Người mang Giọt lành đến cho Hà Nội

Tôi gặp Lại Ngọc Thanh - Giám đốc điều hành Cty CP Thế giới Hạt Dưỡng (Hanuti) trong xưởng chế biến tại xã Hải Bối, huyện Đông Anh, TP Hà Nội.

Lúc đó anh đang lúi húi kiểm tra việc ngâm ủ các thùng mơ, thùng mận rất lớn với đường phèn và mật ong-những thứ “xa xỉ” thường dùng để nhà ăn chứ không mấy khi làm hàng để bán. Hơn thế nữa, tất cả đều được tuyển chọn từ những vùng nguyên liệu an toàn như mơ tại Bắc Kạn, mận tại Sơn La, mật ong hoa nhãn tại Hưng Yên… để tạo thành một chuỗi liên kết sản phẩm đặc sản từ trồng trọt đến chế biến, thương mại cho Hà Nội. Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi diễn ra sau cốc nước mận mát lạnh như xua tan đi cái nóng nực của mùa hè.

Anh Lại Ngọc Thanh - Giám đốc điều hành Cty CP Thế giới Hạt Dưỡng (Hanuti) đang kiểm tra mẻ mơ mới ngâm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Lại Ngọc Thanh - Giám đốc điều hành Cty CP Thế giới Hạt Dưỡng (Hanuti) đang kiểm tra mẻ mơ mới ngâm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Mong nâng tầm những nông sản quen thuộc

Được biết anh là cán bộ của Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp nhưng tại sao lại chọn cho mình một lối đi là khởi nghiệp nông nghiệp khi mở ra Công ty Cổ phần Thế giới Hạt Dưỡng (Hanuti) năm vừa qua để chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hạt dinh dưỡng mang thương hiệu Hạt dưỡng và đồ uống với thương hiệu Giọt lành?

Trong thời gian làm việc tại Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp, với vai trò là cán bộ quản lý dự án phát triển nông thôn của các tổ chức quốc tế, tôi có cơ hội được đi nhiều vùng, gặp gỡ nhiều nông dân và được nghe những câu chuyện thành công và thất bại, những mong muốn và khát vọng trong phát triển sản xuất.

Tôi thấy Việt Nam có nhiều nông sản rất tuyệt vời nhưng ngoài các cây trồng chủ lực, các sản phẩm khác không thể vươn tầm. Các dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn, đã giúp cho cuộc sống nông dân được cải thiện, nông thôn được thay đổi, nhưng sau mỗi dự án, tôi vẫn luôn trăn trở: tại sao các dự án vẫn chưa thật sự bền vững? Vì sao những kết quả đạt không còn được duy trì sau khi dự án kết thúc?

Câu trả lời là do thiếu yếu tố thị trường. Người dân được hỗ trợ giống, phân bón và kỹ thuật để trồng và tạo ra sản phẩm nhưng lại không thể tiêu thụ được. Hanuti ra đời để góp phần giải quyết vấn đề đầu ra đó. Chúng tôi phát triển sản xuất, chế biến và phân phối đến tay người tiêu dùng những nông sản quen thuộc nhất như đỗ, lạc hoặc các loại trái cây đặc sản tự nhiên nhưng với một phương thức sản xuất bền vững và thân thiện với môi trường, cũng như cách tiếp cận dựa trên mô hình liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản.

Anh Lại Ngọc Thanh - Giám đốc điều hành Cty CP Thế giới Hạt Dưỡng (Hanuti) giám sát các công nhân đang chế biến mận. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Lại Ngọc Thanh - Giám đốc điều hành Cty CP Thế giới Hạt Dưỡng (Hanuti) giám sát các công nhân đang chế biến mận. Ảnh: Dương Đình Tường.

Việt Nam không thiếu những loại nông sản đặc sản nhưng vấn đề là độ an toàn của chúng không đảm bảo, vậy anh trăn trở vấn đề này thế nào? Hà Nội cũng như nhiều tỉnh đồng bằng có nhiều loại nông sản nhưng tại sao anh phải lên tận Cao Bằng và những tỉnh rất xa nữa để làm vùng nguyên liệu? Ở đó anh đặt ra yêu cầu gì với nông dân và làm sao để nâng cao dần trình độ dân trí của họ khi thói quen canh tác kiểu truyền thống là rất khó bỏ?

Nông sản Việt Nam có chất lượng và hàm lượng dinh dưỡng rất cao, có lợi thế cạnh tranh với những nông sản cùng loại của các nước trong khu vực và trên thế giới. Nhưng do thói quen canh tác dễ dãi và thời gian dài sử dụng chất hóa học trong canh tác khiến những nông sản này không còn được đảm bảo về mặt an toàn và chất lượng. Việc sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, đặc biệt thuốc trừ cỏ tràn lan đã gây ô nhiễm môi trường đất và môi trường nước hết sức trầm trọng, cản trở cho các loại nông sản Việt Nam có thể xuất khẩu sang các thị trường khó tính bởi các hàng rào phi thuế quan.

Việc thực phẩm không an toàn cũng đang dần tác động đến thói quen người tiêu dùng, một bộ phận không nhỏ người dân tự canh tác hoặc chỉ mua những sản phẩm của người quen hay có thể kiểm chứng được. Đứng trước vấn đề đó, chúng tôi muốn tìm một giải pháp để thay đổi thói quen của nông dân và tìm thêm lối ra xuất khẩu cho nông sản Việt Nam. Canh tác hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế với yêu cầu không sử dụng chất hóa học trong canh tác, thu hái, chế biến và việc kiểm soát truy xuất sản phẩm chặt chẽ là một trong những giải pháp nhanh chóng đưa nông sản Việt Nam ra thị trường thế giới.

Tuy nhiên, như đã đề cập đến ở trên, việc tìm kiếm diện tích đất đáp ứng điều kiện canh tác hữu cơ ở các tỉnh xung quanh Hà Nội thật sự khó khăn, vì vậy chúng tôi đã tìm đến vùng lục khu của huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, khu vực chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi hóa chất để xây dựng thí điểm vùng canh tác hữu cơ, làm hạt nhân để nhân rộng chuyển đổi hữu cơ ra các vùng khác.

Canh tác hữu cơ không khó nhưng đòi hỏi nông dân phải kiên trì và tuân thủ quy trình chặt chẽ. Quá trình này bắt buộc đòi hỏi doanh nghiệp phải cùng đồng hành để hỗ trợ họ về kỹ thuật, đặc biệt để đảm bảo đầu ra, tạo niềm tin rằng việc canh tác hữu cơ không chỉ đảm bảo được thu nhập trước mắt mà còn đảm bảo được thu nhập bền vững lâu dài, hơn nữa còn bảo vệ sức khỏe, môi trường sống của mình.

Chế biến mận tại xưởng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chế biến mận tại xưởng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Hiện tại bên mình có những sản phẩm gì và hướng tới đối tượng khách hàng như thế nào, tại sao? Phản ứng của khách hàng khi dùng thử sản phẩm thế nào?

Hanuti hiện tại có 2 dòng sản phẩm với 2 thương hiệu: Hạt Dưỡng và Giọt Lành.  Các sản phẩm dinh dưỡng từ hạt mang thương hiệu Hạt Dưỡng được phát triển xuất phát từ xu hướng tiêu dùng hiện nay là người tiêu dùng đang có xu hướng chuyển từ tiêu dùng đạm động vật sang dùng đạm thực vật cùng các phong trào như ăn chay, ăn healthy, ăn thực dưỡng…

Dòng sản phẩm này được chế biến từ nguồn vùng nguyên liệu hữu cơ đã được cấp chứng nhận như lạc đỏ, đỗ xanh lòng vàng, đỗ đen lòng xanh, đỗ tương, vừng…Bên cạnh đó, để tạo ra các sản phẩm đa dạng Hanuti còn tìm kiếm, chọn lọc và nhập các loại hạt khác như điều, mắc ca, óc chó, sen, gạo lứt từ các nhà cung cấp uy tín trong và ngoài nước.

Sản phẩm mang thương hiệu Giọt Lành là các loại nước siro lên men tự nhiên từ mật ong, đường phèn cùng các loại trái cây đặc sản miền Bắc như mận, mơ, táo mèo, sấu, dâu tằm…và gừng, sả. Mặc dù các sản phẩm của Hanuti mới được tung ra bán trên thị trường chưa lâu nhưng bước đầu đã được khách hàng đón nhận. Rất nhiều khách hàng sau khi mua sản phẩm về dùng đã gửi lại phản hồi rằng sản phẩm rất thơm, ngon và có hương vị tự nhiên.

Từ những phản hồi tích cực của khách hàng về sản phẩm, chúng tôi tự tin hơn và có quyết tâm hơn trong việc theo đuổi con đường đã chọn: sản xuất sản phẩm an toàn, chất lượng cao vì sức khoẻ cộng đồng.

Cận cảnh một thùng mơ ngâm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cận cảnh một thùng mơ ngâm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Phải “khó tính” trong sản xuất mới bán được cho người tiêu dùng “khó tính”

Trước tiên, muốn bán được sản phẩm “khó tính” thì phải đáp ứng yêu cầu của khách hàng cũng phải “khó tính” không kém. Vậy đơn vị đáp ứng sự minh bạch trong sản xuất, chế biến sản phẩm như thế nào cho những đối tượng khách hàng đó?

Khách hàng “khó tính” sẽ đòi hỏi sản phẩm cũng phải được sản xuất ra một cách rất “khó tính”. Để làm được điều đó, chúng tôi bắt đầu bằng việc chọn vùng nguyên liệu; phân tích đất, nước để xác định tiềm năng phát triển vùng nguyên liệu hữu cơ. Tiếp đó, chúng tôi xây dựng một quy trình canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế; tiến hành đào tạo, tập huấn cho bà con và luôn thực hiện giám sát quy trình canh tác để kịp thời phát hiện những khâu làm chưa đúng để hướng dẫn lại.

Sau khi thu hoạch, nguồn nguyên liệu được đưa về xưởng sản xuất để chế biến. Mọi khâu chế biến, sản xuất của chúng tôi đều được thực hiện theo một quy trình nghiêm ngặt và ghi chép đầy đủ để đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc của sản phẩm.

Và cuối cùng, sự khó tính đó được minh chứng bằng chất lượng sản phẩm. Các sản phẩm của Hanuti đã được khách hàng đón nhận và phản hồi tích cực. Sự lựa chọn và tin dùng sản phẩm của khách hàng thông qua việc mua hàng lại sau lần đầu mua dùng thử là minh chứng rõ nét cho thấy một sản phẩm được tạo ra bằng sự “khó tính” thì sẽ chinh phục thành công những khách hàng “khó tính”.

Các sản phẩm của Hanuti. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Các sản phẩm của Hanuti. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Mô hình của mình được thiết kế theo chuỗi sản xuất và chuỗi giá trị thế nào? Ở đó nông dân có vai trò gì, doanh nghiệp có vai trò gì? Mục tiêu của đơn vị có hướng tới thị trường xuất khẩu không?

Với triết lý kinh doanh “Hanuti thành công nhờ làm thật sống chất, đổi mới sáng tạo, kết nối giá trị và cống hiến cộng đồng”, Hanuti bắt đầu bằng việc liên kết với nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu hữu cơ đạt tiêu chuẩn quốc tế cung cấp nguồn nguyên liệu đầu vào chất lượng, an lành; đưa nguyên liệu vào chế biến qua một quy trình chế biến được kiểm soát nghiêm ngặt theo các tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế, từ đó đưa đến tay người tiêu dùng những những sản phẩm có chất lượng cao, giàu dinh dưỡng, mang đậm tính bản địa của đặc sản nông sản Việt Nam.

Để xây dựng chuỗi sản xuất và chuỗi giá trị, Hanuti đã thực hiện các mô hình liên kết với các hộ dân thông qua cơ chế hợp tác 3 bên: Nông dân trồng theo quy trình và kỹ thuật canh tác mà doanh nghiệp hưỡng dẫn và cung cấp sản phẩm cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp phối hợp với chính quyền địa phương để lựa chọn, quy hoạch vùng nguyên liệu cũng như cùng xây dựng cơ chế đầu tư hỗ trợ cho người dân trên cơ sở các loại giống được trồng đều là bản địa, không biến đổi gien; các loại phân bón, thuốc trừ sâu sinh học nếu được nhà nước hỗ trợ đều là phân bón hữu cơ và thuốc trừ sâu sinh học được phép sử dụng trong canh tác hữu cơ.

Doanh nghiệp có trách nhiệm hỗ trợ đào tạo, tập huấn người dân trồng, chăm sóc, thu hoạch; bao tiêu sản phẩm theo cơ chế áp dụng giá sàn. Khi giá thị trường thấp hơn mức giá sàn thì Hanuti vẫn thu mua với mức giá sàn. Khi giá thị trường lên cao thì Hanuti sẽ mua theo giá thị trường, đặc biệt với sản phẩm hữu cơ, sẽ thu mua với mức giá cao hơn mức giá thị trường tối thiểu là 10%.

Mô hình liên kết này đã một mặt tạo ra thu nhập ổn định và ngày càng tăng cho người dân đồng thời tạo ra nguồn nguyên liệu ổn định cho Hanuti để hướng tới mục tiêu không chỉ phát triển các sản phẩm chế biến ở thị trường trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu sang các thị trường cao cấp như EU, Mỹ và Nhật Bản.