Nguyên nhân cháy xe ô tô: Nhiều tài xế chủ quan mà không biết

Thời tiết oi bức kéo dài tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước đang trở thành mối lo ngại lớn với giới tài xế, khi các vụ cháy ô tô liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây.

Chỉ trong vòng một tháng, các sự cố cháy xe đã được ghi nhận không chỉ trên đường phố mà còn ngay tại các bãi đỗ xe, hầm chung cư.

Tuy nhiên, theo anh Lê Hoàng Trung – kỹ thuật viên một garage ô tô tại TP. Thủ Đức (TP.HCM), nguyên nhân không hoàn toàn đến từ thời tiết nắng nóng. "Các dòng xe hiện đại đều được thiết kế để hoạt động ổn định trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt", anh Trung khẳng định.

15
 

Thực tế, phần lớn vụ cháy xuất phát từ lỗi kỹ thuật, chủ yếu là hệ thống điện, rò rỉ nhiên liệu hoặc các vật dễ cháy mắc kẹt dưới gầm xe.

1. Chập điện – Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến cháy xe

Chập điện hiện là nguyên nhân phổ biến nhất trong các sự cố cháy ô tô tại Việt Nam. Với hệ thống dây dẫn và linh kiện điện tử phức tạp, mỗi chiếc xe đều được kiểm soát nghiêm ngặt trước khi xuất xưởng.

Tuy nhiên, nguy cơ xuất hiện khi người dùng tự ý can thiệp, lắp đặt thêm các thiết bị điện như đèn trang trí, màn hình giải trí, hệ thống âm thanh hay độ chế xe.

16
 

Khi các thao tác này được thực hiện bởi thợ không chuyên, nguy cơ đoản mạch và phát sinh tia lửa điện rất cao – đặc biệt là với các loại dây điện không đạt chuẩn hoặc không được bảo vệ đúng cách.

2. Rò rỉ nhiên liệu và dầu nhớt – Mồi lửa tiềm ẩn dưới nắp ca-pô

Một vết rò nhỏ từ hệ thống nhiên liệu cũng có thể trở thành mồi lửa nguy hiểm nếu tiếp xúc với các bộ phận sinh nhiệt như ống xả. Xăng, dầu hay dầu nhớt rò rỉ dưới gầm xe khi không được phát hiện và xử lý kịp thời rất dễ dẫn tới hỏa hoạn.

19
 

Dấu hiệu cảnh báo thường là mùi xăng nồng nặc hoặc vết loang bất thường dưới gầm xe. Trong những trường hợp này, việc kiểm tra và khắc phục ngay lập tức là điều cần thiết để phòng ngừa nguy cơ cháy nổ.

3. Vật liệu dễ bắt lửa mắc vào gầm xe

Tình trạng xe ô tô lưu thông qua vùng nông thôn, bãi đất trống có rơm rạ, cỏ khô vướng vào gầm xe cũng là một nguyên nhân ít ai ngờ tới nhưng rất phổ biến tại Việt Nam.

Khi các vật liệu dễ cháy tiếp xúc với ống xả hoặc hệ thống phanh đang nóng, nhiệt độ có thể làm bốc cháy vật liệu, dẫn tới cháy lan toàn bộ xe.

18
 

Với kết cấu gầm thấp và thường xuyên ma sát với mặt đường, đây là rủi ro khó tránh nếu người lái không thường xuyên kiểm tra phần gầm xe.

Làm gì khi xe có dấu hiệu bốc cháy?

Khi phát hiện mùi khét bất thường hoặc khói bốc lên từ khoang máy, người lái cần lập tức dừng xe, tắt máy và di chuyển ra khỏi xe nhanh nhất có thể.

Nên để xe ở vị trí xa khu dân cư, công trình để giảm thiểu thiệt hại nếu ngọn lửa lan rộng.

Nếu có ý định mở nắp ca-pô để dập lửa, hãy cực kỳ thận trọng – bởi đây có thể là nơi ngọn lửa đang bùng phát mạnh nhất.

Trong mọi tình huống, ưu tiên hàng đầu là gọi lực lượng cứu hỏa và đảm bảo an toàn tính mạng trước khi xử lý đám cháy.