Ông Già Bến Ngự (Tiểu thuyết lịch sử) - Kỳ 11

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tác phẩm “Ông Già Bến Ngự” là Tập X trong Bộ tiểu thuyết lịch sử Việt Nam Diễn Nghĩa của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2023.

Kỳ 11.

 Ở phòng sách ra thì trời đã tối. Tiểu La Nguyễn Thành nói:

-Xin mời Phan tiên sinh và Nguyễn tiên sinh mời cơm tối.

-Đa tạ Tiểu La tiên sinh.

  Ăn cơm tối xong, bên ấm trà, ba người lại đàm đạo về con đường cứu nước. Sau một lượt trà, Tiểu La Nguyễn Thành nói:

-Tôi sinh năm 1863, hơn  Phan tiên sinh 4 tuổi, hơn tiên sinh Nguyễn Quýnh 10 tuổi. Thôi chúng ta tự nhận là huynh đệ để xưng hô cho thân mật và tiện lợi, đỡ khách sáo.

   Phan Bội Châu và Nguyễn Quýnh đáp:

-Hay quá, vậy xin nghe theo ý của huynh.

 Tiểu La nói tiếp:

-Tôi vốn sinh ra có thể nói là trong nhà quyền quý quan lại, nhưng do bản tính căm thù quân ngoại bang xâm lược dày xéo đất nước. Đã hơn 10 năm tôi luôn chiến đấu trong phong trào Cần Vương ở Quảng Nam dưới ngọn cờ của Phó bảng Nguyễn Duy Hiệu, cuối cùng như hai đệ đã thấy, tất cả những phong trào Cần Vương lớn nhỏ đều thất bại. Vậy là con đường cứu nước bằng phương pháp của Cần Vương đã không thành, đặt ra vấn đề bức xúc của phong trào giải phóng dân tộc hiện nay là phải tìm một con đường cứu nước mới. Hai đệ đến đây nhưng không biết có đồng lòng cứu nước với tôi không?

   Phan Bội Châu đáp:

 -Tôi và học trò Nguyễn Quýnh từ lâu cũng đã nung nấu chí cứu nước. Tôi có ý định đi khắp nước để gặp các sĩ phu, văn thân, những nhà yêu nước cùng chí hướng, đồng tâm, đồng chí để cùng lo việc lớn. Huynh đã có ý chí như vậy quả là đồng chí với chúng tôi và hân hạnh lớn cho nước nhà.

  Nhân lúc Phan Bội Châu dừng lại để uống nước, Tiểu La Nguyễn Thành hỏi:

  -Các phong trào Cần Vương đã thất bại, duy chỉ còn lại phong trào nông dân Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo còn tồn tại cho đến bây giờ. Nghe nói đệ đã đến Yên Thế gặp Hoàng Hoa Thám rồi, đệ có nhận xét gì về Yên Thế không?

  Phan Bội Châu đáp:

-Địa bàn của Hoàng Hoa Thám là thượng Yên Thế vô cùng hiểm trở. Sự tồn tại lâu dài của Yên Thế là nhờ địa thế này, còn là do tài chỉ huy tổ chức lãnh đạo của ngài Hoàng Hoa Thám, nghĩa quân của Yên Thế là những anh hùng hảo hán nông dân không biết sợ hãi trước súng ống đại bác của quân Pháp, họ có một lý tưởng là được chết cho nghĩa lớn. Cho dù vậy lực lượng đối sánh của Pháp và Yên Thế quá chênh lệch. Pháp có cả Đông Dương, nước Pháp và các nước thuộc quốc ở châu Phi, trong khi đó Hoàng Hoa Thám chỉ có một miền thượng Yên Thế là một nửa của toàn bộ huyện này mà thôi. Sở dĩ quân Pháp bây giờ thất bại là vì địa thế và đường sá không cho phép chở nhiều quân, nhiều súng đạn lương thực để bao vây Yên Thế lâu dài. Do đó Pháp cứ đánh một trận được hay thua cũng phải rút lui vì không đủ lương thực. Do đó nghĩa quân lại có thời gian phục hồi và phát triển. Nhưng hiện nay Pháp đang đẩy mạnh chính sách khai thác thuộc địa, trong đó có việc mở mang đường sá để vận chuyển của cải khai thác, để chở quân lương cho quân đội. Khi đó Pháp sẽ bao vây tấn công Yên Thế lâu dài. Yên Thế hết lương thực, súng đạn không bổ sung được lực lượng, trong tương lai Yên Thế cũng sẽ thất bại.

Tiểu La hỏi:

-Vậy dấy binh khởi nghĩa, dựa vào căn cứ hiểm trở để kháng chiến như Cần Vương, rồi kiên cường như Yên Thế cũng thất bại. Vậy theo hai đệ con đường cứu nước mới phải đi như thế nào để mong thắng lợi.

Phan Bội Châu đáp:

-Đệ vẫn cho rằng đối với Pháp vẫn phải dùng võ trang bạo động đánh đổ chúng, nhưng võ trang bạo động theo cách mới, không thể theo con đường của Cần Vương và của Hoàng Hoa Thám hiện nay.

Tiểu La hỏi:

-Cách mới hay con đường cứu nước mới là gì?

Phan Bội Châu đáp:

-Đệ nghĩ chưa ra, chưa rõ nét nhưng một trong những yếu điểm lớn của phong trào Cần Vương là thiếu một tổ chức lãnh đạo chung phong trào trong toàn quốc. Khi vua Hàm Nghi ban chiếu Cần Vương thì phong trào nổi lên ở các địa phương nhưng vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết không có đường lối chung thống nhất phong trào, giữa các địa phương mạnh ai nấy làm, không có sự phối hợp chiến đấu. Thực ra vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết cũng đã kêu gọi thống nhất hành động toàn quốc nhưng không thực hiện được. Bản thân Phan Đình Phùng sau khi khởi nghĩa ở Hà Tĩnh đã giao quyền chỉ huy cho Cao Thắng và ông đã ra Bắc tới hai năm vận động thống nhất phong trào cũng không thực hiện được. Không có sự nổi dậy trong toàn quốc trong một thời gian, tạo sức mạnh tấn công quân Pháp đồng loạt trên toàn quốc. Do đó Pháp thực hiện được chiến lược bẻ đũa bẻ từng chiếc, lần lượt tiêu diệt khởi nghĩa ở từng địa phương và cuối cùng chúng thành công. Cho nên muốn cứu nước bằng con đường mới, một trong những điều chúng ta phải làm đầu tiên là thành lập một tổ chức lãnh đạo cả nước như là Hội hay là Đảng gì đó.

Nghe Phan Bội Châu nói, Tiểu La Nguyễn Thành đặt ly nước xuống bàn và vui mừng nói:

-Thành lập tổ chức lãnh đạo toàn quốc, đệ nói hay lắm, hợp với sự suy nghĩ của tôi từ bao ngày nay. Nhưng lập Hội hay Đảng thì Hội hay Đảng đó không phải là của riêng một dòng họ mà là đại diện cho toàn bộ dân tộc Việt Nam nhưng không phải toàn dân vào Hội, vào Đảng mà tổ chức đó chỉ chọn những người ưu tú để lãnh đạo vạch đường lối, để tổ chức thống nhất lực lượng tiến hành vũ trang bạo động.

-Thứ hai, tôi nghĩ rằng Hội cần tổ chức hoạt động, tổ chức lực lượng thì phải cần rất nhiều tiền để họat động và sắm vũ khí. Một trong những thất bại của cuộc kháng chiến của Triều đình khi Pháp sang xâm lược là do vũ khí của ta quá lạc hậu, thiếu vũ khí, vũ khí lạc hậu cũng là một trong những nguyên nhân thất bại của phong trào Cần Vương. Cho nên có Hội rồi nhưng chúng ta cần một nguồn tài chính cực kỳ to lớn. Nguồn tài chính to lớn đó phải do đại địa chủ, quý tộc, quan lại, văn thân sĩ phu, công thương cho đến nông dân đóng góp. Cho nên một vấn đề cơ bản nữa là chọn người đứng đầu Hội. Người đứng đầu Hội là ngọn cờ thu hút lực lượng từ giàu có trở xuống. Tôi nghĩ thích hợp vị trí đó là chọn một người trong hoàng tộc có tinh thần yêu nước. Về cương lĩnh của Hội là đánh đuổi giặc Pháp giành độc lập cho Việt Nam. Sau khi độc lập vẫn duy trì nhà nước có vua, bên cạnh vua có nghị viện, có Hiến pháp, gọi là thiết chế quân chủ nghị viện như kiểu Nhật Bản, như một số nước châu Âu sau khi cách mạng thành công như Anh, Hà Lan, Bỉ...Quân chủ lập hiến còn gọi là Quân chủ nghị viện.

 Nguyễn Quýnh nói:

-Huynh nói đúng lắm, trong lịch sử thế giới rất nhiều nước châu Âu sau khi hoàn thành cách mạng, giới công thương nghiệp nắm chính quyền nhưng vẫn thết lập chế độ quân chủ nghị viện, chỉ có nước Pháp sau cách mạng 1789-1792 lật đổ triều đại Buốc Bông đã lập nền cộng hòa. Các nước quân chủ lập hiến tỏ ý vẫn tôn trọng truyền thống dân tộc nhưng vẫn có nền dân chủ cho nhân dân, quyền lực thực tế nằm trong tay nhân dân thông qua giới chủ công thương nghiệp, trở thành những cường quốc hùng mạnh trên thế giới.

  Phan Bội Châu nói:

-Huynh Tiểu La và học trò nói đúng. Sau khi Pháp xâm lược Việt Nam đã theo lời khuyên của Trương Vĩnh Ký, một người đầu tiên của nước ta trong Hội đồng bác học thế giới, một người biết tới 25 ngoại ngữ vẫn duy trì triều đình nhà Nguyễn mới có thể cai trị được Việt Nam, duy trì để sử dụng phong kiến làm tay sai, phục vụ cho Pháp nhưng lầm tưởng là phục vụ cho triều đình. Chính sách cai trị đó thật là hiệu quả. Tất cả những phong trào Cần Vương đều do bọn đại Việt Gian đàn áp như Nguyễn Thân ở Quảng Nam, Nguyễn Thân đàn áp khởi nghĩa Phan Đình Phùng, Hoàng Cao Khải đàn áp khởi nghĩa Bãi Sậy của Nguyễn Thiện Thuật và ngày nay tên Lê Hoan đang đàn áp cuộc khởi nghĩa Yên Thế.

  Tiểu La Nguyễn Thành nói:

-Hai đệ nói phải lắm, tóm lại để giải phóng dân tộc thì phải lập Hội, để thu phục nhân tâm để có tài chính vũ khí thì phải lập người của hoàng tộc làm minh chủ. Muốn lập Hội và tìm được ngọn cờ minh chủ phải đi lại giao du khắp miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Ngặt vì tôi đang bị mật thám Pháp theo dõi giám sát gặt gao, không tiện cho viêc đi lại. Việc xúc tiến lôi cuốn hội viên của Hội và tìm minh chủ hai đệ có thể cáng đáng được không?

(Còn nữa)

CVL