Kỳ 37.
2. Quê hương và gia đình
Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ngày 19-5-1890 ở làng Hoàng Trù, xã Chung Cự (nay là xã Kim Liên), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Nghệ An thời Văn Lang-Âu Lạc thuộc Hoài Hoan, thời Bắc thuộc (179TCN-938) thuộc quận Nhật Nam, thời Đường thuộc Hoan Châu Đô đốc phủ. Nghệ An là mảnh đất có truyền thống yêu nước, kiên cường chống ngoại xâm, truyền thống lao động cần cù, chinh phục mảnh đất Bắc miền Trung khắc nghiệt để duy trì cuộc sống muôn đời và có truyền thống hiếu học. Năm 722 Mai Thúc Loan đã phất cờ khởi nghĩa chống lại nhà Đường (thời Đường Minh Hoàng), đất Nghệ An cũng là một trung tâm của cuộc khởi nghĩa. Mai Thúc Loan xưng là Mai Hắc Đế, xây thành Vạn An ở núi Hùng Sơn ( Nam Đàn) làm kinh đô. Nghĩa quân đã nhiều lần tấn công thành Tống Bình (Hà Nội). Trong cuộc kháng chiến lần thứ 2 chống Nguyên-Mông xâm lược (1285), nhân dân các tỉnh Bắc miền Trung, trong đó có Nghệ An đã phối hợp chiến đấu với quân triều đình do Thượng tướng Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải chỉ huy, anh dũng chiến đấu ngăn chặn tiêu hao đạo quân địch do Toa Đô chỉ huy khi chúng mở cuộc tấn công gọng kìm từ lãnh thổ Chiêm Thành lên phía Bắc. Nghệ An là một trong những hậu phương vững chắc cho cuộc kháng chiến chống Nguyên- Mông. “Hoan-Diễn do tồn thập vạn binh” (thơ Trần Nhân Tông), là niềm tin tưởng vững chắc cho triều đình vào lúc cuộc kháng chiến lâm vào tình thế hiểm nghèo nhất, lúc mà thế nước nguy như trứng chồng. Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Thanh năm 1789, khi Quang Trung hành quân ra Nghệ An, Thanh Hoá, thanh niên ở đây đã nô nức tòng quân, đưa quân số quân Tây Sơn từ 5 vạn lên đến 10 vạn, đủ sức cho Vua Quang Trung tiêu diệt 29 vạn quân Thanh trong chiến dịch Ngọc Hồi- Thăng Long, hoàn thành sự nghiệp giải phóng Thăng Long, giải phóng đất nước.
Trong thời kỳ phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp, nhân dân Nghệ An tích cực tham gia vào cuộc khởi nghĩa Phan Đình Phùng. Ngay trong vùng quê của Hồ Chí Minh, có cuộc khởi nghĩa ở xã Chung Cự của Vương Thúc Mậu. Ông đã lập đội nghĩa binh ở Chung Cự, gọi là Chung nghĩa binh để chống Pháp. Thôn Sa Nam, huyện Nam Đàn là quê hương của Phan Bội Châu, một trong những lá cờ đầu của phong trào giải phóng dân tộc đầu thế kỷ XX với phong trào Đông Du.
Nghệ An cũng là đất có truyền thống hiếu học trong đó có Chung Cự. Từ năm 1635 đến năm 1919 có 96 khoa thi hương, xã Chung Cự đã có 193 người đỗ hiếu sinh và tú tài.
Truyền thống yêu nước, cần cù, hiếu học của quê hương là một trong những nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến việc hình thành chủ nghĩa yêu nước, tài năng và đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thân phụ Hồ Chí Minh là cụ Nguyễn Sinh Sắc. Ông sinh năm 1862 (Nhâm Tuất) ở làng Kim Liên (làng Sen), xã Chung Cự (nay là xã Kim Liên), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Thuở nhỏ Nguyễn Sinh Sắc vất vả và khó khăn nên được cụ Hoàng Đường ở làng Hoàng Trù (cách làng Sen khoảng 2 km) đem về nuôi. Nguyễn Sinh Sắc ham học, ham làm nên được cụ Hoàng Đường yêu mến, gả con gái đầu lòng của cụ là bà Hoàng Thị Loan cho.
Ông Nguyễn Sinh Sắc đỗ Cử nhân. Sau năm 1894 ông vào Huế học ở Quốc Tử Giám chuẩn bị cho kỳ thi hội. Ông đem theo cả gia đình vào Huế gồm bà Hoàng Thị Loan, các con là Nguyễn Sinh Khiêm, Nguyễn Sinh Cung (Nguyễn Tất Thành). Con gái đầu của ông Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan là Nguyễn Thị Thanh gửi mẹ vợ nuôi.
Ngày 10 tháng 2 năm 1901 Nguyễn Sinh Cung trải qua một tang tóc lớn: Bà Hoàng Thị Loan mất tại Huế.
Tháng 5-1901, năm Thành Thái thứ 13 ông Nguyễn Sinh Sắc thi Hội đỗ học vị Phó bảng. Năm đó ông 40 tuổi.
Năm 1904, ông Nguyễn Sinh Sắc dạy học tại nhà ông Nguyễn Bá Úy, thôn Hạ, xã Chính Trung, tổng Du Đồng, phủ Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
Tháng 5 năm 1905 Nguyễn Sinh Sắc vào Huế. Tháng 6 năm 1906 ông nhận chức Thừa biện Bộ lễ (năm ông 48 tuổi). Tháng 2 năm Duy Tân thứ 2 ông Nguyễn Sinh Sắc được thăng chức Tu soạn thư trước tác.
Tháng 6-1909, ông Nguyễn Sinh Sắc nhậm chức tri huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định (nay là huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định).
Tháng 1-1910, ông Nguyễn Sinh Sắc bị bãi chức tri huyện Bình Khê, bị triệu hồi về kinh đô. Sau đó ông không về quê mà vào Sài Gòn, và về sinh sống ở Cao Lãnh (nay là thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) cắt thuốc giúp đỡ nhân dân. Nay mộ phần của cụ Nguyễn Sinh Sắc ở thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
Thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh là bà Hoàng Thị Loan. Bà sinh năm 1868, là người phụ nữ đôn hậu, đảm đang, làm ruộng và dệt vải. Bà hết lòng thương yêu và chăm sóc cho chồng, con ăn học.
Hai ông bà Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan sinh được bốn người con: Người con cả là bà Nguyễn Thị Thanh, còn có tên là Nguyễn Thị Bạch Liên. Bà sinh năm 1884. Người con thứ hai là ông Nguyễn Sinh Khiêm, sinh năm 1888. Ông còn có tên là Nguyễn Tất Đạt.
Người thứ 3 là Nguyễn Sinh Cung (Chủ tịch Hồ Chí Minh), sinh năm 1890. Năm 1894 bà Hoàng Thị Loan đi theo ông Nguyễn Sinh Sắc vào Huế khi ông vào học ở Quốc Tử Giám chuẩn bị cho kỳ thi Hội, đem theo hai con trai là Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung. Tại Huế bà Hoàng Thị Loan sinh thêm con trai thứ tư là Nguyễn Sinh Nhuận, còn gọi là Xin nhưng được vài tháng thì mất tại Huế. Cuộc hành trình vô cùng gian khổ cùng với những gian nan vất vả tại Huế làm cho bà Hoàng Thị Loan ốm nặng và mất tại Huế *ngày 10-2-1901 (22 tháng 12 năm Canh Tý), thọ 33 tuổi. Bà mất khi ông Nguyễn Sinh Sắc đi coi thi ở Thanh Hoá và sau đó đang về thăm quê ở Kim Liên, Nghệ An. Hài cốt của bà Hoàng Thị Loan sau này được bà Ngyễn Thị Thanh đem từ Huế về và cùng ông Nguyễn Sinh Khiêm mai táng tại xã Nam Giang, Nam Đàn, Nghệ An, trên núi Đại Huệ.
Anh của Chủ tịch Hồ Chí Minh là ông Nguyễn Sinh Khiêm, còn có tên là Nguyễn Tất Đạt. Ông sinh năm 1888. Năm 1901 ông được bố mẹ đem vào Huế cùng em là Nguyễn Sinh Cung khi ông Nguyễn Sinh Sắc vào học Quốc Tử Giám chuẩn bị cho thi Hội.
Lớn lên ông đã tham gia cuộc biểu tình chống thuế ở Thừa Thiên. Sau đó ông Nguyễn Tất Đạt về quê tham gia phong trào Duy Tân. Năm 1914 ông bị thực dân Pháp bắt đi đày ở Nha Trang. Sau ông bị đưa về quản thúc tại thôn Phú Lễ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Năm 1942 ông Nguyễn Sinh Khiêm được trả lại tự do sau 28 năm bị tù đày và quản thúc.
Khoảng năm 1946 ông Nguyễn Sinh Khiêm có ra Hà Nội thăm Hồ Chí Minh. Ông đến cổng Bắc Bộ Phủ nhờ chuyển mảnh giấy ghi: Đạt thăm Thành. Hai anh em hàn huyên nửa giờ sau gần 40 năm xa cách. Khi về ông Khiêm không chịu cho tiễn, nói là ra ga cho kịp giờ tàu.
Ông Nguyễn Sinh Khiêm mất năm 1950 tại Nam Đàn, Nghệ An.
Chị của Chủ tịch Hồ Chí Minh là bà Nguyễn Thị Thanh, còn có tên là Nguyễn Thị Bạch Liên. Bà sinh năm 1884, là con thứ nhất của ông Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan. Từ nhỏ bà sống với ông ngoại Hoàng Đường và bà ngoại Nguyễn Thị Kép.
Bà từng nuôi dấu các thủ lĩnh và nghĩa quân chống Pháp, vận động nhân dân tiếp tế lương thực cho nghĩa quân. Bà từng tham gia Hội Duy Tân. Năm 1918 bà bị thực dân Pháp bắt đi đày ở Quảng Ngãi. Sau đó đưa về quản thúc ở Huế.
Sau cách mạng tháng Tám năm 1946 bà Nguyễn Thị Thanh ra Hà Nội thăm em là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là lần gặp đầu tiên của chị và em sau sau 35 năm xa cách (kể từ năm 1911). Hai chị em gặp nhau nửa giờ rồi bà không chịu ở Bắc Bộ Phủ mà đòi ra ở nhà quen ở phố Hàng Nón. Rồi bà cụ chịu để đưa đi thăm Hồ Hoàn Kiếm, chợ Đồng Xuân, đường Cổ Ngư, chùa Một Cột, đi xem hát tuồng. Có tối vui bà kể chuyện quê hương nội, ngoại, chuyện vô Huế đưa hài cốt bà Hoàng Thị Loan về quê, chuyện vô Nam đến Cao Lãnh tạ ơn bà con miền Nam lo phần mộ cho ông Nguyễn Sinh Sắc rất chu tất. Quà của bà cụ cho em là một chục trứng gà muối bọc tro trấu tự tay bà làm. Chỉ được một tuần ở Hà Nội bà đã ra về, chỉ nhận mấy thước vải the và lĩnh làm kỷ niệm.
Bà Nguyễn Thị Thanh mất năm 1954. Phần mộ của bà ở trong khu mộ họ Nguyễn xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An.
3. Thời thanh thiếu niên của Hồ Chí Minh.
Thời thơ ấu của Hồ Chí Minh có tên là Nguyễn Sinh Cung. Nguyễn Sinh Cung sinh ngày 19-5-1890 tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Phần lớn thời niên thiếu của Nguyễn Sinh Cung sống ở nhà ông bà ngoại là ông Hoàng Đường và bà Nguyễn Thị Kép ở làng Hoàng Trù, xã Chung cự. Nguyễn Sinh Cung vì là nhỏ nhất nhà nên được chăm sóc nhiều hơn. Nguyễn Sinh Cung thông minh, nhớ giỏi và hay hỏi những điều mới lạ.
Ngày 22-5-1893 Nguyễn Sinh Cung trải qua cái tang lớn đầu tiên: Ông ngoại Hoàng Đường qua đời.
Cuối năm 1895 Nguyễn Sinh Cung khi đó mới 5 tuổi vào Huế cùng cha mẹ và anh Nguyễn Sinh Khiêm khi ông Nguyễn Sinh Sắc vào học Quốc Tử Giám.
Cuối năm 1898 Nguyễn Sinh Cung sống với cha và anh ở làng Dương Nỗ, xã Phú Dương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên, cách Huế 7 km khi ông Nguyễn Sinh Sắc về đây dạy học chữ Hán. Tại đây Nguyễn Sinh Cung bắt đầu học chữ Hán.
Ngày 2-10-1901 Nguyễn Sinh Cung chịu tang lớn nhất trong cuộc đời: bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu của Người qua đời ở Huế. Sau khi bà Hoàng Thị Loan mất, Nguyễn Sinh Cung về sống với bà ngoại và tiếp tục học chữ Hán.
Tháng 5 năm 1901 Nguyễn Sinh Cung đón niềm vui trong đời niên thiếu: ông Nguyễn Sinh Sắc đỗ học vị Phó bảng trong khoa thi hội năm Tân sửu, năm Thành Thái thứ 13.
Tháng 9 năm 1901 ông Nguyễn Sinh Sắc đem các con về sống ở quê nội làng Sen (Kim Liên). Cùng năm đó Nguyễn Sinh Cung mang tên mới: Nguyễn Tất Thành.
Mùa xuân năm 1903 Nguyễn Tất Thành khi đó 13 tuổi theo ông Nguyễn Sinh Sắc đến xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương. Nguyễn Tất Thành đã nghe được các cuộc đàm đạo về thời cuộc giữa ông Nguyễn Sinh Sắc với các văn thân.
Ngày 13 tháng 4 năm 1904 Nguyễn Tất Thành chịu tang lớn thứ 3: bà ngoại Nguyễn Thị Kép mất. Sau sự kiện này Nguyễn Tất Thành về quê học chữ Hán ở làng Ngọc Đình, gần làng Kim Liên để hương khói cho bà ngoại. Tại đây Nguyễn Tất Thành được chứng kiến cảnh phu phen khổ cực của nhân dân khi đi đắp đường Cửa Rào từ Nghệ An đến Trấn Ninh. Thời đó đã có câu ca :
Ai đi đến chốn Cửa Rào
Nhớ đem chiếc chiếu bó vào trải ra.
Sau đó Nguyễn Tất Thành đi cùng ông Nguyễn Sinh Sắc sang làng Du Đồng, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, đi thăm làng Đông Thái, quê hương cụ Phan Đình Phùng, thăm làng Trung Lễ quê hương Lê Ninh, thăm thành Lục Niên, miếu thờ La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, danh nhân của Nghệ- Tĩnh thế kỷ XVIII.
Tháng 7 năm 1905 Nguyễn Thúc Canh, một người trong phong trào Đông du của cụ Phan Bội Châu đến vận động Nguyễn Tất Thành đi Đông Du nhưng anh Thành không đi.
Năm 1905 Nguyễn Tất Thành cùng anh là Nguyễn Tất Đạt vào học lớp dự bị trường Tiểu học Pháp-bản xứ ở Vinh. Tại đây lần đầu tiên Nguyễn Tất Thành tiếp xúc với các khái niệm tự do, bình đẳng, bác ái, những khái niệm trong lý thuyết cách mạng dân chủ tư sản Âu châu.
Năm 1906 Nguyễn Tất Thành cùng anh theo cha vào Huế khi ông Nguyễn Sinh Sắc (lúc này là Nguyễn Sinh Huy) nhậm chức Thừa biện Bộ lễ. Nguyễn Tất Thành vào học lớp dự bị tại Trường Tiểu học Pháp-Việt tỉnh Thừa Thiên, sau đó vào học lớp sơ đẳng tại trường này năm 1907. Ngày 4-12-1908 Nguyễn Tất Thành tham gia cuộc biểu tình chống thuế của nhân dân Thừa Thiên.
Tháng 9 năm 1908 Nguyễn Tất Thành vào học trường Quốc học Huế, lớp Trung đẳng. Tại đây Nguyễn Tất Thành được chứng kiến sự khinh rẻ của người Pháp đối với người Việt, anh cũng được nghe các sĩ phu bàn luận về con đường cứu nước, được nghe kể về các vị vua yêu nước Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân.
Tháng 6 năm 1909 Nguyễn Tất Thành theo cha về huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định, nơi ông Nguyễn Sinh Sắc được bổ nhiệm làm Tri huyện. Tại đây anh Thành đi thăm di tích vua Quang Trung Nguyễn Huệ. Cùng năm Nguyễn Tất Thành vào học chương trình cao đẳng tại Trường Tiểu học Pháp-Việt Quy Nhơn. Tại đây Nguyễn Tất Thành đã cùng học tiếng Pháp với ông Phạm Ngọc Thọ, thân sinh của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch nổi tiếng sau này.
Tháng 1 năm 1910 trên đường từ Quy Nhơn vào Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành nghe tin ông Nguyễn Sinh Sắc bị bãi chức tri huyện Bình Khê và bị triều đình triệu hồi về Huế. Tháng 9 năm đó Nguyễn Tất Thành dừng chân ở Phan Thiết và dạy học ở Trường Dục Thanh cho đến tháng 2-1911. Thầy Thành phụ trách môn thể dục buổi sáng của nhà trường. Thầy hết sức thương yêu học trò, luôn truyền bá cho họ những tư tưởng yêu nước với những bài ca Á tế á ca, bài ca hớt tóc; thầy Thành chăm lo xây dựng tủ sách, hướng dẫn học trò thăm phong cảnh đẹp của Phan Thiết như bãi biển Thương Chanh, hang động Thiềng Đức…
(Còn nữa)
CVL