Những vấn đề lịch sử Việt Nam - Kỳ 36

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tác phẩm “Những vấn đề lịch sử Việt Nam” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh Niên ấn hành năm 2022.

Kỳ 36.

 XIII.  HỒ CHÍ MINH-CUỘC ĐỜI HOẠT ĐỘNG          

1. Hoàn cảnh lịch sử đất nước và thế giới: Năm 1858 thực dân Pháp nổ súng tấn công vào bán đảo Sơn Trà - Đà Nẵng. Nếu thắng lợi chúng sẽ tấn công ra Huế, buộc triều đình nhà Nguyễn ký hiệp định đầu hàng, nhanh chóng kết thúc chiến tranh và chiếm được toàn bộ Việt Nam. Nhưng quân ta do Nguyễn Tri Phương chỉ huy đã chặn được quân Pháp.

 Chiến lược đánh nhanh thắng nhanh thất bại, thực dân Pháp quay sang chiến lược đánh lâu dài mà trước hết chúng đánh chiếm sáu tỉnh miền Nam làm căn cứ để từ đó chúng đánh chiếm toàn bộ Việt Nam và Đông Dương. Do chính sách nhân nhượng, đầu hàng của chính quyền Tự Đức, trong các năm 1859 đến 1867 thực dân Pháp chiếm trọn sáu tỉnh Nam Kỳ.

Tháng 11 năm 1873 Pháp đánh thành Hà Nội lần 1. Thành Hà Nội thất thủ. Khâm sai Đại thần Nguyễn Tri Phương bị trọng thương nhịn ăn mà chết. Năm 1883 thực dân Pháp đánh chiếm Hà Nội lần 2. Thành Hà Nội mất. Tổng đốc Hoàng Diệu thắt cổ chết. 20-8-1883 Pháp đánh chiếm cửa biển Thuận An. Cùng năm đó triều đình Huế ký với Pháp hiệp ước Hác măng và năm 1884 ký hiệp ước Patơnốt dâng toàn bộ nước ta cho Pháp. Nước ta bị biến thành thuộc địa của Pháp.

 Với truyền thống anh hùng bất khuất, nhân dân ta không chịu khuất phục, liên tục nổi dậy kháng chiến chống xâm lược. Các cuộc kháng chiến của Trương Công Định, Nguyễn Trung Trực…ở miền Nam, cuộc chống Pháp ở Kinh thành Huế do Tôn Thất thuyết và vua Hàm Nghi lãnh đạo; tiếp đến là phong trào Cần Vương với những cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng ở Hà Tĩnh, Đinh Công Tráng ở Thanh Hoá, Nguyễn Thiện Thuật ở Hưng Yên, phong trào nông dân do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo ở Yên Thế, Bắc Giang. Tất cả đều bị thực dân Pháp và tay sai dìm trong biển máu và thất bại. Sự thất bại của các phong trào nói lên dưới ngọn cờ tư tưởng của giai cấp nông dân và phong kiến không thể giải phóng được dân tộc. Cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta khủng hoảng về đường lối và giai cấp lãnh đạo từ ngày đó. Như vậy, Hồ Chí Minh ra đời vào lúc tiếng súng Cần Vương đang vang lên và tàn lụi báo hiệu công cuộc xâm lược và bình định của thực dân Pháp hoàn thành.

  Thực dân Pháp hoàn thành công cuộc xâm lược và bình định, cuối thế kỷ XIX chúng bước sang giai đoạn khai thác,  bóc lột Đông Dương. Lịch sử gọi đây là cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất. Tiếp đó là cuộc khai thác thuộc địa lần thứ 2 được tiến hành sau năm 1919 để bù đắp lại những thiệt hại của Pháp trong Đại chiến thế giới thứ nhất (1914-1918).

Cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp làm cho Đông Dương chuyển biến mạnh mẽ về kinh tế. Bên cạnh kinh tế phong kiến, Việt Nam xuất hiện những nhân tố kinh tế và quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa. Trên cơ sở kinh tế tư bản chủ nghĩa, xã hội Việt Nam cũng chuyển biến mạnh mẽ, bên cạnh giai cấp phong kiến và nông dân có từ nghìn xưa, những giai cấp mới như vô sản, tư sản, tầng lớp mới như thị dân, trí thức ra đời. Những tầng lớp, giai cấp mới này sẽ tiếp thu những tư tưởng mới từ phương Tây truyền bá vào để tạo nên những xu hướng đấu tranh giải phóng dân tộc mới vào đầu thế kỷ XX. Khi Hồ Chí Minh 14 tuổi là lúc trong nước đang có cuộc vận động cách mạng của hai cụ Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh.

 Phan Bội Châu quê ở thôn Sa Nam, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Cụ chủ trương bạo động, dựa vào Nhật để đánh Pháp. Cụ hô hào phong trào Đông du, đưa thanh niên Việt Nam sang Nhật học để về cứu nước. Đến năm 1908 đã có 200 thanh niên Việt Nam du học ở Nhật Bản, được tổ chức phi Chính phủ: Đông Á Đồng văn hội bảo trợ. Năm 1908 Chính phủ Đông Dương đề nghị Chính phủ Nhật Bản trục xuất những du học sinh ở Nhật Bản. Phong trào Đông du của Phan Bội Châu thất bại.

 Cụ Phó bảng Phan Chu Trinh quê ở huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Cụ cho rằng dân khí, dân trí nước ta thấp cho nên dựa vào Pháp để cải cách, nâng cao dân trí và dân khí rồi mới nói đến việc giải phóng dân tộc. Cụ khởi xướng lên phong trào cải cách ôn hòa, hô hào học chữ Quốc ngữ, học khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, chấn hưng buôn bán thực nghiệp. Các cụ Lương Văn Can, Nguyễn Quyền… dưới ảnh hưởng của cụ Phan Chu Trinh đã mở trường Đông Kinh Nghĩa Thục tại Hà Nội để giáo dục cho học sinh tư tưởng yêu nước, những kiến thức mới của văn hoá Phương Tây. Năm 1907 Trường Đông Kinh Nghĩa Thục bị thực dân Pháp đóng cửa. Năm 1908 cụ Phan Chu Trinh bị thực dân Pháp bắt đày ra Côn Đảo. Phong trào cải cách ôn hòa bị đàn áp và thất bại.

 Trong thời niên thiếu, Hồ Chí Minh còn được chứng kiến công cuộc khai thác và bóc lột tàn khốc của thực dân Pháp. Nhân dân Việt Nam: Giai cấp vô sản, nông dân và tầng lớp trí thức, thị dân bị bóc lột tận xương tủy, bị chà đạp nhân phẩm, bị tước hết mọi nhân quyền và dân quyền, không có một chút tự do bình đẳng bác ái như các học thuyết dân chủ tư sản rêu rao.

 Hoàn cảnh lịch sử của Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, cuộc đấu tranh anh hùng bất khuất của nhân dân, nỗi thống khổ của nhân dân trong xã hội thuộc địa nửa phong kiến đã đem lại cho Hồ Chí Minh những suy ngẫm và nhận thức, sớm hình thành tư tưởng yêu nước, thương dân và quyết tâm đi tìm đường cứu nước, cứu dân. Sự thất bại của phong trào do những sĩ phu, văn thân yêu nước trong giai cấp phong kiến lãnh đạo, của phong trào nông dân, kể cả phong trào mang xu hướng tư sản của hai cụ Phan đã làm cho Hồ chí Minh sớm nhận: Thấy phải đi sang phương Tây tìm con đường cứu nước mới.

 Thời đại khi Hồ Chí Minh ra đời, lớn lên, hoạt động là một thế giới đầy biến động. Trước thế kỷ XVI chủ nghĩa tư bản đã ra đời trong lòng các nước phong kiến Tây Âu, tạo nên những tiền đề về kinh tế, xã hội, tư tưởng cho những cuộc cách mạng tư sản lật đổ chế độ phong kiến thối nát. Sang thế kỷ XVI, XVII, XVIII, XIX những cuộc cách mạng thế giới rung trời chuyển đất như cách mạng tư sản Nêđéclan (1566-1609), Cách mạng tư sản Anh (1640-1689), Cách mạng tư sản Mỹ (1773-1783), Cách mạng tư sản Pháp (1789-1794), Cách mạng tư sản Nhật 1868 và những phong trào Cách mạng tư sản khác đã lật đổ chế độ phong kiến, thay thế vào đó là chế độ tư bản chủ nghĩa. Cuối thế kỷ XIX chủ nghĩa tư bản đã chiến thắng chế độ phong kiến, xác lập thành một hệ thống chính trị, kinh tế trên toàn thế giới.

 Cuối thế kỷ XVIII nước Anh đi tiên phong trong công cuộc công nghiệp hóa tư bản chủ nghĩa, lao động chân tay thủ công nghiệp được thay thế bằng lao động cơ giới, máy móc. Công nghiệp hóa tư bản chủ nghĩa từ Anh lan ra hầu khắp các nước Tây Âu và Mỹ. Công nghiệp hóa và đô thị hóa bành trướng chưa từng thấy. Ra đời giai cấp vô sản đại công nghiệp. Mâu thuẫn cơ bản của thời đại là mâu thuẫn giữa vô sản với tư sản ngày càng gay gắt. Giữa thế kỷ XIX chủ nghĩa Mác ra đời và được giai cấp vô sản tiếp nhận là tư tưởng của mình. Giai cấp vô sản ngày càng trưởng thành và đang trở thành giai cấp trung tâm của thời đại, tiến tới cách mạng vô sản. Trong quá trình ra đời, giai cấp công nhân thế giới không chỉ tăng về số lượng mà còn trưởng thành về chất lượng, đi từ tự phát sang quá trình tự giác. Chủ nghĩa Mác-Lênin kết hợp với phong trào công nhân đã ra đời nhiều tổ chức và chính Đảng của công nhân thế giới như các Đảng Xã hội, Đảng Dân chủ, Đảng Cộng sản và nhiều tổ chức Công đoàn nghề nghiệp khác. Các tổ chức quốc tế của công nhân như Quốc tế I, Quốc tế II được Các Mác, Ph. Ăng ghen sáng lập và rèn luyện đã hoàn thành sứ mệnh giáo dục và tổ chức giai cấp công nhân trưởng thành để bước vào cuộc đấu tranh giai cấp.

 Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh nhường chỗ cho chủ nghĩa tư bản độc quyền, chủ nghĩa tư bản tiến lên đế quốc chủ nghĩa. Các cường quốc đế quốc ra sức đẩy mạnh công cuộc xâm lược thuộc địa và đã phân chia xong thế giới. Các nước Á, Phi bị biến thành thuộc địa của các cường quốc châu Âu. Hình thành nên hệ thống thuộc địa nằm trong quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản và mâu thuẫn gay gắt với chính quốc. Một trong những mâu thuẫn cơ bản của thời đại xuất hiện và đặt ra nhiệm vụ giải phóng các dân tộc thuộc địa.

 Thế giới đã phân chia xong làm cho một trong những mâu thuẫn của thời đại là mâu thuẫn giữa đế quốc với đế quốc về vấn đề thuộc địa ngày càng gay gắt. Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, phe đế quốc đã chia thành hai khối: Khối Đức-Áo-Hung-Thổ Nhĩ Kỳ và bên kia là khối Anh-Nga-Pháp. Mâu thuẫn giữa hai khối này đã đưa thế giới vào cuộc Đại chiến thế giới thứ nhất năm 1914-1918, lôi cuốn 36 nước vào vòng khói lửa, tàn sát sinh mạng và phá hoại nền văn minh nhân loại vô cùng to lớn.

 Đại chiến thế giới thứ nhất không chỉ gây đau thương, đói khổ, chết chóc cho các nước thuộc địa mà cả nhân nhân dân các nứơc tư bản chủ nghĩa cũng chịu hậu quả nặng nề. Mâu thuẫn giữa công nhân, nhân dân lao động với tư sản ở các nước tư bản trở nên gay gắt và bùng nổ các cuộc cách mạng dân chủ tư sản hoặc cách mạng vô sản. Một trong những sự kiện rung chuyển thế giới thời kỳ đó là ở đế quốc Nga bùng nổ cuộc Cách mạng Xã hội chủ nghĩa Tháng Mười năm 1917, lật đổ chế độ tư bản Nga, thiết lập nhà nước của vô sản và lao động: Liên bang Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Xô Viết (Liên Xô). Cuộc cách mạng này mở đầu một thời đại mới mà nội dung là quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, diễn ra cuộc đấu tranh giữa vô sản với tư sản xem ai thắng ai trên phạm vi thế giới. Cách mạng Tháng Mười Nga không chỉ giải phóng lao động Nga mà còn mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc thuộc địa. Cách mạng Tháng Muời Nga do đó có ảnh hưởng lớn đến việc tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc và con đường đi sau này của cách mạng Việt Nam.

 Hoàn cảnh lịch sử thế giới khi đó quyết định và ảnh hưởng to lớn đến cuộc đời hoạt động, tìm con đường cứu nước, việc hình thành tư tưởng của Hồ Chí Minh. Từ người yêu nước, Người đã trở thành người Cộng sản, đã tìm thấy con đường giải phóng dân tộc bằng con đường cách mạng vô sản trong tác phẩm của Lênin, đã tìm thấy những đồng minh cho cách mạng Việt Nam là những dân tộc Á-Phi bị chủ nghĩa thực dân xâm lược và nô dịch, là chính giai cấp công nhân và nhân dân lao động các nước tư bản như nhân dân Pháp…là nhân dân và chính phủ Liên Xô, là Đệ tam Quốc tế do Lênin thành lập và giáo dục.

(Còn nữa)

CVL