Kỳ 41.
Về tình hình Đông Dương, mâu thuẫn giữa các dân tộc Đông Dương với phát xít Nhật, Pháp là mâu thuẫn chủ yếu. Giải quyết mâu thuẫn này là một đòi hỏi cấp bách quyết định sự tồn vong của các dân tộc Đông Dương. Xuất phát từ đó, Hội nghị VIII Ban Chấp hành Trung ương đề cao nhiệm vụ dân tộc, trước hết là cách mạng giải phóng dân tộc. Đó là nhiệm vụ bức thiết của cách mạng Đông Dương. Vì nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc, không đòi được độc lập dân tộc thì chẳng những toàn thể quốc gia còn chịu mãi kiếp ngựa trâu mà quyền lợi của bộ phận, của giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được.
Về vấn đề ruộng đất, để đoàn kết dân tộc, Hội nghị VIII Ban Chấp hành Trung ương chủ trương tạm gác khẩu hiệu ruộng đất, chỉ tịch thu ruộng của Việt gian, đế quốc chia cho dân cày và giảm tô, mang lại cho nông dân một phần quyền lợi, chưa đánh đổ toàn bộ giai cấp địa chủ để tranh thủ thân sĩ yêu nước tham gia Mặt trận giải phóng dân tộc.
Về mối quan hệ cách mạng giữa ba nước Đông Dương. Hội nghị VIII Ban Chấp hành Trung ương đặt vấn đề dân tộc trong phạm vi từng nước nhằm phát huy sức mạnh và tính tự chủ của từng dân tộc, đồng thời vẫn bảo đảm sự liên minh gắn bó giữa ba dân tộc Việt, Lào, Campuchia cùng chống kẻ thù chung. Sau khi ba nước giành độc lập dân tộc thì có quyền tự quyết, muốn thành lập quốc gia riêng hay thành lập Liên bang Đông Dương thì tuỳ theo nguyện vọng của nhân dân ba nước. Riêng Việt Nam sau khi cách mạng thành công sẽ thành lập Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, quốc kỳ màu đỏ sao vàng năm cánh.
Để đoàn kết dân tộc, Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận đoàn kết dân tộc: Việt Nam độc lập Đồng Minh hội (Việt Minh), ở Lào thành lập Ai Lao độc lập Đồng Minh hội, Campuchia thành lập Cao Miên độc lập Đồng Minh hội. Sẽ tiến tới thành lập Đông Dương độc lập Đồng Minh để đoàn kết nhân dân ba nước. Việt Minh lấy liên minh công nông làm cơ sở. Tế bào cấu tạo nên mặt trận là các đoàn thể quần chúng mang tên cứu quốc: Hội Thanh niên cứu quốc, Hội Công nhân cứu quốc, Hội Nông dân cứu quốc, Hội Phụ nữ cứu quốc… Về phương pháp cách mạng: Trên cơ sở mặt trận để xây dựng lực lượng chính trị, xây dựng lực lượng vũ trang, dùng bạo lực cách mạng của quần chúng khởi nghĩa từng phần, khi thời cơ đến thì tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Hội nghị chủ trương ra sức chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền là nhiệm vụ trung tâm, phải xây dựng Đảng vững mạnh để giữ vai trò tiên phong trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.
Hội nghị đã bầu Ban Chấp hành Trung ương mới do đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư của Đảng.
Hội nghị VIII Ban Chấp hành Trung ương do Nguyễn Ái Quốc chủ trì có ý nghĩa to lớn, là sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược trong tình hình mới, có tác dụng trực tiếp chuẩn bị thắng lợi cho cách mạng Tháng Tám.
11. Nguyễn Ái Quốc lãnh đạo xây dựng phát triển lực lượng cách mạng ở Cao Bằng (5-1941 đến 8-1942): Từ tháng 5 -1941, Nguyễn Ái Quốc ở Cao Bằng lãnh đạo xây dựng Mặt trận Việt Minh, xây dựng lực lượng vũ trang, đào tạo bồi dưỡng cán bộ, xây dựng Đảng, viết thơ ca tuyên truyền lịch sử nước nhà, tuyên truyền chủ nghĩa yêu nuớc và tuyên truyền vận động cách mạng trong nhân dân Cao Bằng. Tháng 2-1942 Nguyễn Ái Quốc viết “Lịch sử nước ta” do Việt Minh tuyên truyền Bộ xuất bản lần thứ nhất tháng 2-1942. Tác phẩm lịch sử này gồm 208 câu lục bát trình bày lịch sử nước ta từ thời Hùng Vương (năm 2879 TCN đến năm 1942), tập trung chủ yếu vào lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm, nêu bật truyền thống yêu nước, bất khuất và đoàn kết của dân tộc ta. Nguyễn Ái Quốc còn là nhà thơ rung động trước cảnh đẹp thiên nhiên dù bận trăm công nghìn việc cách mạng. Ngày 24-6-1942, ở núi đá Lũng Dẻ, khu Lam Sơn, Cao Bằng, Nguyễn Ái Quốc đọc bài thơ chữ Hán “Thướng Sơn”:
Lục nguyệt nhị thập tứ,
Thượng đáo thử sơn lai.
Cử đầu hồng nhật cận,
Đối ngạn nhất chi mai.
Bản dịch của Tố Hữu: Lên núi
Hai mươi tư tháng sáu,
Lên ngọn núi này chơi.
Ngẩng đầu mặt trời đỏ,
Bên suối một nhành mai.
Những bài thơ, bài báo của Nguyễn Ái Quốc đăng trên báo “Việt Nam độc lập”. Đó là các bài thơ “Việt Nam độc lập và dân cày”, “Bài ca phụ nữ”, Bài thơ “Trẻ con”, Bài thơ “Công nhân”, diễn ca “Mười chính sách của Việt Minh”, Bài ca “Binh lính”, thơ “Chúc năm mới”, Bài ca “Đội tự vệ”, Bài thơ “Hòn đá”, Bài thơ “Con cáo và tổ ong”, Bài ca “Du kích”, Bài thơ “nhóm lửa” và nhiều sách, nhiều bài xã luận…
Nguyễn Ái Quốc quan tâm đến thanh thiếu niên làm cách mạng. Tháng 6 năm 1942, ở Nà Mạ, Người gặp và nói chuyện với Kim Đồng, một thiếu niên người Tày tham gia cách mạng. Kim Đồng đã hoàn thành nhiệm vụ đưa Nguyễn Ái Quốc về Pác Bó.
Trong thời gian ở Cao Bằng, ngoài Pác Bó, Khuổi Nậm, Nguyễn Ái Quốc còn đến châu Nguyên Bình, huấn luyện lớp chính trị tại hang Kéo Quảng, xã Gia Băng, châu Nguyên Bình, Người đến Lũng Hoài, nơi này địa thế hiểm trở được Người đặt là Lam Sơn (ví nơi đấy như căn cứ của Lê Lợi xưa ở Lam Sơn, Thọ Xuân, Thanh Hóa trong thời kỳ chống giặc Minh 1418-1427). Ít lâu sau Nguyễn Ái Quốc đến hang Bó Thúng trong khu di tích thành nhà Mạc, từng ở hang Lũng Dẻ trong khu núi đá Lam Sơn. Sau đợt công tác ở Hoà An, Nguyên Bình, Người lại trở về Pác Bó.
12. Hồ Chí Minh trong nhà lao của chính quyền Tưởng Giới Thạch (Từ tháng 8-1942 đến tháng 10-1943): Ngày 13-8 -1942, nguyễn Ái Quốc với tên mới là Hồ Chí Minh đi sang Trung Quốc để liên lạc với các lực lượng cách mạng của người Việt Nam và lực lượng Đồng minh ở Trung Quốc. Cùng đi có đồng chí Lê Quảng Ba. Hồ Chí Minh đã đến Ba Mông, huyện Tĩnh Tây, rồi đến Bình Mã, huyện lỵ huyện Điền Đông (Quảng Tây). Ngày 27-8-1942, Hồ Chí Minh lên đường đi Bình Mã, có một thanh niên Trung Quốc dẫn đường là Dương Đào, Lê Quảng Ba ở lại Tĩnh Tây. Hai người đến phố Túc Vinh, huyện Thiên Bảo, Quảng Tây thì bị quân tuần canh ở trụ sở của Quốc Dân Đảng bắt giữ với lý do tất cả giấy tờ tùy thân của Người đều quá hạn, chúng nghi ngờ là gián điệp. Từ Túc Vinh, Hồ Chí Minh cùng Dương Đào bị giải đi huỵên Thiên Bảo (Quảng Tây), từ Thiên Bảo bị giải đi huyện lỵ Tĩnh Tây và bị giam trong nhà giam C. H. S. (Chuyên viên công thự câu lưu sở) hơn hai tuần, ngày mang gông, đêm bị cùm chân. Ở C. H. S. qua Vương Tích Cơ, một quan chức người Trung Quốc, Hồ Chí Minh gửi thư cho Lê Quảng Ba báo tin bị bắt. Tại nhà lao Tĩnh Tây, Hồ Chí Minh viết 28 bài thơ bắt đầu cho tập sau này gọi là “Ngục trung nhật ký” nổi tiếng. Ngày 10-10-1942, Hồ Chí Minh bị Quốc Dân Đảng giải từ Tĩnh Tây sang Thiên Bảo. Tại đây Người viết đến bài thơ 43, rồi bị giải đến nhà ngục Đồng Chính, rồi lại đến nhà ngục Nam Ninh. Tại nhà ngục này Hồ Chí Minh viết đến bài thơ 81 của “Ngục trung nhật ký”. Ngày 18-11-1942, Hồ Chí Minh bị giải đến nhà ngục Vũ Minh cách Nam Ninh 43 km về phía Bắc và viết bài thơ 85 tại đây. Sau đó Hồ Chí Minh bị giải đi nhà ngục Tân Dương (Quảng Tây), một huyện trên đường từ Nam Ninh đến Quế Lâm. Tại nhà ngục Tân Dương người viết bài thơ số 93. Ngày 1-12-1942, Hồ Chí Minh bị giải đi nhà ngục Thiên Giang và bài thơ 94 ra đời. Từ nhà ngục Thiên Giang, Hồ Chí Minh bị giải đi nhà ngục Liễu Châu, một thành phố phía Bắc Quảng Tây. Từ Thiên Giang đi Lai Tân đến Liễu Châu người bị giải đi trên một toa xe lửa chở than. Người làm bài thơ 95, 96, 97. Tại Liễu Châu, Hồ Chí Minh viết các bài thơ 98, 99, 100, 101, 102, 103, 104. Tháng 1 năm 1943, Hồ Chí Minh bị giải đến nhà ngục Quế Lâm. Tại Quế Lâm Người viết các bài thơ 105, 106, 107, 108. Từ Quế lâm Hồ Chí Minh lại bị giải trở lại Liễu Châu giao cho Cục Chính trị Đệ tứ chiến khu tra xét và bị giam ở nhà ngục này từ đầu tháng 2-1943 cho đến ngày 10-9-1943. Trong thời gian ở nhà tù của Đệ tứ chiến khu, Người viết các bài thơ từ 109 đến 134 khép lại cuốn “ Ngục trung nhật ký”. Ngày 9-10-1943, Hồ Chí Minh được trả lại tự do.
Như vậy từ tháng 9-1942 đến tháng 2-1943, Hồ Chí Minh bị giải qua 13 huyện, thị: Thiên Bảo (nay là Đức Bảo), Tĩnh Tây, Điền Đông, Quả Đức (nay là Bình Quả), Long An, Đồng Chính, (nay thuộc Phù Tuy), Ung Ninh, Nam Ninh, Vũ Minh, Tân Dương, Lai Tân, Liễu Châu, Quế Lâm và bị giam ở 18 nhà giam gồm 13 nhà tù, đó là nhà giam của 13 huyện, thị kể trên và những nhà giam trên đường bị giải đi như Túc Vinh, Thiên Giang…
Được trả lại tự do nhưng Hồ Chí Minh vẫn bị giữ lại làm cố vấn cho Đệ tứ chiến khu từ tháng 10-1943 đến tháng 8-1944. Trong thời gian này Hồ Chí Minh tiếp xúc với một số tổ chức Việt Nam hoạt động tại Trung Quốc như Việt Nam Cách mạng Đồng minh hội của Nguyễn Hải Thần, người của Việt Nam Quốc dân Đảng Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam, với những tướng lĩnh của Đệ tứ chiến khu như tướng Trương Phát Khuê, Hầu Chí Minh, Đàm Liên Phương (Quân đoàn trưởng quân đoàn 84 Quốc Dân Đảng đóng ở Liễu Châu), Tiêu Văn… Kiến thức Hán học và Trung Hoa học của Hồ Chí Minh làm cho các quan chức quân sự và chính quyền Tưởng Giới Thạch ở Quảng Tây vô cùng khâm phục.
13. Ở Cao Bằng Hồ Chí Minh chuẩn bị lực lượng quân sự cho khởi nghĩa vũ trang (9-1944 đến tháng 2-1945): Từ Liễu Châu, Hồ Chí Minh đi về Long Châu rồi đến khu Hạ Đống thuộc Long Châu tiếp giáp với biên giới Việt Nam, Trung Quốc, rồi đến Thủy Khẩu quan. Cuối tháng 9-1944, Hồ Chí Minh về tới Pác Bó, Cao Bằng.
Người quyết định hoãn cuộc khởi nghĩa ở Cao-Bắc -Lạng do Liên tỉnh Uỷ Cao-Bắc -Lạng phát động nên đã tránh được tổn thất khi khởi nghĩa chưa có thời cơ.
Người chỉ định đồng chí Võ Nguyên Giáp đảm nhiệm công việc thành lập lực lượng vũ trang tập trung. Giữa tháng 12-1944 Người gửi chỉ thị cho đồng chí Võ Nguyên Giáp thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân. Thực hiện chỉ thị của Hồ Chí Minh, ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập ở khu rừng Sam Cao (Khu rừng Trần Hưng Đạo) thuộc huyện Nguyên Bình tỉnh Cao Bằng do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy gồm 34 đội viên chia thành 3 tiểu đội. Đội đã liên tiếp thắng hai trận lớn ngay từ khi vừa thành lập: Ngày 25-12 tiêu diệt đồn Phai Khắt, 26-12 tiêu diệt đồn Nà Ngần.
Tháng 2-1945, sách “Phép dùng binh của ông Tôn Tử” của Hồ Chí Minh được Việt Minh xuất bản làm tài liệu huấn luyện lý luận quân sự cho quân ta ở Việt Bắc.
Trong khoảng thời gian ngắn đó (9-1944 đến 2-1945) Hồ Chí Minh chuẩn bị chủ yếu về quân sự cho Cách mạng Tháng Tám.
Tháng 2-1945 Hồ Chí Minh đi Côn Minh. Cùng đi có Trung úy phi công Mỹ Sao trở về Bộ tư lệnh không quân Mỹ ở Côn Minh. Sau 5 ngày đi trên đất Trung Hoa, trung uý Sao đi theo đường khác. Với giấy phép của tướng Trương Phát Khuê, Hồ Chí Minh trong bộ quân phục Trung Quốc, có Phùng Thế Tài và Đinh Đại Toàn đi bảo vệ. Mục đích chuyến đi này là Hồ Chí Minh muốn gặp lại các đồng chí ở Vân Nam, có ý định gặp các cơ quan Mỹ đóng ở Vân Nam để tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của Đồng minh trong cuộc đấu tranh chống phát xít của nhân dân Việt Nam.
Hồ Chí Minh dừng lại ở Nghi Lương. Ở đây Người giảng giải cho bà con Việt kiều hiểu về tình hình cách mạng Việt Nam và kêu gọi họ trở về tham gia đấu tranh. Tại Côn Minh, Hồ Chí Minh tiếp xúc với AGAS (Mỹ), Người đã nói rõ nhân dân và các lực lượng vũ trang của Việt Nam đã giải thoát cho Trung uý Sao khi ông này lâm nạn ở Việt Bắc, không để ông sa vào tay quân Nhật. Phía Mỹ cảm ơn và hứa gửi thuốc men, tiền bạc cho những người đã giải thoát cho Sao. Hồ Chí Minh chỉ nhận thuốc men, không nhận tiền. Hồ Chí Minh gặp Sáclơphen, Trung uý Mỹ trong OSS. Ngày 29-3-1945, Hồ Chí Minh gặp tướng Sênon, Tư lệnh không đoàn số 14 của Mỹ ở Hoa Nam, có Saclơphen và Bécna cùng dự. Tướng Sênon cảm ơn Việt Nam đã cứu thoát phi công Mỹ và hỏi Việt Nam có sẵn lòng giúp đỡ Đồng Minh không? Hồ Chí Minh trả lời đó là bổn phận của những người chống phát xít, Việt Nam làm tất cả những gì có thể làm được để giúp đỡ Đồng minh.
Tháng 4-1945 Hồ Chí Minh đáp máy bay đi Bách Sác (Quảng Tây) để gặp tổ chức Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội. Tại đây Người gặp lại tướng Trương Phát Khuê. Ở Bách Sác Người muốn chấn chỉnh lại tổ chức Việt Nam cách mạng Đồng minh Hội nhưng công việc không thành vì các Đảng phái khác không thạm dự. Cuối tháng 4-1945 Hồ Chí Minh được bố trí gặp A. Patti. Hồ Chí Minh không yêu cầu gì mà chỉ trình bày cho Patti nghe về tổ chức quân sự, chính trị của mình.
14. Hồ Chí Minh từ Pác Bó về Tân Trào (4-5-1945 đến 22-8-1945) lãnh đạo tổng khởi nghĩa trong Cách mạng tháng Tám: Cuộc hành trình chia làm hai chặng: Chặng Pác Bó-Lam Sơn và chặng Lam Sơn-Tân Trào.
Chặng Pác Bó-Lam Sơn: Ngày 4-5-1945, Hồ Chí Minh bắt đầu cuộc hành trình, xuất phát từ Khuổi Nậm, Hồ Chí Minh mặc bộ quần áo Nùng đã cũ, khăn che gần kín mặt, đeo chiếc túi dết nhỏ, chống gậy. Từ Khuổi Nậm đoàn đi theo dọc bờ suối Lênin, qua các bản Bó Bẩm, Pác Bó, bản Hong, bản Hoàng, Nà Mạ, Thua Phia (xã Xuân Hoa, nay là xã Nà Sao, Hà Quảng). Chiều tối hôm đó, Người đến Đào Ngạn, xóm bản Nưa. Ngày 5-5-1945 Hồ Chí Minh rời bản Nưa đi Lam Sơn: Rời bản Nưa, xã Đào Ngạn đi qua Bó Hang-Lũng Mỏ, Vượt đèo Phin Đen đi Luống Nọi (xã Phủ Ngọc), đi Vỏ Nuống (xã Tam Huấn, huyện Hoà An), vượt Phó Lài đi Phin Gào, vượt Bằng Giang- Pác Cám (xã Bình Long) theo đường mòn ven núi đến vùng núi đá Lam Sơn (xã Hồng Việt, huyện Hoài An). Tại Lam Sơn, Người họp với cán bộ Trung ương và cán bộ của Liên Tỉnh uỷ Cao-Bắc-Lạng bàn về việc chuẩn bị khởi nghĩa.
(Còn nữa)
CVL