Nhớ về đồng đội

Cuối mùa mưa năm 1969, Chiến lược chiến thuật của ta là "căng địch ra mà đánh, chia lửa cho chiến trường Miên Đông". Nhận được lệnh của trên, Tiểu đoàn 2 Tinh nhuệ của tôi điều một Đại đội xuống rừng Sác với nhiệm vụ chính chiến đấu và bảo vệ các đơn vị: Đoàn 10 đánh tàu giặc, Quân Y, Quân Giới.

Tôi thuộc đại đội 1 được Tiểu đoàn điều động. Chúng tôi tập trung khoảng hơn 100 anh em (quân số ngang bằng đại đội chính quy) chi viện cho rừng Sác.

Chúng tôi hành quân trong một chiều cuối mùa mưa, có anh xã đội địa phương trinh sát dẫn đường. Đến trước mé lộ hoàng hôn vừa buông xuống.

Tôi cho các trung đội kiểm tra lại hành lý tư trang rồi chờ tổ trinh sát bám lộ về là vượt đường số 15 (đường này chạy về phía Vũng Tàu).

dt1asf-1722479542.jpg

Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Có tín hiệu an toàn, tôi lệnh cho từng Trung đội xuất phát, cự ly mỗi người cách nhau 5 mét. Qua lộ an toàn, truyền cho anh em tản ra, chờ cho anh xã đội móc nối với đơn vị dưới Sác. Không lâu chỉ mươi mười năm phút là chúng tôi đã được lên xuồng, lần lượt hơn chục chiếc xuồng đã đưa chúng tôi về cứ. Xuồng đươc toàn các nữ ý tá người Miền Tây lên tham gia kháng chiến, công tác, các chị các em chèo xuồng thành thạo và trông duyên dáng lạ kỳ.

Những ngày đầu chúng tôi xây dựng căn cứ, được sự giúp sức của các đơn vị bạn nên trong vòng một tuần là đã hoàn chỉnh. Chỗ ăn ở là hầm chữ A, hầm chữ nhật. Các sạp được ken phẳng phiu, sinh hoạt thuận tiện. Đơn vị tôi được phân làm ba cụm. Ở rừng Sác chỗ ở khác đất liền, càng ít người càng tiện sinh hoạt.

Những ngày anh em xây dựng căn cứ, tôi tranh thủ nhờ chị Bảy Hằng, anh Ba Sơn bên đơn vị Quân Giới đưa đi tiếp xúc làm quen và trao đổi nhiệm vụ, để khi có tình huống xảy ra còn hợp đồng tác chiến.

Đơn vị quân y thì chúng tôi cũng đã quen thuộc từ lâu, vì đa số thương binh của Tiểu đoàn tôi đã từng được điều trị chăm sóc ở đây. Nhiệm vụ cũng không phải bàn nhiều, chỉ dăm ba câu là xong. Chủ yếu là nhờ đơn vị dạy cho anh em chúng tôi chèo xuồng, bơi xuồng để phù hợp nơi chiến trường sông nước.

Qua trao đổi với lãnh đạo,cũng chẳng có gì bí mật, nên các cô y tá nghe lỏm được, nhìn tôi cười nói tự nhiên: "Có khó gì đâu anh hai, để tụi em giúp. Chỉ sợ các anh té xuồng, không biết lội chúng em không vớt được đâu"... nói rồi các em rúc rích cười.

Tôi còn ghé Đoàn 10. Các anh đều là lính đặc công tráng kiện. Anh nào cũng nước da bánh mật trông đẹp những pho tượng đồng. Tôi định mở lời thì các anh khoát tay: "Không cần, tụi tôi biết rồi. Lính chiến với nhau mà, ngoài đánh giặc, còn việc gì nữa". Nói rồi các anh kéo anh Ba Sơn và tôi vào tiệc trà đang sôi nổi. Chị Bảy Hằng thì đến với cô y tá đang tiêm thuốc cho một anh bị sốt rét.

Ngày đầu học bơi chèo xuồng, có ba cô y tá đến dạy. Các chàng trai miền Bắc dạn dầy khói lửa cùng các cô gái miền Tây dạn dầy sông nước. Tôi cứ cho mười người để ba em dạy chèo bơi trên ba chiếc xuồng của Quân y, còn ba chiếc đơn vị được cấp.

Khi đã thạo tay chèo tay bơi, mấy chàng lính không muốn rời các em cứ muốn kéo dài ngày tập nhưng làm sao qua được con mắt nhà nghề của các em. Không giữ được các em,có cậu nghĩ ra chiêu độc, làm thuyền tròng trành khiến cả anh chị té nhào xuống nước. Chị vẫn nổi còn anh chới với rồi chìm. Chị nhanh chóng như một con rái cá lặn hụp,chỉ sau mươi giây đã vớt anh lên. Cả đại đội tròn xoe đôi mắt há hốc mồm khi từ mặt nước chị đỡ anh lên rồi hất lên thuyền như ta vần một bao cát. Chị lên thuyền của đơn vị mình, không một lời từ biệt, chèo xuồng về thẳng đơn vị quân y. Do cậu này không biết bơi lội mới bị hậu quả như vậy. Sau tôi bắt trung đội phụ trách cậu ấy bảo cậu ấy làm kiểm điểm. Ngay hôm ấy tôi phải sang bên quân y cám ơn đơn vị và xin lỗi cô y tá. Gặp tôi, em vẫn tươi cười niềm nở nói vui :

- Anh thì không có chi, nhưng anh kia đã đánh mất vẻ đẹp con gái vào mắt các anh còn gì.

Tôi cũng nghĩ ngay đến vẻ đẹp của em lúc ấy, khi bộ đồ em mặc chỉ còn như lớp da thứ hai bó sát người em, một vẻ đẹp của một nàng tiên cá.

Tôi bảo em :

- Bọn anh kiểm điểm cậu ấy rồi, không có lần sau đâu.

Em cười đi ra và nhắc lại câu tôi vừa nói :

- Không có lần sau đâu!

Vào gần trung tuần tháng ba năm 1970 có tin làm xao động cả các đơn vị rừng Sác: có kẻ chiêu hồi.

Không ai khác, đó là hai vợ chồng người trong bệnh viên, họ không chịu được khó khăn ác liệt đã chiêu hồi. Tin này rất chính xác, khi suốt ngày vợ chồng này vắng bóng ở đơn vị. Ngay tối hôm ấy đơn vị vào ấp mua gạo cho dân được cơ sở cho biết, buổi trưa họ ghé vào nhà dân xin nước uống rồi vẫy xe lam về hướng Vũng Tàu.

Những ngày này không khí sẵn sàng chiến đấu lan nhanh chóng khắp khu rừng Sác, nhất là viện quân y. Không khí sẵn sàng chiến đấu được đưa nên nhiệm vụ hàng đầu.

Các phương án được vạch ra nhanh chóng: Căn cứ dự phòng phải nhanh chóng khôi phục. Việc di tản thương bệnh binh phải được an toàn là nhiệm vụ hàng đầu và chuyển dần sang căn cứ dự phòng. Còn cá nhân từng người lúc nào cũng gọn nhẹ, cần là di chuyển được ngay, trường hợp địch đổ quân là chiến đấu được ngay.

Không đợi lâu, khoảng ba hôm sau máy bay đầm già xuất hiện. Chúng lượn ba vòng quanh căn cứ Quân Y rồi ném trái mầu xuống căn cứ. Chưa đầy 10 phút trực thăng phản lực kéo đến, chúng cứ nhè căn cứ đánh phá và oanh tạc.

Đơn vị tôi nhanh chóng điều hai trung đội giúp sức, đưa các thương binh đã chuyển đến địa điểm an toàn về cứ dự phòng của họ. Còn một trung đội trực chiến ở nhà chờ có lệnh là triển khai.

Vẫn có một trường hợp hy sinh thật thương tâm đáng tiếc của viện Quân y, một chị y sĩ của viện Quân y, chị đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ cứu chữa cho thương binh. Chị có người yêu ở tiểu đoàn 4 Phân Khu 4 Quân khu 7. Anh chị chuẩn bị làm đám cưới thì gặp sự việc đáng tiếc này.

Tình yêu chung thủy của anh chị tôi đã viết một câu chuyện là "Tình Yêu Rừng Sác". Nếu bạn muốn nghe thì vào trang youtube CLQ và CQ, chuyện có tên là Tình Yêu Miền Đông.

Vừa giúp xong việc của Quân Y tôi nhận được lệnh của tiểu đoàn, đón 5 cáng thương ở đất liền xuống, do tiểu đoàn nhận được tin căn cứ cũ của Quân y bị đánh phá. Tôi tổ chức cả 3 chiếc xuồng nên mé gò để đón anh em, tôi nhờ thêm chị Bảy Hằng ở bên Quân Giới,l để có thêm xuồng chở anh em, vừa chị là thổ địa vùng này nên đường đi nước bước chị thuộc như lòng bàn tay. Tôi và chị cùng hai cậu trinh sát đi một xuồng, còn ba xuồng của đơn vị, số người đi vừa đủ còn để chở anh em bị thương.

Khi liên lạc được với anh em Tiểu đoàn, một tình huống bất ngờ làm trái tim tôi co thắt lại. Người đồng đội, người bạn trong tổ tam tam từ ngoài Bắc đã hy sinh. Anh nằm gọn trong tấm nilon gấp gọn, nước mắt tôi bắt đầu rơi, phía xa xa khoảng hơn trăm mét chiếc trực thăng giặc tan tành đang còn bốc khói.

Đồng đội kể lại rằng: "Anh Cam (người đồng đội, người bạn thân chí cốt của tôi từ Bắc vào Nam) chỉ huy cũng là người dẫn đầu dẫn đường cho đoàn cáng thương xuống rừng Sác. Còn cách chẳng bao xa đến Sác, anh để anh em trong rừng, mình anh băng ra trảng trống để tìm đường tắt. Anh ra được gần trăm mét, bất ngờ một chiếc trực thăng lao ra, nó bay sát ngọn cây và phát hiện ra anh. Anh chưa kịp ẩn nấp, chúng đã quay đầu nhả một tràng đại liên về phía anh, anh bị thương, chúng định bắt sống. Chiếc trực thăng đứng yên, thả dây xuống hòng bắt sống anh.

Tự nhiên, trước con mắt chứng kiến của đồng đội, anh nghiêng người co khẩu AK nhằm thẳng chiếc trực thẳng xả trọn băng đạn vào mục tiêu bất động.

Chiếc trực thăng ngóc lên rồi bổ xuống kèm theo những tiếng nổ long trời.

Chỉ chờ có thế,đồng đội lao ra đưa anh vào bìa rừng.

Do trúng đạn vào chỗ hiểm, anh chỉ còn thì thào dặn anh em:

- Nhanh chóng liên lạc với anh Sáu (là tôi) đưa anh em đi cho an toàn.

Một tình huống tôi không ngờ tới nhưng anh hy sinh thật dũng cảm, cứu được cả đồng đội an toàn và lập được một chiến công oanh liệt.

Tôi sắp xếp năm cáng thương xuống ba chiếc xuồng xong, bảo anh em qay về đơn vị báo cáo tiểu đoàn rằng các anh đã hoàn thành nhiêm vụ, việc dưới Sác chúng tôi lo. Các anh tập trung làm thủ tục cúi chào mặc niệm anh Cam rồi quay về. Đường về đơn vị còn khoảng hai giờ đồng hồ.

Trời đã tối, để các anh về. Khi ánh đèn nghoéo của các anh khuất dần trên đường rừng,tôi mới đỡ Cam lên: "Ta về rừng Sác thôi", nước mắt tôi lã chã rơi lộp bộp trên tấm nilon bó trên người Cam. Hai cậu trinh sát đi cùng bảo: "Anh đưa em đỡ cho". Tôi bảo "Không sao, các cậu cứ xuống xuồng tôi đưa anh ấy xuống được".

Tôi đặt Cam nằm về một phía,chúng chúng tôi ngồi phía sau. Khi chúng tôi đã cách đất liền khoảng 500m, tôi thấy khoảng cách đã an toàn, nhờ chị Bảy chọn cho một khoảng đất cao để cho Cam nằm yên nghỉ.

Chị Bảy cầm hai cây đèn nghoéo cho ba chúng tôi đào bới huyệt, khoảng nửa giờ là xong. Nhìn sao trời chúng tôi đặt Cam nhìn về hướng Bắc, xong xuôi chúng tôi ra về cúi đầu mặc niệm lần nữa.

Sáng hôm sau về cứ tôi chọn một gốc cây Bần ngang tầm bắp vế dài gần một mét làm bia dã chiến cho anh. Vừa làm tôi lại nhớ về anh, về những ngày ở bên nhau, từ ngày nhập ngũ... Những ngày trên thao trường đổ lửa. Khi tập xạ kích, cả tiểu đoàn có ba đồng đội bắn ba viên đạt 29-30 điểm thì Đại đội tôi có hai người là tôi và anh. Chúng tôi được thưởng phép 3 ngày trước lúc đi B.

Tôi và anh đi bộ từ doanh trại ra đến Nho Quan, được đi nhờ xe quân sự về đến ngã tư Vóc. Từ đây tôi đi bộ về nhà khoảng 9 cây số, còn anh nhờ xe đi tiếp về thị xã Hà Đông. Dọc đường hành quân anh luôn thích hát bài "Nỗi buồn Hoa Phượng", sau này tôi mới biết chị gái anh tên là Phượng, có lẽ vì nhớ nhà nhớ chị mà anh yêu bài hát này. Còn nữa khi vượt Trường Sơn, tổ trưởng tổ tam tam của chúng tôi bi sốt rét nặng, Cam đã mang ba lô giúp anh. Nhưng hành quân đến Kho Xanh, anh phải ở lại điều trị còn tôi và Cam hành quân về Miền Đông...

Đang nghĩ miên man thì tiếng chị Bảy kêu (gọi), tôi cũng vừa khắc xong tấm bia dã chiến cho Cam.

Bia đề rõ ràng "Ngô Thủy Cam: Sinh năm 1948. Hy sinh ngày 15/3/1970. Đơn vị c2, d2, Phân khu 4, Quân khu 7. Quê quán: Thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây.

Tôi xuống xuồng chị Bảy cùng hai cậu trinh sát đi để bia cho Cam. Xuồng tắp mé rạch, chúng tôi lên bờ, nước đã lên mấp mé chân mộ. Tôi ấn tấm bia ngập xuống một phần ba, phía trên vẫn đọc được chữ rõ ràng. Xong chúng tôi cúi đầu chào anh rồi xuống xuồng về căn cứ.

Vào giữa năm 1970 giặc mở trận càn xuống rừng Sác, với âm mưu tiêu diệt các đơn vị của ta. Mục tiêu của chúng chính là nhằm vào lực lượng đặc công đánh tàu. Chúng tôi là lính bộ đánh thủy, chiến thuật của bọn địch cũng chẳng khác gì trên bộ là mấy.

Hiện tượng đổ quân của chúng quá quen thuộc, chúng không thể đổ quân xuống ngọn cây được mà phải đổ xuống trảng trống.

Khi máy bay trinh thám của chúng chuồn khỏi là vài loạt pháo bầy dội vào trảng chống,tôi lệnh cho hai trung đội tiếp cận mục tiêu, còn một trung đội phục mé cửa rạch để tiêu diệt bọn trên Bo Bo theo đường sông càn vào.

Khi tên lính cuối cùng nhảy khỏi trực thăng, tôi nổ súng K54, nhất loạt súng bộ binh của hai trung đội xả vào bọn lính ngoài trảng. Chúng chỉ biết ngơ ngác tháo chạy lên trực thăng. Bị đánh bất ngờ nên chúng rối loạn, không dám chống đỡ. Mà làm sao chọi nổi với lính Tinh nhuệ đã dầy dạn lửa đạn chiến trường chúng tôi?

Chúng bị tiêu diệt quá nửa, bọn Bo Bo ở ngoài tàu thấy bọn bộ binh bỏ chạy cũng không dám càn vào. Sau 20 phút chúng tôi rút lui, qua khỏi một con rạch đã nghe pháo bầy của chúng bắn vuốt đuôi.

Từ ngày đụng độ với lính bộ đánh thủy chúng tôi, bọn địch không dám đổ quân xuống càn nữa mà chỉ dùng không quân bắn phá oanh tạc khi chúng nghi là mục tiêu.

Cuối năm 1970 chúng tôi được lệnh về đất Liền nhận nhiệm vụ mới. Chúng tôi liên hoan tiệc trà tạm biệt anh em các đơn vị dưới Sác.

Về Tiểu đoàn, lúc này địch đã co cụm, nhiệm vụ chính là tiêu diệt từng mục tiêu, phân tán, không cho chúng tiếp ứng lẫn nhau.

Năm 1974 tôi bị thương nặng, điều trị tại viện dã chiến của phân khu.

Dịp tết năm 1975 tôi gặp anh Đức, trước đây anh là tổ trưởng tổ tam tam của tôi. Giờ anh là lính của Thị đội biên Hòa. Anh em gặp nhau mừng vui khôn tả. Khi hành quân đến Kho xanh, anh bị sốt rét nặng, lúc khỏi anh là lính thu dung về thị đội chiến đấu và công tác.

Vậy là tổ tam tam chúng tôi còn hai, còn Cam đã yên nghỉ nơi rừng Sác. Lúc đó tôi đã tập tễnh chống nạng đi lại được.

Anh Đức đưa tôi ra rãy Bàu Hàm,chặt những nải chuối chín, bóc vỏ, dùng hai miếng gỗ ép quả chuối mỏng như miếng cháy cơm. Phơi nắng một ngày là khô dẻo quẹo. Đem về nấu với đường là thành kẹo chuối. Tết năm đó chúng tôi chung vui với đồng bào bằng món kẹo chuối đó.

Chiến dịch Hồ Chí Minh chúng tôi vẫn nằm điều trị, nghe tiếng pháo ta gầm dội xuống quân đoàn ba ngụy mà lòng xốn xang khôn tả.

Tháng 9 năm 1975 khi thăm Thủ trưởng ở Miên Tây về, chuẩn bị đi A- về Miền Bắc, chúng tôi thuê một chuyến xe lam về chiến trường tạm biệt đồng đội (các liệt sĩ). Tôi ngồi bên mộ Cam tạm biệt nói những lời nghẹn ngào trong gió phút chia tay.

Về quê sau gần 10 năm chinh chiến tôi lại trải qua các trại điều dưỡng, những lúc vết thương tái phát lại phải nằm viện. Năm 1976 chủ trương chính sách của nhà nước cho anh em thương bệnh binh luyện ôn văn hóa và thi vào học các trường phù hợp với sức khỏe. Tôi cũng thử sức và vào học ở trường Kinh Tế Thái Nguyên.

Vào thập niên 90 của thế kỷ trước, các cựu chiến binh nô nức về thăm lại chiến trường xưa. Tôi cũng viết thư cho thân nhân anh Cam để họ đi thăm liệt sĩ. Chị gái anh Cam tên là Phượng cùng cháu anh trai anh xuống nhà tôi chơi và hẹn ngày vô Nam.

Chưa kịp đi thì chị Phượng đã mang thư của đồng đội trong đó gửi ra: "Khu mộ trong đó đồng bào đã làm hồ nuôi tôm, các Liệt sĩ được đưa lên bờ, làm nghĩa trang chung vì không còn bia mộ".

Năm tháng, thời gian thời tiết thật là khốc liệt, bia tôi khắc cho anh mà thành vô danh.

Đêm ấy nửa đêm về sáng, tôi thiếp đi thấy anh hiện về ngồi bên tôi, anh tươi cười bảo: "Sáu cứ yên tâm, bọn mình vẫn vui tuổi 20 mà!"

N.Đ.D

Trái tim người lính