn tới công việc sản xuất và đời sống của họ. Chưa có một cơ chế chính sách nào hỗ trợ nghệ nhân phát huy tài năng sáng tạo. Nhiều nghệ nhân nổi tiếng ngày càng già yếu, sức khỏe suy giảm đã bị rơi vào quên lãng. Dường như trong lĩnh vực này, chưa hề có chính sách trọng dụng nhân tài. Nhiều nghệ nhân cứ âm thầm, lặng lẽ làm việc không có bất kỳ quan tâm giúp đỡ nào trong hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, điều kiện làm việc thiếu thốn. 

Hiệp hội Làng nghề Việt Nam được Nhà nước cho phép vinh danh và tôn vinh các nghệ nhân. Từ năm 2007 đến nay, Hiệp hội đã vinh danh được 72 Làng nghề tiêu biểu, 835 nghệ nhân Làng nghề Việt Nam, 72 Đơn vị kinh tế Làng nghề tiêu biểu, 95 sản phẩm TCMN Làng nghề tiêu biểu, 52 thợ giỏi Làng nghề Việt Nam, 115 Bảng vàng Gia tộc. 76% Nghệ nhân Làng nghề được Hiệp hội vinh danh Nghệ nhân Làng nghề Việt Nam được Chủ tịch nước Phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, Nghệ nhân Nhân dân. Riêng lần Vinh danh các danh hiệu làng nghề Việt Nam lần thứ 10 năm 2022. Hiệp hội đã tiếp nhận hơn 300 hồ sơ gửi về từ các tỉnh thành trong cả nước. Hội đồng xét tặng cho 01 Làng nghề Văn hóa Du lịch tiêu biểu, 187 Nghệ nhân Làng nghề Việt Nam, 16 Nghệ nhân VHNT ẩm thực làng nghề Việt Nam, 04 Bảo vật tinh hoa làng nghề VIệt Nam, 05 Sản phẩm Thủ công Mỹ nghệ Tinh hoa làng nghề Việt Nam, 09 Bảng vàng gia tộc nghề Truyền thống Việt Nam, 16 Thợ giỏi Làng nghề Việt Nam, 03 Kỷ lục Độc bản.

Hoạt động tôn vinh Làng nghề và Nghệ nhân của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đã có tác dụng rất lớn trong việc bảo tồn, xây dựng và phát triển làng nghề, chăm sóc nghệ nhân làng nghề gìn giữ và phát triển tinh hoa của nghề truyền thống. 

Ở danh hiệu cấp Quốc gia, Nhà nước đã phong tặng nghệ nhân Nhân dân và Nghệ nhân Ưu tú cho 22 Nghệ nhân Nhân dân, 192 Nghệ nhân Ưu tú, trong đó có 15 Nghệ nhân Nhân dân, 135 Nghệ nhân Ưu tú là nghệ nhân làng nghề, hội viên của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam.

Những nghệ nhân và thợ giỏi của các làng nghề ngày nay vẫn đang phát huy trí tuệ của mình, phát minh những công nghệ mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất, mà lao động lại được giảm nhẹ. Ví như nghệ nhân Nguyễn Hữu Vụ ở làng chạm bạc Đồng Xâm đã sáng tạo ra khuôn đúc bằng kim loại thay thế cho khuôn đất, nên khuôn bền hơn và chất lượng sản phẩm được nâng cao hơn. Hoặc nghệ nhân Nguyễn Thanh Luân ở Làng thêu Văn Lâm đã phát minh ra chiếc bút vẽ mẫu bằng cách gắn một mô tơ điện nhỏ vào chiếc bút bi. Khi vẽ, chiếc bút bi có thể chấm lỗ rất nhanh và đều đặn, với độ sâu đồng đều, tạo những nét vẽ mượt mà và gọn gàng. Công nghệ của ông đã được ứng dụng rộng rãi ở làng nghề, tạo điều kiện cho thợ vẽ mẫu chạm được những hình vẽ đẹp với công suất cao hơn và đẹp hơn vẽ tay nhiều lần.

Tại làng tranh Đông Hồ, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế tuy đã ngoài 80 tuổi nhưng hàng ngày vẫn đến xưởng tranh của mình dù đã có con trai quản lý công việc. Trong khuôn viên xưởng vẫn có những bao tải đầy vỏ điệp và chiếc cối giã vỏ điệp để làm giấy vẽ; những dãy chum sành ngâm các loại hoa-lá-rễ cây để chế biến màu vẽ từ thiên nhiên; những người thợ vẫn hàng ngày quét bột điệp lên giấy dó, cắm cúi chạm khắc những bản mẫu in... Căn nhà riêng của gia đình ông có treo bức ảnh lớn vẽ sơ đồ dự án phát triển doanh nghiệp, thể hiện ước mơ của ông sẽ phát triển theo hướng kết hợp làng nghề với du lịch và giáo dục truyền thống.

Thời nay, có những nghệ nhân được học hành bài bản, kết hợp tài năng trời phú, sự tinh xảo của đôi tay với kiến thức của nhà trường để gửi vào sản phẩm những sáng tạo độc đáo. Ví như nghệ nhân Nguyễn Danh Tú của Làng gốm Bát Tràng, trên nền những kiến thức học được từ Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp, đã phát huy sức sáng tạo của mình, làm chủ được kỹ thuật gốm thấu quang, khắc hoa văn trên đèn gốm thấu quang (còn gọi là ám hoạ). Những chiếc đèn lớn được trang trí bằng những hoạ tiết mềm mại và tinh xảo, được thực hiện hoàn toàn thủ công một cách điêu luyện, tỉ mỉ từng li từng tí, chỉ một góc sản phẩm vài chục cm2 mà có khi phải khổ công cả tháng trời. Không chỉ vậy, đòi hỏi một kỹ thuật nung gốm có tay nghề cao và kỳ công thì mới bảo đảm chất lượng, giữ nguyên được các đường nét tinh tế của các hoạ tiết, làm cho sản phẩm có hồn.

Có thể nói, những nghệ nhân là người nắm giữ những bí quyết riêng trong việc sáng tạo những sản phẩm độc đáo; những kỹ năng thao tác và cả những điều tinh tế chỉ có thể cảm nhận chứ khó phân tích bằng lời. Họ chính là người giữ nghề, bảo đảm cho làng nghề truyền thống tồn tại và phát triển.

be8cb706-34fb-4bf7-ab17-38c1f1eee62a-1699144273.jpeg
Nghệ nhân là hồn cốt của các làng nghề

Các nghệ nhân lâu năm đến nay vẫn giữ nghề nhờ việc truyền nghề từ đời này sang đời khác, “cha truyền con nối”. Mỗi nghệ nhân đều dày dặn kinh nghiệm được tích lũy qua năm tháng của cuộc đời. Việc truyền nghề thường được diễn ra trong một gia đình cho nên mỗi người đều nắm một bí quyết gia truyền. Nay những nghệ nhân-bảo tàng sống ấy ngày càng cao tuổi và dần dần sẽ đi vào cõi vĩnh hằng mang theo tất cả gia tài quý giá mà họ nắm giữ. Một câu hỏi đặt ra ai là người giữ nghề Tổ. Chỉ có một cách duy nhất mà cha ông ta đã làm là truyền nghề cho lớp người trẻ tuổi, truyền cho con cháu. Công việc này vô cùng khó khăn trong bối cảnh hiện nay khi làng nghề chưa tìm kiếm được thị trường, sản xuất ngưng trệ, nghệ nhân không có “đất dụng võ” đời sống lâm vào cảnh túng thiếu. Những người trẻ tuổi không thiết tha với nghề khi cặm cụi làm nón cả ngày mới chỉ được năm sáu trục đồng trong khi đó chạy ra thành phố có thể kiếm việc làm thu được số tiền gấp ba, năm lần như vậy. Chính vì vậy, đã xảy ra tình trạng “cha truyền con không nối”, nghề Tổ đứng trước nguy cơ bị thất truyền.

Theo GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho biết: “Muốn giữ nghề thì nhà nước, các cơ quan chức năng cần quan tâm hơn đến các nghệ nhân, sớm hoàn thiện các quy định về chế độ ưu đãi, công nhận danh hiệu nghệ nhân cho họ. Các nghệ nhân là báu vật của các làng nghề nhưng việc đãi ngộ đối với họ chưa được tương xứng, cụ thể là việc công nhận và phong tặng danh hiệu nghệ nhân chưa được thực hiện tốt. Rất nhiều nghệ nhân tới già, thậm chí đến lúc mất, vẫn chưa 
được công nhận”.

Một vấn đề nữa cần được cơ quan quản lý chú trọng là công tác trao truyền. Ngoài vinh danh các nghệ nhân, việc gây dựng các thế hệ kế tục sự nghiệp gìn giữ, phát huy giá trị di sản nghề là rất quan trọng. Để làm tốt việc này, cần thực hiện tốt các chính sách đãi ngộ nghệ nhân “báu vật nhân văn sống” song hành với việc bảo tồn, phát huy, khai thác các giá trị văn hóa trong làng nghề. Nếu thực hiện tốt, các nghệ nhân và di sản văn hóa vừa là “kho báu” vừa là “chiếc cần câu”, là nguồn lực phát triển kinh tế trước mắt cũng như lâu dài của người dân, chính quyền địa phương và cả quốc gia.

Trong việc này, vai trò của lớp trẻ - những người kế cận bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, di sản nghề cũng rất quan trọng. Với thế mạnh hiểu biết về khoa học kỹ thuật, công nghệ, thế hệ trẻ cần phát huy khả năng sáng tạo trong việc khai thác nguồn tài nguyên “kho báu” và phát triển thành những sản phẩm hiệu quả đóng góp cho nền công nghiệp văn hóa đất nước.

Ông Lưu Duy Dần - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam
Bạn đang đọc bài viết "Nghệ nhân có vai trò quan trọng trong phát triển làng nghề truyền thống ở Việt Nam" tại chuyên mục Làng nghề. Hotline: 0846460404 - Liên hệ Quảng cáo: 0912563309