Kỳ 32.
Sau Cách mạng Tháng Tám nền âm nhạc mới của cách mạng cũng ra đời và phát triển với những nhạc sĩ tài hoa, với những bài hát đầy âm hưởng cách mạng và nghệ thuật. “Đêm đông”, “Bình Trị Thiên khói lửa”, “Lý Hoài Nam”, giao hưởng “Đồng khởi” và nhiều bản nhạc phim của giáo sư nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương. “Sẽ về thủ đô”, “Những gác chuông giáo đường”, “Tôi yêu hoà bình”, “Miền Nam quê hương ta ơi”, “Anh vẫn hành quân”, “Tiếng kêu cứu nước”, “Tiếng hát pháo binh”, “Bạch Long Vĩ đảo quê hương”. “Có chúng tôi trên hải đảo xa xôi” của nhạc sĩ Huy Du (1926-2007), “Mơ đời chiến sĩ”, “Thủ đô huyết thệ” của nhạc sĩ “Lương Ngọc Trác”. “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi, “Tiếng chuông nhà thờ” của Nguyễn Xuân Khoát. “Làng Tôi”, “Tiến về Hà Nội” của Văn Cao. Đặc biệt Văn Cao có “Tiến quân ca” thời kỳ tiền khởi nghĩa đã trở thành Quốc ca của Việt Nam Dân chủ cộng hoà và ngày nay là Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đỗ Nhuận nổi tiếng với bài hát “Giải phóng Điện Biên”, Lưu Hữu Phước với bài “Giải phóng miền Nam”, “Tiến về Sài Gòn”, Phạm Tuyên với bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, Hoàng Hà với “Đất nước trọn niềm vui” là những mốc son ghi lại những bước ngoặt chiến thắng hào hùng của lich sử dân tộc. Nền âm nhạc dân tộc nổi bật lên những nghệ sĩ tài năng như Đặng Thái Sơn, Tôn Nữ Nguyệt Minh v.v...
Tháng 12 năm 1967 Hội nhạc sĩ Việt Nam được thành lập có 50 hội viên. Năm 2007 kỷ niệm 50 năm ngày thành lập hội có 1.000 hội viên với 12 chi hội. Nửa thế kỷ Hội nhạc sĩ Việt Nam đã xuất bản hàng chục nghìn tác phẩm, những công trình nghiên cứu, sưu tầm. Nền âm nhạc Việt Nam phát triển cả trên hai bình diện: Thanh nhạc và khí nhạc. Đây là đặc điểm của âm nhạc Việt Nam hiện đại, đã kết hợp tinh hoa âm nhạc dân tộc với tinh hoa âm nhạc thế giới. Năm 1956 một trường âm nhạc Việt Nam được thành lập. Cho đến nay đã có hàng chục trường và nhiều cơ sở đào tạo cán bộ nhạc sĩ trong ngành âm nhạc. Năm 1976 dàn nhạc giao hưởng Việt Nam được thành lập. Đến nay nhiều người được phong học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư , nhiều người nhận học vị Tiến sĩ, danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú, nhiều nhạc sĩ nhận giải thưởng Hồ Chí Minh như Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phuớc, Văn Cao, Hoàng Việt, Huy Du, Phan Huỳnh Điểu, Nguyễn Văn Tý, Hoàng Vân, Trần Hoàn, Xuân Hồng, Nguyễn Đức Toàn, Hoàng Hiệp, Nguyễn Văn Thương. 75 nhạc sĩ được tặng giải thưởng nhà nước, 50 nhạc sĩ được tặng thưởng Huân chương độc lập, Huân chương lao động các loại. Hội nhạc sĩ Việt Nam nhận Huân chương Sao vàng nhân dịp 50 năm thành lập hội. (Đại đoàn kết số 179-2007).
Ngoài âm nhạc hiện đại, công cuộc sưu tầm phát huy vốn cổ âm nhạc dân tộc cũng được đẩy mạnh. Các đoàn sân khấu cải lương, tuồng, chèo, các đoàn dân ca được thành lập như dân ca quan họ Bắc Ninh. Sưu tầm và cho biểu diễn nhiều làn điệu dân ca của ba miền Trung-Nam- Bắc. Công việc này gắn với công lao của nhiều người trong đó nổi bật là học giả Nghệ sĩ nhân dân Giáo sư Trần Văn Khê với tác phẩm nổi tiếng của ông “Du ngoạn trong âm nhạc truyền thống Việt Nam”. Âm nhạc cung đình Huế được Liên Hợp Quốc công nhận là di sản phi vật thể của nhân loại. Ngoài các nhạc cụ hiện đại, các nhạc cụ cổ truyền của dân tộc cũng được tìm tòi và biểu diễn thành công như đàn bầu, đàn tì bà, đàn đá, đàn tơ rưng, nhị, sáo khèn, cồng, chiêng, đàn tính, trống, trống cơm v.v…Ngoài vũ đạo hiện đại còn nhiều điệu múa cổ truyền của dân tộc được khôi phục và đầy tính nghệ thuật như múa của người Thái, người Chăm v.v…Kịch nói trên sân khấu một thời cũng là những món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân ở các đô thành lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Thời kỳ hiện đại cũng mở ra một trang mới trong thành tựu xuất bản. Xuất bản được đẩy mạnh ngay trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Từ năm 1945 đến năm 1954 ta đã xuất bản được 400 triệu đầu sách. Ngày nay tính đến năm 2007 ta có hơn 40 nhà xuất bản hằng năm cho ra đời 3,3 vạn đầu sách đủ các lĩnh vực bao gồm sách trong nước và sách dịch từ tiếng nước ngoài. Nay ta có hơn 700 cơ quan báo chí với hơn 800 ấn phẩm tạp chí và báo, kể cả các tạp chí và báo địa phương ra hăng ngày. Những năm cuối cùng của thế kỷ XX Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam đã phủ sóng toàn quốc, chưa kể đài phát thành và truyền hình của 64 tỉnh, thành phố đã góp phần thông tin và nâng cao đời sống văn hoá thông tin cập nhất và nâng cao dân trí trong nhân dân.
Để bảo tồn di tích lịch sử và tư liệu lịch sử văn hoá, trong toàn quốc từ trung ương đến địa phương đã củng cố thành lập các Viện bảo tàng, các Viện lưu trữ, các Thư viện phục vụ cho nhân dân tham quan, nghiên cứu. Đến năm 2014 cả nước hiện có 127 bảo tàng, có 4 vạn di tích đã được kiểm kê, 11 di sản được UNESCO vinh danh là di sản thế giới trong đó có 6 di sản văn hóa vật thể và 5 di sản văn hóa phi vật thể. Nhà nước đã căn cứ vào cứ liệu công nhận hàng trăm di tích là di sản văn hoá quốc gia hay di sản văn hoá địa phương. Cung đình Huế, Thánh địa Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là những di sản văn hoá thế giới.
Nghệ thuật hội hoạ và điêu khắc, nhiếp ảnh phát triển. Ở các quảng trường các đô thị nhiều tượng đài các anh hùng dân tộc đã được đặt, tạo nên ấn tượng nghệ thuật văn hoá và tri thức lịch sử cho ngươì xem. Tượng đài Chiến sĩ Điện Biên của nhà điêu khắc Nguyễn Hải (Giải thưởng Hồ Chí Minh ). Tượng cao 12,6 m, bệ cao 3,6m đúc bằng 220 tấn đồng do công ty Mỹ thuật Trung ương đúc xong tháng 3 -2004 là một tượng đài đồ sộ nhất ở Việt Nam hiện nay. Còn phải kể đến tượng đài Trần Hưng Đạo ở thành phố Nam Định, tượng đài Lê Lợi ở thành phố Thanh Hoá, tượng đài Hồ Chí Minh ở thành phố Vinh, tượng đài Quang Trung ở Thành phố Hồ Chí Minh. Hội họa, thể thao cũng phát triển. Các môn bóng đá nữ, cầu mây, thể hình, cờ vua đã nhiều lần đạt đẳng cấp khu vực. Âm nhạc phát triển với điểm hẹn sao mai. Những cuộc thi hoa hậu toàn quốc đã tôn vinh sắc dẹp, tri thức và tư tưởng của phụ nữ Việt Nam thời đổi mới.
Nhà nước đã ra sức phát triển giáo dục đào tạo nhân lực và nhân tài phục vụ công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Cho đến những năm cuối thế kỷ XX đã phổ cập được phổ thông cơ sở. Hai bậc học này hàng năm tiêu hết 50, 9% tổng ngân sách nhà nước dùng cho giáo dục. Tính đến năm 2007 trung học cơ sở có khoảng 6, 2 triệu học sinh, trung học phổ thông có khoảng 3,1 triệu học sinh. Giáo viên các cấp học này đến 2007 khoảng 1 triệu nhân sự. Cơ cấu ngành nghề ở bậc đại học tính đến năm 2000 thì ngành kinh tế, luật chiếm 20 %, khoa học cơ bản 9%, sư phạm 12 %, y tế 6 %, công nghệ kỹ thuật 35 %, các ngành nghề khác 9 %. Tổng số sinh viên tính đến năm 2007 có khoảng 1,4 triệu và 255 Trường đại học, cao đẳng, năm 2014 cả nước có 446 trường đại học và cao đẳng. Nhà nước hằng năm chi cho ngân sách giáo dục đều tăng. Năm 2001 chi 15.609 nghìn tỉ, 2002 chi 20.624 nghìn tỉ, 2003 chi 22.624 nghìn tỉ, 2004 chi 32.730 nghìn tỉ, 2005 chi 41.630 nghìn tỉ, năm 2006 chi 54.798 nghìn tỉ, 2007 chi 66.770 nghìn tỉ. Dự tính năm 2008 ngân sách giáo dục là 76.200 tỉ, chiếm 20 % tổng chi ngân sách nhà nước. (Thời báo kinh tế Việt Nam số tháng 2 -2008). Ngành giáo dục Việt Nam đang ra sức chấn chỉnh nền giáo dục đang xuống cấp và nhiều tiêu cực với phong trào “ hai không” đề ra vào năm 2007: “Nói không với tiêu cực” và “không ngồi nhầm lớp”. Ngành cũng đề ra sử dụng ngân sách giáo dục có hiệu quả, tăng cường kiểm toán giáo dục, tập trung ngân sách giáo dục cho ngành giáo dục quản lý vì hiện nay một phần lớn ngân sách giáo dục lại đang nằm ở những cơ quan ngoài ngành giáo dục. Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo là một nhiệm vụ cấp thiết đang đặt ra cho ngành giáo dục-đào tạo. Năm 2014 ngành đào tạo giáo dục Việt nam đạt 7 thành tựu về hệ thống trường lớp, về công bằng xã hội trong tiếp cận giáo dục, về chất lượng giáo dục và đào tạo, về công tác quản lý giáo dục, đội ngũ nhà giáo tăng về chất lượng cũng như số lượng, cơ sở vật chất được tăng cường và hiện đại hóa, về xã hội hóa giáo dục và hợp tác quốc tế. (Báo giáo dục và thời Đại)
Nổi bật trong lĩnh vực khoa học xã hội là thành tựu nghiên cứu và giảng dạy lịch sử. Hồ Chí Minh là người đặt nền tảng cho nền sử học Việt Nam hiện đại. Sau cách mạng tháng Tám ngành sử học Việt Nam phát triển rực rỡ với tên tuổi cúa các nhà sử học tài năng, xuất sắc như Giáo sư-Viện sĩ Trần Huy Liệu (1901-1969), Giáo sư Trần Văn Giàu, Minh Tranh, Đào Duy Anh, Trần Văn Giáp, Văn Tân, Nguyễn Đổng Chi, Hoa Bằng, Chiêm Tế, Chu Thiên, Tôn Quang Phiệt, Trần Đức Thảo, Lương Ninh, Vũ Dương Ninh, Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Phạm Thị Tâm, Trịnh Nhu, Phan Đại Doãn, Phạm Việt Trung, Nguyễn Lương Bích, Trần Quốc Vượng, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Hồng Phong, Phan Hữu Dật, Vương Hoàng Tuyên, Hồ Gia Hường, Nguyễn Gia Phu,l Nguyễn Kính Chi, Nguyễn Từ Chi, Cao Văn Lượng, Lê Mậu Hãn v.v…Những tác phẩm quan trọng của nền sử học Việt Nam đương đại “Sơ thảo lịch sử cách mạng cận đại Việt Nam” (1954). “Tài liệu tham khảo cách mạng cận đại Việt Nam” gồm 12 tập, bộ sách “Lịch sử 80 năm chống Pháp” do Trần Huy Liệu chủ biên và trước tác .
Giáo sư Trần Văn Giàu đã trước tác 150 công trình với hàng vạn trang viết có chất lượng khoa học sâu sắc và uyên thâm như các bộ sách “Miền Nam giữ vững thành đồng” gồm 5 tập nêu lên chủ nghĩa anh hùng, ý chí kiên cường bất khuất của nhân dân Việt Nam chống ngoại xâm. “Sự phát triển của tư tưởng Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng Tháng Tám” gồm 3 tập là bộ sách đồ sộ, “Bộ sách giai cấp công nhân Việt nam” là bộ sách chuyên đề của ông đã mở đầu cho việc nghiên cứu giai cấp công nhân nước ta. “Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên -Mông” của Giáo sư Hà Văn Tấn -Phạm Thị Tâm , “Khởi nghĩa Lam Sơn” của Giáo sư Phan Huy Lê và Phan Đại Doãn đã khôi phục tương đối chân thực những cuộc kháng chiến của dân tộc ta thời kỳ trung đại. Hàng nghìn giáo trình lịch sử Việt Nam và Thế giới được biên soạn ở các Trường đại học, hàng trăm tác phẩm khoa học khác đã được xuất bản hay đăng tải trên các tạp chí của các nhà sử học, dân tộc học, khảo cổ học đã đưa sử học nước nhà lên bước phát triển chưa từng có. Sử học cùng với các môn Dân tộc học, Khảo cổ học đã giải quyết được vấn đề hình thành dân tộc Việt Nam, vấn đề xã hội chiếm hữu nô lệ ở Việt Nam trong đó liên quan đến nhà nước Văn Lang và Âu Lạc, vấn đề ruộng đất và nông dân trong lịch sử, phong trào nông dân Tây Sơn, truyền thống dân tộc và chủ nghĩa anh hùng trong lịch sử, sự hình thành chủ nghĩa tư bản ở Việt Nam, giai cấp công nhân Việt Nam, vấn đề thành phần tộc người trong dân tộc quốc gia Việt Nam. Các nhà sử học cũng đã biên soạn, giới thiệu lịch sử thế giới để nhân dân ta học tập và hiểu biết lịch sử nhân loại, một trong những cầu nối giữa nước ta với thế giới bên ngoài. Các bộ “Lịch sử Quốc hội Việt Nam” , “Lịch sử Chính phủ Việt Nam” cũng đã được Phó Giáo sư Lê Mậu Hãn chủ trì biên soạn ghi nhận sự phát triển của ngành lập pháp và hành pháp Việt Nam trong thời kỳ hiện đại. Giới sử học Việt Nam cũng đã biên dịch, công bố nhiều công trình lịch sử của các triều đại phong kiến từ chữ Hán ra chữ Quốc ngữ như “Đại Việt sử ký toàn thư” của Ngô Sĩ Liên và các sử thần nhà Hậu Lê, tiểu thuyết lịch sử “Hoàng Lê nhất thống chí” của Ngô Gia văn phái, “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú, các bộ lịch sử triều Nguyễn như “Đại Nam Nhất thống chí”, “Lịch sử thông giám cương mục” và nhiều tài liệu tác phẩm sử học khác, góp phần to lớn vào việc học tập nghiên cứu lịch sử nước nhà.
Từ sau năm 1945, triết học Mác Lê nin trở thành tư tưởng chính trị chủ đạo của nhà nước Việt Nam, của xã hội Việt Nam. Từ nguồn gốc chủ nghĩa Mác- Lê nin kết hợp với những tư tưởng truyền thống tiến bộ của Việt Nam đã ra đời tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh là thành quả lớn nhất của tư tương Việt Nam thời kỳ hiện đại. Bên cạnh đó việc nghiên cứu tư tưởng và triết học Mác lênin được đẩy mạnh. Trần Văn Giàu với các tác phẩm “Vũ trụ quan”, “Biện chứng pháp”, “Duy vật lịch sử” và bộ sách đồ sộ của ông “Sự phát triển của tư tưởng Việt nam từ thế kỷ XIX đến cách mạng tháng Tám” gồm ba tập nêu lên lịch sử tư tưởng Việt Nam và những giá trị truyền thống dân tộc. Các nhà nghiên cứu triết học lỗi lạc khác như Giản Chi, Nguyễn Hữu Văn, Cao Xuân Huy, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Khắc Viện v.v… Các nhà triết học tư tưởng nước ta đã làm rõ vấn đề “Vũ trụ luận”, “Tri thức luận”, “Nhân sinh luận” và “Chính trị luận”. Các nhà nghiên cứu cũng đã đạt nhiều thành tựu trong các lĩnh vực khoa học xã hội và khoa học nhân văn. Trên cơ sở chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, khoa học quân sự Việt Nam hiện đại được hình thành, phát triển và được vận dụng thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Trong đó không chỉ hoàn thiện và phát triển cao độ lý thuyết quân sự chiến tranh nhân dân mà còn sản sinh ra nhà quân sự thiên tài Hồ Chí Minh và các tướng lĩnh tài năng kiệt xuất như Võ nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh… Các ông không chỉ là những nhà cách mạng lỗi lạc mà còn là những nhà quân sự tài ba, đã vận dụng tài giỏi lý luận chiến tranh nhân dân để chiến thắng những đế quốc hùng mạnh nhất trong thời kỳ hiện đại là Pháp và Mỹ. Trong số học trò của Hồ chí Minh nổi bật lên Võ Nguyên Giáp. Điện Biên Phủ năm 1954, chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 đã phát triển bổ sung thêm về lý luận và nâng khoa học quân sự Việt Nam lên một đỉnh cao huy hoàng. Võ Nguyên Giáp “không chỉ trở thành huyền thoại mà có lẽ còn trở thành một thiên tài quân sự lớn nhất thế kỷ XX và một trong những thiên tài lớn nhất của tất cả các thời đại” (Cecilcurryy-nhà sử học Mỹ, trong cuốn Vichtory at anycost, Báo Tuổi trẻ 25-4-2004).
Cuộc sống và chiến tranh đòi hỏi phải phát triển Y học để phục vụ nhân dân và quân đội. Y học Việt Nam hiện đại kết hợp giữa y học Đông y cổ truyền với Tây y hiện đại. Đã xây dựng được một nền y học với những nhà khoa học tài năng, tận tuỵ với sự nghiệp và với nhân dân, đầy lòng nhân ái, y đức. Tiêu biểu là các bác sĩ Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ, Phạm Ngọc Thạch, Tôn Thất Bách, Nguyễn Tài Thu v.v…Tôn Thất Tùng (1912-1982) là người có công lao nghiên cứu cơ cấu mạch trong gan, người đầu tiên cắt gan có kế hoạch, góp phần xây dựng ngành phẫu thuật gan thế giới. Tác phẩm “Viêm cấp tính và phẫu thuật” của ông là tác phẩm khoa học về y đầu tiên được xuất bản tại Việt Nam. Đặng Văn Ngữ (1910-1967) là người có công xây dựng bộ môn sinh vật học và ký sinh trùng, sản xuất nước lọc Pênixilin, nước lọc Xteptômixin. Phạm Ngọc Thạch (1909-1968) có công lao phòng chống lao, chế tạo thuốc kháng sinh rẻ tiền, sản xuất thuốc phòng bại liệt. Ông là nhà Tây y nhưng lại đề cao Nam dược. Vào năm 2014 ngành y học Việt nam đã áp dụng nhiều thành tựu mới của cuộc cách mạng tin học và trí tuệ vao y học, ứng dụng công nghệ thông tin vào các bệnh viện để phục vụ bệnh nhân. Năm 2014, Bệnh viện Việt-Đức thành công cùng lúc 4 ca ghép tạng từ một bệnh nhân chết não hiến, tách rời cặp song sinh Long-Phụng tại bện viện Nhi Đồng 2, đến thành tựu cho ra đời cặp song sinh bằng tinh trùng đông lạnh từ người cha đã mất tại bệnh viện phụ sản Trung ương Hà Nội. Ngành chữa trị ung thư cũng đạt 12 thành tựu trong chữa trị.
Năm 2014 đạt nhiều thành tựu về kỹ thuật quốc phòng như chế tạo máy ngắm cho pháo Mỹ, nghiên cứu thử nghiệm thành công đạn xuyên K53 đầu liox thép, biến bộ đàm thành thiết bị gây nhiễu; chế tạo máy tạo rảnh cho súng chống biển người, đóng tàu pháo và tàu tên lửa, hạ thủy thành công tàu sản xuất biển ND-2000. Trong kỹ thuật, đã sản sinh ra những nhà sáng chế vũ khí như Trần Đại Nghĩa, các nhà khoa học xuất sắc như nhà nông học Lương Định Của, nhà vật lý Nguyễn Văn Hiệu, Nguyễn Đình Tứ. năm 2014 đạt những bước tiến dài trong ngành năng lượng nguyên tử, nhà toán học Nguyễn Cảnh Toàn, Lê Văn Thiêm, nhà giáo dục Nguyễn Văn Huyên, Tạ Quang Bửu v.v...
Sau cách mạng và đặc biệt từ khi đổi mới, Việt Nam đã tiếp nhận thành quả cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại. Chúng ta đã ứng dụng tin học vào tất cả các lĩnh vực, ứng dụng thành tựu thông tin liên lạc. Có thể nói cuối thế kỷ XX, Việt Nam đã bùng nổ thông tin với phương tiện điện thoại di động và điện thoại cố định, phát thanh và đặc biệt là vô tuyến truyền hình. Năm 2007 trên toàn quốc VNPT đạt 27,8 triệu máy thuê bao, trong đó có 19 triệu thuê bao di động. Năm 2007 VNPT đã phát triển mới được 514.000 thuê bao intenet bằng máy mega VNN, nâng tổng số thuê bao VegaNN đến 740.000 máy. Việt Nam cũng đã áp dụng cách mạng xanh vào lĩnh vực nông nghiệp, tạo nên những giống lúa mới, vi sinh, phân hoá học. Đã ứng dụng công nghệ mới vào giao thông vận tải đường bộ, đường hàng không, vận tải đường thuỷ. Cơ sở hạ tầng đô thị được xây dựng mở mang phồn vinh sầm uất. Nhiều thị trấn phát triển thành thị xã, nhiều thị xã phát triển lên thành phố. Trước đổi mới chỉ có thành phố Hà Nội, Hải phòng, Thái Nguyên, Việt Trì, Nam Định, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Biên Hoà, thành phố Hồ chí Minh, Mỹ Tho và Cần thơ. Sau đổi mới cho đến nay nhiều thị xã phát triển thành thành phố. Đó là các thành phố Lào Cai, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Vĩnh Yên, Hạ Long, Hải Dương, Thái Bình, Thanh Hoá, Ninh Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Tuy Hoà, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Long Xuyên, Cao Lãnh, Bạc Liêu, Cà Mau, Rạch Giá. Nhiều đường sá mới được xây, những đường sá cũ được nâng cấp và mở rộng. Trong đó lớn nhất là đường Trường Sơn được mở rộng thành đường cao tốc từ Nam ra Bắc. Nhiều cầu mới được bắc qua những con sông lớn như cầu Thăng Long, cầu Chương Dương, cầu Tân Đệ, cầu Bãi Cháy, cầu Thanh Trì, cầu Hàm Long qua sông Mã, cầu Bến Thuỷ, cầu Nguyễn Văn Trỗi qua sông Hàn Đà Nẵng. Cầu Mỹ Thuận qua sông Tiền Giang hiện là một cây cầu lớn nhất Đông Nam Á. Nhiều khách sạn, dinh thự cao tầng mọc lên ở khắp các đô thị làm thay đổi diện mạo và bộ mặt đất nước qua mấy chục năm đổi mới.
(Còn nữa)
CVL