Ông Già Bến Ngự (Tiểu thuyết lịch sử) - Kỳ 22

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tác phẩm “Ông Già Bến Ngự” là Tập X trong Bộ tiểu thuyết lịch sử Việt Nam Diễn Nghĩa của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2023.    

Kỳ 22.

-Đệ nói qua chúng tôi nghe với.

Tăng Bạt Hổ uống thêm một ly nước và nói:

-Lương Khải Siêu sinh ngày 23-2 năm 1873 tại làng Tân Hội, một hòn đảo thuộc Giang Môn, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc trong một gia đình nông dân bậc trung. Năm 1890 ông đỗ cử nhân, năm 1891 gặp Khang Hữu Vi khi đó đang dạy học ở Vạn Mốc Thảo Đường. Hai người cùng quan điểm bài xích cựu học và nhiều vấn đề thời cuộc khác. Lương Khải Siêu tôn Khang Hữu Vi làm thầy, ông thành người đi đầu trong phái tân học, làm thư ký cho thầy soạn sách. Năm 1894, Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu lên Bắc Kinh làm quen với các danh sĩ như Hạ Tăng Hựu, Đàm Tự Đồng.

         Tháng 7 năm 1894, Nhật Bản đánh bại Trung Quốc, tiêu diệt Hạm đội Trung Quốc ở A San-Nha Sơn thuộc Triều Tiên. Bị một nước nhỏ đánh thua, nhiều kẻ sĩ Trung Quốc thức tỉnh, thấy phải thay đổi chế độ, phải duy tân đất nước mọi mặt để chấn hưng nước nhà thì mới cứu được Trung Quốc. Khi về kinh thi hội, Khang Hữu Vi đã vận động 1.300 sĩ tử ký tên vào bức thư vạn chữ (Vạn ngôn thư) gửi cho hoàng đế nhà Thanh đề nghị hoàng đế không phê chuẩn Điều ước Mã Quan-Hiệp ước bất bình đẳng với Nhật Bản và triều đình phải làm gấp biến pháp duy tân. Trong khi đó ở Quảng Đông, Lương Khải Siêu đã thảo thư với nội dung tương tự kèm chữ ký của 190 cử nhân Quảng Đông gửi vua Quang Tự. Thư của hai thầy trò dâng lên không đến được tay vua nhưng làm chấn động kinh thành. Từ thế kỷ XII đời Nam Tống đến nay, cuối thế kỷ XIX mới có một phong trào học trò dâng thư cho Hoàng đế.

        Tháng 6 năm 1896, Khang Hữu Vi đỗ tiến sĩ và khi đó đang làm ở Bộ công, cùng Lương Khải Siêu lại dâng thư đề nghị Hoàng đế biến pháp (Cải cách). Lần này nhờ có thầy dạy Hoàng đế là trạng nguyên Ông Đồng Hòa giúp, thư mới đến được tay vua Quang Tự. Quang Tự mời Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu vào cung. Khi nghe xong hai người trình bày biến pháp, Quang Tự tỏ ra rất đồng tình.

         Tháng 7 năm 1896, Khang Hữu Vi cho ra tờ báo Trung Quốc ngoại ký văn và thành lập Cường Học hội, giao cho Lương Khải Siêu làm chủ bút tờ báo và lãnh đạo hội.

         Lương Khải Siêu viết báo, dịch sách và cùng các thành viên của Hội đi diễn thuyết nhiều nơi hô hào biến pháp, thành lập nhiều Cường Học hội ở các nơi trong nước như Thượng Hải, Nam Kinh, Hồ Nam... Cùng bạn bè là Đàm Tự Đồng, Hoàng Tôn Hiến, Đường Tải Thường, Uông Khang Niên ra tờ “Thời báo”, báo thời sự ở Thượng Hải và tờ Tường học báo ở Hồ Nam, dịch 3.000 loại sách Tây học để tuyên truyền biến pháp.

         Ngày 11 tháng 6 năm 1898 (Mậu Tuất) công cuộc biến pháp bắt đầu bằng hàng loạt sắc lệnh của hoàng đế Quang Tự như mở trường học, làm đường sắt, cải cách chế độ thi cử, giảm biên chế các tổ chức hành chính, luyện tập quân đội theo lối mới... Chưa đầy 3 tháng hơn 100 đạo chiếu được ban ra, khẩu hiệu là “Toàn biến và tốc biến”. Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu được Hoàng đế phong cho chức Kinh khanh để có điều kiện lo công việc. Đàm Tự Đồng thành viên của phái Duy Tân khuyên Quang Tự đoạt quyền từ tay Từ Hi Thái Hậu. Việc bại lộ, Từ Hi Thái Hậu từ Di Hòa Viên trở bắt giam vua Quang Tự ở Doanh Đài trong hồ Tây Uyển, sau đó bà ta phế bỏ biến pháp, cấm hội họp, cấm báo chí, truy nã các chủ bút. Trong hai tuần, Từ Hi Thái hậu đã “Toàn hủy và “Tiêu hủy” cải cách của vua Quang Tự. Sử gọi là “Chính biến Mậu Tuất”, là “Bách nhật duy tân” (Duy tân 100 ngày). Từ Hi Thái hậu bắt giết Đàm Tự Đồng và hơn 100 người nữa, trong đó có Khang Quảng Nhân là em của Khang Hữu Vi. Riêng Lương Khải Siêu phải trốn sang Nhật Bản.

         Ở Nhật Lương Khải Siêu lập Đảng Bảo hoàng mong lật đổ Từ Hi Thái hậu, phò trợ vua Quang Tự. Lương Khải Siêu đã xuất bản báo Thanh Nghị ủng hộ Hoàng đế Quang Tự. Sau đó hai ông Lương và Khang chuyển quan điểm chính trị sang quân chủ nghị viện. Lương Khải Siêu ra tờ Tân dân tùng báo để cổ vũ cho chính thể này.

        Lương Khải Siêu là học giả, nhà báo, nhà triết học, nhà cải cách, nhà văn, nhà thơ.

        Phan Bội Châu nghe xong thở dài nói:

       -Chính quyền trong tay mà Duy Tân còn gian nan như vậy thì ở nước không còn độc lập như ta thực là khó khăn, có thể nói là không thể thực hiện được.

        Sớm hôm sau, ăn sáng xong, ba người đi gặp Lương Khải Siêu. Đó là một người đàn ông trên 30 tuổi, mặt dài cằm vuông cắt tóc ngắn, mặc áo sơ vin trắng, cổ tròn thắt ca la vát màu đen, mặc áo khoác đen bên ngoài, quần tây, quả đúng là con người duy tân thể hiện ngay ở cách ăn mặc. Lương Khải Siêu chắp tay chào ba người, ba người chắp tay đáp lễ. Sau một lượt trà, Lương Khải Siêu bút đàm với Phan Bội Châu vì ba người không biết tiếng Trung, còn Lương Khải Siêu không biết tiếng Việt. Cuộc bút đàm diễn ra bằng chữ Hán. Đại lược Lương Khải Siêu viết rằng hoàn cảnh Việt Nam cũng giống như Trung Quốc, chế độ lạc hậu thối nát, bảo thủ đã giam hãm hai quốc gia trong vòng lạc hậu và Việt Nam đã bị Pháp xâm lược, còn Trung Quốc cũng đang bị liệt cường xâu xé, chiếm đất đai rộng lớn làm tô giới, làm khu vực ảnh hưởng, Trung Quốc đã và đang bị mất độc lập, bị biến thành nước nửa thuộc địa nửa phong kiến. Rồi ông kể biến pháp 100 ngày nhằm đổi mới đất nước, cứu Trung Quốc thì bị Từ Hi Thái hậu, thế lực bảo thủ phản động phản công, giết chết 100 nhà cải cách. Vua Quang Tự là cháu Từ Hi Thái hậu (con của em gái Từ Hi Thái hậu), gọi Từ Hi Thái hậu là bác bị giam ở Doanh Đài, không biết còn sống hay đã chết.

        Bút đàm đến đó, Lương Khải Siêu mặt buồn thảm nhìn về phía tây xa xăm. Ông đang nhìn về Tổ quốc Trung Hoa đang bị dày xéo bởi thế lực các liệt cường và bị kiềm tỏa trong tay chính bọn phong kiến Trung Hoa bảo thủ, phản động. Ông như đang nhìn thấy bóng dáng vua Quang Tự, linh hồn của cuộc biến pháp vì lợi ích của đất nước mà đánh đổi ngai vàng bằng số phận bi thảm.

        Phạn Bội Châu, Đặng Tử Kính, Tăng Bạt Hổ cũng im lặng buồn bã cùng Lương Khải Siêu. Lâu sau Lương Khải Siêu lại bút đàm tiếp với Phan Bội Châu. Lương Khải Siêu viết, thứ nhất, Việt Nam không thể mời quân đội Nhật vào Việt Nam đánh Pháp, vì hiện nay họ đã hé lộ dã tâm tham vọng đất đai không kém gì các nước phương Tây. Nhật Bản đang tranh giành thuộc quốc của nhà Mãn Thanh là Triều Tiên, nhòm ngó đông bắc và bán đảo Liêu Đông, đảo Đài Loan của Trung Quốc. Cho nên nếu quân đội Nhật vào Việt Nam đánh Pháp, đánh được rồi khó mà đuổi họ ra khỏi Đông Dương được. Thứ hai việc trước mắt của Duy Tân hội là đưa thanh niên sang Nhật du học để học tri thức khoa học quân sự, khoa học kỹ thuật để phục vụ cho chấn hưng đất nước của Việt Nam sau này. Một trong những nguyên nhân làm cho Nhật Bản phát triển như bây giờ là sau cách mạng 1868, họ đã cho rất nhiều thanh niên đi du học ở các nước Tây Âu. Thứ ba Duy Tân hội bây giờ phải viết nhiều sách báo để cổ vũ tinh thần yêu nước của nhân dân Việt Nam để họ giác ngộ, sau đó xây dựng lực lượng vũ trang tiến hành vũ trang cách mạng. Mặt khác sách báo cũng góp phần phổ biến tri thức mới cho đồng bào tạo cho cuộc duy tân cách mạng được dễ dàng.

         Đến gần trưa cuộc bút đàm kết thúc. Ba người mời Lương Khải Siêu ra nhà hàng ăn trưa. Tăng Bạt Hổ thông thạo nên gọi món mì miramen, một món ăn nổi tiếng của người Nhật Bản. Phan Bội Châu để ý thấy người Nhật Bản khi ăn họ nâng bát mì lên tận miệng để tránh rơi nước, rơi mì lãng phí. Ăn xong mì Tăng Bạt Hổ gọi trà. Ông nói người Nhật Bản ở đây thích uống trà thì vào trà đạo, có qui định nghiêm ngặt về cách uống trà bao gồm quân áo, bàn ghế và phong cảnh thiên nhiên ngồi uống trà.

        Ăn uống xong đã quá trưa sang chiều, ba người chia tay nhau trong sự đồng cảm nước mất lưu vong để tìm đường cứu nước. Ba người ra về, nắng rải  xuống Tô Ki ô trắng xóa, mây bay trên trời xanh tạo nên những hình thù kỳ quái. Hoa anh đào màu trắng, màu đỏ, màu hồng rực rỡ dưới nắng nhưng lòng ba người buồn khôn tả sau cuộc bút đàm với Lương Khải Siêu, về tương lai mịt mờ của con đường phía trước.

         Từ sau khi gặp Lương Khải Siêu cho đến mùa hạ năm 1905, Tăng Bạt Hổ đi gặp bạn bè xưa trong Hải quân, chủ yếu là bàn lại với Tsuy Oshi về trường mà du học sinh Việt Nam sẽ sang học tập. Đặng Tử Kính khi thì đi với Tăng Bạt Hổ, khi thì ở nhà học tiếng Nhật, tối về cả hai cùng đọc sách Tân thư do Okuma, Tsuy Oshi cho và Lương Khải Siêu tặng. Còn Phan Bội Châu ngày cũng như đêm ngồi viết “Việt Nam vong quốc sử”gửi về nước, nói về lịch sử mất nước vào tay Pháp của Việt Nam và kêu gọi thanh niên sang Nhật Bản đi du học để về cứu nước, để chấn hưng đất nước, đi cầu học để thành nhân tài làm nền tảng cho chấn hưng dân trí, dân khí.

        Sau khi viết xong “ Việt Nam vong quốc sử”, trong một đêm tháng 6 năm 1905, Phan Bội Châu nói với Tăng Bạt Hổ:

        -Ngày mai đệ ở lại chuẩn bị đón du học sinh sang, tôi và Đặng Tử Kính đem tài liệu về nước để phổ biến cho Duy Tân hội, cho đồng bào, gặp Tiểu La Nguyễn Thành chính thức phát động phong trào Đông du. Đệ thấy thế nào?

        Tăng Bạt Hổ đáp:

       -Kế hoạch của huynh tôi sẽ chấp hành.

       (Còn nữa)

      CVL