Những vấn đề lịch sử Việt Nam - Kỳ 33

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tác phẩm “Những vấn đề lịch sử Việt Nam” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh Niên ấn hành năm 2022.

Kỳ 33.

XII.         HỒ CHÍ MINH                                                                                                  
SỰ HOÀN THIỆN TƯ TƯỞNG CÁCH MẠNG Ở LIÊN XÔ

 1. Hồ Chí Minh đi tìm đường cứu nước.

  Ngày 5 -6-1911, Nguyễn Tất Thành với tên là Văn Ba rời bến cảng Nhà Rồng, thành phố Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh) đi tìm đường cứu nước. Anh Ba xuống làm đầu bếp cho tàu Amiran Latusơ Tơrevin thuộc hãng Sácgiơ Rêuyni. Tên Văn Ba là tên ghi ở thẻ nhân viên của tàu. Theo hành trình của tàu Latusơ Tơrêvin anh Ba qua cảng Sigapone, cảng Côlômbô của Srilanca, cảng Xait (Ai Cập). Một tháng sau ngày 6-7-1911, tàu đến Mác Xây, thành phố cảng quan trọng của nước Pháp. Những ngày đầu tiên trên đất Pháp, anh Ba thấy nước Pháp cũng có những người nghèo, thấy người Pháp ở nước Pháp tốt hơn người Pháp ở Đông Dương.

 Ngày 15-7-1911, tàu đưa anh Ba ghé qua cảng Lơhavơrơ, một hải cảng ở miền Bắc nước Pháp, đến Đoong kéc, hải cảng trên bờ biển Măngsơ. Tháng 10 năm đó, tàu đưa anh Ba về Sài Gòn, nhân đó anh gửi cho ông Nguyễn Sinh Sắc 15 đồng.

 Trên chiếc tàu của hãng Sacgiơ Rêuyni, anh Ba tiếp tục hành trình đến Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Angiêri, Tuynidi, CôngGô, Đahômây, Xênêgan, Rêuyniông…đến đâu anh Ba cũng thấy nỗi thống khổ của người lao động, sự áp bức bóc lột dã man của bọn thực dân. Anh Ba đã khóc vì thương người da đen. Ngày 15-12-1912 anh Ba tới Newyork (Mỹ). Tại đây anh rời tàu Latusơ Tơrêvin đi làm thuê kiếm sống ở Niu ooc để tìm hiểu nước Mỹ, đi làm ở Brúcclin (Brooklin) với lương 40 đôla một tháng. Thời gian rảnh rỗi, anh Ba dùng để đi thăm thành phố. Anh Ba đi xe điện ngầm đến thăm khu Háclem. Anh xúc động khi chứng kiến cuộc sống khổ cực của người da đen. Anh ba có gửi thư cho cụ Phan Chu Trinh khi cụ Phan đang ở Pháp.

 Năm 1913, anh Ba theo tàu về Lơhavơrơ, sau đó anh sang Anh quốc. Tại Anh để kiếm sống anh Ba nhận cào tuyết cho một trường học. Sau đó anh làm nghề đốt lò. 5 giờ sáng anh chui xuống hầm nhóm lửa, suốt ngày thay đổ than, không khí ngột ngạt đáng sợ. Tại đây anh Ba bắt đầu học tiếng Anh. Anh làm thơ và gửi thư cho cụ Phan Chu Trinh. Công việc nặng nhọc làm anh Ba bị ốm. Anh Ba thôi nghề đốt lò, đi làm cho khách sạn Đraytơncớc, đại lộ Đraytơn, khu Oétinhtơn tây Luân Đôn, rồi lại làm phụ bếp cho khách sạn Cáclơtơn (Carlton), phố Hâymakét Luân đôn, dưới sự điều khiển của “vua bếp” người Pháp Etcốpphie. Những thức ăn thừa của khách sạn anh Ba không vứt vào thùng rác như thông lệ mà anh thu nhặt lại cho những người nghèo.

 Cuối năm 1917 anh Ba trở lại Pháp, đến Rêuyniông thăm cựu Hoàng đế yêu nước Thành Thái đang bị thực dân Pháp quản thúc tại đây. Anh Ba đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong vua Thành Thái. Năm 1947 vị cựu Hoàng này đã viết “ Cụ Hồ Chí Minh là người tiêu biểu của phong trào cách mạng Việt Nam, của dân tộc Việt Nam. Đối với tôi cụ Hồ Chí Minh không phải là người xa lạ. Ngay từ năm 1918 khi trốn ra ngoại quốc, cụ Hồ Chí Minh đã đến gặp tôi ở đảo Rêuyniông. Từ hồi ấy tôi đã thấy cụ Hồ Chí Minh là một nhà ái quốc nhiệt thành, sáng suốt”[1].

2. Hoạt động của Nguyễn Ái Quốc tại Pháp (1917-1923)

 Khi đi tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh tự trở thành người công nhân để kiếm sống, để thâm nhập vào cuộc sống của công nhân và nhân dân lao động các nước. Là người công nhân nên năm 1917 khi trở lại Pháp, Hồ Chí Minh tham gia vào Đảng Xã hội Pháp vào năm 1919, Đảng của giai cấp công nhân Pháp, vì “Đây là một tổ chức duy nhất ở Pháp bênh vực nước tôi, là tổ chức duy nhất theo đuổi tư tưởng cao quý: Tự do, Bình đẳng, Bác ái”[2]. Từ Đảng Xã Hội, Hồ Chí Minh dần dần trở thành đảng viên và là một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp năm 1921 (từ phân bộ của Đảng Xã hội Pháp chuyển biến thành). Từ người yêu nước chân chính Hồ Chí Minh đã trở thành người Cộng sản đầu tiên của Việt Nam tại Pháp. Đại chiến thế giới lần 1 (1914-1918) nổ ra do mâu thuẫn giữa một bên là Đức-Áo-Hung với bên kia là Anh-Nga- Pháp về vấn đề tranh giành thuộc địa. Năm 1918 Đại chiến kết thúc với sự thất bại hoàn toàn của phe Đức-Áo-Hung. Năm 1919, 27 nước chiến thắng của phe Hiệp Ước đã họp ở Vécxây để phân chia thuộc địa, để thiết lập một trật tự thế giới mới có lợi cho Anh, Pháp và Mỹ, để buộc các nước chiến bại phải ký những hiệp ước nhục nhã, từ bỏ những quyền lợi trên đấu trường quốc tế.

 Anh Ba lúc này ký tên Nguyễn Ái Quốc: Ngày 16-6-1919 thay mặt Hội những Người Việt Nam yêu nước tại Pháp đã gửi đến Hội nghị Véc xây (Versaillee) “Bản yêu sách của nhân dân An Nam”. Nội dung chính của bản yêu sách gồm 8 điểm, đòi quyền tự do cho nhân dân An Nam, đòi xoá bỏ chế độ cai trị độc tài ở Đông Dương. Cùng ngày Nguyễn Ái Quốc gửi bản yêu sách này cho Tổng thống Mỹ Uyn xơn, người chi phối đường lối của Hội nghị Vécxây. Như vậy anh Ba có tên mới là Nguyễn Ái Quốc từ 1919.

 Tại Pháp, Nguyễn Ái Quốc sử dụng báo chí làm phương tiện đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân nói chung và chủ nghĩa thực dân Pháp, vạch trần tội ác của chủ nghĩa thực dân ở các thuộc địa, nỗi khổ cực của nhân thuộc địa, đặc biệt là Đông Dương thuộc Pháp. Trong 6 năm ở Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã viết hàng trăm bài báo đăng tải trên các báo: Journal du Peuple, Le populaire, L Humanitê (báo Nhân Đạo, Cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản pháp), báo Yichepao (Nghị Xã Báo), La Depêche coloniale, báo Lavie ouvrieve, báo La revue Comminite, báo Le Libertaire…Đặc biệt Nguyễn Ái Quốc là người sáng lập tờ báo Le Paria (Người Cùng Khổ). Ngày 1-4-1922 báo ra số đầu tiên. Đây được coi là : “Diễn đàn của các dân tộc thuộc địa”. Tờ báo đã tố cáo tội ác của thực dân Pháp ở các thuộc địa, kêu gọi các thuộc địa đoàn kết đấu tranh để tự giải phóng. Le Paria là vũ khí chiến đấu với sứ mạng là giải phóng con người. Ngoài báo, Nguyễn Ái Quốc còn viết những tác phẩm chính luận chống chủ nghĩa thực dân, truyện ngắn, viết kịch. Tháng 3- 1920, Nguyễn Ái Quốc xuất bản cuốn: “Những người bị áp bức”, truyện ngắn “Người phu xe” ký bút danh Culixe nêu lên cảnh khổ cực của thợ thuyền An Nam, kịch “Con rồng tre” (1922) nêu lên sự hư vị và cuộc đời làm tay sai cho Pháp của vua Khải Định.

 Năm 1920, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Liên hiệp thuộc địa nhằm đoàn kết các dân tộc thuộc địa trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân. Nguyễn Ái Quốc đã viết “Tuyên ngôn của Hội Liên hiệp thuộc địa” và được những người lãnh đạo Hội thông qua. Tờ báo Le Paria là cơ quan ngôn luận của Hội.

 Nguyễn Ái Quốc còn tham gia các hoạt động xã hội, chính trị, tham dự các cuộc họp thường kỳ hằng tháng của Hội liên hiệp thuộc địa, dự cuộc họp của Ban nghiên cứu thuộc địa của Đảng Cộng sản Pháp, dự cuộc họp của Hội đồng toàn quốc Đoàn Thanh niên Cộng sản Pháp, dự những cuộc mít tinh, biểu tình của Đảng Xã hội Pháp, tham dự Đại hội của Đảng Cộng sản Pháp, dự họp chi bộ quận 17 Đảng Cộng sản Pháp, tham gia dự thảo nghị quyết về chủ nghĩa Cộng sản và các thuộc địa, hoạt động ủng hộ Cách mạng Tháng Mười Nga…

 Nguyễn Ái Quốc còn nhận thư và gửi thư, ngày 9-7-1919 đã gửi thư cho An be Xarô, Bộ trưởng Bộ thuộc địa Pháp nói về 8 điểm yêu sách của nhân dân An Nam, gửi thư cho Hội nhân quyền Pháp, nêu 7 yêu cầu bức thiết đối với Việt Nam như đòi ân xá chính trị phạm, cải cách pháp luật, tự do báo chí và tự do ngôn luận, tự do lập hội và tự do hội họp, tự do xuất dương và du lịch nước ngoài.

 Trong thời gian ở Pa ri, Nguyễn Ái Quốc đã giao thiệp và tiếp xúc với các bạn bè, với nhiều chính khách. Nguyễn Ái Quốc thường gặp gỡ và tranh luận với cụ Phan Chu Trinh, Tiến sĩ luật học Phan Văn Trường, Trần Văn Quang, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn Văn Vĩnh, nhà văn tiến bộ Pháp Hăng ri Bácbuýt… Nguyễn Ái Quốc là bạn của danh hoạ Pháp Picasso. Năm 1922 Nguyễn Ái Quốc làm quen với một số thanh niên Trung Quốc học ở Pháp như Tiêu Tam, Chu Ân Lai, Lý Phú Xuân, Đặng Tiểu Bình, Triệu Thế Sâm, Thái Hoà Sâm. Nguyễn Ái Quốc có nhiều bạn bè và đồng chí người Pháp.

 Ngày 17-7-1920, Nguyễn Ái Quốc đọc tác phẩm của Lênin : “ Sơ thảo lần thứ nhất Luận cương về những vấn đề dân tộc và thuộc địa” đăng trên báo L Humanitê số ra ngày 16 và 17-7-1920, trong đó Lênin đã phê phán sai lầm của Quốc tế II về vấn đề dân tộc và thuộc địa. Lênin yêu cầu các Đảng Cộng sản phải giúp đỡ các nước thuộc địa và phụ thuộc, phải đoàn kết các dân tộc thuộc địa với vô sản chính quốc để đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc. Từ khi đọc được Luận cương của Lênin, Nguyễn Ái Quốc hoàn toàn tin theo Lênin và Quốc tế III. Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy con đường cứu nước: Giải phóng dân tộc bằng con đường cách mạng vô sản, có nghĩa là cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Đông Dương phải do vô sản lãnh đạo, phải tiến hành cách mạng bằng phương pháp cách mạng vô sản, bạo lực cách mạng phải là bạo lực của quần chúng nhân dân, sau khi hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ phải đi lên cách mạng xã hội chủ nghĩa.

3. Nguyễn Ái Quốc hoạt động tại Liên Xô.

 13-6-1923, Nguyễn Ái Quốc viết thư từ biệt bạn bè, đồng chí trước khi bí mật rời nước Pháp. Để che mắt bọn mật thám Pháp theo dõi rất chặt chẽ Nguyễn Ái Quốc, Người vẫn đi làm và theo một nền nếp như là một quy luật: Sáng đi làm, chiều đến thư viện, tối dự mít tinh, khuya về nhà.

 13-6-1923, Nguyễn Ái Quốc đi dự cuộc mít tinh ở ngoại ô Pa ri. Nửa giờ sau Người về ga xe lửa. Tại đây, Nguyễn Ái Quốc được một đồng chí trao cho một va li con và một vé tàu hỏa hạng nhất (hạng sang ít bị theo dõi). Sau này nhắc lại chuyến đi này, Nguyễn Ái Quốc viết: “Bác cố trấn tĩnh nhưng đến khi xe lửa qua khỏi biên giới nước Pháp, trong ngực mới hết phập phồng”[3].

 Từ Pháp, Nguyễn Ái Quốc qua Đức, được cơ quan Đặc mệnh Toàn quyền của Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết Liên bang Nga tại Béc lin cấp giấy đi đường. Người cầm giấy đi đường mang tên Chen Vang, nghề nghiệp thợ ảnh, nơi đến nước Nga. Giấy cấp ngày 16-6-1919 do Đại diện Đặc mệnh Toàn quyền Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết Liên bang Nga Xtêpan Bratman Brađôpxki kí. Ngoài giấy đi đường, Nguyễn Ái Quốc còn có giấy phép tạm trú và đi lại trên lãnh thổ Đức của Sở cảnh sát Béclin cấp ngày 18-6-1919 do Chánh Sở cảnh sát Sơnâyđơ kí tên và đóng dấu. 25-6-1923, Chen Vang nhận giấy thị thực nhập cảnh vào Nga do Đại diện Đặc mệnh Toàn quyền Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết Liên bang Nga tại Đức cấp.

 Khoảng trước ngày 30 tháng 6 -1923, được sự giúp đỡ của cơ quan Đại diện Đặc mệnh Toàn quyền Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô Viết Liên bang Nga tại Beclin, Nguyễn Ái Quốc lên tàu Các líp nếch của Liên Xô khởi hành từ Hăm buốc đi Pêtôrôgrát.

 30-6-1923, Nguyễn Ái Quốc đặt chân lên Pêtôrôgrat (Xanh pêtecxbua) với hộ chiếu mang tên Chen Vang. Tháng 7 năm đó Nguyễn Ái Quốc tới Matscơva, Thủ đô của Liên Xô, trung tâm của cách mạng thế giới.

 Nguyễn Ái Quốc vào học Trường Đại học Cộng sản của những người lao động Phương Đông tại Matscơva, gọi là Trường Đại học Phương Đông. Nhà trường đào tạo cán bộ cách mạng cho các nước thuộc địa châu Á và châu Phi để giúp họ nâng cao lý luận cách mạng, chủ nghĩa Mác-Lênin và phương pháp cách mạng, sau đó về nước họat động. Tại Matscơva, Nguyễn Ái Quốc ở khách sạn Luých, số 176.

 Ngày 23-1-1924, Nguyễn Ái Quốc dự đám tang Lênin do Đảng Cộng sản Liên Xô tổ chức. Lênin sinh năm 1870. Sau khi tốt nghiệp Đại học Luật, Người trở thành nhà cách mạng chuyên nghiệp. Lênin đã đưa chủ nghĩa Mác vào phong trào công nhân Nga, thành lập Đảng Xã hội dân chủ Nga (B), Đảng cách mạng chân chính của giai cấp công nhân Nga. Lênin đã lãnh đạo công nhân và nhân dân lao động Nga làm cuộc Cách mạng dân chủ tư sản Tháng 2-1917 lật đổ chế độ Nga Hoàng phong kiến, làm cuộc Cách mạng Xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga 1917 lật đổ chủ nghĩa tư bản Nga; đánh bại cuộc can thiệp của 14 nước tư bản và bọn phản động trong nước, bảo vệ Chính quyền Xô Viết, thành lập Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô Viết (Liên Xô), đề ra chính sách kinh tế mới (NEP) đặt nền tảng cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa Cộng sản ở Liên Xô. Lênin là người đã phát triển toàn diện chủ nghĩa Mác trong thời đại mới: Thời đại chủ nghĩa đế quốc và cách mạng vô sản. Lênin là người quan tâm đến việc giải phóng các dân tộc thuộc địa. Người coi phong trào cách mạng thuộc địa là đồng minh, một bộ phận của cách mạng thế giới. Chính từ tác phẩm của Lênin mà Nguyễn Ái Quốc tìm thấy con đường cứu nước. Lê nin mất ngày 21-1 -1924, thọ 54 tuổi. Khi đến Liên Xô, Nguyễn Ái Quốc rất muốn và hi vọng gặp được Lênin nhưng nguyện ước của Người không thành. Trong bài báo “Lênin và các dân tộc thuộc địa” kỷ niệm một năm ngày mất của lãnh tụ vĩ đại cách mạng vô sản thế giới, Nguyễn Ái Quốc viết: “ Trong lịch sử cuộc đời khổ đau và bị mất quyền của các dân tộc thuộc địa, Lênin là người sáng tạo ra cuộc đời mới, là ngọn hải đăng chỉ dẫn con đường đi tới giải phóng cho toàn thể nhân loại bị áp bức”[4].

 14-4-1924, Nguyễn Ái Quốc nhận Quyết định của Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản do Pêtơrốp, Chủ tịch Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản ký vào làm cán bộ của Ban với mức lương 6 trecnôvec (60 rúp).

 Tại Liên Xô, Nguyễn Ái Quốc tiếp tục viết báo, dùng báo chí là một vũ khí đấu tranh cho phong trào cách mạng Đông Dương, cho phong trào giải phóng dân tộc thuộc địa, cho phong trào Cộng sản và công nhân thế giới, vạch trần tội ác của chủ nghĩa thực dân pháp ở Đông Dương, ca ngợi công lao của Lênin đối với các dân tộc thuộc địa. Những bài báo của Nguyễn Ái Quốc có ý nghĩa thực tiễn và lý luận sâu sắc. Các bài báo của Nguyễn Ái Quốc ở Liên Xô đăng trên các tờ Inprekorr, bản tiếng Pháp, Tạp chí “Quốc tế nông dân” tiếng Nga, Tạp chí “Đỏ” Liên Xô, La Correspondance Internationale (Thư tín quốc tế)- cơ quan của Quốc tế Cộng sản. Nguyễn Ái Quốc tiếp tục đăng bài trên các báo Le Paria, L. Humanitê- cơ quan của Đảng Cộng sản Pháp, Le vie ouvriere (Đời sống công nhân)- cơ quan của Tổng Liên đoàn lao động Pháp.

 Ngoài viết báo, Nguyễn Ái Quốc còn viết sách. Trong năm 1924 Nguyễn Ái Quốc hoàn thành bản thảo tác phẩm Đông Dương (1923-1924), tố cáo những tội ác của chủ nghĩa thực dân Pháp ở Đông Dương. Nguyễn Ái Quốc còn viết nhiều thư và nhận nhiều thư của bạn bè đồng chí.

(Còn nữa)

CVL

--------------------

[1]. Báo Cứu quốc, số 748, ngày 6-11-1947.

[2]. Trần Dân Tiên, Những mẫu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch,  NXB Sự Thật, H. 1975, tr. 39.

[3]Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Biên niên tiểu sử Hồ Chí Minh, NXB Chính trị Quốc Gia, H. 2006, T1, Tr. 232.

[4] Học Viện Chính trị, Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Biên niên tiểu sử, T1, NXB chính trị Quốc gia, H. 2005, Tr. 313.