Kỳ 34.
Nguyễn Ái Quốc dự Đại hội lần thứ IV của Quốc tế Cộng sản Thanh niên ở Matscơva. Ngày 17-6-1924 Nguyễn Ái Quốc dự Đại hội lần thứ V của Quốc tế Cộng sản, tham gia Chủ tịch đoàn cuộc mít tinh vì hoà bình tại Matscơva. Trên lễ đài, Người đứng cạnh những nhà lãnh đạo Liên Xô như K. E. Vôrôsilốp, Kalinin, Phơrunze; tham dự Đại hội của Quốc tế Cứu tế Đỏ, tham dự Đại hội lần thứ III của Quốc tế Công hội Đỏ. Tháng 10 năm 1924 Nguyễn Ái Quốc dự Đại hội lần thứ nhất Quốc tế Nông dân ở Matscơva. Phát biểu tại Đại hội, Người đã nêu lên sự bi thảm của nông dân Việt Nam dưới chế độ thuộc địa Pháp. Đại hội đã bầu Nguyễn Ái Quốc vào Ban chấp hành Quốc tế nông dân và là Uỷ viên Đoàn chủ tịch.
Nguyễn Ái Quốc còn giao thiệp, gặp gỡ với bạn bè đồng chí, với các nhà hoạt động xã hội, chính trị của các dân tộc. Ngày 3-10-1923 Nguyễn Ái Quốc gặp Tưởng Giới Thạch, nhà lãnh đạo của Trung Hoa Cộng hòa Dân quốc trong Chính phủ của Tôn Trung Sơn, gặp Trương Thái Lôi, một trong những nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Matscơva. 23-12-1923 Nguyễn Ái Quốc gặp nhà thơ Liên Xô Ôxip Manđenxtam, họa sĩ Thuỵ Điển Ê rích Giô han xơn; gặp nhà hoạt động phong trào Ấn Độ Marabenđa Natrôi…
Tại Liên Xô, Nguyễn Ái Quốc có dịp học tập và nghiên cứu sâu thêm về chủ nghĩa Mác- Lênin, kinh nghiệm của cách mạng xã hội chủ nghĩa và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tại đây, Người đã không ngừng hình thành và phát triển những tư tưởng chiến lược, sách lược về cách mạng Việt Nam.
Từ tháng 11-1924 đến tháng 12-1927, Nguyễn Ái Quốc với cương vị là Uỷ viên Bộ Phương Đông, phụ trách Cục Phương Nam của Quốc tế Cộng sản đến Quảng Châu, nơi khi đó là trung tâm phong trào cách mạng dân chủ của Trung Quốc, là nơi hoạt động của nhiều nhà cách mạng châu Á, trong đó có nhiều nhà cách mạng Việt Nam. Năm 1921 Đảng Cộng sản Trung Quốc ra đời. Cùng mục đích chống phong kiến đế quốc nên Đảng Quốc dân của Tôn Trung Sơn đã hợp tác với Đảng Cộng sản, đó là Quốc-Cộng hợp tác lần thứ nhất. Năm 1925 Tôn Trung Sơn mất, Tưởng Giới Thạch lên thay. Ngày 12-4-1927, Tưởng Giới Thạch làm cuộc đảo chính, tấn công vào Đảng Cộng sản và đàn áp các lực luợng dân chủ cách mạng Trung Quốc.
Trước tình thế đó, tháng 5-1927, Nguyễn Ái Quốc rời Trung Quốc để tránh khỏi bị chính phủ Tưởng Giới Thạch bắt. Nguyễn Ái Quốc bí mật đi Hồng Kông, đáp tàu từ Thượng Hải đi Vlađivôstốc rồi về Matscơva Liên Xô.
Ngày 25-6-1927 với tư cách Đại biểu Việt Nam trong Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc gửi thư cho Chi bộ Cộng sản Trường Đại học Phương Đông về việc thành lập nhóm Cộng sản Việt Nam gồm 5 người: Ngô Thế Rục, Ngô Đức Trì, Bùi Công Trừng, Bùi Lâm và Trần Phú do Trần Phú làm Bí thư. Nguyễn Ái Quốc gửi thư cho Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản báo cáo về tình hình công tác của mình ở Quảng Châu, gửi thư cho Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân.
Tháng 7-1927 vì lý do sức khỏe, Nguyễn Ái Quốc đi bệnh viện và điều dưỡng ở nhà an dưỡng đường mang tên Lênin ở Eppatôria vùng Crưm-Hắc Hải.
Tháng 11-1927, Nguyễn Ái Quốc được Quốc tế Cộng sản cử đi Pháp công tác. Từ Pháp, do sự phân công của Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc tới Brucxen (Bỉ) dự cuộc họp Đại hội đồng của Liên đoàn chống đế quốc. Tại đây, Nguyễn Ái Quốc đã gặp gỡ và làm quen với Môtilan Nêru (thân sinh cố Thủ tướng Ấn Độ J. Nêru), Xucácnô (nhà cách mạng In đônêxia), Katayamaxen (nhà cách mạng Nhật Bản), Tống Khánh Linh (Phu nhân của Tôn Trung Sơn-Trung Quốc).
Tháng 12-1927 đến tháng 6-1928, Nguyễn Ái Quốc ở Béc lin. Tại đây, ngày 4-3-1927 Nguyễn Ái Quốc gặp Trần Đình Long, Nguyễn Thế Thạch, Bùi Ái khi họ từ Pháp đi Liên Xô.
Tháng 6-1928 Nguyễn Ái Quốc từ Đức qua Italia, đến Napôli. Từ Napôli Nguyễn Ái Quốc đi tàu của Nhật Bản đến Xơrilanka. Từ Xơrilanca Nguyễn Ái Quốc đổi tàu khác về Xiêm La. Tháng 11-1929, Nguyễn Ái Quốc từ Xiêm La về Trung Quốc, chuẩn bị cho việc thống nhất ba tổ chức Cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 12-1929 Nguyễn Ái Quốc đã ở Trung Quốc. Tháng 2-1930 Nguyễn Ái Quốc chủ trì cuộc họp thống nhất ba tổ chức Cộng sản Việt Nam thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, sau này là Đảng Cộng sản Đông Dương.
Ngày 6-6-1931, Nguyễn Ái Quốc bị cảnh sát Hồng Kông dưới sự chỉ đạo của viên thanh tra cảnh sát Carây bất ngờ vây bắt tại số nhà 168 đường Tam Lung, Cửu Long mà không có lệnh bắt. Nguyễn Ái Quốc bị giam trong nhà giam của sở cảnh sát Hồng Kông. Hồ Tùng Mậu báo tin Người bị bắt và nhờ luật sư người Anh F. H. Lôdơbi (Francis Henri Losebi) khi đó là Chủ tịch Hội Luật gia Hồng Kông bào chữa. Khi Nguyễn Ái Quốc nói là không có tiền để nhờ cãi, ông Lôdơbi hứa giúp vì danh dự chứ không nhất thiết vì tiền. Nguyễn Ái Quốc đã cung cấp cho luật sư những thông tin cần thiết cho việc bào chữa và thống nhất về phương hướng bào chữa.
Từ ngày 11-6-1931 đến ngày 30-7-1931, Nguyễn Ái Quốc bị Thống đốc Hồng Kông 4 lần ra lệnh bắt giam, bị chuyển từ nhà giam Sở cảnh sát đến nhà ngục Víchtoria, bị Thư ký Trung Hoa vụ ba lần thẩm vấn. Từ tháng 7 năm 1931 đến 12-9-1931, Toà án tối cao Hồng Kông xét xử 9 phiên. Cả 9 phiên tòa, luật sư người Anh Ph. C. Gienkin(F. C. Jenkin) theo uỷ nhiệm của luật sư Lôdơbi đã chứng minh việc bắt Tống Văn Sơ (Nguyễn Ái Quốc) là bất hợp pháp. Các luật sư cũng tố cáo việc Toà án Hồng Kông trục xuất Người về Đông Dương thực tế là tạo điều kiện cho nhà cầm quyền Pháp ở Đông Dương bắt. Nguyễn Ái Quốc cũng có đơn kháng án về lệnh trục xuất của Toà án tối cao Hồng Kông lên Hội Đồng cơ mật Hoàng gia Anh ở Luân Đôn. Cuối cùng, ngày 28-12-1932, Nguyễn Ái Quốc được đưa ra khỏi bệnh viện và đựơc tự do.
Ngày 12 -1-1933, Nguyễn Ái Quốc đi Xinh ga po để từ Xinh ga po đến Anh nhưng bị nhà cầm quyền Xinh ga po buộc phải trở lại Hồng Công. Ngày 19-1-1933 Người bị cảnh sát Hồng Kông bắt lại. Nguyễn Ái Quốc báo tin và nhờ luật sư Lôdơbi can thiệp. Thống đốc Hồng Kông ra lệnh trả lại tự do cho Nguyễn Ái Quốc. Ngày 22-1-1933 được sự giúp đỡ của Luật sư Lôdơbi Nguyễn Ái Quốc lên tàu Anhui rời Hồng Kông.
Tháng 6-1934 Nguyễn Ái Quốc từ Thượng Hải đi tàu hàng Liên Xô và cập cảng Vlađivôstốc. Tháng 6-1934 Nguyễn Ái Quốc đến Matscơva, được Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản cho đi điều dưỡng tại nhà an dưỡng Ximêit (Crưm). Tháng 10-1934 Nguyễn Ái Quốc với bí danh Lin vào học Trường Quốc tế Lênin. Cuối năm 1936 Nguyễn Ái Quốc về công tác ở Viện nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa. Tháng 1-1937 Người trở thành Nghiên cứu sinh của viện này. Người chuẩn bị tư liệu để viết luận án với đề tài: Cách mạng ruộng đất ở Đông Nam Á. Tuy nhiên Nguyễn Ái Quốc có nguyện vọng và tha thiết đề nghị Quốc tế Cộng sản cho về nước hoạt động. Tháng 9-1938 Người rời khỏi Viện Nghiên cứu dân tộc và thuộc địa, đáp xe lửa ở ga Iarôxlapxki rời Matxcơva đi về Trung Quốc.
4. Hình thành tư tưởng cách mạng Hồ Chí Minh.
Hồ Chí Minh cũng sớm nhận thấy không thể cứu nước theo con đường của các bậc tiền bối như khởi nghĩa vũ trang của phong trào Cần Vương, thậm chí con đường Đông Du của cụ Phan Bội Châu, con đường cải cách ôn hoà của cụ Phan Chu Trinh mà đương thời tuổi thanh thiếu niên Hồ Chí Minh đã và đang chứng kiến. Con đường vũ trang bạo động đã thất bại, còn con đường của hai cụ Phan khi đó Hồ Chí Minh cảm nhận thấy khó thành công. Người đã hình thành ý tưởng sang Pháp và châu Âu tìm con đường cứu nước mới, tự trở thành người lao động, người công nhân tự lao động kiếm sống trong cuộc hành trình đầy gian khổ, hiểm nguy.
Năm 1911 Hồ Chí Minh xuất dương tìm đường cứu nước. Trên con đường hành trình của mình Hồ Chí Minh đã qua nhiều nuớc châu Á, châu Âu, châu Phi và sau đó dừng chân ở Pháp từ năm 1917 đến năm 1923. Tại Pháp Hồ Chí Minh đã có những hoạt động nổi tiếng. Năm 1920 Hồ Chí Minh đọc “Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa”, tìm thấy con đường cứu nước trong tư tưởng thiên tài của Lênin: Giải phóng dân tộc bằng con đường cách mạng vô sản. Cũng trong thời gian này, Hồ Chí Minh tham gia và là một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Từ người yêu nước chân chính Hồ Chí Minh trở thành người cộng sản đầu tiên của Việt Nam. Thời kỳ này Hồ Chí Minh nhận thấy nhân dân các nước châu Á, châu Phi trong hệ thống thuộc địa đều có chung một kẻ thù là chủ nghĩa đế quốc. Vì thế Hồ Chí Minh hình thành tư tưởng đoàn kết các dân tộc thuộc địa trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung. Người đã thành lập “Hội liên hiệp các dân tộc thuộc địa” để thực hiện tư tưởng này. Năm 1922 Hồ Chí Minh xuất bản tờ báo “Người Cùng Khổ” (Le Paria) làm công cụ tố cáo chủ nghĩa thực dân ở thuộc địa và tuyên truyền cho cách mạng thuộc địa.
Hồ Chí Minh đã nhận thấy công nhân và nhân lao động ở các nước tư bản cũng bị bóc lột. Nhân dân lao động ở chính quốc và nhân dân các nước thuộc địa cùng có chung một kẻ thù là chủ nghĩa tư bản. Vì thế nhân dân lao động ở các nước tư bản là bạn đồng minh với nhân dân thuộc địa trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung là chủ nghĩa đế quốc. Cách mạng vô sản chính quốc và cách mạng giải phóng dân tộc là hai cuộc cách mạng của thời đại cùng tấn công vào chủ nghĩa đế quốc, là hai cánh của cách mạng thế giới.
Hồ Chí Minh với những tư tưởng trên đã đặt cách mạng Việt Nam vào phạm trù cách mạng thế giới: Phong trào giải phóng dân tộc, phong trào cách mạng vô sản và phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Bước ngoặt lớn nhất và công lao đầu tiên của Hồ Chí Minh là tìm được con đường cứu nước đúng đắn.
5. Hồ Chí Minh phát triển hoàn thiện tư tưởng cách mạng tại Liên Xô.
Cuối năm 1923 đầu 1924, Hồ Chí Minh từ Pháp sang Liên Xô, quê hương của Lênin, quê hương của cách mạng Tháng Mười. Và dù có đi nước này nước khác ở châu Âu, châu Á do công tác hoạt động cách mạng nhưng từ 1924 đến 1938, phần lớn thời gian Hồ Chí Minh sống và hoạt động tại Liên Xô. Tại đây Hồ Chí Minh (khi đó là Nguyễn Ái Quốc) có điều kiện tiếp xúc và nghiên cứu sâu sắc chủ nghĩa Mác-Lênin, tiếp xúc với nhiều nhà cách mạng trên thế giới, với nhiều tổ chức cách mạng, với Quốc tế Cộng sản (Quốc tế III ); dự nhiều cuộc hội thảo bàn về cách mạng thế giới. Tất cả những khách quan thuận lợi đó tạo điêù kiện cho Hồ Chí Minh phát triển, hoàn thiện cơ bản về tư tưởng, đường lối chiến lược, sách lược cách mạng giải phóng dân tộc thuộc địa.
Hồ Chí Minh cho rằng cách mạng thuộc địa là một bộ phận của cách mạng vô sản chính quốc, đặt cuộc cách mạng này trong phạm trù cách mạng vô sản, đi theo con đường cách mạng vô sản; giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng lao động, giải phóng giai cấp vô sản. Chủ nghĩa đế quốc là kẻ thù chung của nhân dân lao động chính quốc cũng như của nhân dân thuộc địa, cho nên cách mạng thuộc địa là một bộ phận của cách mạng thế giới, có mối quan hệ khăng khít với cách mạng chính quốc nhưng không phụ thuộc vào cách mạng chính quốc. Cách mạng giải phóng dân tộc có thể thắng lợi trước cách mạng vô sản chính quốc. Tư tưởng này là một sáng tạo và là dự báo thiên tài đã được lịch sử phong trào giải phóng dân tộc từ những năm 40 và những năm 60 của thế kỷ XX chứng minh hoàn toàn chính xác.
Giải phóng dân tộc bằng con đường cách mạng vô sản theo tư tưởng Hồ Chí Minh có nghĩa là cách mạng giải phóng dân tộc phải do giai cấp vô sản lãnh đạo, thông qua đội tiên phong là Đảng Cộng sản theo chủ nghĩa Mác-Lênin. Cách mạng muốn thắng lợi phải sử dụng phương pháp bạo lực. Bạo lực cách mạng là bạo lực của quần chúng. Cho nên Đảng cách mạng phải ra sức giáo dục quần chúng để họ giác ngộ, phải xây dựng được khối công nông liên minh vững chắc làm động lực của cách mạng; làm nòng cốt cho Mặt trận đoàn kết rộng rãi các giai tầng khác trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung của dân tộc.
Hồ Chí Minh hình thành tư tưởng liên minh đoàn kết các dân tộc châu Á chống chủ nghĩa đế quốc, hình thành tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh: giải phóng dân tộc bằng khởi nghĩa vũ trang toàn dân; hình thành tư tưởng xây dựng Đảng kiểu mới Cộng sản ở một nước thuộc địa.
(Còn nữa)
CVL