Những vấn đề lịch sử Việt Nam - Kỳ 40

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tác phẩm “Những vấn đề lịch sử Việt Nam” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh Niên ấn hành năm 2022.

Kỳ 40.

 Năm 1920, tại Pari, Nguyễn Ái Quốc tìm thấy con đường cứu nước. Năm 1924 khi ở Liên Xô, Nguyễn Ái Quốc nhận thức được rằng điều kiện tiên quyết cho cách mạng thắng lợi là phải có sự lãnh đạo của một Đảng Mác xít- Lêninnít. Từ đó người ra sức chuận bị về tổ chức và tư tưởng chính trị cho việc thành lập Đảng. Báo chí và những tác phẩm của Người như Bản án chủ nghĩa thực dân Pháp, Đường cách mệnh… đã truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam, vào phong trào công nhân Việt Nam đã chuẩn bị về chính trị tư tưởng, việc huấn luyện, giáo dục đội ngũ cán bộ ở Quảng Châu, gửi cán bộ đi học ở Trường Đại học Phương Đông, việc thành lập các tổ chức cách mạng, đặc biệt là Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội là sự chuẩn bị về con người và tổ chức cho sự ra đời của Đảng.

 Do những nhân tố trên cho nên phong trào cách mạng Việt Nam vào cuối năm 1929 phát triển mạnh. Phong trào yêu nước của tư sản dân tộc, của tiểu tư sản, trí thức, của nông dân, phong trào công nhân sôi sục đòi hỏi phải có Đảng lãnh đạo. Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội không đủ sức đáp ứng được nhu cầu phát triển mới của cách mạng nên đã phân hoá thành những tổ chức Cộng sản: 17-6-1929 ra đời Đông Dương Cộng sản Đảng ở Bắc Kỳ, tháng 11 năm đó An Nam Cộng sản Đảng ở Nam Kỳ được thành lập, tổ chức thanh niên yêu nước ở Trung Kỳ chuyển biến thành Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Như vậy vào cuối 1929 đầu 1930, ở Việt Nam có ba tổ chức Cộng sản. Đảng nào cũng nhận mình là Đảng chân chính cách mạng của giai cấp công nhân và đều ra sức vận động quần chúng. Nguy cơ thiếu thống nhất là một điều có thể thấy được, sẽ có sự phân tán về tư tưởng, chia rẽ trong hành động. Thống nhất ba tổ chức thành một Đảng duy nhất đã trở thành nhu cầu bức thiết.

 Đáp ứng nhu cầu đó, từ ngày 3 đến ngày 7 tháng 2 năm 1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc với tư cách là đại diện của Quốc tế Cộng sản đã chuẩn bị, triệu tập và chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản. Hội nghị được tiến hành trong căn nhà nhỏ của một gia đình công nhân tại bán đảo Cửu Long, Hương Cảng. Tham dự Hội nghị có Nguyễn Ái Quốc, đại diện cho Quốc tế Cộng sản, hai đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng, hai đại biểu của An Nam Cộng sản Đảng và hai đại biểu ngoài nước. Đông Dương Cộng sản Liên đoàn không kịp cử đại biểu đến. Sau 5 ngày thảo luận sôi nổi, Hội nghị đã hoàn toàn nhất trí hợp nhất các tổ chức Cộng sản thành một Đảng lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng do Nguyễn Ái Quốc khởi thảo. Sau Hội nghị, ngày 24-2-1930, đại diện của Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng đã chấp thuận cho Đông Dương Cộng sản liên đoàn gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Khi đó tổng số đảng viên của Đảng là 300 người. Tháng 10 năm 1930 trong Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tại Hương Cảng, Đảng đổi tên là Đảng Cộng sản Đông Dương, thông qua Luận cương chính trị và đồng chí Trần Phú trở thành Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

 Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là bước ngoặt to lớn trong lịch sử dân tộc ta: Chứng minh giai cấp công nhân Việt Nam đã trưởng thành, đủ sức lãnh đạo cách mạng, chấm dứt sự khủng hoảng về tổ chức và giai cấp lãnh đạo, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối. Đảng là nhân tố quyết định nhất sự thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

 Tìm được con đường cứu nước, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam là công lao to lớn đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc đối với cách mạng Việt Nam.

8. Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Công. Sau Hội nghị thống nhất Đảng, Nguyễn Ái Quốc ở Trung Quốc từ 8-2-1930 đến 4-1930. Ngày 13-2-1930, Ngươì rời Hồng Kông, ra lời kêu gọi gửi nhân dân nhân dịp thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, viết báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản, viết nhiều thư gửi cho đại diện các Đảng Cộng sản, thư gửi các đồng chí Liên Xô, thư gửi Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản, gửi báo cáo cho Quốc tế Cộng sản.

Khoảng tháng 4 Người gặp đồng chí Trần Phú tại Hồng Kông.

 Tháng 4-1930, Nguyễn Ái Quốc đến Đông Bắc Xiêm La, rồi đến Malayxia làm nhiệm vụ của Quốc tế Cộng sản. Tháng 5 năm đó, Nguyễn Ái Quốc hoạt động ở Singapore rồi tư Sigapore trở lại Thượng Hải (Trung Quốc). Tại Thượng Hải, Người gặp Nguyễn Lương Bằng, Đỗ Ngọc Du, Lưu Quốc Long. Người góp ý về công tác vận động binh lính. Cuối 1930 Nguyễn Ái Quốc viết Nhật Ký Chìm Tàu. Tác phẩm này xuất hiện ở Việt Nam, được bí mật truyền tay nhau đọc trong đảng viên và quần chúng. Tác phẩm nói về chế độ tốt đẹp của Liên Xô.

 Ngày 6-6-1931, Nguyễn Ái Quốc bị cảnh sát Hồng Kông dưới sự chỉ đạo của viên thanh tra cảnh sát Carây bất ngờ vây bắt tại số nhà 168 đường Tam Lung, Cửu Long mà không có lệnh bắt. Nguyễn Ái Quốc bị giam trong nhà giam của sở cảnh sát Hồng Kông. Hồ Tùng Mậu báo tin Người bị bắt và nhờ luật sư người Anh F. H. Lôdơbi (Francis Henri Losebi) khi đó là Chủ tịch Hội luật gia Hồng Công bào chữa. Nguyễn Ái Quốc đã cung cấp cho luật sư những thông tin cần thiết cho việc bào chữa và thống nhất về phương hướng bào chữa.

 Từ ngày 11-6-1931 đến ngày 30 tháng 7 năm 193, Nguyễn Ái Quốc bị Thống đốc Hồng Kông 4 lần ra lệnh bắt giam, bị chuyển từ nhà giam Sở cảnh sát đến nhà ngục Víchtoria, bị thư ký Trung Hoa vụ ba lần thẩm vấn. Từ tháng 7 năm 1931 đến 12-9-1931 Tòa án tối cao Hồng Kông xét xử 9 phiên. Cả 9 phiên tòa, luật sư người Anh Ph. C. Gienkin (F. C. Jenkin) theo uỷ nhiệm của luật sư Lôdơbi đã chứng minh việc bắt Tống Văn Sơ (Nguyễn Ái Quốc) là bất hợp pháp. Các luật sư cũng tố cáo việc Toà án Hồng Kông trục xuất Người về Đông Dương thực tế là tạo điều kiện cho nhà cầm quyền Pháp ở Đông Dương bắt. Nguyễn Ái Quốc cũng có đơn kháng án về lệnh trục xuất của Toà án tối cao Hồng Kông lên Hội Đồng cơ mật Hoàng gia Anh ở Luân Đôn. Cuối cùng, ngày 28-12-1932 Nguyễn Ái Quốc được trả được tự do.

 Ngày 12 -1-1933,  Nguyễn Ái Quốc đi Xinh ga po để từ Xinh ga po đến Anh nhưng bị nhà cầm quyền Xinh ga po buộc phải trở lại Hồng Công. Ngày 19-1-1933 Người bị cảnh sát Hồng Kông bắt lại. Nguyễn Ái Quốc báo tin và nhờ luật sư Lôdơbi can thiệp. Thống đốc Hồng Kông ra lệnh trả lại tự do cho Nguyễn Ái Quốc. Ngày 22-1-1933, được sự giúp đỡ của Luật sư Lôdơbi Nguyễn Ái Quốc lên tàu Anhui. Ngày 25-1 năm đó Người đến Liên Xô.

 Tháng 6-1934, Nguyễn Ái Quốc từ Thượng Hải đi tàu hàng Liên Xô và cập cảng Vlađivôstốc. Tháng 6-1934, Nguyễn Ái Quốc đến Matxcơva, được Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản cho đi điều dưỡng tại nhà an dưỡng Ximêit (Crưm). Tháng 10-1934 Nguyễn Ái Quốc với bí danh Lin vào học Trường Quốc tế Lênin. Cuối năm 1936 Nguyễn Ái Quốc về công tác ở Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa. Tháng 1-1937, Người trở thành Nghiên cứu sinh của Viện này. Người chuẩn bị tư liệu để viết luận án với đề tài: Cách mạng ruộng đất ở Đông Nam Á. Tuy nhiên Nguyễn Ái Quốc có nguyện vọng và tha thiết đề nghị Quốc tế Cộng sản cho về nước hoạt động. Tháng 9-1938, Người rời khỏi Viện nghiên cứu dân tộc và thuộc địa, đáp xe lửa ở ga Iarôxlapxki rời Mátxcơva đi về Trung Quốc.

9. Nguyễn Ái Quốc ở Trung Quốc từ tháng 10-1938 đến tháng 1-1941.

 Nhờ mối liên hệ giữa Đảng Cộng sản Liên Xô và Đảng Cộng sản Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc đến văn phòng Lan Châu (Thủ phủ tỉnh Cam Túc, Tây Bắc, Trung Quốc) của Quân giải phóng Trung Quốc. Tại đây Người được Ngũ Tu Quyền chủ nhiệm văn phòng tiếp đón. Người mặc quân phục Bát lộ quân, quân hàm Thiếu tá, bí danh Hồ Quang đi Tây An và sau đó đến Diên An (Thủ đô của cách mạng Trung Quốc), rồi lại về Tây An. Từ Tây An Nguyễn Ái Quốc tìm đường về Quảng Tây. Cuối năm 1938, Nguyễn Ái Quốc cùng tướng Diệp Kiếm Anh đi Quế Lâm. Đầu 1939, Nguyễn Ái Quốc đến Trùng Khánh và ở lại văn phòng Bát lộ quân tại Trùng Khánh ở thôn Hồng Nham. Người thường đến thăm Chu Ân Lai. Tháng 2-1939, Nguyễn Ái Quốc cùng Diệp Kiếm Anh đến lớp huấn luyện cán bộ du kích tại Nam Nhạc, thuộc Hoành Dương, tỉnh Hồ Nam. Tháng 10-1939, Nguyễn Ái Quốc rời Hồ Nam đi Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây Trung Quốc, sau đó rời Quế Lâm qua Liễu Châu, Nam Ninh và đi Long Châu để bắt liên lạc với các đồng chí Việt Nam trong nước phái sang nhưng không gặp nên Người lại trở về Quế Lâm. Nguyễn Ái Quốc đến Quý Dương, thủ phủ tỉnh Quý Châu Trung Quốc vào cuối tháng 10-1939. Đầu tháng 11-1939, Nguyễn Ái Quốc rời Quế Dương, sau đó trở lại Quý Dương rồi đi Côn Minh, đến Trùng Khánh. Tại Trùng Khánh, Nguyễn Ái Quốc gặp Hồ Học Lãm. Từ tháng 2-1940, Nguyễn Ái Quốc trong bộ Âu phục, cổ cồn ca ra vát với biệt danh ông Trần liên hệ được với Trịnh Đông Hải (Vũ Anh) ở Côn Minh. Như vậy, Nguyễn Ái Quốc đã bắt được liên lạc với những người trong tổ chức cách mạng Việt Nam ở Trung Quốc. Theo sự bố trí của Ban Chỉ huy ở ngoài, Nguyễn Ái Quốc đến ở nhà ông Tống Minh Phương ở 77 đường Kim Bích, Côn Minh, một gia đình Việt kiều giác ngộ cách mạng từ những năm 30 thế kỷ XX. Tháng 4-1940 Nguyễn Ái Quốc đi thăm một số cơ sở cách mạng Vân Nam, Hồ Kiều. Cùng đi có đồng chí Phùng Chí Kiên. Tháng 5-1940, Nguyễn Ái Quốc gặp đồng chí Đặng Văn Cáp. Tháng 6 năm đó, Nguyễn Ái Quốc với bí danh là đồng chí Vương đã gặp đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp vừa từ trong nước sang tại công viên Thuý Hồ (Vân Nam). Sau đó Nguyễn Ái Quốc với bí danh Hồ Quang giới thiệu cho Phạm Văn Đồng (bí danh Lâm Bá Kiệt), Võ Nguyên Giáp (bí danh Dương Hoài Nam) đi học Trường quân chính của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Diên An.

 Đại chiến thế giới thứ hai bùng nổ từ tháng 9-1939, phát xít Đức sau khi đánh bại Ba Lan, quay lại đánh chiếm các nước Châu Âu, trong đó có Pháp. Ngày 20-6 1940, nước Pháp bị nước Đức phát xít đánh bại. Khi nghe tin đó, Nguyễn Ái Quốc triệu tập cuộc họp ở tòa soạn báo Đ. T. Người nhận định  “Việc Pháp mất nước là một cơ hội lớn cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước ngay để tranh thủ thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng”[1]. Và Người đã ra sức chuẩn bị cán bộ để về nước khi thời cơ đến. Tháng 9 năm 1940, Nguyễn Ái Quốc nhận định: Quân Đồng Minh sẽ chiến thắng phe phát xít trong Đại Chiến thế giới thứ hai, Nhật, Pháp ở Đông Dương sẽ bắn nhau, sẽ tạo thời cơ cho cách mạng Việt Nam thắng lợi. Người nhận định phải xây dựng căn cứ địa Cao Bằng, phát triển xuống Thái Nguyên để tiếp xúc với toàn quốc. Trong năm 1940, Người đi Trùng Khánh, đi Quế Lâm, đến Tĩnh Tây (Quảng Tây). Tại đây, Nguyễn Ái Quốc đã mở lớp huấn luyện cho 43 cán bộ cách mạng Việt Nam trong đó có những cộng sự như Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Phùng Chí Kiên…

 28-1-1941 Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Người bước tới cột mốc 108 trên biên giới Việt, Trung ( thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng). Người đứng lặng hồi lâu xúc động.

 Thời gian hoạt động tại Trung Quốc Nguyễn Ái Quốc vẫn viết báo cáo cho Quốc tế Cộng sản về tình hình cách mạng Đông Dương, viết báo đăng trên tờ Cứu Vong Nhật báo, phân tích tình hình Đông Dương, tình hình cách mạng Việt Nam, tình hình các cường quốc Nhật, Mỹ Pháp, Ý trong thế chiến 2.

 10. Nguyễn Ái Quốc ở Cao Bằng chủ trì Hội nghị Trung ương VIII (ngày 10 đến 19-5-1941)

 Trong tháng 2-1941 Nguyễn Ái Quốc ở hang Cốc Bó (có nghĩa là đầu nguồn) thuộc địa phận bản Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, có địa thế hiểm trở. Hang ăn thông ra một con đường kín dẫn sang bên kia biên giới, có thể rút lui an toàn khi bị lộ. Phía dưới cách cửa hang 50 m là con suối nước trong, Nguyễn Ái Quốc đặt tên là suối Lênin. Ngọn núi hùng vĩ bên bờ suối được Người gọi là núi Các Mác. Cùng đến Cốc Bó với Nguyễn Ái Quốc có Lê Quảng Ba, Phùng Chí Kiên, Hoàng Văn Lộc, Thế An, Đặng Văn Cáp. Tại đây Nguyễn Ái Quốc viết bài thơ Pác Bó hùng vĩ:
Non xa xa, nước xa xa.

Nào phải thênh thang mới gọi là

Đây suối Lênin, kia núi Mác.

Hai tay xây dựng một sơn hà.

Nguyễn Ái Quốc kê một tảng đá bên bờ suối làm bàn và dịch cuốn “ Lịch sử Đảng Cộng sản (Bôn sê vích) Nga” ra tiếng Việt để làm tài liệu huấn luyện đảng viên. Nguyễn Ái Quốc viết bài thơ “ Tức cảnh Pác Bó”:

Sáng ra bờ suối tối vào hang.

Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng.

Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng

Cuộc đời cách mạng thật là sang.

 Trong tháng 3 -1941, Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí của mình rời Cốc Bó lên Lũng Lạn, cách hang Cốc Bó vài trăm mét rồi qua Khuổi Nậm.

Từ ngày 10 đến 19 tháng 5 năm 1941, Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị lần thứ tám của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương họp tại Pác Bó, Cao Bằng. Dự Hội nghị có các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Phùng Chí Kiên cùng một số đại biểu Bắc Kỳ, Trung Kỳ và một số đại biểu hoạt động ở ngoài nước.

 Về tình hình thế giới, trong bối cảnh Đại Chiến thế giới thứ hai tiếp diễn khốc liệt, Hội nghị Trung ương tám nhận định rằng chiến tranh sẽ làm cho phe đế quốc suy yếu, tạo điều kiện cho cách mạng phát triển, phe Đồng minh do Liên Xô làm trụ cột sẽ chiến thắng phe phát xít, chủ nghĩa xã hội sẽ trở thành một hệ thống kinh tế, chính trị thế giới.

(Còn nữa)

CVL

-----------------

[1]. Học Viện chính trị Quốc gia Hồ chí Minh. Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử. T2. NXB Chính trị Quốc gia. H. 2006. Tr. 106. .