Nghệ thuật tạo ra "giá trị thời gian" bằng gì?

Mấy hôm nay, bài thơ “LỖ THỦNG LỊCH SỬ” của tác giả Nguyễn Hữu Hồng Minh được bàn luận rôm rả trên MXH, nhiều người chê bai và cũng không ít người bênh vực nó.

Một trong những người nhóm chê có nhận xét chung như sau, và có nhiều ý kiến đồng tình: “Một bài thơ được tác giả sáng tác có cả những câu thơ có những từ ngữ tưởng chừng chỉ có trong những tiết giảng chuyên môn về cơ thể con người, về sinh lý, về tình dục ở giảng đường những trường đại học… Tác giả đưa rất nhiều những câu thơ có những từ, những cụm từ nói cả về những khu vệ sinh, những khu vui chơi, giải trí của con người vào thi ca” (Fb Minh Minh Cao Pha).

Nhóm bênh vực bài thơ thì đưa ra lý thuyết “Hậu hiện đại”, và còn chụp cả bức hình cái “Đài phun nước” (Fountain) mô phỏng cái bồn tiểu của M. Duchamp để minh chứng rằng: nghệ thuật tự do & khuynh hướng sáng tạo thời hiện đại là như vậy, cần khuyến kích.

h2-1644558788.jpg
h1-1644558811.jpg
Hai tác phẩm, chụp lại từ cuốn sách “Nghệ thuật và tâm thức sáng tạo”

Tuấn cận tôi không phải là người nghiên cứu phê bình văn học - nghệ thuật, nhưng vì có “bức tượng đài phun nước” kia xuất hiện làm luận chứng bênh vực nên cũng xin “múa rìu qua mắt thợ”, “đánh trống qua cửa nhà Sấm” mạnh dạn có đôi lời tham góp sau:

Họa sĩ - nhà lý luận nghệ thuật người Anh Graham Collier cũng đã đưa tác phẩm “Đài phun nước” trên và một số tác phẩm trường phái Pop, Dada vào một chương sách quan trọng: “Một nghệ thuật của năng lực tiêu cực” của công trình lý luận “Art and the creative consciousness” (Nghệ thuật và tâm thức sáng tạo), và người ở xứ sở của “nghệ thuật Hậu hiện đại” đã phán xét như sau: “… khi đặt cái “Đài phun nước” như một tác phẩm điêu khắc bên cạnh một bức tượng như “Vệ nữ thành Knidos” (tượng cổ đại Hy Lạp) thì không phải chỉ là nghi ngờ về giá trị của nghệ thuật; mà nó khiến nghệ thuật thành vô nghĩa và do đó con người trong đời sống tưởng tượng của nó cũng vô nghĩa nốt… Nghệ thuật trở thành một trò lừa bịp khổng lồ, một thiết bị rất hữu hiệu để lừa cho chúng ta phải tin rằng sáng tạo là dấu hiệu của thượng tôn đạo đức, trí tuệ và tâm linh con người. “Đài phun nước” khiến ta phải qua những giây phút khó chịu, nó khiến vô nghĩa thành nghệ thuật…” Và tác giả còn viết rất nhiều nữa về “năng lực tiêu cực” này của một số tác phẩm Pop, Dada - như cuốn Justine: “Bởi những kiểu làm tình hiếm hoi không thể tin được mà de Sade mô tả trong sách ấy là hoàn toàn phi nhân tính và vô lý đến mức người đọc phải tự chất vấn niềm tin của mình về cái Thiện và cái Ác”. Mặc dù bênh vực các tác giả trên rằng: “Tình trạng đạo đức giả và gian lận tri thức trong thời của de Sade đã tác động đến ông chẳng khác gì thế kỷ 20 đã tác động đến Duchamp", Graham Collier đã luôn luôn đứng trên tinh thần ủng hộ tư tưởng của danh họa Pháp Delacroix: “Sáng tác không chỉ là làm nghệ thuật, mà còn tạo giá trị cho thời gian…” (“Nói có sách mách có chứng”, xin mời các bạn tìm đọc: “Nghệ thuật và tâm thức sáng tạo”, Trịnh Lữ dịch, Nxb Dân Trí 2019, tr.178-285).

Với phán xét có uy quyền của tri thức mỹ học trên, chúng ta thử tham chiếu vào bài thơ nổi tiếng của NHHM, để xem nhà thơ Hội viên Hội nhà văn này đã “làm nghệ thuật” như thế nào, đã “tạo giá trị cho thời gian” bằng thứ gì? Hy vọng sẽ tránh bớt sự tranh cãi chẳng đến đầu đến đũa, thậm chí mạt lỵ chửi bới nhau y như bà mất gà trong thơ ta dạo nọ…