Kỳ 35.
Đảng kiểu mới ở một nước thuộc địa muốn ra đời phải kết hợp ba nhân tố : Chủ nghĩa Mác-Lênin kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Nhận rõ tầm quan trọng của Đảng kiểu mới đối với thắng lợi của cách mạng Việt Nam nên Hồ Chí Minh đã ra sức chuận bị những nhân tố về tư tưởng, chính trị, về tổ chức, truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam và vào phong trào công nhân Việt Nam để thúc đẩy sự phát triển của phong trào cách mạng, tạo những tiền đề chín muồi cho Đảng ra đời vào năm 1930. Đảng ra đời là bước ngoặt to lớn của phong trào công nhân Việt Nam, của lịch sử Việt Nam. Những tư tưởng về Đảng kiểu mới của Hồ Chí Minh đã biến thành hiện thực. Đó là một thắng lợi to lớn, công lao lớn của Hồ Chí Minh trong giai đoạn này.
Hồ Chí Minh phát triển, hoàn thiện chiến lược, sách lược cách mạng dân tộc dân chủ ở Việt Nam: Những tư tưởng này được thể hiện trong “ Chính cương vắn tắt, sách lược vắn tắt”, “Điều lệ tóm tắt” là cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng năm 1930. Các văn kiện đã trình bày tư tưởng cách mạng dân tộc dân chủ một cách khoa học: Định ra tính chất của xã hội Việt Nam là thuộc địa nửa phong kiến, tồn tại hai mâu thuẫn cơ bản, mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với đế quốc Pháp, thứ hai là mâu thuẫn giữa nhân dân, chủ yếu là nông dân với địa chủ phong kiến. Để giải quyết hai mâu thuẫn cơ bản trên Việt Nam phải tiến hành hai cuộc cách mạng, cách mạng giải phóng dân tộc chống đế quốc và cách mạng dân chủ chống phong kiến mang lại ruộng đất cho nông dân và quyền dân chủ cho nhân dân, đó là cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Hai nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến quan hệ khăng khít với nhau nhưng chống đế quốc là nhiệm vụ hàng đầu vì ở một nước thuộc địa, giải phóng dân tộc là nhiệm vụ bức thiết nhất. Có giải phóng được dân tộc thì mới giải quyết được nhiệm vụ giai cấp. Có đặt nhiệm vụ dân tộc lên hàng đầu thì mới tập hợp được sức mạnh dân tộc để chiến thắng quân thù. Nhiệm vụ dân chủ được tiến hành từng bước nhằm tăng cường sức mạnh cho chủ lực quân cách mạng là nông dân và công nhân. Bảo đảm khối đoàn kết dân tộc để hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ. Về lực lượng cách mạng ngoài công-nông thì còn bao gồm cả tư sản dân tộc, tiểu tư sản, địa chủ thân hào yêu nước. Tất cả tập hợp trong Mặt trận dân tộc thống nhất. Từ trước 1935 tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc thuộc địa bất đồng với khuynh hướng tả khuynh của Quốc tế Cộng sản. Năm 1935 trước nguy cơ chủ nghĩa phát xít nắm chính quyền và phát động chiến tranh thế giới mới, Đại hội VII Quốc tế Cộng sản chỉ đạo các Đảng Cộng sản ở các nước lập Mặt trận dân tộc thống nhất, tập hợp mọi lực lượng chống chủ nghĩa phát xít và nguy cơ chiến tranh thế giới. Chủ trương của Quốc tế Cộng sản đã chứng minh tư tưởng Hồ Chí Minh là hoàn toàn đúng đắn. Năm 1941 tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng dân tộc dân chủ được Hội nghị VIII Trung ương Đảng thừa nhận, đánh dấu sự chuyển hướng chiến lược của Đảng Cộng sản Việt Nam, đưa đến thắng lợi của cách mạng Tháng Tám 1945.
Năm 1941 Hồ Chí Minh về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Đây là thời kỳ trực tiếp chuẩn bị tiến tới Cách mạng Tháng Tám. Tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng dân tộc dân chủ trở thành đường lối của Đảng. Đảng hoàn thiện việc chuyển hướng chỉ đạo chiến lược đề cao nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Năm 1940 phát xít Nhật xâm lược Đông Nam Á, thống trị Đông Dương, dân tộc như nằm trong nước sôi lửa bỏng, vận mệnh dân tộc nguy cơ không lúc nào bằng. Vấn đề giải phóng dân tộc càng được đề ra một cách bức thiết.
Hồ Chí Minh tiếp tục phát triển tư tưởng đoàn kết dân tộc để giải phóng dân tộc. Người chủ trương thành lập Mặt trận Việt Minh là hình thức phù hợp để đoàn kết dân tộc.
Hồ Chí Minh tiếp tục phát triển tư tưởng quân sự trong khởi nghĩa vũ trang để giành chính quyền. Sáng tạo tư tưởng bạo lực cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, Hồ Chí Minh cho rằng bạo lực cách mạng quần chúng phải là hai lực lượng, lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang, kết hợp hai hình thức đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang.
Tiến hành xây dựng căn cứ địa cách mạng để xây dựng lực lượng. Thực hiện khởi nghĩa từng phần và tiến lên tổng khởi nghĩa khi có thời cơ, giành thắng lợi từng bước tiến đến giành thắng lợi hoàn toàn.
Về vấn đề dân tộc của ba nước Đông Dương, Hồ Chí Minh khẳng định quyền tự quyết của các dân tộc, chủ trương thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất riêng từng nước để phát huy sức mạnh nội tại của mỗi nước. Khi cách mạng thắng lợi mỗi nước thành lập nhà nước độc lập riêng. Tuy nhiên ba nước vẫn đoàn kết để tạo sức mạnh chống kẻ thù chung.
6. Kết luận: Vào những năm cuối cùng của thế kỷ XIX và những năm đầu thế kỷ XX, Việt Nam bị thực dân Pháp xâm lược và bị biến thành nước thuộc địa nửa phong kiến. Nhiệm vụ lịch sử dân tộc đặt ra khi đó là phải đấu tranh giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị tàn bạo của thực dân và phong kiến tay sai. Nhưng những cuộc đấu tranh của nhân dân ta đều thất bại. Một trong những lý do thất bại là cách mạng Việt Nam khủng hoảng về đường lối và giai cấp lãnh đạo. Nhiệm vụ bức thiết đặt ra là phải đi tìm con đường cứu nước đúng đắn. Sứ mệnh lịch sử đặt trên vai những nhà ái quốc Việt Nam khi đó như Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Nguyễn Ái Quốc…Cuối cùng Nguyễn Ái Quốc đã tìm được con đường cứu nước. Lý giải sự thành công của Nguyễn Ái Quốc có thể thấy khi đi tìm đường cứu nước Hồ Chí Minh đã tự trở thành người lao động, tự trở thành người công nhân, gia nhập vào đảng của giai cấp công nhân Pháp và từ những tổ chức này mới biết đến Cách mạng tháng Mười Nga, biết Đệ tam Quốc tế, biết tới Lênin và tìm được con đường cứu nước đúng đắn là chủ ngghĩa Mác-Lênin, tư tưởng của giai cấp công nhân và khẳng định: Giải phóng dân tộc bằng con đường cách mạng vô sản.
Những tư tưởng cách mạng của Hồ Chí Minh được hình thành từ khi ở trong nước, từ những hoạt động ở nhiều nước và ở nước Pháp nhưng chỉ có thể phát triển và hoàn thiện cơ bản trong thời gian Người ở Liên Xô. Liên Xô là quê hương của cách mạng tháng Mười, là quê hương của chủ nghĩa Lênin, là trung tâm của cách mạng thế giới, là nơi đầu não của Quốc tế III, là nơi đi lại học tập của nhiều nhà cách mạng thế giới.
Những lý luận cơ bản mà Hồ Chí Minh có được càng thêm phong phú bởi sự nhận thức nhạy cảm sâu sắc thực tiễn lịch sử của các nước thuộc địa, lịch sử phong trào cộng sản công nhân quốc tế.
Năm 1938 khi rời Liên Xô qua Trung Quốc, về nước năm 1941 trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh đã không ngừng áp dụng sáng tạo những lý luận cách mạng thuộc địa vào thực tiễn cách mạng Việt Nam.
Thắng lợi của cách mạng Tháng Tám năm 1945, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1946-1954, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ 1954-1975 là thắng lợi của chủ nghĩa Mác-Lênin, là thắng lợi của những tư tưởng cách mạng Hồ Chí Minh ở một nước thuộc địa.
------------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tiểu sử và sự nghiệp, NXB Sự Thật, Hà Nội. 1986.
2. E. Cô-bêlep. Đồng chí Hồ Chí Minh, NXB Cận vệ Thanh Niên, Matxcơva. 1985, Tiếng Nga.
3. Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Biên niên tiểu sử Hồ Chí Minh, NXB Chính trị Quốc Gia, Hà Nội. 2006.
4. Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, NXB Sự Thật, Hà Nội. 1975.
5. Cao Văn Liên, Hỏi đáp Bộ môn tư tưởng Hồ Chí Minh, NXb Đại học Quốc Gia, Hà Nội. 2009.
6. Báo cứu quốc, số 748, ngày 6-11-1947.
(Còn nữa)
CVL