Cụ thể, tính cuối ngày 8/8, có hơn 3.700 con (bê, bò sữa) tại 6 xã của 2 huyện có bò bị bệnh (Ka Đô, Ka Đơn, Quảng Lập, Tu Tra huyện Đơn Dương và Hiệp Thạnh huyện Đức Trọng), số bò bị chết là 113 con.
Ở thôn Lạc Trường, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, tới nay thiệt hại lớn nhất là gia đình ông Nguyễn Minh Đệ. Tiêm vắc xin cho 51 con bò sữa từ ngày 20/7, tới nay, 4 con bò sữa trưởng thành đã chết, 8 con bò khác đang mang thai từ 7 – 8 tháng bị bệnh, sảy thai. Ông Đệ chi từ 2 tới 15 triệu đồng/ngày để mua thuốc chữa trị và tăng sức đề kháng cho đàn bò.
Với gia đình bà Đào Thị Tình và Võ Thị Mỹ Dung (thôn Lạc Trường, xã Tu Tra), mỗi hộ cũng đã bị chết hai con bò sữa… Những con còn lại đã tiêm vắc xin hiện đang có triệu chứng bỏ ăn, sốt, chảy dãi, tiêu chảy ra máu…
Còn ở huyện Đức Trọng, tại tổ 20, thôn Bồng Lai, gia đình ông Nguyễn Tấn Tuân có tổng đàn 30 con bò sữa. Đứng bên đàn bò đang bị bệnh, ông Tuân tỏ ra hoang mang: “28 con bò của gia đình tôi đã tiêm vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục. Hiện, đàn bò đang trong tình trạng kiệt sức, nguy cơ chết hàng loạt. Hiện chúng tôi thấp thỏm từng giờ…”.
Trước tình hình trên, ngày 8/8, Chi cục Chăn nuôi, thú ý và thủy sản tỉnh đã thành lập Tổ công tác phòng, chống bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa tại huyện Đơn Dương và huyện Đức Trọng. Nhiệm vụ cụ thể là phối hợp các địa phương kiểm tra, theo dõi, giám sát tình hình bệnh và hướng dẫn về chuyên môn, kỹ thuật trong công tác phòng, chống bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa; phối hợp cập nhật, thông tin hàng ngày và kịp thời báo cáo diễn biến tình hình bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa về Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản.
Kiểm tra lâm sàng, Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng ghi nhận bò mắc bệnh tiêu chảy có thể do thời tiết mưa nhiều, môi trường ẩm ướt, kết hợp sức đề kháng của bò giảm sau khi tiêm vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục... Nguyên nhân chính sẽ được Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng thông báo sau khi Cục Thú y và các cơ quan chức năng có kết quả kiểm tra lâm sàng, điều tra dịch tễ, mổ khám, xét nghiệm các mẫu thu thập và kiểm định chất lượng vaccine.
Đồng thời, các ngành chuyên môn của các huyện đã và đang huy động tối đa nguồn lực, trang thiết bị, vật tư để phòng, chống bệnh như: tiêu độc khử trùng chuồng trại; hướng dẫn bà con điều trị, tăng sức đề kháng cho đàn bò… Đồng thời, lập hồ sơ xác minh thiệt hại của từng hộ chăn nuôi đảm bảo chính xác, đúng quy định.
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tạm dừng sử dụng vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục và các vắc xin phòng các dịch bệnh khác trên phạm vi toàn tỉnh để điều tra, xác định nguyên nhân đàn bò sữa bị tiêu chảy, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Tăng cường kiểm dịch giết mổ, không để xảy ra tình trạng bán chạy, vận chuyển gia súc bị bệnh hoặc giết mổ gia súc bị bệnh ở nơi có dịch bệnh. Kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia súc ra khỏi địa bàn xã, huyện và tỉnh, nhất là với trâu bò, bò sữa có nguy cơ bị bệnh.
Tăng cường các biện pháp vệ sinh phòng dịch, phun thuốc sát trùng, sử dụng vôi bột để sát trùng, vệ sinh, tiêu độc tại các cơ sở, hộ chăn nuôi và khu vực xung quanh có gia súc bị bệnh, chết, buộc tiêu hủy.
Ngay trong ngày 10/8, UBND tỉnh cũng chỉ đạo xử lý, chôn lấp bò bị chết do tiêu chảy theo đúng quy định để không gây ô nhiễm môi trường; đồng thời, thường xuyên tổ chức kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ công tác vận chuyển, giết mổ động vật, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “bán chạy” bò bị bệnh cho thương lái, các lò giết mổ; tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia súc ra khỏi địa bàn, nhất là trâu, bò có nguy cơ bị bệnh.
Ông Nguyễn Ngọc Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Tổ trưởng tổ công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa cho biết: Nhiệm vụ hàng đầu hiện nay là hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người dân và xử lý bò bị chết đúng quy trình, đảm bảo vệ sinh. Đến nay, hiện tượng bò chết có xu hướng giảm dần, nhưng tỉnh tiếp tục theo dõi sát sao tình hình, lập sơ đồ theo dõi để kịp thời xử lý, báo cáo.