Ông Già Bến Ngự (Tiểu thuyết lịch sử) - Kỳ 24

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tác phẩm “Ông Già Bến Ngự” là Tập X trong Bộ tiểu thuyết lịch sử Việt Nam Diễn Nghĩa của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2023.          

Kỳ 24.

Phan Chu Trinh sinh ngày 19-9 năm 1872, biệt hiệu Tây Hồ, còn có biệt hiệu khác là Hy Mã, quê quán ở làng Tây Lộc, huyện Tiên Phước, phủ Tam Kỳ,  tỉnh Quảng Nam. Cha là Phan Văn Bình, quản cơ sơn phòng, tham gia phong trào Cần Vương, mẹ là Lê Thị Trung, con gái nhà danh gia vọng tộc. Bà thông thạo chữ Hán. Năm Phan Chu Trinh lên 6 tuổi thì mẹ mất, ông phải đi theo cha lên sơn phòng, được cha dạy chữ và dạy võ. Sau khi cha mất, ông về quê sống với anh là Phan Văn Cừ và tiếp tục đi học. Phan Chu Trinh học giỏi, năm 27 tuổi được vào trường tỉnh, học chung với Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Đình Hiến, Phan Quang và Phạm Liêu.

          Khoa thi năm Canh Tý 1900, Phan Chu Trinh đỗ cử nhân thứ ba ở trường Thừa Thiên. Năm 1901 ông đỗ Phó bảng, đồng khoa với Ngô Đức Kế (Tiến sĩ) và Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc. Do người anh cả mất nên Phan Chu Trinh phải về quê chịu tang và ở nhà dạy học. Năm Quý Mão 1903 Phan Chu Trinh được bổ nhiệm làm Thừa biện Bộ lễ. Năm 1905, Phan Chu Trinh từ quan và đi Nam du với bạn học Trần Quý Cáp để biết sĩ khí dân tình và tìm bạn đồng chí hướng. Khi đến Bình Định, gặp kỳ thi khảo học thường niên của tỉnh, ba ông giả làm các khóa sinh làm một bài phú, ký tên chung là Mộng Giác, nội dung kêu gọi sĩ tử thức tỉnh lo việc giải phóng nước nhà khỏi ách lao khổ. Bài phú làm chấn động tỉnh Bình Định nhưng không biết tác giả là ai. Ba ông tiếp tục đi đến phía Nam Trung Kỳ, trên đường đi kết bạn thêm với Trương Gia Mô, Hồ Bang Tá, Nguyễn Hiệt Chi, Nguyễn Quý Anh. Sau cuộc Nam du, Phan Chu Trinh đi các tỉnh phía Bắc như Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nội, gặp gỡ các sĩ phu tiền bối, rồi lên thăm Hoàng Hoa Thám ở Yên Thế. Qua quan sát căn cứ và nghĩa quân, Phan Chu Trinh cho rằng Yên Thế khó mà tồn tại lâu dài. Năm nay (1906), Phan Chu Trinh đã đi Quảng Đông, từ Quảng Đông đang về Nhật Bản để gặp Phan Bội Châu.

          Đêm đã khuya, Phan Bội Châu chìm vào giấc ngủ chập chờn. Trong giấc ngủ Phan Bội Châu nhớ lại những cuộc gặp nhau với Phan Chu Trinh là năm 1903 ở Huế, khi đó Phan Chu Trinh vẫn làm ở Bộ lễ, cuộc gặp lần thứ hai là vào năm 1904 khi Phan Bội Châu từ Nam Thịnh sơn trang của Tiểu La ghé vào thăm nhà Huỳnh Thúc Kháng ở Thanh Bình, Tiên Phước, Quảng Nam. Sáng hôm sau ăn sáng xong, Phan Bội Châu được Tăng Bạt Hổ dẫn đường, đi đến thành phố cảng Kanagiawa ở phía đông Tô Ki ô, thuộc đảo chính Hoshu. Giống như Tô ki ô, thành phố cảng Kanagiawa phát triển nguy nga sầm uất, biệt thự lâu đài, nhà cao tầng, thấp tầng soi bóng xuống vịnh Tô Ki ô. Sóng biển dập dờn, tàu thuyền ra vào tấp nập, người đi lại buôn bán đông như hội. Đây là bến cảng mà ông, Tăng Bạt Hổ, Đặng Tử Kính lần đầu đến Nhật đã đến và sau này thành cửa ngõ quen thuộc để các ông đi vào Tô ki ô.

        Chờ canh giờ sau ở bến cảng thì Phan Bội Châu, Lương Ngọc Quyến trông thấy Phan Chu Trinh từ bến tàu xách va ly đi lên cầu cảng. Phan Bội Châu, Lương Ngọc Quyến đi lại gần đón Phan Chu Trinh. Lại gần Lương Ngọc Quyến chắp tay cúi chào:

-Kính chào ngài tiên sinh Phan Tây Hồ.

Phan Bội Châu cũng cúi mình:

-Xin chào tiên sinh Phan Tây Hồ.

Phan Chu Trinh chắp tay:

-Xin chào ngài Phan Sào Nam.

-Xin chào tiên sinh Lương Ngọc Quyến.

Lương Ngọc Quyến đáp:

-Xin kính chào, nghe danh ngài từ lâu nay mới được gặp.

Lương Ngọc Quyến thấy Phan Chu Trinh đúng là con người duy tân đổi mới, ông bận một bộ vét kiểu Tây Âu, bên trong áo sơ vin trắng cổ cồn thắt ca la vát.

Ba người bắt xe về Tô Ki ô. Phan Chu Trinh ở lại Tô ki ô suốt bốn tháng ròng, làm quen với Đặng Tử Kính, Cường Để, được Phan Bội Châu và Cường Để dẫn đi gặp các nhà yêu nước Việt Nam ở Nhật Bản, gặp và bút đàm với Lương Khải Siêu. Trong một số buổi tối ăn cơm và uống trà, Phan Chu Trinh hỏi Phan Bội Châu:

-Phong trào Đông Du do huynh và Tiểu La phát động, hiện nay đã được bao nhiều người sang Nhật để học rồi?

-Đa tạ tiên sinh đã quan tâm, cho tới nay đã được 200 người.

Phan Chu Trinh nói:

-Trong con đường cứu nước của huynh tôi chỉ tán thành mỗi một việc là đưa thanh niên đi du học, còn lại tôi phản đối hết.

Phan Bội Châu hỏi:

-Tiên sinh nói rõ hơn.

-Thứ nhất, không nên bạo động vũ trang chống Pháp. Theo quan điểm của tôi, dân ta dân trí còn thấp, phải dựa vào Pháp mà nâng cao dân trí, từ nâng cao dân khí thì nâng cao dân trí, từ nâng cao dân khí, dân trí thì tiến tới mưu cầu dân sinh. Khi tiến tới nhu cầu dân sinh thì phải đi theo con đường dân chủ, cải cách xã hội, sau đó nâng cao dân quyền, khi đó mới có thể mưu tính độc lập. Khẩu hiệu lúc này là Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh.

Phan Bội Châu, Cường Để, Đặng Tử Kính, Lương Ngọc Quyến chăm chú ngồi nghe. Phan Chu Trinh hùng hồn như đang diễn thuyết:

-Chấn dân khí là thức tỉnh tinh thần tự cường, hiểu quyền lợi của mình, dám tố cáo sự nhũng loạn của cường hào, sự bóc lột của quan lại. Thứ hai khai dân trí là bỏ lối học tầm chương trích  cú, mở trường dạy chữ quốc ngữ, kiến thức khoa học thực dụng, bài trừ hủ tục mê tín và thói xa hoa, thứ ba Hậu dân sinh là khuyến khích dân học nghề nghiệp, lập các hội buôn, sản xuất hàng nội hóa, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp.

Muốn thực hiện được dân khí, dân trí, dân sinh phải hợp tác với Pháp. Pháp sẽ khai hóa cho chúng ta. Ngược lại phải chống phong kiến, phải lật đổ chế độ phong kiến vì phong kiến là thối nát, chỉ đưa đất nước đến nghèo nàn, duy trì thói bảo thủ lạc hậu.

Phan Chu Trinh ngừng nói, bê ly nước mà Đặng Tử Kính vừa rót như chờ Phan Bội Châu trả lời.

Phan Bội Châu nói:

-Cảm ơn tiên sinh đã chỉ giáo, nhưng tôi thấy chủ trương của tiên sinh cũng không đúng lắm, nếu không muốn nói là ảo tưởng huyền thoại. Chúng ta nhìn lại tính ra đã 46 năm nay nếu tính từ năm 1858 và đã 22 năm nay nếu tính từ năm 1884 thì Pháp đã làm gì để khai hóa cho nhân dân Việt Nam hay là chỉ đồng hóa về văn hóa, chính trị thì hà khắc, làm gì có nhân quyền, dân quyền, dân chủ tự do, chỉ thấy có bắt bớ, giam cầm giết hại tù đày. Về kinh tế còn ra sức đặt ra hàng trăm loại thuế còn phi lý nặng nề hơn cả các thời phong kiến. Siêu cao thuế nặng đã làm đời sống nhân dân đói khổ điêu đứng. Nông dân hầu hết bị cướp đoạt ruộng đất để chúng lập đồn điền. Đặc biệt chính sách cho vay nặng lãi, vơ vét nguyên vạt liệu khoáng sản quý đem về chính quốc. Đó là sự vơ vét rất dã man tàn khốc. Hiện nay chúng có mở mang đường sá cầu cống chỉ để phục vụ cho hành quân đàn áp, chở nguyên vật liệu đã khai thác về nước. Chúng có mở mang thành phố là để phục vụ cho nền cai trị. Chúng có xây các nhà máy điện, nhà máy này nhà máy kia cũng là để phục vụ cho đời sống của chính quyền Pháp ở Đông Dương. Cả Đông Dương và cả Việt Nam đã có bao nhiêu trường Đại học, ít ỏi như vậy nhưng trường Đại học đó cũng chỉ đào tạo văn hóa Pháp và đào tạo tay sai. Tiên sinh xem suốt nửa thế kỷ qua, Pháp có muốn và có thực tâm khai hóa cho nhân dân ta không? Chúng ta xin nó khai hóa nhưng chúng kiên quyết không khai hóa. Con đường của tiên sinh thật là ảo tưởng, không khác gì con cừu non van xin con hổ đói đừng ăn thịt mình, hãy nuôi cho ta béo và ta với ngươi là bạn của nhau...

Phan Chu Trinh đáp:

-Vấn đề cải cách duy tân là lâu dài và phải kiên nhẫn, Như chủ trương của tiên sinh khi rước quân Nhạt đuổi được quân Pháp, quân Nhật có chịu rút đi mà trao trả độc lập cho Viêt Nam không? Hay chỉ là đuổi hổ cửa trước, rước sói cửa sau. Tiên sinh không nhìn thấy tham vọng của Nhật sau chiến tranh Trung-Nhật 1894 và đặc biệt là sau chiến tranh Nga-Nhật sao?

Trong ba lần gặp chưa lần nào mà Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh lại trao đổi với nhau thẳng thắn như vậy. Kỳ Ngoại Hầu Cường Để nói:

-Phan Sào Nam tiên sinh và Phan Tây Hồ tiên sinh ai cũng có cái lý của mình, ai đúng ai sai xin chờ lịch sử trả lời. Xin hai tiên sinh đi nghỉ, mai Phan Tây Hồ tiên sinh còn lên đường về nước sớm.

Phan Chu Trinh nói:

-Kỳ Ngoại hầu Cường Để nói đúng, chúng ta chờ lịch sử trả lời. Nhưng sau khi về nước tôi sẽ phát động phong trào Duy Tân, một phong trào cách mạng không cần bạo lực, không cần đổ máu, không cần giết một người Pháp nào mà cũng sẽ thắng lợi.

(Còn nữa)

CVL