Kỳ 39.
Tại Liên Xô, Nguyễn Ái Quốc tiếp tục viết báo, dùng báo chí là một vũ khí đấu tranh cho phong trào cách mạng Đông Dương, cho phong trào giải phóng dân tộc thuộc địa, cho phong trào Cộng sản và công nhân thế giới, vạch trần tội ác của chủ nghĩa thực dân pháp ở Đông Dương, ca ngợi công lao của Lênin đối với các dân tộc thuộc địa. Những bài báo của Nguyễn Ái Quốc có ý nghĩa thực tiễn và lý luận sâu sắc. Các bài báo của Nguyễn Ái Quốc ở Liên Xô đăng trên các tờ Inprekorr, bản tiếng Pháp, Tạp chí “Quốc tế nông dân” tiếng Nga, Tạp chí “Đỏ” Liên Xô, La Correspondance Internationale (Thư tín quốc tế), cơ quan của Quốc tế Cộng sản. Nguyễn Ái Quốc tiếp tục đăng bài trên các báo Le Paria, L Humanitê, Cơ quan của Đảng Cộng sản Pháp, Le vie ouvriere (Đời sống công nhân ), cơ quan của Tổng Liên đoàn lao động Pháp.
Ngoài viết báo Nguyễn Ái Quốc còn viết sách. Trong năm 1924 Nguyễn Ái Quốc hoàn thành bản thảo tác phẩm Đông Dương (1923-1924), tố cáo những tội ác của chủ nghĩa thực dân Pháp ở Đông Dương. Nguyễn Ái Quốc còn viết nhiều thư và nhận nhiều thư của bạn bè đồng chí.
Nguyễn Ái Quốc dự Đại hội lần thứ IV của Quốc tế Cộng sản Thanh niên ở Mátxcơva. Ngày 17-6-1924 Nguyễn Ái Quốc dự Đại hội lần thứ V của Quốc tế Cộng sản, tham gia Chủ tịch đoàn cuộc mít tinh vì hoà bình tại Mátxcơva. Trên lễ đài, Người đứng cạnh những nhà lãnh đạo Liên Xô như K. E. Vôrôsilốp, Kalinin, Phơrunze; tham dự Đại hội của Quốc tế Cứu tế Đỏ, tham dự Đại hội lần thứ III của Quốc tế Công hội Đỏ. Tháng 10 năm 1924, Nguyễn Ái Quốc dự Đại hội lần thứ nhất Quốc tế Nông dân ở Mátxcơva. Phát biểu tại Đại hội, Người đã nêu lên sự bi thảm của nông dân Việt Nam dưới chế độ thuộc địa Pháp. Đại hội đã bầu Nguyễn Ái Quốc vào Ban chấp hành Quốc tế nông dân và là Uỷ viên Đoàn chủ tịch.
Nguyễn Ái Quốc còn giao thiệp gặp gỡ với bạn bè đồng chí, với các nhà hoạt động xã hội, chính trị của các dân tộc. Ngày 3-10-1923 Nguyễn Ái Quốc gặp Tưởng Giới Thạch, nhà lãnh đạo của Trung hoa Cộng hòa Dân quốc trong Chính phủ của Tôn Trung Sơn, gặp Trương Thái Lôi, một trong những nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Mátxcơva. 23-12-1923, Nguyễn Ái Quốc gặp nhà thơ Liên Xô Ôxip Manđenxtan, họa sĩ Thuỵ Điển Ê rích Giô han xơn; gặp nhà hoạt động phong trào Ấn Độ Marabenđa Natrôi…
Tại Liên Xô, Nguyễn Ái Quốc có dịp học tập và nghiên cứu sâu thêm về chủ nghĩa Mác-Lênin, kinh nghiệm của cách mạng xã hội chủ nghĩa và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tại đây, Người đã không ngừng hình thành và phát triển những tư tưởng chiến lược, sách lược về cách mạng Việt Nam.
6. Hoạt động của Nguyễn Ái Quốc tại Trung Quốc.
Thời gian tại Quảng Châu Trung Quốc từ tháng 11-1924 đến tháng 12- 1927, Nguyễn Ái Quốc với cương vị là Uỷ viên Bộ Phương Đông, phụ trách Cục Phương Nam của Quốc tế Cộng sản đến Quảng Châu, nơi khi đó là trung tâm phong trào cách mạng dân chủ của Trung Quốc, là nơi hoạt động của nhiều nhà cách mạng châu Á, trong đó có nhiều nhà cách mạng Việt Nam. Nguyễn Ái Quốc đến đó nhằm mục đích gây dựng phong trào công nhân, phong trào cộng sản, phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á, trong đó có Trung Quốc và cách mạng Việt Nam, theo đường lối của Quốc tế Cộng sản.
Tại Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc đã bắt liên lạc với những thanh niên trong tổ chức Tâm Tâm Xã, tuyên truyền cho họ chủ nghĩa Mác-Lênin, về Quốc tế Cộng sản và về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa Cộng sản. Trên cơ sở những thanh niên yêu nước đó, Nguyễn Ái Quốc đã lập ra nhóm bí mật gồm 9 hội viên gồm Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong, Vương Thúc Oánh, Trương Văn Vĩnh, Lưu Quốc Long. Nguyễn Ái Quốc với bí danh Lý Thuỵ lãnh đạo nhóm. Trong số các hội viên có 5 người được kết nạp đảng viên dự bị của Đảng Cộng sản, một số người được phái về nước hoạt động, bắt liên lạc với các tổ chức cách mạng trong nước, tuyển mộ thanh niên trong nước đến Quảng Châu để huấn luyện hoặc gửi đi học ở Trường Đại học Phương Đông. Thế là nền tảng một tổ chức cách mạng đã hình thành, điều mà năm 1923 khi ở Pháp, Nguyễn Ái Quốc từng mong mỏi “Trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập”[1].
Tháng 2-1925, Nguyễn Ái Quốc viết Dự thảo Điều lệ Đảng gồm 14 điều cụ thể chuẩn bị cho việc thành lập Đảng. Về tổ chức, tháng 6 năm 1925 Nguyễn Ái Quốc lựa chọn một nhóm chiến sĩ trong tổ chức Tâm Tâm Xã thành lập một tổ chức cách mạng mới là Việt Nam Thanh niên cách mạng Đồng chí hội (VNTNCMĐCH). Đường lối chung của VNTNCMĐCH là trước làm tư sản dân quyền cách mạng, tiếp đó làm cách mạng xã hội chủ nghĩa. Muốn thực hiện mục tiêu cách mạng đó VNTNCMĐCH phải thu phục và lãnh đạo nhân dân lao động đánh dổ thực dân đế quốc, xây dựng chính quyền của nhân dân, mặt khác phải đoàn kết với vô sản và lao động thế giới, phải ủng hộ Liên Xô. Theo sáng kiến của Nguyễn Ái Quốc, Tổng bộ VNTNCMĐCH đã xuất bản tờ báo “Thanh Niên”, đây là tờ báo chính trị đầu tiên của một tổ chức cách mạng Việt Nam, báo viết bằng chữ Quốc ngữ. Từ tháng 6-1925 đến tháng 4-1927 báo Thanh Niên ra được 88 số. Báo Thanh Niên đã chú trọng giáo dục lòng yêu nước, lòng căm thù thực dân phong kiến. Báo còn nêu lên những nguyên lý xây dựng Đảng theo kiểu Đảng của Lê nin.
Nguyễn Ái Quốc gửi thư cho Quốc tế Cộng sản yêu cầu cho biết có thể nhận được bao nhiêu thanh niên Việt Nam vào học tại Đại học Phương Đông, thư cho Phan Bội Châu khi đó đang ở Hàng Châu và Người cũng nhận được thư phúc đáp của cụ Phan, thư cho ông Thượng Huyền, nhận được thư của Chủ Tịch đoàn Quốc tế Nông dân và viết nhiều thư trả lời Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân, thư gửi Uỷ ban Trung ương Thiếu nhi (Đội Thiếu niên Tiền phong trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Lênin Liên Xô); Thư gửi Đoàn Thanh niên Cộng sản Pháp tại Quốc tế Thanh niên Cộng sản.
Nguyễn Ái Quốc viết nhiều bài báo đăng trên các báo Le Paria, Tập san Inprekor ( bản tiếng Pháp), Báo Thanh Niên. Chính báo Thanh Niên đã đăng “ Tuyên ngôn của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức” do Nguyễn Ái Quốc tham gia khởi thảo, báo Bakinxki Rabốtri (Liên Xô), Nhật báo Quốc tế Nông dân, báo Gudok, Cơ quan ngôn luận của ngành Giao thông vận tải Liên Xô, Quảng Châu báo, báo Nông dân Trung Quốc, báo Litao. Nguyễn Ái Quốc còn là người thành lập những tờ báo cách mạng như như tờ tuần Báo Thanh Niên, cơ quan Trung ương của Tổng bộ Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên. Số đầu tiên của tuần báo ra ngày 21-6-1925. Tháng 2-1927 Nguyễn Ái Quốc chủ trương ra tờ báo “Lính cách mệnh” để tuyên truyền cách mạng trong binh lính người Việt. Nguyễn Ái Quốc là cây bút chính của tờ báo. Số 1 được ra vào tháng 2 năm 1927. Trong các bài báo, Nguyễn Ái Quốc ngoài đề cập tội ác của chủ nghĩa thực dân ở thuộc địa, đề cập đến phong trào cách mạng thế giới, còn đề cập đến cách mạng Trung Quốc, giai cấp công nhân và nông dân Trung Quốc. Nguyễn Ái Quốc còn viết truyện ngắn: Truyện “Con rùa” đăng trên báo Le Paria số 32 tố cáo tâm địa nhỏ nhen của quan lại thực dân ở thuộc địa.
Nguyễn Ái Quốc cũng viết những tác phẩm: “ Bản án chế độ thực dân Pháp” bằng tiếng Pháp (Le proce de la colonnisation Francaise) do Thư quán Lao động ấn hành tại Pari cuối năm 1925. Tác phẩm đã tố cáo bộ máy Nhà nước tham nhũng, thối nát của Pháp ở Đông Dương, những chính sách bóc lột, đồng hóa tàn bạo, nổi khổ nhục của nhân dân bản xứ. Tác phẩm kết luận rằng công cuộc giải phóng Đông Dương chỉ có thể là công việc của nhân dân Đông Duơng. Phần phụ lục là một bức thư kêu gọi: “ Hỡi Đông Dương đáng thương hại! Người sẽ chết mất, nếu đám thanh niên già cỗi của Người không sớm hồi sinh”[2].
Những bài viết của Nguyễn Ái Quốc đã được tập hợp lại thành sách vào năm 1926 với nhan đề “Đây công lý của Thực dân Pháp ở Đông Dương”.
Năm 1927 những bài giảng của Nguyễn Ái Quốc tại khoa huấn luyện chính trị của Tổng bộ Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên ở Quảng Châu tập hợp lại thành cuốn “Đường Cách mệnh”. Sách được Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức xuất bản tại Quảng Châu. “Đường Cách mệnh” đã nêu lên những chiến lược, sách lược của cách mạng, phương pháp cách mạng và lý giải vì sao cách mạng giải phóng dân tộc cuối cùng phải đi đến cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Ngày 9 tháng 7 năm 1925, Nguyễn Ái Quốc cùng một số đồng chí Trung Quốc thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức, một tổ chức quốc tế bao gồm người Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Triều Tiên, Mianma, Inđônêxia nhằm mục đích đoàn kết các dân tộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, lật đổ chủ nghĩa đế quốc bằng biện pháp cách mạng. Hội trưởng của Hội là Lưu Trọng Khải (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc với tên là Lý Thụy được bầu làm Bí thư kiêm phụ trách công tác tài chính của Hội, cũng là người trực tiếp phụ trách Chi bộ Việt Nam của Hội. Nguyễn Ái Quốc cũng là người tham gia khởi thảo “Tuyên ngôn của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức”.
Năm 1924, cụ Phan Bội Châu từ Thượng Hải về Quảng Châu gặp Nguyễn Ái Quốc. Cụ đánh giá cao hoạt động của Nguyễn Ái Quốc và ngỏ ý sẽ chuyển theo xu hướng Cách mạng Tháng Mười Nga. Nhưng khi về đến Thượng Hải cụ đã bị mật thám Pháp bắt cóc và đưa về nước, xử ở Toà đề hình Hà Nội. Toàn quốc dấy lên một phong trào rầm rộ đòi thả cụ Phan Bội Châu làm cho thực dân Pháp run sợ phải giảm án từ tử hình xuống án treo. Chúng đưa cụ về giam lỏng, quản thúc cụ ở Bến Ngự (Huế) cho đến khi cụ mất vào năm 1940.
Lùi về lịch sử Trung Quốc giữa thế kỷ XVII, nhà Minh suy tàn và bị cuộc khởi nghĩa nông dân Trung Quốc do Lý Tự Thành lãnh đạo lật đổ. Năm 1644, tộc người thiểu số Mãn Thanh ở Đông Bắc, Trung Quốc đã xâm nhập và chiếm được Trung Hoa, lập nên nhà Mãn Thanh. Năm 1840 nhà Thanh suy yếu, các cường quốc tư bản phương Tây xâm luợc Trung Quốc. Trung Quốc bị biến thành nước nửa thuộc địa nửa phong kiến. Năm 1911, Tôn Trung Sơn lãnh tụ của giai cấp tư sản Trung Quốc với chính Đảng Trung Quốc Cách mạng Đồng minh hội đã lật đổ nhà Thanh, lập nên nền cộng hoà: Trung Hoa Cộng hòa Dân quốc. Tôn Trung Sơn làm Đại Tổng thống. Năm 1921, Đảng Cộng sản Trung Quốc ra đời. Cùng mục đích chống phong kiến đế quốc nên Đảng Quốc dân của Tôn Trung Sơn đã hợp tác với Đảng Cộng sản, đó là Quốc-Cộng hợp tác lần thứ nhất. Năm 1925 Tôn Trung Sơn mất, Tưởng Giới Thạch lên thay. Ngày 12-4-1927, Tưởng Giới Thạch làm cuộc đảo chính, tấn công vào Đảng Cộng sản và đàn áp các lực luợng dân chủ cách mạng trung Quốc.
Trước tình hình đó, tháng 5-1927, Nguyễn Ái Quốc rời Trung Quốc để tránh khỏi bị Chính phủ Tưởng Giới Thạch bắt. Nguyễn Ái Quốc bí mật đi Hồng Kông, đáp tàu từ Thượng Hải đi Vlađivôstốc rồi về Mátxcơva-Liên Xô.
7. Nguyễn Ái Quốc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam
Ngày 25-6-1927, với tư cách Đại biểu Việt Nam trong Quốc tế Cộng sản Nguyễn Ái Quốc gửi thư cho Chi bộ Cộng sản Trường Đại học Phương Đông về việc thành lập nhóm Cộng sản Việt Nam gồm 5 người: Ngô Thế Rục, Ngô Đức Trì, Bùi Công Trừng, Bùi Lâm và Trần Phú do Trần Phú làm Bí thư. Nguyễn Ái Quốc gửi thư cho Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản báo cáo về tình hình công tác của mình ở Quảng Châu, thư cho Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân.
Tháng 7-1927, vì lý do sức khoẻ Nguyễn Ái Quốc đi bệnh viện và điều dưỡng ở nhà an dưỡng đường mang tên Lênin ở Eppatôria vùng Crưm-Hắc Hải.
Tháng 11-1927, Nguyễn Ái Quốc được Quốc tế Cộng sản cử đi Pháp công tác. Từ Pháp, do sự phân công của Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc tới Brucxen (Bỉ) dự cuộc họp Đại hội đồng của Liên đoàn chống đế quốc. Tại đây, Nguyễn Ái Quốc đã gặp gỡ và làm quen với Môtilan Nêru (thân sinh cố Thủ tướng Ấn Độ J. Nêru), Xucácnô (nhà cách mạng In đônêxia), Katayamaxen (nhà cách mạng Nhật Bản), Tống Khánh Linh (Phu nhân của Tôn Trung Sơn-Trung Quốc).
Tháng 12-1927, đến tháng 6-1928, Nguyễn Ái Quốc ở Béc lin. Tại đây, ngày 4-3-1927, Nguyễn Ái Quốc gặp Trần Đình Long, Nguyễn Thế Thạch, Bùi Ái khi họ từ Pháp đi Liên Xô.
Tháng 6-1928, Nguyễn Ái Quốc từ Đức qua Italia, đến Napôli. Từ Napôly Nguyễn Ái Quốc đi tàu của Nhật Bản đến Xơrilanka. Từ Xơrilanca Nguyễn Ái Quốc đổi tàu khác về Xiêm La. Tháng 11-1929, Nguyễn Ái Quốc từ Xiêm La về Trung Quốc, chuẩn bị cho việc thống nhất ba tổ chức Cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 12-1929, Nguyễn Ái Quốc đã ở Trung Quốc.
(Còn nữa)
CVL
--------------------------
[1]. Hồ Chí Minh toàn tập. T1, Tr, 174.
[2]. Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, H. 1995, T2, Tr. 133.